Tin Tổng Hợp – 31/10/21
Chuyên gia nhân quyền LHQ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang
Các chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 29/10/2021 đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do « ngay lập tức và vô điều kiện » cho bà Phạm Đoan Trang, nhà tranh đấu nhân quyền, đang phải đối mặt với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » với án tù lên đến 12 năm.
Theo thông báo của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, nhóm các báo cáo viên đặc biệt và chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết bà Phạm Đoan Trang là « nạn nhân mới nhất của việc chính quyền sử dụng các cáo buộc mơ hồ về tội tuyên truyền chống Nhà nước, để bắt bớ các nhà văn, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền, hình sự hóa việc thực hiện quyền tự do phát biểu ý kiến và chia sẻ thông tin của họ ».
Bà Phạm Đoan Trang đang bị giam tại Trại tạm giam số 1 Hà Nội. Bà bị bắt vào tháng 10/2020. Theo nhóm chuyên gia độc lập, bà Trang bị tạm giam hơn một năm trước khi được phép gặp luật sư, và không được phép tiếp xúc với gia đình. Phiên tòa xét xử bà Phạm Đoan Trang ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 4/11 đã bị hoãn, có khả năng sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết các cáo buộc chống lại bà Phạm Đoan Trang xuất phát từ ít nhất ba báo cáo nhân quyền, mà bà là đồng tác giả, cũng như các trả lời phỏng vấn với một số hãng truyền thông nước ngoài. Ba báo cáo bao gồm báo cáo về thảm họa môi trường biển Formosa năm 2016 (liên quan đến công ty Đài Loan Formosa), luật về tôn giáo năm 2016, và về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nói chung.
Các chuyên gia nhận định, « như chúng tôi đã nhiều lần cho biết trước đây, Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, mà bà Phạm Đoan Trang bị buộc tội, được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế ». Các chuyên gia một lần nữa « kêu gọi chính phủ (Việt Nam) bãi bỏ tất cả các điều khoản xâm phạm quyền tự do ngôn luận ».
Các chuyên gia cho biết, việc bắt và giam giữ một cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình để báo cáo về các vấn đề nhân quyền là tước đoạt tùy tiện quyền tự do của người dân theo luật pháp quốc tế về nhân quyền. Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã khẳng định việc chính quyền Việt Nam giam giữ bà Phạm Đoan Trang là « tùy tiện » trong thông báo « Opinion 40/2021 », ban hành tháng 9/2021.
Các chuyên gia « vô cùng lo ngại rằng các báo cáo ghi lại những quan ngại về nhân quyền đang được sử dụng chống lại những người bảo vệ nhân quyền, được sử dụng làm bằng chứng (chống lại họ) trong phiên tòa hình sự », và « điều này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng và củng cố bầu không khí sợ hãi ở Việt Nam, dẫn đến việc tự kiểm duyệt và ngăn cản những người khác hợp tác với Liên Hiệp Quốc ».
Hoạt động của các báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia độc lập nằm trong « các Thủ tục Đặc biệt » của Hội đồng Nhân quyền, tên gọi chung để chỉ cơ chế giám sát độc lập của cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các chuyên gia về « các Thủ tục Đặc biệt » không phải là nhân viên Liên Hiệp Quốc, làm việc tự nguyện và không nhận lương. Công việc của các chuyên gia nói trên độc lập với bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào.
Về sức khỏe của bà Phạm Đoan Trang, theo nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc, bà Phạm Đoan Trang mới được điều trị y tế gần đây bất chấp sức khỏe của bà Trang ngày càng giảm sút. Các chuyên gia kêu gọi các cơ quan chức năng trước mắt cho phép bà Phạm Đoan Trang nhận được tất cả các chăm sóc y tế cần thiết.
Trọng Thành
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức kêu gọi đóng cửa các Viện Khổng Tử
Tuần báo Der Spiegel đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Đức Anja Karliczek đã kêu gọi chấm dứt hoạt động của tất cả các Học viện Khổng Tử ở Đức.
Bà Anja đã viết một bức thư gửi tới Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Đức và hội nghị Bộ trưởng giáo dục, yêu cầu các trường đại học “đánh giá lại vai trò của các Viện Khổng Tử trong các học viện giáo dục đại học nước Đức và đưa ra kết luận đúng đắn”.
Bức thư này xuất hiện trong bối cảnh: Viện Khổng Tử tại Đại học Duisburg-Essen và Viện Khổng Tử tại Đại học Hannover đã hủy bỏ một cuốn sách viết về ông Tập Cận Bình dưới sự can thiệp của các đại diện chính phủ Trung Quốc
Bà Anja cũng đã theo dõi và lo ngại về tác động của 19 Viện Khổng Tử đối với các cơ sở giáo dục đại học của Đức trong một thời gian dài. Theo bà, tác động có thể thấy hiện nay của các Viện Khổng Tử đối với các công việc của các trường đại học là “không thể chấp nhận được”.
Bà gợi ý rằng, các trường đại học có liên quan nên xem xét lại việc hợp tác với Viện Khổng Tử và xem xét kỹ lưỡng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, các trường đại học nên duy trì liên hệ chặt chẽ hơn với Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp và Cơ quan Tình báo Liên bang.
