Tin Trong Nước – 12/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 12/11/21

Gần 9.000 ca COVID-19, lo ngại mùa đông xuân miền Bắc dịch phức tạp

Dân Trí – Ngày 12/11, Việt Nam ghi nhận 8.976 ca Covid-19 tại 56 tỉnh, thành, với 4.180 ca cộng đồng. Các chuyên gia lo ngại dịch ở phía Bắc, Hà Nội vẫn phức tạp do đặc thù thời tiết mùa đông xuân.

Cụ thể tại TP.HCM (1.388), Đồng Nai (813), An Giang (661), Bình Dương (654), Tiền Giang (634), Tây Ninh (517), Kiên Giang (403), Đồng Tháp (383), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Vĩnh Long (284), Cà Mau (258), Bạc Liêu (252), Cần Thơ (178), Bà Rịa – Vũng Tàu (177), Hà Nội (176), Khánh Hòa (170), Long An (110), Hậu Giang (101), Bình Phước (99), Trà Vinh (85), Bến Tre (84), Hà Giang (62), Đắk Nông (60), Bình Định (57), Thái Bình (54), Lâm Đồng (54), Bắc Ninh (49), Ninh Thuận (47), Nghệ An (47), Quảng Nam (45), Thừa Thiên Huế (44), Bắc Giang (42), Quảng Ngãi (38), Thanh Hóa (37), Đà Nẵng (34), Phú Thọ (34), Quảng Bình (33), Hải Dương (30), Quảng Trị (29), Nam Định (27), Gia Lai (23), Quảng Ninh (23), Hà Tĩnh (18), Hưng Yên (18), Hải Phòng (16), Hà Nam (11), Phú Yên (8 ), Lạng Sơn (6), Sơn La (5), Vĩnh Phúc (3), Thái Nguyên (2), Hòa Bình (2), Kon Tum (2), Điện Biên (2), Tuyên Quang (2).

Về số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 11/11 đến 17h30 ngày 12/11 ghi nhận 81 ca tử vong tại TP.HCM (42), Bình Dương (5), Tiền Giang (5), Long An (4), Kiên Giang (4), Bạc Liêu(4), Đắk Lắk (3), Tây Ninh (3), An Giang (2), Hà Giang (1), Trà Vinh (1), Thanh Hóa (1), Nghệ An (1), Đồng Nai (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1).

Như vậy kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.009.879 ca nhiễm. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 74 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.930 ca.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng có dấu hiệu COVID tăng trở lại. Ngoài tâm lý chủ quan, có một số nguyên nhân khác, như thời tiết lạnh miền Bắc, Tết đến tập thể đông người. Lưu ý các địa phương hết sức quan tâm chống dịch từ nay đến cuối năm, 2022, tăng phủ vắc-xin.

Ảnh tổng hợp.

Hà Nội thí điểm đổi xe máy cũ lấy xe mới

Zing – Sáng 12/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Chương trình thí điểm diễn ra từ ngày 12 đến 30/11, gồm các hoạt động đo kiểm khí thải, thí điểm tiếp nhận xe máy cũ mà người dân bỏ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới, khảo sát ý kiến người dân về tác động của chính sách kiểm soát khí thải xe máy.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đối với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002, người dân có nhu cầu chuyển đổi sang xe mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn.

Nếu đáp ứng điều kiện của chương trình, chủ phương tiện sẽ nhận được mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng. Khoản hỗ trợ tùy theo chính sách khuyến mại của từng hãng xe và giảm giá trực tiếp trên giá xe mới.

Điều kiện để được hỗ trợ đổi là xe có đăng ký tại Hà Nội, có đầy đủ các bộ phận.

Đối với xe máy từ 5 năm trở lên (đăng ký trước năm 2017), người dân được tặng dầu nhớt. Trường hợp xe không đạt chuẩn khí thải sẽ được hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng tối đa không quá 200.000 đồng/xe để sửa chữa các bộ phận liên quan đến khí thải.

Doanh nghiệp vận tải tăng giá cước theo xăng dầu

VnExpress – Giá xăng sau 5 lần tăng hiện đã lên sát 25.000 đồng một lít. Còn giá dầu cũng tăng 63-74% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho biết đã hết sức chịu đựng và buộc tăng giá cước vận tải mới có thể duy trì hoạt động.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh chia sẻ với phóng viên Vnexpress, công ty vừa gửi báo giá tăng 10% tới khách hàng. Ông Vinh bộc bạch “Giá dầu ở mức cao và không có chiều hướng giảm, chúng tôi đã cố cầm cự nhưng mới đây giá xăng tiếp tục tăng thêm đẩy giá các hàng hoá khác phục vụ cho vận tải tăng khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh để không lâm vào cảnh lỗ vốn”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải về hàng hoá khác cũng buộc phải điều chỉnh giá cước. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, hiện các doanh nghiệp trong hội điều chỉnh giá cước quanh mức 5-10%. Mức thương lượng cụ thể sẽ tuỳ thuộc giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Ông Hoàng, chủ doanh nghiệp vận tải có 30 đầu xe ở quận Tân Phú (TP HCM) cho rằng, “cực chẳng đã” công ty mới phải tăng giá cước vận chuyển thêm 10%. Lý giải nguyên nhân tăng giá cước, ông Hoàng cho rằng, năm nay doanh nghiệp bị bủa vây đủ loại chi phí. Trong đó, chi phí dầu chiếm 35%, phí duy trì xe tăng thêm 20%. Ngoài ra, lương trả cho người lao động buộc phải tăng vì dịch bệnh tài xế nghỉ hàng loạt. 

