Thân tín ông Tập ‘ngã ngựa’: ‘Sóng ngầm’ đang vỗ ở Trung Nam Hải?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thân tín ông Tập ‘ngã ngựa’: ‘Sóng ngầm’ đang vỗ ở Trung Nam Hải?

Hồng thuỷ ở Trịnh Châu vào tháng 7 đã khiến nhiều người kinh hoàng với hàng dài những chiếc xe được vớt lên từ đường hầm Kinh Quảng. Sự việc đau lòng này chắc chắn có trách nhiệm của Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu – Từ Lập Nghị.

Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu Từ Lập Nghị (ảnh chụp màn hình Youtube).

Đương lúc người dân bất bình về sự vô trách nhiệm của Từ Lập Nghị, thì truyền thông Đại lục lại đưa tin rầm rộ khắp mặt báo về vụ bê bối của Ngô Diệc Phàm cưỡng gian người hâm mộ khiến mọi người chuyển hướng chú ý.

Nhưng tưởng Từ Lập Nghị có thể tránh được nạn, nhưng đến ngày 29/10, tờ Caixin đưa tin rằng: Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu Từ Lập Nghị 57 tuổi từ chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Nam.

Các chuyên gia đánh giá đây là một động thái rất kỳ lạ, bởi vì Từ Lập Nghị hồi còn làm Bí thư Thành uỷ thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) thì Tập Cận Bình làm Bí thư Tỉnh uỷ Chiết Giang. Quan hệ của hai người là cấp trên cấp dưới, do đó Từ Lập Nghị được xem là tay chân trực tiếp của ông Tập. Trong bối cảnh gần đến Đại hội 20, ông Tập đang dọn dẹp các đối thủ chính trị thì thân tín của mình lại ngã ngựa rớt chức. Đây là điều kỳ lạ thứ nhất.

Điều kỳ lạ thứ hai là ngày 27/10, tờ Trung Quốc nhật báo đăng tin với nội dung thể hiện ‘đầy đủ’ trong tiêu đề đó là: Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của ĐCSTQ tham quan Triển lãm thành tựu đổi mới khoa học và công nghệ ‘Kế hoạch 5 năm lần thứ 13’, Vương Kỳ Sơn và 6 vị Thường uỷ khác tham quan một cách riêng rẽ.

Nếu ĐCSTQ muốn thể hiện sự đoàn kết trong Ban chấp hành trung ương, thì tiêu đề nên là: Tập Cận Bình dẫn 7 quan chức cấp cao tham gia triển lãm gì gì đó. Còn đằng này lại dùng từ ‘tham quan một cách riêng rẽ’ ngay trên tiêu đề, điều này chẳng phải công khai nói rằng nội bộ ĐCSTQ đang có vấn đề?

Hai tin tức ở trên có ý nghĩa gì? Trong tình huống ông Tập đang dọn dẹp những đối thủ chính trị mở đường cho việc tái đắc cử ở Đại hội 20, thì những tin tức nêu trên phải chăng nói lên rằng ông Tập đang gặp bất lợi? Và những câu chuyện lịch sử được kể gần đây trên các kênh truyền thông như ‘Đoạt môn chi biến’, ‘Ngô Việt quy Tống’… liệu có đang phản ánh những con sóng ngầm chính trị ở Trung Nam Hải?

Nhà sử học, đồng thời là chuyên gia phân tích các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 1/11 đã kết nối các dữ kiện, từ đó đưa ra góc nhìn về hai câu chuyện kỳ lạ ở trên như sau.

Tập Cận Bình không bảo vệ được ‘đàn em’

Ngày 29/10, tờ Caixin có bài viết với tiêu đề: ‘Quan sát nhân sự: Trong phiên họp toàn thể của Đảng bộ tỉnh Hà Nam, Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu 57 tuổi – Từ Lập Nghị từ chức Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hà Nam’

Từ Lập Nghị là Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu, tương đương với cán bộ cấp phó tỉnh, cho nên việc ông ấy lên làm Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là hợp lý theo thông lệ chốn quan trường Trung Quốc, nhưng ông lại từ chức. Đây là điểm kỳ lạ thứ nhất.