Truyền thông Đức đưa tin, nhà khoa học chính trị người Đức Andreas Fulda cũng yêu cầu các trường đại học Đức ngừng hợp tác với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Ngọc Mai
https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-bo-giao-duc-duc-keu-goi-dong-cua-cac-vien-khong-tu.html
(AFP) – Anh – Pháp hạ nhiệt căng thẳng về hồ sơ đánh cá. Theo thông báo của điện Elysée, trong cuộc họp song phương ngày 31/10/2021 bên lề thượng đỉnh G20, tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định cùng nghiên cứu “những biện pháp thực tế trong những ngày tới” để tránh gia tăng thêm căng thẳng. Một nguồn tin Pháp tỏ ra lạc quan khi cho rằng căng thẳng liên quan đến “vài chục tầu cá” nên hoàn toàn có thể giải quyết được. Theo dự kiến, ngày 02/11, Paris sẽ thông báo áp dụng hay không các biện pháp trả đũa Luân Đôn.
(Reuters) – Ngoại trưởng Mỹ – Trung gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20. Cuộc họp kéo dài một giờ, ngày 31/10/2021, là cuộc gặp trực diện đầu tiên kể từ hội nghị ở Alaska hồi tháng 3. Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố rằng Hoa Kỳ phản đối các hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan, cũng như bất kỳ sự thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương nào từ phía Bắc Kinh đối với vùng eo biển Đài Loan. Ngoài ra, ông Blinken cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông.
(Thông tin Chính phủ) – Thủ tướng Việt Nam tham dự thượng đỉnh khí hậu COP26. Theo lịch trình được bộ Ngoại Giao Việt Nam thông báo, ông Phạm Minh Chính ở lại Vương Quốc Anh từ ngày 31/10 đến 03/11 tham dự COP26 và gặp gỡ lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế. Sau đó, từ ngày 03 đến 05/11, thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Pháp, đối tác lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và là nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam trong Liên Hiệp Châu Âu. Đây là chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Phạm Minh Chính trong tư cách thủ tướng chính phủ Việt Nam.
(AFP) – Miến Điện : Tập đoàn quân sự cáo buộc đối lập phá một thành phố ở phía tây. Theo nhiều cơ quan truyền thông địa phương và nhân chứng, lính của tập đoàn quân sự đã oanh kích thành phố Thantlang ở bang Chin (phía tây Miến Điện) ngày 29/10/2021 sau khi đụng độ với lực lượng chống tập đoàn quân sự địa phương. Hỏa hoạn đã xảy, thiêu rụi vài chục ngôi nhà và nhiều tòa nhà, trong đó có văn phòng của tổ chức phi chính phủ Save the Children. Ngày 30/10, tập đoàn quân sự thống kê 2 nhà thờ và 70 nhà dân bị thiệu rụi ở Thantlang và đổ lỗi cho Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) là nguồn gốc của vụ cháy.
(AFP) – Afghanistan: Lãnh tụ tối cao bí ẩn của Taliban xuất hiện. Theo các quan chức Taliban, giáo sĩ Hibatullah Akhundzada, người chưa từng xuất hiện trước công chúng kể từ khi được bổ nhiệm vào năm 2016, đã tham gia vào tối 30/10/2021 một buổi lễ ở Kandahar (miền nam Afghanistan). Taliban đã công bố một đoạn thu âm để chứng minh. Trong đoạn clip âm thanh này, có thể nghe thấy rất rõ ràng tiếng nhà lãnh đạo cầu nguyện. Theo một nguồn tin địa phương, giáo sĩ Hibatullah Akhundzada đã đến một trường học ở Kandahar với một đoàn gồm hai chiếc xe được bảo vệ cẩn mật và không ai được phép chụp ảnh.
(AFP) – Hạt nhân Iran: Washington, Paris, Berlin và Luân Đôn bày tỏ quan ngại. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Roma, Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh ngày 30/10/2021 bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc và ngày càng tăng” của họ đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, và kêu gọi Tehran “thay đổi hướng đi”. Theo một thông cáo chung của 4 nước, sau cuộc họp, các ông Emmanuel Macron, Joe Biden, Boris Johnson và bà Angela Merkel cũng hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao của các nước vùng Vịnh nhằm giảm căng thẳng, đồng thời nêu rõ rằng không có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran trước lúc nước này quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
(AFP) – Sudan : Ba người biểu tình bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cuộc biểu tình ngày 30/10/2021 tại Omdourman, ngoại ô thủ đô Khartoum, chống vụ đảo chính của tướng Abdel Fattah Al Burhane, đã bị quân đội trấn án. Kể từ thứ Hai 25/10 đã có 12 người biểu tình bị chết trong các cuộc biểu tình chống quân đội. Tuy nhiên, theo nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ Tahani Abbas, nguy cơ bị trấn áp đẫm máu không khiến ngươi biểu tình nhụt chí, sau khi đã phải sống 30 năm dưới chế độ độc tài Omar El Bechir, chấm dứt năm 2019.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211031-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p