Ông Quản nói, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đứng trước quá nhiều thách thức như giá xăng dầu tăng, giá mặt hàng đầu vào như lốp xe, xăm xe, nhớt, mỡ tăng 20-30%, phải “cõng phí chồng phí”…

Ông Quản đề xuất “Đến nay, doanh nghiệp đã kiệt sức và không còn phương án nào để hạ nhiệt giá cước. Do đó, cách duy nhất để họ giảm bớt khó khăn là Nhà nước cần miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và BOT”. 

Ông cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hoá mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý.

Hàng viện trợ ‘mắc kẹt’ ở cảng

VnExpress – Hàng hóa do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài viện trợ TP.HCM phòng, chống dịch trị giá hàng tỷ đồng không được thông quan do vướng mắc thủ tục.

Đầu tháng 8, một kiều bào sống ở Australia liên hệ Ủy ban MTTQ TP.HCM tặng 6 máy thở xâm nhập đã qua sử dụng. Máy còn mới 80%, đang trong thời hạn bảo hành, do Mỹ sản xuất với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho hay, lúc đó đợt dịch thứ tư ở thành phố vào hồi cao điểm. Hàng chục nghìn bệnh nhân đang điều trị, hàng nghìn ca bệnh nặng phải thở máy. Với kinh phí hiện có, người tặng có thể mua 3 máy mới nhưng vì quá sốt ruột nên chuyển sang tặng 6 máy đã sử dụng với hy vọng giúp nhiều người hơn.

Tuy nhiên, theo quy định các máy thở đã sử dụng là hàng hóa cấm nhập khẩu. Bộ Y tế chỉ cấp giấy phép nhập trang thiết bị y tế tương tự với mục đích nghiên cứu, đào tạo, không thực hành trên người. Thành phố đã có văn bản gửi Chính phủ xem xét nhưng Bộ Y tế tham mưu không đồng ý.

“Đến nay 6 máy thở này vẫn ‘đắp chiếu’ ở cảng. Người tặng rất buồn vì sự giúp đỡ của họ đã không đến được người dân lúc cần”, bà Châu nói.

Sự việc tương tự khi một tổ chức Hàn Quốc tặng thành phố 20 xe cứu thương sản xuất từ năm 2015. Song quy định hiện hành chỉ cho phép nhập xe sản xuất từ năm 2019 nên phía mặt trận phải từ chối tiếp nhận dù thời điểm tháng 7-8 các cơ sở y tế ở thành phố thiếu xe cứu thương.

Không chỉ gặp khó khăn về thiết bị y tế đã qua sử dụng, hàng hóa do các tổ chức, cá nhân viện trợ cho thành phố như thuốc men, thực phẩm chức năng cũng gặp trở ngại về thủ tục. Hiện, mặt trận TP HCM bị “kẹt” ở cảng Cát Lái 22.000 hộp sữa cho trẻ em do kiều bào sống ở Australia và 4.000 lọ vitamin D do kiều bào ở Mỹ gửi tặng.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, dịch còn dài, thời gian tới còn có nhiều tổ chức, cá nhân gửi hàng viện trợ cho người dân thành phố. Vừa qua, Mặt trận TP HCM có rất nhiều văn bản đề nghị chính quyền thành phố gửi Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ nhưng mọi việc vẫn không thông. “Không thể một lô sữa gửi về lại đi gửi công văn cho mấy nơi”, bà Châu nói.

Lãnh đạo Mặt trận TP.HCM đề nghị Chính phủ nên có văn bản hướng dẫn cụ thể với từng nhóm hàng và yêu cầu các cơ quan chuyên môn liên quan cùng tham gia giải quyết. Điều này nhằm tránh tình trạng khi mặt trận gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan né tránh với lý do “việc này không phải của tôi”.

Phát hiện kháng thể có khả năng vô hiệu hóa mọi biến thể COVID-19

Theo khoahocdoisong, các nhà khoa học vừa phát hiện kháng thể DH1047 có khả năng vô hiệu hóa virus Corona, tiêu diệt mọi biến chủng của SARS- CoV-2, kể cả biến chủng Delta.

DH1047 hoạt động bằng cách bám vào tế bào virus, sau đó vô hiệu hóa và ngăn không cho virus tái tạo.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (Mỹ) và Đại học Duke (Mỹ) thực hiện. 

Để phát hiện DH1047, nhóm nghiên cứu đã xác định và phân tích 1.700 kháng thể virus Corona trong đó có 50 kháng thể có khả năng bám vào tế bào virus của SARS-CoV-2 và SARS-CoV-1, loại virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào những năm 2000. Khi kháng thể bám được vào virus thì nó sẽ vô hiệu hóa được virus đó.

Trong số 50 kháng thể trên thì DH1047 đặc biệt hiệu quả. DH1047 có thể bám vào mọi loại virus Corona trên cả con người và động vật, bất kể virus có đột biến và sản sinh ra nhiều biến thể. Điều này cũng có nghĩa là DH1047 vẫn có thể hiệu quả với những loại virus Corona lây nhiễm sang người trong tương lai.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-12-11-ha-noi-thi-diem-doi-xe-may-cu-lay-xe-moi-doanh-nghiep-van-tai-tang-gia-cuoc-theo-xang-dau.html