Sự việc của Từ Lập Nghị rất quan trọng, bởi vì ông ta là tiêu điểm của cuộc đấu tranh giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Từ Lập Nghị từng là Bí thư Thành uỷ Hàng Châu, cũng từng là Bí thư Thành uỷ Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang). Khi ông nhậm chức ở Ôn Châu thì trùng hợp thay, Tập Cận Bình lại làm Bí thư Tỉnh uỷ Chiết Giang. Do đó giữa 2 người này là quan hệ cấp trên – cấp dưới. Từ Lập Nghị là tay chân trực tiếp của ‘Chi Giang tân quân’ do Tập Cận Bình đứng đầu, cũng là đối tượng đào tạo của ông Tập.

Sau khi phát sinh thảm hoạ hồng thuỷ ở Trịnh Châu vào tháng 7, thì vào tháng 8, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường đến Trịnh Châu để kiểm tra lũ lụt và cương quyết yêu cầu đội điều tra làm rõ toàn diện về trận lũ lụt thảm khốc vào ngày 20/7.

Từ Lập Nghị khi đó làm Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu nên khó tránh khỏi trách nhiệm trong trận lũ vừa rồi. Dường như ông đã tránh được nạn này vào tháng 8, bởi vì lúc đó ông tái đắc cử chức Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu. Đây giống như đòn phản công của Tập Cận Bình đối với Lý Khắc Cường.

Nhưng lần này Từ Lập Nghị không trúng cử Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hà Nam, trong khi đó người cũng phải chịu trách nhiệm tương tự là Thị trưởng thành phố Trịnh Châu – Lâu Dương Sinh lại được bầu lại làm Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Cho nên việc Từ Lập Nghị ‘ngã ngựa’, tức là vị trí của ông trong đảng bị giảm đi một nửa. Đây là điều kỳ lạ thứ hai.

Có người nói ông ta chỉ là cán bộ cấp phó tỉnh, một tên lâu la nhỏ bé thì không có ảnh hưởng gì, nhưng Giáo sư Chương lại không nghĩ như vậy.

Giáo sư Chương đã đưa ra ví dụ về ‘Vụ án Viễn Hoa’ nổ ra ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 1999. Thủ phạm chính của vụ án này là Lại Tinh Xương, người mày buôn lậu rất nhiều ô tô và xăng dầu nhiên liệu ở Phúc Kiến. Bí thư Tỉnh uỷ khi đó là Giả Khánh Lâm – thuộc phe Giang, nhiều người nghĩ rằng ông ấy sẽ liên luỵ vì ‘Vụ án Viễn Hoa’.

Sau đó Giang Trạch Dân muốn chứng tỏ rằng Giả Khánh Lâm vẫn ổn, đã sắp xếp Giả Khánh Lâm đến Bắc Kinh khảo sát rồi làm Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh. Ở chốn quan trường Trung Quốc có một thông lệ chính là, ‘anh cả’ phải bảo vệ được ‘đàn em’ của mình.

Tập Cận Bình là anh cả của ‘Chi Giang tân quân’ nhưng lại không bảo vệ được đàn em, thế thì ai còn dám theo ông Tập? Do đó sự việc của Từ Lập Nghị từ chức Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hà Nam là một điều rất kỳ lạ trong bối cảnh ông Tập cần dọn dẹp các phe phái chính trị đối lập trong đảng, còn thân tín của của mình ngã ngựa.

Tập Cận Bình và 7 quan chức cấp cao đi tham quan ‘riêng rẽ’: Bộ Chính trị ĐCSTQ đang bị chia tách?

