Tin Tổng Hợp – 16/11/21
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung: Vẫn đối đầu gay gắt trên vấn đề Đài Loan
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến diễn ra sáng nay, 16/11/2021, theo giờ Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhau gần 4 tiếng đồng hồ, nhưng lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đối đầu gay gắt với nhau trên vấn đề Đài Loan.
Nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi đồng nhiệm Hoa Kỳ không nên « đùa với lửa » trong hồ sơ Đài Loan, trong khi tổng thống Mỹ một lần tuyên bố chống lại việc thay đổi một cách đơn phương nguyên trạng của hòn đảo mà Bắc Kinh xem là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Từ Washignton, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình:
« Tập Cận Bình và Joe Biden đã quen biết nhau từ lâu. Trước đây, khi còn chưa lên nắm quyền lãnh đạo tối cao, hai ông đã từng nói chuyện với nhau hàng giờ. Cho nên, họ đã một lần nữa nói chuyện với nhau đến gần 4 tiếng đồng hồ.
Nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc có tỏ vẻ vồn vả với người « bạn cũ » thì cũng hoài công, vì quan hệ cá nhân và những lời lẽ thân mật giữa hai ông vẫn không có nghĩa lý gì so với các lợi ích của hai cường quốc đối địch. Publicité
Thông cáo của Nhà Trắng sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến này đã đi thẳng vào vấn đề, nêu bật những quan hệ rất phức tạp giữa hai quốc gia và nói rất rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và các giá trị của mình cùng với các đồng minh và để bảo đảm là hệ thống thế giới được tự do, rộng mở và công bằng.
Tiếp đến Nhà Trắng liệt kê những điểm bất đồng với Bắc Kinh : nhân quyền, thương mại, bảo vệ tự do hàng hải. Về Đài Loan, vấn đề chủ yếu gây căng thẳng giữa hai cường quốc, tổng thống Joe Biden một lần nữa tuyên bố chống lại mọi thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương, trong khi Bắc Kinh thì liên tục biểu dương sức mạnh đối với hòn đảo này.
Thông cáo của Nhà Trắng tỏ ý muốn có những biện pháp ngăn ngừa để tránh cho cuộc tranh đua giữa hai nước biến thành xung đột. Tuy không giúp làm giảm căng thẳng, thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden ít ra đã là dịp để hai bên giải thích về mối căng thẳng này.»
Bắc Kinh: Mỹ “đùa với lửa”
Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc thượng đỉnh với tổng thống Joe Biden, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố: «Nhà cầm quyền Đài Loan đã nhiều lần muốn dựa vào Hoa Kỳ để đòi độc lập và một số người ở Mỹ muốn dùng Đài Loan để kềm chế Trung Quốc». Theo lãnh đạo họ Tập, «đây là một xu hướng rất nguy hiểm, chẳng khác gì đùa với lửa.»
Hãng tin AFP cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, tổng thống Biden cũng đã bày tỏ quan ngại về chính sách của Trung Quốc ở vùng Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông và về tình hình nhân quyền nói chung. Ông cũng chỉ trích những biện pháp về thương mại và kinh tế «không công bằng» của Trung Quốc.
Thanh Phương
Quốc phòng Nhật – Việt và tác động khu vực
Quan hệ quốc phòng gần gũi hơn giữa Nhật Bản và Việt Nam có thể có tác động đến an ninh khu vực nhưng chưa đến mức khiêu khích Trung Quốc, theo ý kiến hai chuyên gia nói với BBC News Tiếng Việt.
Tàu sân bay trực thăng JS Kaga và khu trục hạm JS Murasame thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, cùng 581 sĩ quan và thủy thủ đoàn, đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam từ ngày 5 tới 7/11.
Hai tàu tiến hành một cuộc diễn tập với tàu hộ vệ Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam.
Hồi tháng Chín, thăm Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã ký Thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản.
Những diễn biến này chứng tỏ quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đã bước vào giai đoạn phát triển mới.
