Ðiểm Báo Pháp – 9/11/21
Đảng Cộng Sản Trung Quốc và đỉnh cao văn hóa tôn sùng Tập Cận Bình
Không dàn trải trên quá nhiều hồ sơ, báo chí Pháp hôm nay tập trung vào một số chủ đề thời sự nổi trội, chẳng hạn căng thẳng Ba Lan – Belarus về di dân, Giáo hội Công giáo Pháp khắc phục hậu quả nạn ấu dâm … Nhìn sang châu Á, cả ba tờ báo lớn, Le Monde, Libération và Le Figaro đều quan tâm đặc biệt đến việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách củng cố quyền lực trọn đời, nhân dịp Trung Quốc tổ chức hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương.
«Tập Cận Bình củng cố quyền lực», «Tập Cận Bình và công cuộc chinh phục quyền lực tuyệt đối» và «Tập Cận Bình, những con đường mới nâng cao bản ngã» lần lượt là tựa các bài viết của Le Monde, Le Figaro và Libération.
Cầm quyền gần 10 năm và chiếm một phần tư bản tóm tắt lịch sử Đảng
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương là dịp đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra cái nhìn mới về quá khứ và những định hướng mới cho tương lai. Thế nhưng, theo Libération, đây cũng là cơ hội để đảng Cộng Sản Trung Quốc nâng « văn hóa sùng bái Tập Cận Bình » lên cao đến mức chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông. Libération điểm qua hàng loạt những lời ngợi ca ông Tập trên báo chí Trung Quốc, ấn bản tiếng nước ngoài.
Trong khi đó, việc viết lại quá khứ đã bắt đầu : trong số 500 trang của bản tóm tắt chính thức về lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, ấn bản mới nhất, có tới một phần tư dành để nói riêng về Tập Cận Bình, người chỉ mới lên nắm quyền vào năm 2012. Chương nói về những sai lầm giết người của Cách mạng Văn hóa thì gần như đã bị xóa. Publicité
Đồng hồ đếm ngược để Tập Cận Bình thắt chặt kiểm soát chế độ
Chuyển sang Le Monde, tờ báo nhấn mạnh, là tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch nước và chủ tịch quân ủy trung ương từ năm 2012, câu hỏi đặt ra là liệu ông Tập có tìm cách tái lập chức chủ tịch Đảng vào năm 2022 và đương nhiên là giữ luôn chức vụ đó hay không. Đây là vị trí đã bị bãi bỏ hồi năm 1982 dưới thời Đặng Tiểu Bình, 6 năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời. Ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc khi đó thực sự thấy phải bãi bỏ chức vụ này để ngăn chặn việc một lãnh đạo nắm được quá nhiều quyền hành và đặt mình lên trên Đảng như Mao Trạch Đông từng làm. Theo dự báo, lần này nghị quyết của Đảng sẽ tập trung đến tương lai hơn là xét lại quá khứ.
Nấc thang lên «đền thiêng của chế độ»
Nhìn sang Le Figaro, tờ báo thiên hữu dẫn lời nhà nghiên cứu Alex Payette, nhà sáng lập cơ quan phân tích Cercius, theo đó thách thức đặt ra cho Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc tuần này là rất lớn. «Nghị quyết về lịch sử» được công bố vào thứ Năm 11/11 sẽ gây tiếng vang không khác gì «một sự thay đổi nền Cộng hòa ở Pháp».
Tại Trung Quốc, trong thế kỷ 20 mới chỉ có hai lần nghị quyết kiểu này được thông qua, mỗi lần đều đánh dấu những bước ngoặt lớn trong lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào năm 1945, Mao Trạch Đông đã áp đặt « nghị quyết » của ông ta nhằm chống lại các đối thủ thân Stalin, trong hội nghị toàn thể giúp Mao nắm quyền lãnh đạo trong nhiều thập kỷ sau đó. Đến năm 1981, Đặng Tiểu Bình lật qua trang sử đẫm máu của chủ nghĩa Mao và Cách mạng Văn hóa, khởi động kỷ nguyên « cải cách và mở cửa », đưa đất nước nghèo khổ tiếp cận chủ nghĩa tư bản, mở ra với thế giới, cho phép nền kinh tế Trung Quốc cất cánh ngoạn mục, trở thành công xưởng của thế giới.
