Nghị quyết lịch sử lần 3 xác lập vị trí của Tập Cận Bình… bị nội bộ phản đối?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nghị quyết lịch sử lần 3 xác lập vị trí của Tập Cận Bình… bị nội bộ phản đối?

Từ ngày 8-11/11, Phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 đã thông qua Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 của ĐCSTQ. 

Nhưng ngày 13/11 đã xảy ra một dấu hiệu bất thường trong báo cáo của tờ Tân Hoa Xã với tiêu đề: ‘Ghi chép bên lề của Phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khoá 19 của đảng: Vì thắng lợi và vinh quang lớn hơn’. Bài viết đã vô tình tiết lộ một đoạn ám chỉ rằng: những người tham gia phiên họp này đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. 

Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình (ảnh ghép từ nhiều nguồn).

Như mọi người đã biết, hạt nhân chống đỡ vững chắc nhất của ĐCSTQ chính là lợi ích nhóm, hễ nhóm này cãi nhau ắt hẳn phải có chuyện liên quan đến lợi ích.

Vậy thì Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 này đề cập đến điều gì; tại sao nó lại uy hiếp đến lợi ích, từ đó dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa của các thành viên Uỷ ban Trung ương? 

Nhà sử học, đồng thời là người am hiểu chính trường và hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 16/11 đã phân tích đoạn trong Tân Hoa Xã và một mẩu tin có tính khả tín trên Twitter để làm rõ cuộc tranh cãi của các thành viên Uỷ ban Trung ương, đồng thời kể một câu chuyện trong ‘Tả truyện’ kèm theo bình giá của Khổng Tử, từ đó giải đáp các vấn đề trên như sau.

Tân Hoa Xã vô tình tiết lộ cuộc tranh cãi gay gắt của các thành viên Uỷ ban Trung ương về Nghị quyết lịch sử lần 3

Trong ‘ghi chép bên lề’ của tờ Tân Hoa Xã ngày 13/11 một đoạn có nội dung vô cùng kỳ lạ. Là người am hiểu về hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ, Giáo sư Chương đã trích từng đoạn rồi giải thích tương ứng như sau.

Đầu tiên là đoạn: “Từ sáng ngày 8/11 đến chiều ngày 11/11, các thành viên Uỷ ban Trung ương và Uỷ viên dự khuyết Trung ương đã phân thành 10 nhóm, sau đó thảo luận về văn kiện của đại hội. Các vị Thường Uỷ Bộ Chính trị đi sâu vào từng nhóm để lắng nghe ý kiến và giao lưu cùng mọi người”. Đoạn này nói về bối cảnh của phiên họp.

Tiếp theo, Tân Hoa Xã viết: “Trong khi họp nhóm, mọi người tranh nhau phát biểu, không khí sôi nổi hẳn lên. Đôi lúc có đồng chí vừa mới cất tiếng, thì có vài đồng chí khác đã đứng dậy chuẩn bị phát biểu. Sau phiên họp, mọi người vẫn muốn tiếp tục, mọi người lần lượt liên tiếp vừa đi vừa trao đổi”. 

Giáo sư Chương nhìn nhận, đoạn này ám chỉ mọi người lúc đó đang… cãi nhau, nếu không thì Tân Hoa Xã không cần viết “có đồng chí vừa mới cất tiếng, thì có vài đồng chí khác đã đứng dậy chuẩn bị phát biểu”, biểu quyết chính trị không cần phải kịch liệt như thế. “Sau phiên họp, mọi người vẫn muốn tiếp tục, mọi người lần lượt liên tiếp vừa đi vừa trao đổi” chính là có rất nhiều vấn đề vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Vấn đề chưa đạt được đồng thuận là gì? Tân Hoa Xã đã viết một đoạn rất quan trọng kế tiếp: “Lịch sử 100 năm của đảng trải qua một khoảng thời gian dài, liên quan đến phạm vi rất rộng, cần nghiên cứu rất nhiều vấn đề. Ví như xử lý thế nào cho tốt mối quan hệ giữa nghị quyết lịch sử mới này và 2 nghị quyết lịch sử trước đó, đây là vấn đề mà các đồng chí quan tâm”.

Giáo sư Chương cho rằng, đây là tâm điểm của cuộc tranh cãi: Tập Cận Bình muốn bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới. 

Vậy thì mối quan hệ giữa giai đoạn lịch sử này với giai đoạn trước đó là gì?

