Ðiểm Báo Pháp – 10/11/21
Đền bù ‘‘tổn thất’’ do biến đổi khí hậu: Chủ đề bất đồng gay gắt tại COP26
Những thông điệp mới của tổng thống Pháp về chính sách Covid, về kinh tế… trong bài diễn văn tối hôm qua, là chủ đề chính của báo Pháp hôm nay, 10/11/2021. Đây là bài diễn văn lần thứ 9 của tổng thống Macron kể từ đầu đại dịch Covid. Thương lượng căng thẳng tại Hội nghị Khí hậu lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow, Anh Quốc, đang bước vào những ngày cuối là một chủ đề trọng tâm khác. Quảng cáo
Về khí hậu, Le Monde chạy trang nhất hàng tựa: « Các nước đang phát triển yêu cầu trợ giúp để đối mặt với biến đổi khí hậu ». Le Monde nhấn mạnh đến « các thương lượng căng thẳng về vấn đề tài trợ khắc phục các tổn thất ». Đầu tư tài chính để cắt giảm khí thải, để thích ứng với biến đổi khí hậu và đền bù các tổn thất « không thể đảo ngược » do biến đổi khí hậu là ba mảng đầu tư chủ yếu được ghi nhận trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Tuy nhiên mảng thứ ba, mảng đền bù các tổn thất « không thể vãn hồi », đã và đang bị gạt sang bên lề.
Các nước giàu cố tình «bỏ quên» hơn 20% nhân loại ở «tuyến đầu»
Hôm thứ Hai, 08/11, thủ tướng Barbade, đảo quốc vùng Vịnh Caribê, bà Mia Mottley lên án việc các nước giàu đang nhắm mắt trước việc có đến « 20% hoặc 30% nhân loại đang sống tại các khu vực tuyến đầu mà biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây các tổn thất không thể vãn hồi ». Tất cả các quốc gia đều chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng tổn thất do bão lũ, nước biển dâng cao, khô hạn… đối với các nước kém phát triển nhất là lớn hơn cả. Theo một ước tính, tổn thất chỉ riêng đối với các nước đang phát triển đã là khoảng 290 đến 580 tỉ đô la/năm, từ đây đến 2030, và 1.700 tỉ đô la/năm đến 2050.
Các nước nghèo, các nước đang phát triển coi đây là một « bất công » lớn và kêu gọi các nước giàu thể hiện « tinh thần đoàn kết » hơn. Bà Lola Vallejo, phụ trách mảng Khí hậu của Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế (IDDRI) của Pháp, thừa nhận đây là một đòi hỏi chính đáng về mọi mặt, từ mặt đạo lý, chính trị, đến khoa học, tuy nhiên, hồ sơ này đã « không hề tiến triển ».
«Đền bù tổn thất» và hành động «phá húy kỵ» của Scotland
Theo Le Monde, các nước đang phát triển – được các tổ chức phi chính phủ hậu thuẫn – trong mỗi lần phát biểu đã liên tục đòi hỏi « xác lập một cơ chế tài chính đặc biệt giúp đối phó với các tổn thất, thiệt hại ». Nỗ lực này đã bị ngăn chặn chủ yếu từ phía Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Một nhà ngoại giao châu Âu giải thích, đây là một chủ đề « rất nhạy cảm », các nước giàu nhìn chung không chấp nhận tách chủ đề này thành một mảng riêng, mà muốn gắn liền vấn đề tài trợ cho việc « đền bù tổn thất » với việc tài trợ để « thích ứng » với biến đổi khí hậu. Các nước phát triển, chịu trách nhiệm về mặt lịch sử về biến đổi khí hậu « sợ rằng việc thừa nhận các tổn thất sẽ mở ra con đường cho các khiếu nại về pháp lý, và yêu cầu bồi thường tài chính ». Khởi đầu COP26, hai đảo quốc Antigua-và-Barbuda (Vịnh Caribê) và Tuvalu (Thái Bình Dương) đã tuyên bố tìm kiếm « các khả năng pháp lý » để kiện các nước phát thải lớn.
Việc đầu tư thêm tiền cho việc đền bù tổn thất có vẻ như là bất khả, trong bối cảnh cho đến nay, các nước giàu vẫn còn chưa thực hiện được khoản cam kết 100 tỉ đô la/năm mà các nước giàu, cho việc cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Le Monde cũng ghi nhận một vài tia sáng. Tại COP26 này, Scotland trở thành « vùng lãnh thổ giàu có đầu tiên » chính thức đầu tư tiền cho các tổn thất vì biến đổi khí hậu (số tiền tương đương 1,17 triệu euro). Với bà Franny Petitbon, phụ trách về khí hậu của Care France, số tiền nói trên chỉ là « một giọt nước so với các nhu cầu, nhưng điều quan trọng là hành động này đã phá vỡ một húy kỵ ».
