Tin Trong Nước – 29/10/21
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói gì về thông tin thu phí ô tô vào nội đô 60.000 đồng/ lượt
Mới đây, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã lên tiếng về thông tin về mức phí dự kiến khi vào nội đô với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt.
Chiều 29/10, liên quan đến thông tin dự kiến các mức thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, các thông tin đang được lan truyền là không chính xác.
Theo ông Viện, hiện Sở GTVT chưa có ý kiến gì về vấn đề này.
Trước đó, báo chí trong nước đăng tải về thông tin Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Theo đó, mức phí dự kiến ngày thường với ôtô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ôtô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.
Mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ sẽ không thu.
Phương tiện được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành (công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa…), xe công vụ, xe buýt. Phương tiện được giảm phí gồm: Xe kinh doanh vận tải, xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.
Nguồn tin trên cho hay, quy định thu phí sẽ làm thay đổi hành vi sử dụng phương tiện và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển từ ôtô sang phương tiện thân thiện môi trường như vận tải hành khách công cộng, xe đạp.
Những lao động nghèo phản ánh bị cấp thiếu gói hỗ trợ
Hàng chục người nghèo kiếm sống bằng lượm ve chai, bán hàng rong, bán vé số dạo, lao động tự do… ở trọ trong hẻm số 3 Nguyễn Văn Săng (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) phản ánh không nhận được một số gói hỗ trợ của Chính phủ và TP.HCM cho những lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong một bức tâm thư của người lao động ở trọ tại địa chỉ 3/2 Nguyễn Văn Săng, có nội dung:
“Nhà trọ chúng tôi toàn người nghèo khổ: lượm ve chai, bán vé số, bán hàng rong, lao động tự do. Từ ngày 23/6 – 27/7, khu trọ này bị phong tỏa, tiếp đến giãn cách xã hội cho đến ngày 30/9.
Ngày 22/7, cô Nhàn làm ở P.Tân Sơn Nhì – người đã vài lần giúp gạo và rau củ cho khu trọ chúng tôi – bảo chủ nhà gửi danh sách và nghề nghiệp của chúng tôi. Sau khi gửi, nhiều lần chúng tôi gọi điện hoặc gặp trực tiếp cô Nhàn để hỏi về gói hỗ trợ đợt 1, thì được trả lời là “chưa có”.
Đến ngày 23/8, bà tổ trưởng tổ dân phố 74, KP.7, P.Tân Sơn Nhì đến bảo chủ nhà ghi hết danh sách những người ở trọ để bà nộp lên phường xét gói hỗ trợ đợt 2. Nhưng cũng như đợt 1, chúng tôi cũng không nhận được tiền.
Sau nhiều lần phản ánh lên phường và tổng đài 1022, đến ngày 6/9, mỗi phòng trọ được phát 1,5 triệu đồng, gọi là khoản hỗ trợ tiền trọ.
Chúng tôi được biết Chính phủ và TP.HCM ưu tiên hỗ trợ những người trong khu vực bị phong tỏa. Chúng tôi thuộc diện đó và là những người nghèo khổ, mà sao lại bị địa phương bỏ lọt ?…”.
Được biết, đa số những người ở khu trọ số 3/2 Nguyễn Văn Săng là lao động nhập cư, hoàn cảnh rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hường (61 tuổi, quê Bình Định, 30 năm bán vé số dạo, bị bệnh khớp mãn tính) tâm tư: “Từ tháng 6 tới đầu tháng 9, tôi không nhận được các gói hỗ trợ cho người bán vé số dạo mất việc làm. Đến ngày 6.9, tôi chỉ nhận được 1,5 triệu đồng/phòng gọi là hỗ trợ tiền trọ và ngày 17/10 nhận gói hỗ trợ đợt 3 gồm 1 triệu đồng”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo (quê Vĩnh Phúc, bán hàng rong) than thở: “Người ta đến đây chả nói gì đến gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2 mà chỉ phát cho hai vợ chồng em 1,5 triệu đồng hỗ trợ tiền trọ vào ngày 6.9. Chúng em mong chính quyền xem xét cấp bổ sung các gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2”. Hơn 4 tháng mất việc làm, không có thu nhập, vợ chồng chị Thảo lao đao, đành phó mặc hai đứa con (đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ 3 tuổi) cho bố mẹ chồng ngoài quê.
Bà Vũ Thị Huệ (44 tuổi, ở khu trọ số 3/2 Nguyễn Văn Săng) cho biết 17 năm nay, vợ chồng bà từ tỉnh Vĩnh Phúc vào TP.HCM thu lượm ve chai kiếm sống và tằn tiện gửi tiền về quê nuôi con. Hơn 4 tháng ảnh hưởng dịch COVID-19, vợ chồng bà không thể đi lượm ve chai, cuộc sống hết sức túng thiếu, nợ tiền trọ, tiền điện nước nhiều tháng liền. Bà Huệ rầu rĩ: “Suốt mấy tháng dịch bệnh, mất việc làm từ tháng 6 đến tháng 9, vợ chồng tôi trông mong từng ngày được nhận gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2. Nhưng thực tế, đến ngày 6/9, cả hai vợ chồng chỉ nhận vỏn vẹn 1,5 triệu đồng hỗ trợ tiền phòng trọ”.