Nghị quyết lịch sử thứ hai thông qua vào năm 1981 dưới thời Đặng Tiểu Bình với những nội dung là: cải cách mở cửa, bãi bỏ chế độ làm cán bộ lãnh đạo suốt đời, tuân thủ lãnh đạo tập thể, không thiết lập độc tài cá nhân và sùng bái cá nhân v.v.

Nếu phủ định nghị quyết lịch sử thứ hai, đảo ngược những điều nêu trên, thì nghị quyết lịch sử thứ ba sẽ đặt Tập Cận Bình vào vị trí ngang hàng với Mao Trạch Đông, Giáo sư Chương nhận định. 

Những vấn đề này cần được làm rõ ràng, nên mọi người trong phiên họp mới tranh cãi gay gắt. Tân Hoa Xã viết tiếp: “Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chỉ ra trong một bản giải trình: Từ khi thành lập đảng đến cải cách mở cửa, vấn đề đúng – sai trọng đại trong lịch sử đảng, trên cơ bản đã được giải quyết ở 2 nghị quyết trước đó, những luận thuật và kết luận trên cơ bản vẫn còn thích hợp cho việc sử dụng đến ngày nay”.

Giáo sư Chương nhìn nhận, đây là một thoả hiệp bất đắc dĩ mà Tập Cận Bình phải thực hiện, bởi vì vốn dĩ ông Tập muốn phủ định cải cách mở cửa. Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 9/11, Giáo sư Chương đã phân tích một bài viết của Tân Hoa Xã mà trong đó đề cập đến một câu rất quan trọng: “Cải cách mở cửa đã tiến nhập vào giai đoạn kết thúc”, ý tứ là sau cải cách, ông Tập sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới. 

Sự việc này đối với cán bộ được đề bạt sau cải cách mở cửa như Lý Khắc Cường, Uông Dương… họ sẽ không chịu nổi. Phủ định cải cách mở cửa chính là phủ định lối thoát phát triển kinh tế Trung Quốc, do đó đối với Lý Khắc Cường, Uông Dương, họ không muốn quay lại thời kỳ ‘bế quan toả cảng’ khiến kinh tế trở nên tồi tệ. 

Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, đây không phải mấu chốt sự việc, mà điều then chốt nhất của cuộc tranh cãi nằm ở vấn đề: liệu có nên khôi phục chế độ ‘cán bộ lãnh đạo phục vụ suốt đời’ hay không. Sở dĩ rất nhiều người phản đối việc này là vì: chế độ ‘cán bộ lãnh phục vụ suốt đời’ ảnh hưởng đến an toàn của mỗi cá nhân trong ĐCSTQ.

Mẩu tin có tính khả tín trên Twitter tiết lộ cuộc tranh cãi ở Phiên họp toàn thể lần thứ 6

Trên Twitter, một người dùng có tên là Hàn Liên Triều đã đăng một bức ảnh tiết lộ cuộc tranh cãi trong phiên họp này. Tuy thông tin này chưa được các phương tiện truyền thông chính thức xác nhận, nhưng Giáo sư Chương phân tích rằng: nó hợp lý về mặt logic và khớp với thông tin mà Tân Hoa Xã đưa vào ngày 13/11.

Đoạn tweet của Hàn Liên Triều đăng ngày 16/11 tiết lộ cuộc tranh cãi trong Phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Là người am hiểu về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương vừa trích dẫn thông tin trong đoạn tweet, vừa giải thích như sau. 

“Tin tức bất ngờ: Thường Uỷ Lý Khắc Cường đề xuất trong Phiên họp toàn thể rằng: cần phải làm rõ mối quan hệ giữa nghị quyết thứ 3 với 2 nghị quyết trước, đặc biệt là nghị quyết thứ 2 liệu có được tính hay không. Điều này đã dẫn đến tranh luận”. 

Giáo sư Chương giải thích rằng, Lý Khắc Cường không thể chịu được việc phủ định nghị quyết thứ 2, bởi vì nghị quyết thứ 2 đã mở ra công cuộc cải cách mở cửa, đã cho những người am hiểu về kinh tế như Lý Khắc Cường ‘đất dụng võ’.