Còn ngày nay, Tập Cận Bình cũng muốn đặt mình ngang hàng với hai người tiền nhiệm, tuyên bố một « kỷ nguyên mới » theo hình ảnh của ông – độc tài, dân tộc chủ nghĩa và thách thức các nền dân chủ phương Tây. Một nhà khoa học chính trị độc lập ở Bắc Kinh, từng nghiên cứu tại đại học danh tiếng Thanh Hoa, cho rằng sau một thập kỷ nắm quyền, Tập Cận Bình sẽ thiết lập một chế độ toàn trị kiểu mới. Theo kịch bản được chuẩn bị công phu, ở tuổi 68, từ nhân vật « số một », ông Tập sẽ trở thành « lãnh tụ tối cao », an toàn trước mọi lời chỉ trích.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Alex Payette lưu ý là những gì Tập Cận Bình yêu cầu đảng Cộng Sản Trung Quốc làm là rất nặng nề. Ông ta quyết tâm thoát khỏi di sản của Đặng Tiểu Bình, nhưng phải đối mặt với những sự phản kháng, bởi có nhiều thế lực đã được hưởng lợi từ thời kỳ này. Vì thế, Tập Cận Bình đã phải có một số nhượng bộ. Thế nhưng, cú đánh cược chính trị này lại có nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng Trung Quốc đang chậm lại và Bắc Kinh đang đối đầu trực diện với Mỹ, điều khiến giới tinh hoa kinh tế lo ngại.
Mặc dù được dự báo sẽ được thông qua với số đông áp đảo, nhưng chuyên gia Payette nhấn mạnh « không có gì là chắc chắn 100% ». Nếu không thể có đa số áp đảo để có được « nghị quyết », đây sẽ là một thất bại nặng nề của ông Tập, báo hiệu có những chia rẽ nội bộ và là một dấu hiệu cho thấy sẽ có một trận chiến khốc liệt vào năm 2022.
Giáo hội Công giáo Pháp: Quỳ gối và hy vọng
Liên quan đến nước Pháp, các quyết định của Giáo hội Công giáo Pháp để sửa chữa sai lầm, khắc phục hệ quả nạn ấu dâm trong Giáo hội, đặc biệt là cách thức bồi thường nạn nhân, là chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Le Figaro dành cả trang nhất, bài xã luận và hai trang trong cho hồ sơ này.
« Quỳ gối » là nhan đề bài xã luận của báo thiên hữu. Hình ảnh nổi bật hồi cuối tuần qua ở thánh địa Lourdes, miền nam Pháp, nơi đang diễn ra kỳ họp của Hội đồng giám mục Pháp, là hình ảnh chủ tịch hội đồng giám mục Pháp quỳ gối dưới chân thập tự giá, bao quanh ngài là các giám mục. Họ muốn bày tỏ một cách tượng trưng thái độ của Giáo hội Công giáo Pháp trước quy mô, tầm mức nạn lạm dụng tình dục đã được tiết lộ trong báo cáo Sauvé. Khuôn mặt của một em nhỏ đẫm nước mắt là hiện thân cho các nạn nhân.
Các giám mục Pháp như vậy đã chấp nhận nhìn vào « mặt tối » của Giáo hội, vốn lâu nay luôn giữ thái độ im lặng, mà theo Le Figaro là gần như bị tê liệt, không thể mở mắt trước bi kịch. Nhưng lần này Hội đồng giám mục đã công bố các biện pháp mạnh mẽ mà các nạn nhân đang chờ đợi, báo cáo Sauvé cũng đã yêu cầu và cả xã hội đang dõi theo.
Giáo hội Công giáo Pháp đã thực hiện một sáng kiến chưa từng có, với thái độ can đảm. Quyết định mang tính biểu tượng nhất liên quan đến việc bồi thường cho các nạn nhân, đặc biệt là thông qua việc nhượng lại tài sản của Giáo hội để có tiền bồi thường. Còn các quyết định cụ thể nhất có liên quan đến quản lý nội bộ, việc đào tạo các ứng viên cho giới tu sĩ, thậm chí cả việc tập huấn các linh mục và giám mục đang tại vị.
Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh thách thức đặt ra cho Giáo hội Công giáo Pháp là không hề nhỏ : một vụ tai tiếng tầm cỡ lớn như vậy không thể được khép lại chỉ bằng những cử chỉ đẹp và hòa giải sâu sắc. Điều cần thiết là phải có các hành động hỗ trợ lâu dài cho các nạn nhân và bố trí các biện pháp để bảo vệ mỗi người trước sự đồi bại của một số nhân vật trong Giáo hội.
