Chống Nạn Buôn Người: Việt Nam được nêu đích danh nhiều lần tại buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ
Thứ năm, 28 Tháng 10 2021 – Việt Nam được nêu đích danh nhiều lần tại buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ
Mạch Sống, 27 tháng 10, 2021 – http://machsongmedia.org
Tại buổi điều trần được tiểu ban đặc trách nhân quyền của Hạ Viện Hoa Kỳ triệu tập hôm nay, Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) yêu cầu Bộ Ngoại Giao xếp Việt Nam vào Hạng 3 về tình trạng buôn người.
“Tôi tin rằng Việt Nam phải bị đưa xuống Hạng 3, chính yếu vì tình trạng buôn bán lao động,” DB Smith phát biểu.
Một quốc gia bị xếp Hạng 3 sẽ phải chịu nhiều biện pháp chế tài của Hoa Kỳ.
DB Smith cũng yêu cầu đưa vào hồ sơ Quốc Hội văn bản điều trần của Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS.
“Văn bản điều trần này trưng dẫn nhiều chứng cứ cho thấy Việt Nam xứng đáng bị xếp vào Hạng 3 khi Bộ Ngoại Giao kiểm tra tình trạng buôn người ở Việt Nam trong 6 tháng nữa,” Ts. Thắng, nói.
Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Việt Nam được đặc miễn của Tổng Thống để không bị xếp Hạng 3 năm nay vì: “chính quyền đã đầu tư đủ nguồn lực để soạn thảo một kế hoạch mà, nếu thực thi, có lẽ sẽ là những nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.”
Những tiêu chuẩn tối thiểu này chiếu theo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, do DB Smith đề xướng và được Quốc Hội thông qua cuối năm 2000.
Trong văn bản điều trần, Ts. Thắng chỉ ra là thay vì đặt niềm tin vào một kế hoạch tương lai kèm với lời hứa hẹn thực thi, Hoa Kỳ nên dùng các trường hợp nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út làm phép thử cho thực tâm phòng, chống buôn người của nhà nước Việt Nam:
“Việc phân hạng Việt Nam trong bản phúc trình về buôn người sắp đến phải dựa vào những nỗ lực của quốc gia này về giải cứu và bảo vệ những nạn nhận đã được nhận diện; điều tra và truy tố các thủ phạm đã được nêu danh và bảo đảm chúng phải bồi thường cho các nạn nhân của chúng; thông tin cho công chúng về các rủi ro và cách hành xử vô lương tâm đã rõ trong chương trình xuất khẩu lao động; và chứng tỏ sự hợp tác có ý nghĩa với các cơ quan quốc tế, giới chức Ả Rập, và các tổ chức phi chính phủ như CAMSA.”
Năm 2008, BPSOS khởi xướng Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Từ đó đến nay, liên minh này đã giải cứu 5 nghìn nạn nhân ở 25 quốc gia và hỗ trợ cảnh sát liên bang Nga giải cứu 6 nghìn người Việt trong các nhà may chui quanh thủ đô Moscow.
Phát biểu tại buổi điều trần, DB Smith nhắc nhở rằng tệ nạn buôn bán người lao động luôn luôn là nghiêm trọng ở Việt Nam: “Một trong những trường hợp đầu tiên áp dụng Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người là vụ Daewoosa American Samoa. Giới chức Việt Nam là thành phần đồng loã trong tội phạm lao động cưỡng bức. Họ không hề thay đổi trong việc thừa nhận tình trạng này hoặc giúp đỡ nạn nhân.”
BPSOS vào cuộc trong vụ Daewoosa American Samoa năm 1999. Khi Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người vừa có hiệu lực đầu năm 2001, lập tức cơ quan FBI thực hiện cuộc giải cứu cho khoảng 150 nạn nhân người Việt và 30 nạn nhân người Hoa. Tất cả số người này được định cư ở Hoa Kỳ. Chủ của xưởng may, Ông Kil Soo Lee, người Nam Hàn, sau đó bị tuyên án tù 40 năm. Toà án cấp cao của American Samoa tuyên phạt hai công ty xuất khẩu lao động quốc doanh của Việt Nam phải bồi thường 3.5 triệu USD cho các nạn nhân. Hai công ty này quỵt tiền bồi thường và giải thể.
Một báo cáo gửi cho lãnh đạo Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội và Bộ Ngoại Giao Việt Nam liên quan cuộc giải cứu 176 công nhân Việt ở Jordany năm 2008 cho thấy chính quyền Việt Nam đã bó tay trước cách BPSOS sử dụng luật pháp của quốc gia sở tại để giải cứu nạn nhân và trừng phạt thủ phạm. “Để giúp cho việc phân hạng Việt Nam năm 2022, chúng tôi tiếp tục cung cấp các hồ sơ nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út và ở một số quốc gia khác cho Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ,” Ts. Thắng nói.
Thông tin liên quan:
Văn bản điều trần của Ts. Nguyễn Đình Thắng:
Theo dõi toàn bộ buổi điều trần ngày 27/10/2021:
https://foreignaffairs.house.gov/hearings?ContentRecord_id=211CF89A-B7AF-4940-9677-8CAE200F7310