Tiếp theo: “Lý Khắc Cường, Uông Dương, Hàn Chính, 3 người này nhất trí với Nghị quyết lần 2 [năm 1981 khi Đặng Tiểu Bình kiên quyết cải cách mở cửa, đồng thời phủ định Nghị quyết lần thứ nhất của Mao Trạch Đông]. Lật Chiến Thư cho rằng hình thế hiện nay đã thay đổi [tức phủ định Nghị quyết lần 2]. Triệu Lạc Tế thì đang mơ hồ. Nhất tôn [ám chỉ Tập Cận Bình] khai mạc phiên họp rồi biểu đạt thái độ rằng: 2 Nghị quyết trước đây được tính”.

Giáo sư Chương phân tích, điều này tương đương với việc có ít nhất 4 phiếu (4/7 vị Thường Uỷ) cho việc ‘không phủ định 2 Nghị quyết trước đây’, bao gồm: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Hàn Chính. Còn Lật Chiến Thư thì phủ định, Triệu Lạc Tế thì mơ hồ. Ở đây đã có 6 vị Thường Uỷ, vậy thì còn thiếu một người nữa đó là Vương Hỗ Ninh. 

Giáo sư Chương cho rằng, Nghị quyết thứ 3 này dường như là do Vương Hỗ Ninh soạn, nhưng lại bị Lý Khắc Cường, Uông Dương, Hàn Chính phản đối. Vương Hỗ Ninh thì không biểu đạt thái độ, do đó Tập Cận Bình thấy tình huống không ổn lắm nên đã không phủ định 2 Nghị quyết trước đây. 

Tiếp đến, trong bức ảnh mà Hàn Liên Triều đăng có viết rằng: “10 nhóm đã thảo luận trong 3 ngày với trọng điểm là mối quan hệ giữa Nghị quyết thứ 3 với 2 Nghị quyết còn lại. Thảo luận rất dữ dội, tranh luận cũng rất lớn”. 

Những điều đề cập trong mẩu tin của Hàn Liên Triều lại vừa khớp với những điều mà Tân Hoa Xã báo cáo, vì thế Giáo sư Chương mới cho rằng tin tức này có tính khả tín, và đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những tham gia Phiên họp toàn thể lần thứ 6 này. 

Hậu quả của ‘lãnh đạo cá nhân’ và chế độ ‘cán bộ lãnh đạo phục vụ suốt đời’

Giáo sư Chương đánh giá, Nghị quyết thứ 3 và thứ nhất không có mối quan hệ gì lớn, nhìn chung khá giống nhau. Còn Nghị quyết thứ 2 không chỉ liên quan đến cải cách mở cửa, mà còn liên quan đến… sự giàu có và cuộc sống của tất cả các thành viên Uỷ ban Trung ương có mặt trong phiên họp. Bởi vì Nghị quyết lịch sử thứ 2 đã quyết định xoá bỏ chế độ cán bộ lãnh phục vụ suốt đời, sau đó đề xuất kiên trì với lãnh đạo tập thể. 

Nếu phủ định lãnh đạo tập thể, sau đó thiết lập sùng bái cá nhân, để Tập Cận Bình làm ‘nhất tôn’ (lời lãnh đạo nói mới được tính), ông Tập sẽ giống như Mao Trạch Đông, lời nói ra là ‘nhất ngôn cửu đỉnh’, lúc này những người xung quanh ông Tập sẽ ‘không rét mà run’.

Về cơ bản, hiện nay là ‘lãnh đạo tập thể’, dù Tập Cận Bình có ‘nhất tôn’ thì những vị Thường Uỷ vẫn có thể biểu quyết, vậy thì chính sách hoặc cách làm của ông Tập có thể không được thực thi. Nhưng nếu Tập Cận Bình ‘nhất ngôn cửu đỉnh’, thì lúc này Thường vụ Bộ Chính trị chỉ đơn thuần là cơ quan chấp hành. Ví như ông Tập ‘nhất tôn’ nói muốn phát động CMVH, các thành viên khác của Ban Thường vụ không được phản bác; điều này sẽ giống như năm xưa Mao Trạch Đông phát động CMVH, không một ai dám phản đối.

Nếu Tập Cận Bình đạt được địa vị ‘nhất ngôn cửu đỉnh’, thì bất kỳ ai đắc tội với ông Tập, người đó sẽ bị giáng chức ngay lập tức. Do đó những người này vì để cân nhắc cho sự an toàn của chính mình, họ sẽ không chấp nhận chế độ độc tài của ông Tập. 