Đối tác ‘quan trọng’
Nói về cuộc diễn tập Việt – Nhật tại Cam Ranh tháng này, tiến sĩ Jagannath Panda, nhà nghiên cứu tại MP-IDSA, New Delhi, Ấn Độ, cho rằng sự kiện là một phần của mối quan hệ thân thiết trên biển đang gia tăng giữa hai nước.
“Việt Nam đang dần nổi lên như một đối tác hàng hải quan trọng của Nhật Bản. Trên thực tế, ngành công nghiệp đóng tàu đang phát triển của Việt Nam tìm kiếm cơ hội đóng tàu quân sự, và như vậy việc chia sẻ công nghệ của Nhật Bản có thể tạo ra không gian rộng lớn cho sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa cả hai nước.”
Nhật Bản, vào đầu tháng 10, chứng kiến ông Fumio Kishida được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng thứ 100 của nước này.
Nói với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Kei Koga, từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận xét chính sách ngoại giao của Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh liên tục, hơn là thay đổi.
“Theo nghĩa này, Nhật Bản sẽ cố gắng không ngừng tăng cường quan hệ với Việt Nam,” ông Kei Koga nói.
‘Lo ngại Trung Quốc’
Quan hệ gần gũi hơn giữa Nhật Bản và Việt Nam, một phần còn vì lo ngại của nhiều nước về Trung Quốc.
Tại cuộc gặp hai bộ trưởng quốc phòng Nhật – Việt tháng Chín tại Hà Nội, hai bên nói về “tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra trong khu vực”.
Mặc dù Việt Nam không nói thẳng tên Trung Quốc, nhưng giới quan sát nhận định Việt Nam cùng một số nước Đông Nam Á thời gian qua đã chịu nhiều áp lực dồn dập trên Biển Đông vì Trung Quốc.
Trong khi đó, QUAD, viết tắt của Đối thoại Tứ giác An ninh, diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, đã thảo luận về biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Kei Koga nói: “Rõ ràng, Nhật Bản có mong muốn chính trị để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Á.”
QUAD và sự ra đời mới đây của AUKUS (Mỹ, Anh, Úc) đang cho thấy những thay đổi trong tính toán an ninh khu vực của các đại cường.
Các cấu trúc đa phương này đang và sẽ tác động tới các quan hệ song phương lẫn các thể chế đa phương trong Đông Nam Á.
Tiến sĩ Jagannath Panda, nhà nghiên cứu tại MP-IDSA, New Delhi, Ấn Độ, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Việc Việt Nam hội nhập sâu hơn với các diễn đàn Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể thúc đẩy sức mạnh tổng hợp hướng tới một trật tự khu vực đa cực, dựa trên luật lệ và giúp đẩy mạnh hơn nữa chiến lược cân bằng Trung Quốc của Quad, và sau này có thể mở ra cánh cửa cho sự tham gia của ASEAN.”
Tiến sĩ Kei Koga, từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng mối quan hệ Việt – Nhật sẽ không đến mức làm khiêu khích Trung Quốc.
“Sự hiện diện của hải quân Nhật Bản ở Đông Nam Á vẫn còn hạn chế, vì vậy sẽ không quá đe dọa đối với Trung Quốc.”
“Việt Nam không hoàn toàn liên kết với Hoa Kỳ, Nhật Bản hay phương Tây để chống Trung Quốc. Vì vậy, điều này sẽ không gây ra tác động chiến lược đáng kể.”
Tiến sĩ Kei Koga nói: “Trung Quốc sẽ chỉ trích về mặt ngoại giao các cuộc diễn tập tương tự nếu quan hệ giữa Việt Nam, Nhật Bản với Trung Quốc xấu đi một cách nhanh chóng, nhưng tôi không cho rằng điều này xảy ra lúc này.”
https://www.bbc.com/vietnamese/59307470
Tai tiếng Tô Lâm: ‘chính quyền để mọi việc chìm xuồng’?
