Tin Tổng Hợp – 24/10/21
Mỹ hỗ trợ Đài Loan tham gia “đáng kể” vào các hoạt động của Liên Hiệp Quốc
Trong một thông cáo phát đi tối hôm qua, thứ Bảy 23/10/2021, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết giới chức ngoại giao Hoa Kỳ và Đài Loan hôm thứ Sáu 22/10 đã có một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về những cách thức có thể cho phép Đài Loan tham gia « đáng kể » vào các công việc của Liên Hiệp Quốc. Cuộc họp diễn ra ngay vào lúc Bắc Kinh chuẩn bị chào mừng dịp 50 năm chế độ cộng sản Bắc Kinh thay thế Đài Bắc, đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định các giới chức Hoa Kỳ tham gia cuộc họp với Đài Loan đã nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với khả năng Đài Loan tham gia « đáng kể » vào Tổ chức Y tế Thế giới và Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu. Đôi bên đã thảo luận về những cách giúp tăng cường khả năng đóng góp của Đài Loan về nhiều chủ đề hơn nữa. Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã cảm ơn Mỹ về sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ngày mai thứ Hai 25/10, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chính quyền cộng sản Bắc Kinh trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.
Reuters nhắc lại là Đài Loan, với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, từng là thành viên của Liên Hiệp Quốc cho đến ngày 25/10/1971, trước khi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thành lập vào năm 1949, giành được quyền đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là chỉ một tỉnh của Trung Quốc và gần đây liên tục gia tăng áp lực chính trị và quân sự để khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan.
Năm 1979, Washington chính thức công nhận Trung Quốc cùng lúc với việc cắt đứt « quan hệ ngoại giao » với Đài Loan cũng vào năm này. Tuy nhiên, cũng trong năm này, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật về Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), buộc chính quyền Mỹ cung cấp cho Đài Bắc các phương tiện để tự vệ.
Mặc dù không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng từ lâu nay, chính quyền Đài Loan chủ động hướng đến các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, về phát triển bền vững hay khí hậu, khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN) năm 2021 xếp Đài Loan đứng đầu khu vực Đông Á về chỉ số hạnh phúc, và đứng thứ 24 thế giới. Đài Bắc đang hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2050.
Thùy Dương
Tình báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể thống trị các công nghệ tiên tiến
AP – Các quan chức Mỹ ngày thứ Sáu đưa ra những cảnh báo mới về tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và một loạt công nghệ tiên tiến mà cuối cùng có thể mang đến cho Bắc Kinh lợi thế quân sự mang tính quyết định và có thể là sự thống trị trong lĩnh vực chăm sóc y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác ở Mỹ.
Các cảnh báo bao gồm một nỗ lực mới để thông báo cho giám đốc điều hành các doanh nghiệp, học giả và các quan chức chính quyền cấp địa phương và cấp bang về những rủi ro khi chấp nhận đầu tư hoặc chuyên môn của Trung Quốc trong các ngành then chốt, các quan chức tại Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia cho biết. Dù trung tâm không định bảo các quan chức từ chối đầu tư của Trung Quốc, họ sẽ khuyến khích các nỗ lực kiểm soát sở hữu trí tuệ và thực hiện các biện pháp an ninh.
Các cơ quan an ninh quốc gia dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang công khai quyết liệt kháng cự Trung Quốc, nước mà một số quan chức gọi là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ. Chính quyền Biden đồng thời tìm cách xoa dịu một số căng thẳng với Bắc Kinh có từ thời chính quyền Trump và tìm kiếm điểm chung về thương mại và biến đổi khí hậu.
Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Washington gieo rắc sợ hãi về ý định của mình và đả kích tình báo Mỹ về những đánh giá của họ về Trung Quốc, bao gồm cáo buộc rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ém nhẹm thông tin hệ trọng về đại dịch virus corona.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tạo nên các công nghệ sinh lời trong lĩnh vực robot và các lĩnh vực khác trong kế hoạch được gọi là “Làm tại Trung Quốc 2025.” Bộ Tư pháp Mỹ trong những năm gần đây đã đưa ra một số cáo trạng cáo buộc hành vi đánh cắp thông tin nhạy cảm của Mỹ thay mặt cho Trung Quốc, bao gồm nghiên cứu vaccine và công nghệ xe tự hành.
Quyền giám đốc trung tâm phản gián, Michael Orlando, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hiếm hoi ngày thứ Năm rằng Mỹ “không thể để thua thiệt” Trung Quốc trong một số lĩnh vực chính: trí tuệ nhân tạo, các hệ thống tự trị, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và công nghệ sinh học.