Ngày 27/10, tờ ‘Nhân dân nhật báo’ đăng bài viết với nội dung được thể hiện ‘đầy đủ’ trong tiêu đề: Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của ĐCSTQ tham quan Triển lãm thành tựu đổi mới khoa học và công nghệ ‘Kế hoạch 5 năm lần thứ 13’, Vương Kỳ Sơn và 6 vị Thường uỷ khác tham quan một cách ‘riêng rẽ’.

Theo lẽ thường là nên đưa tin: Tập Cận Bình dẫn 7 quan chức cấp cao đi xem triển lãm gì gì đó, để biểu thị Ban chấp hành trung ương đảng vẫn còn rất đoàn kết. Đây là điều rất kỳ lạ, bởi vì ngoại giới sẽ đặt ra câu hỏi sự chia rẽ trong đảng đã kịch liệt đến nỗi… thể hiện ra cả phương tiện truyền thông ĐCSTQ.

Cũng trong ngày hôm đó, CCTV của ĐCSTQ đã đăng một video dài hơn 4 phút cho thấy rằng 8 người đó đến xem triển lãm một cách riêng rẽ, bởi lúc đó trong video chỉ thấy ông Tập đi cùng với Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Giáo sư Chương cho rằng điều này rất bất thường, bởi vì trước đây khi lục đục nội bộ, ĐCSTQ cũng phải thể hiện sự đoàn kết.

Có một sự việc rất nổi tiếng trong lịch sử ĐCSTQ. Ngày 13/9/1971, Lâm Bưu chết trong vụ tai nạn máy bay ở Öndörkhaan, Mông Cổ. Trước đó, ngày 1/5/1971, Lâm Bưu đến Thiên An Môn với Mao Trạch Đông lần cuối cùng, lúc đó mối quan hệ của 2 người đã rất căng thẳng và rạn nứt.

Tối hôm ấy, Lâm Bưu đến xem pháo hoa rất muộn. Sau khi đến, ông ngồi chung bàn với Mao Trạch Đông mà không nói một lời nào, vài phút sau thì rời đi. Vì thế những người trên đài truyền hình đã không quay được một khung hình nào mà có Chủ tịch Mao Trạch Đông và Phó Chủ tịch Lâm Bưu. Phải có một khung hình chung mới thể hiện được sự đoàn kết của Ban chấp hành trung ương đảng.

Trước tình hình đó, Chu Ân Lai đã rất lo lắng, ông hỏi một nhiếp ảnh gia họ Đỗ rằng liệu có một tấm ảnh chụp Mao Trạch Đông và Lâm Bưu không? Nhiếp ảnh gia trả lời rằng: chỉ có một tấm ảnh chụp toàn cảnh nhưng 2 người không nói chuyện thân mật. Thế là Chu Ân Lai đành lấy tấm ảnh này như một khung hình cố định để phát sóng trên TV.

Điều này có nghĩa là, dù mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông là Lâm Bưu đang rạn nứt, nhưng Chu Ân Lai vẫn phải cho 2 người đó vào cùng một khung hình để thể hiện sự đoàn kết trong đảng.

Giáo sư Chương kể câu chuyện này chính là muốn nói, nếu lấy sự việc này làm bối cảnh, chúng ta sẽ thấy tờ ‘Trung Quốc nhật báo’ và CCTV đưa tin rất bất thường, họ đã nói lộ ra sự chia rẽ trong ĐCSTQ, nói một cách thông tục chính là ‘vạch áo cho người xem lưng’.

Thêm vào đó, gần đây các kênh truyền thông của ĐCSTQ đăng nhiều những câu chuyện về lịch sử như muốn ‘mượn xưa nói nay’ nhưng quan điểm lại khác nhau. Chúng ta sẽ phân tích 3 câu chuyện sau đây.