Đặc biệt, bà Huệ càng bức xúc khi bản thân bà chưa nhận được gói hỗ trợ đợt 3 (1 triệu đồng/người). Bà Huệ bật khóc: “Ngày 17/10, khu trọ này nhận gói hỗ trợ đợt 3. Tôi cũng kê khai đầy đủ như mọi người và vợ chồng tôi ghi thông tin trên cùng một tờ giấy, nhưng không hiểu sao tên tôi không có trong danh sách nhận tiền. Tôi có phản ánh đến tổng đài 1022 và uỷ ban P.Tân Sơn Nhì là chúng tôi chưa nhận được gói hỗ trợ nào”.
Ngày 19/10, PV Thanh Niên đã đến UBND P.Tân Sơn Nhì phản ánh ý kiến của người dân trong các khu trọ 3/2, 3/2a Nguyễn Văn Săng, và lãnh đạo UBND phường cử cán bộ ghi biên bản tiếp nhận nội dung phản ánh.
Ngày 26/10, UBND P.Tân Sơn Nhì gửi Công văn số 5533/UBND “Cung cấp thông tin về việc chi trả các gói hỗ trợ người dân tại địa chỉ 3/2a Nguyễn Văn Săng”.
Điều đáng nói, trong khi PV phản ánh cặn kẽ ý kiến của người dân ở cả hai khu trọ như trên và nhấn mạnh đến khu trọ 3/2 Nguyễn Văn Săng thì công văn của phường chỉ đề cập đến khu trọ 3/2a Nguyễn Văn Săng. Sau khi nhận công văn, PV đã phản hồi vấn đề này nhưng người phụ trách LĐ-TB-XH và UBND phường không có động thái gì.
PV Thanh Niên đã liên hệ và chuyển công văn phản hồi của UBND P.Tân Sơn Nhì đến bà Phạm Thị Kim Chi, chủ nhà trọ 3/2a Nguyễn Văn Săng. Bà Chi khẳng định: “Nội dung công văn của phường là không đúng thực tế với nhà trọ chúng tôi. Người dân thắc mắc một đằng, phường trả lời một nẻo”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 905.477 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca nhiễm).
Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 900.669 ca, trong đó có 811.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
https://www.dkn.tv/doi-song/nhung-lao-dong-ngheo-phan-anh-bi-cap-thieu-goi-ho-tro.html
Dịch ở miền Tây diễn biến phức tạp, ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 27/10, thành phố ghi nhận 137 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó 16 ca ngoài thành phố. Số ca mắc COVID-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 6.888 ca, Dân trí đưa tin.
Trong số ca mắc mới, có 16 ca cách ly tại nhà, 27 ca trong khu cách ly, 84 ca khu phong tỏa và 10 ca tầm soát ở cơ sở y tế. Trong số ca mới, quận Thốt Nốt nhiều nhất với 72 ca; kế đến quận Ninh Kiều với 24 ca; huyện Vĩnh Thạnh 17 ca; người về từ vùng dịch 16 ca…
Trong ngày 27/10, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 242 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 157 trường hợp cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 An Giang cho biết, ngày 27/10, tỉnh này ghi nhận 287 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (1 trường hợp nhập cảnh, 42 trường hợp trong cộng đồng), đã điều trị khỏi bệnh 87 trường hợp.
Cùng ngày, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 160 ca mắc COVID-19, trong đó có 30 ca cộng đồng, 18 ca ở khu cách ly, 112 ca ở khu phong tỏa, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh tính từ ngày 21/6 đến ngày 26/10 lên 8.152 ca. Hiện đã điều trị khỏi 6.904 ca và 25 ca tử vong.
Thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng cũng cho biết, ngày 27/10 địa phương này ghi nhận 190 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 144 trường hợp là F1 chuyển thành F0; 16 trường hợp về từ vùng dịch; 28 trường hợp phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng; 2 trường hợp phát hiện tại khu vực phong tỏa.
Trong ngày 27/10, Trà Vinh ghi nhận trong 82 ca mắc mới, trong đó 32 ca là người ngoài tỉnh về địa phương, 28 ca phát hiện trong cộng đồng, 15 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, 5 ca phát hiện tại cơ sở y tế và 2 ca phát hiện trong khu phong tỏa.
Cùng ngày, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 127 ca mắc Covid-19, trong đó có 39 ca cộng đồng, 84 ca trong khu cách ly, 4 ca trong khu phong tỏa. Như vậy đến thời điểm hiện tại Tiền Giang đã ghi nhận 15.985 F0, đã điều trị khỏi 14.364 ca và 394 ca tử vong.
Liên quan đến tình hình COVID-19 tại miền Bắc, Vietnamnet đưa tin, Bắc Giang vừa ra công văn hỏa tốc về việc yêu cầu người đến/về từ Hà Nội tới Bắc Giang phải cách ly y tế.
Được biết, từ ngày 26/10, tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên liên tiếp phát hiện các ca F0, nguồn lây được xác định là người từ TP Hà Nội về địa phương làm việc, tổ chức hội thảo (mặc dù người này đến từ vùng xanh và đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19).
https://www.dkn.tv/doi-song/dich-o-mien-tay-dien-bien-phuc-tap-ca-mac-covid-19-tiep-tuc-tang.html