Ông Orlando lưu ý rằng các doanh nghiệp và học giả Trung Quốc chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị bắt phải phục vụ lợi ích của đảng.
“Mặc dù chúng tôi đã nói điều này từ năm này qua năm khác, mọi người vẫn chưa nhập tâm,” ông nói.
Ông Orlando từ chối cho biết liệu Mỹ có nên ban hành các hạn chế nghiêm ngặt hơn hay cấm hoàn toàn đầu tư của Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định hay không, nói rằng vai trò của ông không phải là đề xuất chính sách.
Nhưng trung tâm phản gián tổ chức các buổi báo cáo thường xuyên cho lĩnh vực tư và giới học thuật dù công nhận rằng các ngành và các trường đại học có thể vẫn muốn tìm kiếm sinh viên, chuyên gia và nhà đầu tư từ Trung Quốc, ông Orlando nói. Ông không nêu tên các công ty mà trung tâm đã gặp.
Edward You, viên chức đặc trách các công nghệ mới nổi và gây gián đoạn của trung tâm phản gián, lưu ý đầu tư của các công ty Trung Quốc vào công nghệ sinh học và dược phẩm của Mỹ và Châu Âu.
WuXi Biologics kể từ năm 2019 đã xây dựng một cơ sở sản xuất vaccine ở Ireland, công bố kế hoạch mở một cơ sở sản xuất ở bang Massachusetts của Mỹ và mua lại một nhà máy Bayer ở Đức. Các quan chức không tiết lộ bất kì thông tin nào liên kết những thương vụ đó với ảnh hưởng của Bắc Kinh nhưng cho biết chúng là một phần của một mô thức hoạt động rộng lớn hơn của các công ty y khoa Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc cũng đề nghị cung cấp các bộ xét nghiệm COVID-19 và xét nghiệm di truyền ở Mỹ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của liên bang và các quy định khác, ông You nói. Nhưng dữ liệu được thu thập bởi các công ty có liên hệ với Trung Quốc cuối cùng có thể rơi vào tay Bắc Kinh, theo lời ông You.
Trung Quốc có sự tiếp cận lớn nhất đối với dữ liệu y tế so với bất cứ quốc gia nào, ông You nói. Với việc thu thập dữ liệu và những tiến bộ trong công nghệ, một ngày nào đó Bắc Kinh có thể chiếm ưu thế trong lĩnh vực chăm sóc y tế và khiến Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, ông nói.
‘Đối thoại núi Phú Sĩ’ tập trung vào vấn đề Đài Loan, các chuyên gia kêu gọi Nhật Bản và Mỹ tăng cường răn đe chống lại Bắc Kinh
“Đối thoại núi Phú Sĩ” lần thứ 8 được tổ chức vào ngày 23/10, và vấn đề Đài Loan đã trở thành chủ đề của hội nghị chuyên đề. Các chuyên gia Hoa Kỳ kêu gọi Nhật Bản và Hoa Kỳ gia tăng sức đề kháng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); đồng thời cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng nên chia sẻ kiến thức của họ và sẵn sàng ứng phó với khả năng của sức mạnh quân sự của ĐCSTQ.
Tờ Nihon Keizai Shimbun đưa tin rằng “Đối thoại núi Phú Sĩ” lần thứ 8, trong đó các nhà lãnh đạo từ chính phủ Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng các chuyên gia và học giả thảo luận về các vấn đề quốc tế đã được tổ chức tại Tokyo vào ngày 23/10 và một hội nghị chuyên đề về vấn đề Đài Loan cũng đã diễn ra.
Trước sức ép gia tăng của ĐCSTQ đối với Đài Loan, Daniel Russel, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng “Nhật Bản và Hoa Kỳ phải gia tăng sự phản kháng (đối với ĐCSTQ)”.
Ông Russel nói rằng một khi ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, Nhật Bản sẽ ngay lập tức can dự; nếu ĐCSTQ có hành động quân sự chống lại Đài Loan, các phản ứng “phải (khiến ĐCSTQ) nhận ra rằng mình sẽ phải trả giá đắt”.
Ông Russel cũng nói rằng, đồng thời để không kích động quá mức chính quyền Trung Quốc, cộng đồng quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu nên “thận trọng trong việc công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền”.
Zack Cooper, một nhà nghiên cứu cấp cao tại American Enterprise Institute, một tổ chức tư vấn của Washington, cũng nói rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ nên chia sẻ kiến thức của họ và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với khả năng của sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Ông Cooper nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động khiêu khích quân sự như sự xâm nhập của các máy bay chung quanh Đài Loan và các khu vực khác xung quanh Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan.
Cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Katsushiro Kono nói rằng Nhật Bản cũng đã triển khai tên lửa tầm trung, và “Nhật Bản và Hoa Kỳ nên sử dụng chúng cùng nhau”.
Mặc dù căng thẳng ở eo biển Đài Loan tiếp tục gia tăng, Yasuhiro Matsuda, giáo sư tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, chuyên về các vấn đề xuyên eo biển, nói rằng “Trung Quốc vẫn chưa có khả năng thống nhất Đài Loan.”
Phó giáo sư Masao Chisoko của Đại học Kyushu, Nhật Bản cho rằng đối với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, “ngoại giao sói chiến” hiếu chiến chỉ là một màn phô trương đối với chính người dân trong nước.
Tâm Tuệ
(AFP) – Cuba: một người cuộc biểu tình ngày 11/07/2021 bị kết án 10 năm tù. Thân nhân và một tổ chức nhân quyền hôm qua, 23/10/2021 cho biết ông Roberto Perez Fonseca, 38 tuổi, một người đã tham gia cuộc biểu tình chưa từng thấy ngày 11 tháng 7 vừa qua ở Cuba, đã bị kết án mức án nặng nhất được áp dụng sau sự kiện này. Vào mùa hè vừa qua, hàng ngàn người Cuba đã xuống đường hô vang các khẩu hiệu như “Đả đảo chế độ độc tài!” và “Chúng tôi đang đói!”. Những cuộc biểu tình chưa từng có đó đã dẫn đến một người chết, hàng chục người bị thương và gần một nghìn người bị bắt.
(Reuters/Yonhap) – Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên: Các đợt thử tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng là “đáng lo ngại và phản tác dụng”. Hôm nay 24/00/2021, đặc sứ Mỹ Sung Kim khẳng định mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động khiêu khích, gây bất ổn và nên nối lại đàm phán. Trong khi đó, Meari, một trang Web tuyên truyền của Bình Nhưỡng hôm nay chỉ trích việc Mỹ mới đây đề nghị thiết lập một cuộc đối thoại quốc phòng mới với Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên tố cáo Washington tìm cách tăng áp lực quân sự đối với Bình Nhưỡng.
(AFP) – Pháp phóng vệ tinh quân sự thế hệ mới nhất. Vào hôm qua, 23/10/2021, tên lửa Ariane 5 đã cất cánh từ Kourou, vùng Guyanne thuộc Pháp, để đưa lên quỹ đạo hai vệ tinh, trong đó có một vệ tinh liên lạc quân sự được quân đội Pháp xác định là một công cụ công nghệ cao và là trụ cột cho chủ quyền của Pháp. Vệ tinh 4A của chương trình Syracuse, sẽ cho phép quân đội Pháp trên khắp thế giới thực hiện liên lạc với tốc độ cao và hoàn toàn an toàn thông qua các trạm trung chuyển trên bộ, trên không, trên biển và tàu ngầm.
(Reuters) – Khối CSTO do Nga dẫn đầu kết thúc đợt tập trận gần biên giới Afghanistan để tăng cường an ninh cho Tajikistan. Một cuộc tập trận quân sự kéo dài 6 ngày tại nước Cộng Hòa Trung Á Tajikistan, ở vùng giáp giới với Afghanistan, đã kết thúc vào hôm qua 23/10/2021. Cuộc tập trận được tiến hành để chứng tỏ Matxcơva sẵn sàng bảo vệ Dushanbe trong trường hợp có một cuộc tấn công từ phía nam. Đây là một sự kiện do Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (CSTO), bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan tiến hành, với sự tham gia của hơn 4.000 quân, có cả xe tăng, pháo binh và máy bay chiến đấu.
AFP) – Trung Quốc lùi cuộc đua marathon Vũ Hán do lo sợ Covid-19 bùng phát trở lại. Cuộc đua marathon lẽ ra diễn ra vào hôm nay 24/10/2021 nhưng đã bị hoãn do Trung Quốc hôm nay ghi nhận 26 ca nhiễm mới, khi chỉ còn 100 ngày là đến khai mạc Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. Ban tổ chức marathon Vũ Hán hôm nay thông báo sẽ bồi hoàn kinh phí cho 26.000 người tham dự cuộc thi. Để phòng dịch, các chuyến đi liên tỉnh ở 5 vùng có các ca nhiễm mới bị hủy, nhiều thành phố phải tạm ngưng dịch vụ xe bus.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211024-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p