Vụ tai tiếng Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở Anh ‘đẩy chính quyền vào thế bị động, lúng túng’ và chỉ còn cách ‘để mọi việc tự lắng xuống’ còn ông Lâm ‘chỉ bị ảnh hưởng về uy tín’ chứ ‘sẽ không bị suy suyển gì’, một nhà quan sát từ trong nước nhận định với VOA.
Trước đó, hình ảnh video rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy ông Tô Lâm há miệng được ‘Thánh rắc muối’ Salt Bae đút cho miếng thịt bò dát vàng đã gây bão trên mạng xã hội. Ông Lâm bị lên án là xa xỉ, phung phí, đạo đức giả vì trước đó ông vừa đi viếng mộ nhà lãnh đạo cách mạng vô sản Karl Marx ở London.
Hình ảnh được cho là được ghi lại trong chuyến công cán mà ông Lâm tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 hồi cuối tháng 10. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa rõ bối cảnh của sự việc vì cả bản thân ông Lâm và chính quyền vẫn chưa lên tiếng mặc dù đã gần hai tuần lễ trôi qua từ lúc sự việc vỡ lở.
Điều này khác với khi Đại tá Đinh Văn Nơi, giám đốc công an tỉnh An Giang, hồi đầu tháng 10 bị tung lên mạng đoạn ghi âm ông trao đổi về việc An Giang không tiếp đón dân về quê tránh dịch. Chính quyền đã nhanh chóng cho rằng đây là ‘sản phẩm cắt ghép, dàn dựng, sai sự thật’ của ‘tổ chức phản động nước ngoài’ và yêu cầu công an khởi tố vụ án để điều tra.
‘Chờ lắng xuống’
Theo dõi chặt chẽ phản ứng của báo chí về vụ việc, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, cho biết báo chí trong nước ‘gần như hoàn toàn im hơi lặng tiếng’.
“Đó là sự khôn ngoan của báo chí, họ biết mình phải làm gì,” ông Vinh trao đổi với VOA từ Hà Nội.
Ông Vinh cho rằng nếu chính quyền không lên tiếng bác bỏ hay đính chính thì công chúng mặc nhiên có quyền khẳng định hình ảnh trong đoạn clip đó là xác thực. Ngoài ra, việc hàng chục tờ báo và trang mạng có uy tín trên thế giới đều đã đưa tin ‘chứng tỏ nó đã được kiểm chứng rất chắc chắn’, ông Vinh nói.
Sự im lặng của chính quyền càng tạo điều kiện cho mọi người tung ra đủ mọi suy đoán và thuyết âm mưu, cũng theo ông Vinh, và điều này không có lợi cho chính quyền.
Tuy nhiên, ông cho rằng vụ việc đang ‘đặt chính quyền vào thế khó’ vì họ không biết xử lý thế nào cho ổn thỏa. “Tôi tin rằng không có cách nào vì đây là khủng hoảng quá đặc biệt nên họ chỉ chờ cho thời gian qua đi thôi,” ông Vinh nói.
Trong bối cảnh người dân trong nước đang gặp đủ vấn đề từ dịch bệnh COVID-19, nguy cơ lạm phát, kinh tế, đời sống khó khăn rồi dồn dập các hoạt động đối ngoại cuối năm thì ‘chính quyền có lý do để cho rằng chuyện của ông Tô Lâm sẽ bị lãng quên’, ông phân tích.
Trước bão dư luận, sau khi về nước từ châu Âu ông Lâm vẫn xuất hiện bình thường trước công chúng và phát biểu trước Quốc hội như không có gì xảy ra. Mới đây nhất, ông Lâm đến dự và phát biểu tại ‘Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc’ ở tỉnh Điện Biên hôm 14/11.
Blogger này cho rằng việc ông Lâm làm việc theo lịch trình đã định sẵn ‘là việc bình thường’ chứ ‘không phải để khỏa lấp hay đánh lạc hướng dư luận’.
Mới đây từ khóa tìm kiếm liên quan đến vụ việc ông Tô Lâm bị chặn trên mạng xã hội. Trong bối cảnh mọi việc đã có dấu hiệu dịu bớt, ông Vinh cho rằng đây là hành động ‘thiếu khôn ngoan’ vì ‘làm cho đám cháy cháy to hơn’.