Nhưng một nhiệm vụ lớn khác của Giáo hội Công giáo Pháp là viết nên một chương mới cho và với hàng triệu tín hữu, hàng ngàn linh mục – những người đã bị rúng động, và có thể đức tin đã bị lung lay trước những tiết lộ trong báo cáo Sauvé. Le Figaro kết luận chương mở ra một tương lai bất định cho Giáo hội công giáo Pháp phải được gọi là chương « Hy vọng ».
Bước ngoặt của Giáo hội Pháp
Tương tự Le Figaro, báo công giáo La Croix hôm nay tập trung vào chủ đề này qua hàng tựa trang nhất « Báo cáo Sauvé : Đến lúc hành động ». La Croix nhận định để đối phó với thảm họa ấu dâm, không có gì tệ hại bằng việc chỉ phát biểu, cầu nguyện và tưởng niệm mà không kèm theo các hành động mang lại hiệu quả. Những quyết định mang tính thay đổi mạnh mẽ mà Hội đồng giám mục Pháp mới đưa ra là một « bước ngoặt » – tựa bài xã luận của tờ báo. Trong 4 trang bài bên trong, La Croix nói về «Cuộc cách mạng nội bộ và các quyết định lịch sử», «Sự hài lòng nhưng cảnh giác của các nạn nhân».
Covid-19: Châu Âu khó cản làn sóng dịch mới
Một hồ sơ khác được nhiều tờ báo Pháp hôm nay quan tâm là làn sóng Covid-19 mới. Báo Les Echos nhận định « Châu Âu khó cản làn sóng dịch mới ». Điểm qua tình hình từng nước, tờ báo kinh tế khái quát là từ hơn chục ngày qua, hơn 50% số ca nhiễm mới trên thế giới tập trung ở châu Âu, nhất là Đông và Trung Âu.
Tại Đức, tỉ lệ nhiễm mới/100.000 dân/7 ngày gần đây được ghi nhận đạt mức cao nhất tính từ đầu đại dịch. Nhưng may mắn là tỉ lệ tử vong/100.000 dân vẫn thấp hơn so với hồi mùa đông năm 2020. Tất cả các bang đang phải vận động những ai chưa tiêm chủng khẩn trương đi chích ngừa. Hiện vẫn còn 30% dân Đức chưa tiêm mũi nào. Les Echos nhận định một trong những lý do khiến dịch đặc biệt lây lan mạnh ở Đức là nước này đang trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị, các đảng phái đang tập trung thương lượng để thành lập chính phủ mới. Trong khi đó, Bulgari và Rumani, những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu cũng là những nước có tỉ lệ tử vong trên quy mô dân số cao nhất thế giới.
Pháp: Bệnh viện chuẩn bị đối đầu với dịch bệnh của những người không tiêm chủng
Riêng về nước Pháp, Les Echos cho biết các bệnh viện đang chuẩn bị đối phó với làm sóng dịch mới được xem là « dịch bệnh của những người không tiêm chủng ». Điều khiến tình hình thêm phức tạp là ngành y tế Pháp đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh khác, chẳng hạn viêm phế quản, trong khi lực lượng nhân viên chăm sóc y tế đã rất mệt mỏi sau một thời gian dài gồng sức chống chọi với dịch Covid-19.
Còn báo Le Figaro lại quan tâm đến những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong chiến dịch tiêm nhắc lại tại Pháp. Nhìn sang Libération, câu hỏi của tờ báo thiên tả là người Pháp liệu có đi tiêm nhắc lại hay không. Chiến dịch tiêm mũi 3 hiện đang tiến triển rất chậm ở Pháp, trái ngược với đợt tiêm mũi thứ nhất.
Tổng thống Pháp Macron lại lên tuyến đầu chống dịch
Trong khi đó, báo Libération và Le Monde lại quan tâm đến bài phát biểu trên truyền hình vào tối hôm nay của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lần lượt với các bài viết « Làn sóng dịch thứ 5 lại đặt Macron lên tuyến đầu » và « Macron lại ra mặt trận y tế ». Le Monde phát hành từ chiều hôm qua dự báo tổng thống sẽ đề cập đến các kết luận Hội đồng quốc phòng y tế Pháp đưa ra trong buổi họp hôm nay dưới sự chủ trì của chính ông Macron, đặc biệt về chiến dịch tiêm nhắc lại, ý định tổ chức chiến dịch tiêm ngừa cho trẻ dưới 12 tuổi.
Tuy nhiên, cũng theo Le Monde, Emmanuel Macron bị các phe đối lập chỉ trích đang « dàn kịch », tranh thủ hồ sơ dịch bệnh để lên « sân khấu » vận động tái tranh cử, cho dù ông chưa công bố chính thức ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thùy Dương