‘Đoạt môn chi biến’: Thái Thượng Hoàng phục vị

Ngày 11/10, Báo Giải phóng quân – Cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc đã đăng câu chuyện ‘Đoạt môn chi biến’ (Chính biến đoạt môn) diễn ra vào năm 1457 (năm Cảnh Thái thứ 8 triều Minh), nhưng ngọn nguồn sự việc bắt đầu từ 8 năm trước đó, tức năm 1449 (năm Chính Thống thứ 14).

Tháng 8/1449, Minh Anh Tông thất bại trong cuộc chiến với tộc Ngoã Lạt và bị bắt làm tù binh. Một tháng sau, tức tháng 9/1449, em trai của Minh Anh Tông là Minh Đại Tông đăng cơ. Đến tháng 8/1450, Minh Anh Tông được trả về nước và làm Thái Thượng Hoàng nhưng bị giam lỏng ở Nam Cung với đãi ngộ vô cùng kém, không khác tù nhân là mấy.

7 năm sau, tức năm 1457, sức khoẻ của Minh Đại Tông không được tốt, sau đó Thái Thượng Hoàng tìm cơ hội để phục vị. Trong lịch sử sự việc này gọi là ‘Đoạt môn chi biến’, bởi vì khi Thái Thượng Hoàng từ Nam Cung đến cửa ngoài hoàng thành là Đông Hoa Môn, binh lính giữ cửa không cho qua, thế là Anh Tông mới hét to rằng: “Ta là Thái Thượng Hoàng” rồi đoạt cửa tiến vào.

‘Đoạt môn chi biến’ là chính biến cung đình. Giáo sư Chương nhìn nhận, khi Báo Giải phóng quân đăng câu chuyện này không phải là cảnh cáo Tập Cận Bình phải ngăn chặn cuộc đảo chính của Thái Thượng Hoàng (ám chỉ phe Giang), cũng không phải cảnh cáo Tăng Khánh Hồng thuộc phe Giang không được phát động chính biến, mà là khuyên ‘bá quan’ trong quân đội tốt nhất là hãy đứng trung lập nếu có đảo chính. Nhưng nếu đọc kỹ sẽ phát hiện rằng dường như Báo Giải phóng quân đang công kích ông Tập và ủng hộ phe Giang. Đây là một chủ trương.

Còn một chủ trương khác thuộc về ‘Thời báo Học tập’, kênh truyền thông này đã đăng 2 bài lần lượt là ‘Ngô Việt quy Tống’ và ‘Trị an sách’ của Giả Nghị.

‘Ngô Việt quy Tống’: Nếu gặp ‘chân mệnh chi chủ’ hãy nhanh chóng quy hàng

Một tuần sau câu chuyện lịch sử của Báo Giải phóng quân, ngày 18/10 tờ ‘Thời báo Học tập’ – kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đăng bài viết có chữ ký của Tập Cận Bình với tiêu đề ‘Ngô Việt quy Tống‘ (nước Ngô Việt quy hàng nước Tống).

‘Ngô Việt quy Tống’ lấy bối cảnh thời ‘Ngũ đại thập quốc’, vua nước Ngô Việt là Tiền Thục đã nhận định tình hình rằng, hoá ra Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận là ‘chân mệnh chi chủ’ nên đã hiến 13 châu, 86 huyện và 1 đội quân cho Đại Tống.

‘Thời báo Học tập’ muốn nói điều gì? Chính là nếu phát hiện ‘chân mệnh chi chủ’ thì đừng kháng cự, hãy nhanh chóng đầu hàng để được an toàn và tận hưởng vinh hoa phú quý. Tờ báo này nói minh xác Tập Cận Bình là ‘chân mệnh chi chủ’, chư hầu các nơi hãy nhanh chóng nghe lời và đầu hàng. Do đó ‘Thời báo Học tập’ đứng về phía Tập Cận Bình.

‘Trị an sách’ của Giả Nghị: Khuyên Hoàng đế tước bỏ bớt quyền lực của chư hầu

Ngày 22/10, tờ ‘Thời báo Học tập’ lại đăng một bài viết có giọng điệu gần giống với ‘Ngô Việt quy Tống’, chính là nói về ‘Trị an sách’ (kế sách trị an) của Giả Nghị thời Tây Hán.