‘Có thể bị khuấy lên lại’
Blogger này, vốn từng là công an và từng bị tuyên án 5 năm tù về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’, cho rằng cách làm hiện nay của chính quyền ‘tiềm ẩn nhiều rủi ro’.
“Giả sử trong một cuộc tiếp xúc cử tri nào đó sắp tới để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội, nếu có cử tri nào đứng lên thắc mắc về chuyện này thì nó sẽ lại bùng lên,” ông phỏng đoán.
“Nhất là đối với đề tài chống tiêu cực, tiết kiệm, những điều đảng viên không được làm mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động nên rất dễ bị người dân nêu lên để hỏi tổng bí thư,” ông Vinh nói thêm. “Khi đó báo chí sẽ có cơ hội để nhảy vào.”
Theo ông Vinh thì do ông Tô Lâm là lãnh đạo rất cao cấp, là một ủy viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực, nên xử lý những vấn đề liên quan đến ông ‘là rất khó’. “Phải được sự đồng thuận của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban Tuyên giáo, thậm chí cả bên Bộ Ngoại giao nữa thì mới đưa ra được cách xử lý,” ông giải thích.
Tuy nhiên, ‘nếu ông Tô Lâm khôn ngoan thì ông ấy nên chủ động trao đổi với các vị kia để tìm ra cách giải quyết’, ông Vinh nhấn mạnh. “Ông ấy chỉ phải trả một cái giá nho nhỏ là xong chuyện,” ông nói.
Theo lời ông thì đối với các lãnh đạo ở cấp như ông Lâm thì việc ‘giao tiếp, đãi đằng, nghi lễ vì công việc mà phải có cũng là chuyện bình thường, thậm chí là nghiệp vụ của ngành công an’. Nhưng khi người dân biết được thì họ ‘sẽ thấy không bình thường’.
“Cái đó cần phải giải thích ra cho người dân biết [đi ăn với ai, vì mục đích gì…],” ông nói. “Nhưng cái tử huyệt là ở chỗ càng giải thích ra thì lại càng lộ chuyện này chuyện kia về bí mật công việc.”
‘Mất uy tín’
Đánh giá về tác động của vụ việc đối với ông Tô Lâm, Blogger Nguyễn Hữu Vinh nói: “Ít nhất về uy tín thì trong mắt người dân tôi tin là đã bị ảnh hưởng rồi.”
Tuy nhiên, nếu soi kỹ thì ‘cũng không rõ việc ông Tô Lâm làm có phạm vào các điều đảng viên không được làm’ hay không.
“Cần phải biết chính xác bữa ăn này là cái gì? Thành phần, mục đích, nguyên nhân rồi tiền bạc chi trả ra sao,” ông Vinh giải thích.
Măc dù vậy, hình ảnh ông Tô Lâm thể hiện trên đoạn clip như vậy, theo đánh giá của ông Vinh, là ‘thiếu văn hóa’. “Một lãnh đạo cao cấp mà ăn uống theo phương pháp đó là không xứng đáng với tư cách,” ông nhận định.
Trả lời câu hỏi của VOA tại sao một vị đứng đầu an ninh trong nước mà lại bất cẩn để cho hình ảnh không mong muốn của mình bị quay lại rồi phát tán cho công chúng, ông Vinh cho rằng ‘đây là điều đau đớn’ đối với ông Tô Lâm.
Tuy nhiên, nó không thể hiện ông Tô Lâm có nghiệp vụ yếu kém, cũng theo ông Vinh, vốn cho biết bản thân ông ‘từng đi học chung, từng công tác trong một cục ở Bộ Công an và từng thân với ông Tô Lâm’.
“Tính ông ấy từ khi đi học bạn bè với nhau đều hiểu là ông ấy rất xuề xòa,” ông Vinh nói. “Ông Tô Lâm không phải là người có bề dày làm công tác nghiệp vụ mà chủ yếu làm công tác tham mưu.”