Thành bại của COP26: Luxembourg và Jamaica được chỉ định tìm thỏa hiệp
Trước áp lực của các nước đang phát triển, ngày 08/11, chủ tịch COP26 đã chỉ định hai quốc gia – Luxembourg (đại diện cho khối các nước giàu) và Jamaica (đại diện cho các nước nghèo), phụ trách tìm ra các thỏa hiệp trong hồ sơ gai góc này. Nhà nghiên cứu Zoha Shawoo, Viện Môi trường Thụy Điển (Stockholm Environment Institute), cảnh báo : « Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, chính chủ đề này sẽ quyết định COP26 là thành công hay thất bại, cũng như có thể tác động đến tính chính đáng của các thương lượng về khí hậu nói chung ».
Vấn đề « các tổn thất không thể vãn hồi » do biến đổi khí hậu làm COP26 chao đảo cũng là một hồ sơ chính của nhật báo Công Giáo La Croix. Đặc phái viên của La Croix tại Glasgow, nơi diễn ra COP26, cũng ghi nhận việc công nhận hay không « các tổn thất không thể vãn hồi » là một trong các tiêu chí chủ yếu quyết định thành bại của COP26. La Croix cho biết, chuyên gia về đền bù tổn thất do khí hậu, ông Harjeet Singh (Climate Action Network), đã có mặt tại Glasgow cách đây ít ngày để tìm cách thúc đẩy cơ chế Varsava, được lập ra để thực thi điều 8 về Tổn thất do biến đổi khí hậu của Hiệp định Khí hậu Paris. Chuyên gia Harjeet Singh tố cáo thái độ « hoang tưởng » của các nước giàu, lo sợ bị đòi hỏi đền bù các tổn thất do lượng khí thải đã gây ra trong lịch sử. Bà Laurence Tubiana, một trong các kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris hy vọng các nước giàu thể hiện « tinh thần đoàn kết », trước khi bị các nước dễ tổn thương nhất kiện.
Lên án «thái độ đạo đức giả của phương Tây»
Về khí hậu, nhật báo kinh tế Les Echos cũng lên án thái độ đạo đức giả của các nước giàu. Les Echos giới thiệu trên trang nhất bài: « COP26 : Chấm dứt thái độ đạo đức giả của phương Tây ». Mở đầu bài phân tích, kinh tế gia Jean-Marc Daniel (giáo sư danh dự của trường ESCP) tố cáo lãnh đạo các nước giàu đưa ra nhiều cam kết cắt giảm khí thải CO2, nhưng có rất nhiều khả năng họ sẽ không giữ lời.
Kinh tế gia Pháp kêu gọi các nước có các chính sách chống biến đổi khí hậu thực sự, đặc biệt với việc xác lập thuế cacbon. Kinh tế gia Jean-Marc Daniel lấy ngay hành động của thủ tướng Anh Boris Johnson làm ví dụ, một mặt hô hào hành động vì khí hậu, mặt khác sử dụng máy bay để từ Glasgow trở về Luân Đôn (tao nhiều khí thải), chứ không phải bằng tàu hòa.
Theo kinh tế gia Pháp, để hành động một cách thực chất, chính quyền các nước cần tăng mạnh thuế cacbon đánh vào các năng lượng hóa thạch, và ngược lại, giảm các loại thuế khác để việc tăng thuế nói trên được xã hội chấp nhận. Song song vào đó là việc khuyến khích các cách tân, cải tiến kỹ thuật, công nghệ giúp cho việc chuyển qua nền kinh tế xanh, thông qua việc giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Thương thuyết ngày càng khó: Các nước đang phát triển đòi 1.300 tỉ đô la/năm
Về các thương thuyết liên quan đến thuế cacbon tại COP26, theo Les Echos, đặc phái viên Khí hậu Mỹ, John Kerry cho biết hy vọng có một thỏa thuận về các quy tắc vận hành thị trường cacbon, nhưng chủ tịch COP Alok Sharma tỏ ra không lạc quan với nhận định thương thuyết về chủ đề này đang trở nên khó khăn hơn nhiều « trong những giờ gần đây » với việc thêm nhiều yêu sách từ phía các nước nghèo. Theo Les Echos, các nước đang phát triển đã thống nhất quan điểm, yêu cầu các nước giàu chi trung bình ít nhất 1.300 tỉ đô la/năm cho khí hậu, kể từ 2030. Một nửa số tiền sẽ dành để giảm khí thải, nửa còn lại dành cho thích nghi với biến đổi khí hậu.
1.300 tỉ đô la chắc chắn là một khoản tiền khổng lồ. Nhưng báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ của LHQ (GIEC) mới đây cũng chỉ ra là, nếu mức tăng nhiệt độ 1,5°C bị vượt qua vào năm 2030, các thảm họa do biến đổi khí hậu sẽ là khủng khiếp. Chỉ riêng một cơn bão lớn năm 2019 đã khiến GDP của Mozambic (quốc gia châu Phi) sụt giảm 25%.