Giả Nghị là Thiên tài trẻ tuổi, năm 22 tuổi ông đã làm chức ‘bác sĩ’ (博士) tức cố vấn của Hoàng đế, nhưng ông lại mất sớm.

Năm 174 TCN, Giả Nghị từng viết ‘Trị an sách’ cho Hán Văn Đế. Bài viết này rất dài và không được lưu lại một cách hoàn thiện, chúng ta chỉ có thể từ ‘Hán thư – Giả Nghị truyện’ hoặc ‘Sử ký’ mà tìm thấy một phần nội dung của ‘Trị an sách’.

Vấn đề lớn nhất mà Giả Nghị đề cập đến trong ‘Trị an sách’ chính là: Chư hầu vương không nghe chính phủ trung ương. Ông nói chư hầu dù họ Lưu (trong hoàng tộc) hay không phải họ Lưu, chỉ cần họ có đất đai rộng lớn thì sẽ có dã tâm bành trướng muốn tạo phản. Cho nên Giả Nghị đã đưa phương án giải quyết vấn đề chư hầu cho Hán Văn Đế bằng cách giảm thực lực của chư hầu. Mãi đến thời Hán Vũ Đế, ‘Trị an sách’ mới được thực thi triệt để.

‘Thời báo Học tập’ đăng ‘Trị an sách’ của Giả Nghị chính là cảnh cáo chư hầu các địa phương rằng: các người đừng cho rằng thực lực mình mạnh để rồi ‘muốn gì làm nấy’. ‘Chư hầu các địa phương’ không nhất định là tỉnh trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ các địa phương ngoài Bắc Kinh, mà bao gồm cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị không một lòng với Tập Cận Bình.

‘Thời báo Học tập’ đăng 2 câu chuyện lịch sử chính là ‘mượn xưa nói nay’, cảnh cáo chư hầu địa phương phải nghe lệnh của ‘trung ương’ hoặc Hoàng đế, chính là phải nghe lời Tập Cận Bình. Đồng thời cũng thấy được một vấn đề, nếu không có việc chư hầu tác loạn hay ‘Ngô Việt không quy Tống’ thì ‘Thời báo Học tập’ không cần đăng những bài viết lịch sử như thế này để cảnh cáo phe chống Tập. Nói cách khác, đây chính là ám chỉ tình hình chính trị đang rất căng thẳng ở Trung Quốc hiện nay.


Những câu chuyện lịch sử được kể gần đây trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ không đơn thuần chỉ là câu chuyện lịch sử. Đằng sau đó là sự nhắn nhủ hoặc cảnh cáo của các phe phái cho đối thủ của mình. Thêm vào đó tờ ‘Nhân dân nhật báo’ còn ‘vạch áo cho người xem lưng’, điều này chứng tỏ cuộc tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ đã rất gay gắt, các bên đã không còn e dè lẫn nhau.

Vương Lập Quân từng nói ông Tập phải mất 3-4 năm để dọn dẹp đối thủ. Năm 2012 Vương Lập Quân chạy đến Đại sứ quán Mỹ ở Thành Đô tiết lộ âm mưu đảo chính. Đến năm 2014, Chu Vĩnh Khang bị bắt, đến năm 2015 bị kết án, tổng cộng mất 3 năm. Nhưng đến Đại hội 20 chỉ còn khoảng 1 năm nữa, liệu ông Tập có đủ sức để dọn dẹp các đối thủ chính trị mở đường cho việc tái đắc cử hay không, chúng ta chỉ có thể chờ xem.

Mạn Vũ

https://www.dkn.tv/the-gioi/than-tin-ong-tap-nga-ngua-song-ngam-dang-vo-o-trung-nam-hai.html