“Cho nên trong chuyện này trách nhiệm chính là những người cấp dưới năng lực kém khi để cho hình ảnh lãnh đạo của mình bị đưa lên mạng như thế,” ông nói thêm. “Bên cạnh đó, đây cũng là căn bệnh chung của các lãnh đạo Việt Nam là khi chức càng to và quyền hành càng lớn thì dễ bị chủ quan.”
Nghị sĩ 20 nước phản đối quan chức công an Trung Quốc ứng cử vào Interpol
Chính quyền Trung Quốc đã đề cử Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc, ông Hồ Bân Sâm, tham gia tranh cử vào ban điều hành của Interpol. Hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, theo Vision Times.
VOA hôm 15/11 cho biết, Interpol có trụ sở tại Pháp sẽ tổ chức hội nghị tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 23 đến 25/11 và bầu thành viên ban điều hành mới, trong đó có hai vị trí dành cho người châu Á.
Ngoài Hồ Bân Sâm, hai ứng cử viên châu Á còn lại đến từ Singapore và Ấn Độ.
“Liên minh liên nghị viện xuyên quốc gia về các vấn đề Trung Quốc” (IPAC) và nhiều nhóm nhân quyền đã lên tiếng công khai và phản đối mạnh mẽ việc bầu Hồ Bân Sâm vào Ủy ban điều hành Interpol.
Theo SCMP, gần 50 nghị sĩ thuộc IPAC từ 20 quốc gia đã ký thư gửi về nước họ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc ông Hồ ứng cử vào Interpol. Họ bày tỏ lo lắng rằng nếu ông Hồ thắng cử, Bắc Kinh sẽ lợi dụng vị trí của ông này để phát động một cuộc săn lùng toàn cầu đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông và người Tây Tạng lưu vong.
Nhà hoạt động nhân quyền Bill Browder nói rằng nếu để ông Hồ vào được Interpol thì không khác gì việc để “sói quản lý chuồng gà”. Ông Browder cũng lưu ý rằng cộng đồng quốc tế phải đề phòng sự xâm nhập sâu hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào Interpol, để không lặp lại lịch sử kiểm soát Interpol của Đức Quốc xã vào năm 1938.
Nhóm nhân quyền Safeguard Defenders cho biết, Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc, nơi Hồ Bân Sâm làm lãnh đạo, là đơn vị chuyên phụ trách truy lùng người Trung Quốc ở nước ngoài. Năm 2020, số lệnh truy nã người trốn ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần.
Ivanka Nguyễn
(AFP) – Mỹ thông qua đạo luật chưa từng có về cơ sở hạ tầng. Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden đã ký một văn bản luật, dành 1200 tỷ đô la Mỹ cho sửa chữa và nâng cấp cầu đường ở Hoa Kỳ, ngày hôm qua, thứ Hai 15/11/2021. Khoản tiền khổng lồ này cũng cho phép phát triển hệ thống giao thông công cộng và mạng Internet tốc độ cao. Theo Biden, đạo luật mới này sẽ đặt Mỹ vào “thế thắng trong cuộc cạnh tranh” với Trung Quốc.
(Reuters) – Vương Quốc Anh xác định được nghi phạm chính của vụ nổ ở Liverpool. Cảnh sát Anh hôm nay, ngày 16/11/2021, đã xác định Emad Al Swealmeen 32 tuổi, bị nghi là thủ phạ chính trong vụ nổ xe taxi vào chủ nhật tuần trước, gần bệnh viện Liverpool. Giới chức Anh cho biết nghị phạm chính đã chết trong vụ nổ, hành động này được cho là khủng bố. Các nhà điều tra cho rằng, El Swealmeen đã mang theo bom tự chế. Động cơ gây án vẫn chưa được xác định.