Còn về chế độ cán bộ lãnh phục vụ suốt đời thì Giáo sư Chương nhìn nhận: vốn dĩ Tập Cận Bình hoặc rất nhiều người 70-80 tuổi sẽ nghỉ hưu, như thế sẽ có rất nhiều vị trí trống để dành lại cho những người thế hệ tiếp theo như là Uỷ viên Trung ương, hoặc Uỷ viên Trung ương dự khuyết. Nhưng nếu cán bộ lãnh đạo phục vụ suốt đời, con đường thăng tiến của những người sau sẽ bị chặn lại, do đó không ai muốn Tập Cận Bình hay cán bộ nào ngồi ở vị trí đó suốt cả. 

Câu chuyện nói về Lễ trong ‘Tả truyện’ có bình giá của Khổng Tử

Trong ‘Tả truyện’ có một điển cố, chính là ở nước Vệ thời Xuân Thu có một người tên là Trọng Thúc Vu Hề (còn gọi là Trọng Thúc) cứu đại phu nước Vệ là Tôn Hoàn Tử. Vì có công như vậy nên nước Vệ muốn phân đất phong thưởng cho Trọng Thúc. Trọng Thúc nói rằng mình không cần đất phong, mà chỉ cầu 2 thứ, một thứ là ‘Khúc huyền’, thứ còn lại ‘Phồn anh’. ‘Khúc huyền’ và ‘Phồn anh’ là gì? Chính là vật mà chỉ Chư hầu mới có. Khi đó quân vương nước Vệ đồng ý yêu cầu của Trọng Thúc. 

Sau này khi Khổng Tử bình giá câu chuyện này đã nói rằng: “Duy có Danh và Khí là không thể cho người thường”. Danh ở đây là danh vị, Khí tức là đồ vật (Khúc huyền và Phồn anh trong câu chuyện trên). Nước Vệ đã cấp Khí vật cho Trọng Thúc, điều này tương đương đã cấp Danh vị cho anh ta. 

Khổng Tử cho rằng nước Vệ không thể cấp Danh và Khí cho Trọng Thúc, bởi vì hễ làm như vậy thì anh ta giống như một Chư hầu, người khác cũng muốn làm Chư hầu, cũng muốn có quân đội riêng, tài chính riêng, có quyền bổ nhiệm/bãi nhiệm trên mảnh đất của mình. Như vậy sẽ là uy hiếp cực lớn đối với quân đội nước Vệ.

Chúng ta biết rằng Nho gia thời Trung Quốc cổ đại rất chú trọng Lễ (禮). Bởi vì giữa Thiên tử và Chư hầu, Thiên tử và Đại phu, là một loại quan hệ tôn – ti, trên – dưới. Quan hệ này không thể dựa vào lực lượng quân sự để duy, cũng không thể dựa vào sự thông minh của Thiên tử. Thiên tử đôi khi không phải là người thông minh nhất quốc gia, dù cho như thế cũng không đảm bảo rằng hậu duệ của Thiên tử là người thông minh nhất. 

Vậy dựa vào điều gì để duy trì tôn ti trật tự, để cấp dưới nghe lời cấp trên? Chính là dựa vào Lễ để ước thúc. Nếu cấp cho người thường Danh phận và Khí vật của cấp trên, sẽ có thể khiến người ấy… lật đổ cấp trên. 

Từ câu chuyện trên, Giáo sư Chương nhìn nhận việc các thành viên Uỷ ban Trung ương thừa nhận địa vị của Tập Cận Bình, điều này tương đương với việc cấp cho ông Tập vị trí của Mao Trạch Đông. Khi Tập Cận Bình có được Danh Khí rồi, ông Tập có thể làm rất nhiều sự việc. Nếu Tập Cận Bình có điều gì bất mãn với bất kỳ vị Thường Uỷ nào, ông Tập có thể xử lý họ trong tức khắc.

Những người làm đến chức Uỷ viên Trung ương hoặc Uỷ viên dự khuyết Trung ương chắc chắn không phải người ngốc. Họ nhất định có rất nhiều hiểu biết về lịch sử, họ sẽ cảm nhận được nếu Tập Cận Bình đạt được quyền lực như Mao Trạch Đông, chắc chắn sẽ tạo thành uy hiếp cực lớn đối với họ. Cho nên những người này mới có cuộc tranh luận nảy lửa để phản đối Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 thiết lập vị trí của Tập Cận Bình như vậy.

Mạn Vũ

https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-quyet-lich-su-lan-3-xac-lap-vi-tri-cua-tap-can-binh-bi-noi-bo-phan-doi.html