Diễn văn của Tổng thống Pháp: Covid, việc làm, điện hạt nhân
Về diễn văn tối hôm qua của tổng thống Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến ba điểm chính « Covid, việc làm, hạt nhân ». Về Covid, giấy chứng nhận y tế sẽ tiếp tục được áp dụng từ 15/12 tới, với đối tượng đặc biệt được chú ý là người hơn 65 tuổi, bắt buộc tiêm liều nhắc lại thứ ba, và khoảng 6 triệu người Pháp hiện chưa tiêm chủng (Les Echos ghi nhận việc tổng thống gần như đã khẩn nài số người này đi tiêm). Điểm được Les Echos nhấn mạnh trong bài diễn văn là chủ trương xây thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân mới, cùng với tự bỏ kế hoạch cải cách hưu trí trong phần còn lại ít tháng của nhiệm kỳ tổng thống.
Xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân mới cùng lúc với việc phát triển các năng lượng tái tạo là chủ trương của tổng thống Pháp. Tổng thống Pháp nhấn mạnh là « việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân nằm trong chủ trương chung đẩy mạnh việc cắt giảm năng lượng hóa thạch ». Theo Les Echos, tổng thống Pháp hy vọng là chủ trương gắn liền điện hạt nhân với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ được người dân Pháp hưởng ứng, bởi khí hậu đang là một trong những quan tâm hàng đầu của người Pháp.
Về dự án cải cách hưu trí, được coi là cam kết tranh cử chính của ông Macron, tổng thống Pháp cho biết là hồ sơ này sẽ được tiếp tục xem xét sau cuộc bầu cử năm tới, với hai điều kiện, một là tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thứ hai là nền kinh tế phục hồi trở lại. Ông Macron cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc làm việc lâu hơn, về hưu muộn hơn. Bài diễn văn hôm qua cũng là dịp để tổng thống Macron khẳng định các kết quả về kinh tế, và đặc biệt là số lượng người thất nghiệp giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.
Diễn văn Macron: Đường lối «ngả sang hữu»?
Về diễn văn của tổng thống Macron, trang nhất Le Figaro chú ý đến việc « Macron mở đường cho việc tiêm chủng liều thứ ba bắt buộc ». Cũng như Les Échos, Le Figaro dáng dấp của « một diễn văn tranh cử » trong bài nói chuyện long trọng của tổng thống với người dân Pháp. Xử trí tốt cuộc khủng hoảng Covid để chủ động hơn trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp đến là ghi nhận chung của Le Figaro. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc tổng thống Pháp khẳng định rõ đường lối ngả sang hữu trong chiến lược tranh cử 2022, với trọng tâm là bảo vệ giá trị của việc làm và năng lượng hạt nhân.
Le Figaro có bài xã luận « Chính trị ra khỏi phong tỏa », nhấn mạnh đến không khí xã hội nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, sự kiện quan trọng của đời sống chính trị nước Pháp, một quốc gia dân chủ. Theo Le Figaro, có một tin vui, đó là « chính trị, thứ chính trị thực sự, đã lấy lại vị thế. Tối thứ Hai, hàng trăm nghìn người Pháp đã theo dõi phần trình bày cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên tổng thống sơ bộ đảng Những người Cộng Hòa (LR). Ngày hôm qua, nguyên thủ Pháp, như thể nối tiếp cuộc thảo luận nói trên, đã hoãn lại một cuộc cải cách hưu trí, thay vào đó là một phát biểu ca ngợi lao động và cổ vũ rõ ràng cho năng lượng hạt nhân ». Le Figaro vui mừng : « Không thể phủ nhận được là, mùa thu này, gió đang thổi về cánh hữu ».
Diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron cũng là chủ đề chính của nhật báo thiên tả Libération, ra số kép. Trang nhất Libération chạy tựa : « 2022 Macron kêu gọi tiêm chủng nhắc lại. Bốn tháng sau bài diễn văn trước, tối hôm qua, ông Macron tuyên bố tiếp tục chiến dịch tiêm chủng, trước khi dành nhiều thời gian để bảo vệ thành quả. Một cách để dành thế chủ động trong cuộc tranh cử tổng thống ». Nhật báo thiên tả có bài xã luận nhan đề « Trong trang phục của nhà cải cách », nhấn mạnh nhiều hơn đến các thách thức lớn đang chờ đợi tổng thống, trong bối cảnh dịch bệnh dự kiến sẽ kéo dài suốt thời gian tranh cử.
Sưởi ấm mùa đông: Một phần năm người Pháp gặp khó khăn
Báo La Croix hôm nay dành chủ đề trang nhất để chuyển tải báo động của tổ chức từ thiện, Quỹ mang tên tu sĩ Abbé Pierre, về tình trạng một phần năm người Pháp không có đủ phương tiện sưởi ấm mùa đông năm nay. Nhân Ngày toàn quốc về tình trạng bấp bênh về năng lượng được tổ chức lần đầu tiên hôm nay, La Croix có bài xã luận « Trợ giúp bền vững » nhấn mạnh đến việc cần phải có các biện pháp hiệu quả hơn để bảo đảm việc sưởi ấm cho cả chục triệu người Pháp khi giá cả năng lượng tăng mạnh, trong bối cảnh thuế đánh vào các năng lượng hóa thạch tăng, để phục vụ cho mục tiêu chuyển sang kinh tế xanh.
Trọng Thành