(AFP) – Amazon loại bỏ bao bì giao hàng bằng nhựa tại Pháp. Trong một thông cáo báo chí ngày hôm qua, Amazon thông báo sẽ thay thế toàn bộ bao bì nhựa đóng gói hàng hóa bằng giấy hoặc carton tại Pháp từ nay đến cuối năm.Năm 2020, khoảng 1,5 triệu gói hàng đã được bán ra từ các dịch vụ thương mại điện tử tại quốc gia này. Vào tháng 7 năm 2021, 14 công ty thương mại điện tử đã ký cam kết với chính phủ Pháp về việc giảm số lượng bao bì giao hàng, ít nhất là 75 % bao bì từ nay đến năm 2024.
(AFP) – Cựu cố vấn cho Donald Trump ra hầu tòa. Cựu cố vấn cấp cao của Donald Trump, ông Steve Bannon ra hầu tòa ngày hôm qua thứ Hai, ngày 15/11/2021, về tội “cản trở đặc quyền điều tra của Quốc Hội” trong vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1. Sau phiên điều trần, Steve Bannon tuyên bố sẽ tiếp tục “tấn công” chống lại quyền lực của Biden. Kín đáo, nhưng có ảnh hưởng lớn, ông Steve Bannon đóng vai trò lớn trong chiến dịch bầu cử của Donald Trump năm 2016, bằng cách đưa ra một bước ngoặt, hướng chiến dịch theo chủ nghĩa dân túy. Publicité
(Reuters) – Liên Âu dự kiến từ nay đến năm 2025 có một lực lượng quân sự 5.000 người. Lực lượng này sẽ được chia thành các đơn vị bộ binh, hải quân và không quân và phải có khả năng gia nhập bất cứ lực lượng thường trực nào tùy theo tình hình khủng hoảng và tránh lệ thuộc vào Mỹ. Tối 15/11/2021, các ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên bắt đầu thảo luận về dự án tại Bruxelles. Mục tiêu là từ nay đến tháng 03/2022 sẽ có văn bản chính thức về “Khả năng triển khai nhanh của Liên Âu”.
(AFP) – Ô nhiễm bụi siêu nhỏ khiến năm 2019 châu Âu có thêm hơn 300.000 người chết sớm. Dù đã giảm 10% so với một năm trước đó, nhưng con số trên vẫn cao ở mức đáng báo động. Đức, Ý là những nước có đông nạn nhân nhất, còn tính theo tỉ lệ dân số thì Bồ Đào Nha là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo báo cáo Cơ quan môi trường châu Âu công bố ngày 15/11/2021, số người chết vì bụi siêu nhỏ lẽ ra đã có thể giảm 50% nếu 27 nước thành viên tôn trọng các quy chuẩn mới về chất lượng không khí mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đưa ra.
(AFP) – Hồng Kông thanh minh cho việc miễn 3 tuần cách ly cho chủ tịch – tổng giám đốc ngân hàng Mỹ JP Morgan. Ông Jamie Dimon hôm 15/11/2021 có chuyến thăm Hồng Kông chớp nhoáng 32 giờ mà không bị cách ly theo quy định nghiêm ngặt của đặc khu hành chính này. Theo lãnh đạo Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đó là vì “lý do kinh tế”, ông Jamie Dimon làm việc cho “một ngân hàng rất lớn” và chỉ lưu lại Hồng Kông ít giờ nên ít có nguy cơ làm virus corona lây lan.
(Reuters) – Việt Nam: Một người nuôi trồng thủy sản bị tòa kết án 7 năm tù vì phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước”trên Facebook. Phán quyết của tòa án tỉnh Khánh Hòa được đưa ra hôm qua 15/11/2021. Nguyễn Trí Gioãn, 42 tuổi, bị kết tội “làm, tàng trữ, truyền bá thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm mục đích chống lại Nhà nước”, vì đã đăng thơ và hình ảnh lên Facebook để “xuyên tạc, vu cáo và bôi nhọ” lãnh đạo đảng, nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau khi mãn hạn tù, ông Gioãn sẽ bị quản thúc tại gia 3 năm. Facebook chưa có phản hồi về thông tin nói trên.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211116-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p