Tin Tổng Hợp – 23/10/21
Tokyo muốn nâng cấp liên minh Mỹ-Nhật, tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh ý định « thúc đẩy chiến lược hiện thực một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở » với sự hợp tác của tổng thống Mỹ Joe Biden, trong thông điệp video nhân một sự kiện ở Tokyo hôm 23/10/2021.
Hãng tin Nikkei dẫn lời ông Kishida tại Đối thoại thường niên Phú Sĩ Sơn, thế giới đang đối mặt với « nhiều thách thức, nhất là môi trường an ninh khu vực ngày càng khắc nghiệt, những sự kiện đang đe dọa các giá trị phố quát như tự do dân chủ và nhân quyền, những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và virus corona ».
Thủ tướng Nhật Bản nói thêm, liên minh với Hoa Kỳ là nền tảng cho chính sách đối ngoại và an ninh để phát triển «ngoại giao kiên quyết» và khẳng định «sẽ đưa liên minh Nhật-Mỹ lên một tầm cao mới».
Tân chính phủ Kishida mới nhận nhiệm vụ từ đầu tháng, có một chức bộ trưởng an ninh kinh tế – lần đầu tiên tại Nhật Bản. Bộ trưởng sẽ trình dự luật xúc tiến an ninh kinh tế trong kỳ họp Quốc Hội năm tới, vì vấn đề kinh tế và chuỗi cung ứng ngày càng được coi là an ninh quốc gia.
Tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ cầm quyền, Akira Amari, cũng phát biểu trong sự kiện trên, cho rằng Nhật Bản cần giảm thiểu rủi ro, kiểm tra lại những vấn đề dễ tổn thương như năng lượng, viễn thông. Ông nêu ví dụ ngay cả những sản phẩm công nghệ thấp như khẩu trang, găng tay nếu thiếu trong đại dịch cũng dẫn đến sụp đổ đất nước. Akira Amari nhấn mạnh vì Nhật Bản là nước không giàu tài nguyên, nên « chỉ có nghiên cứu và phát triển », cần được sử dụng như «vũ khí kinh tế».
Một trong những sáng kiến là cải cách đại học thông qua một quỹ 10.000 tỉ yen, dành cho nghiên cứu cơ bản và hỗ trợ người làm luận án tiến sĩ. Ông Amari cũng kêu gọi các công ty nên phân công một người trong hội đồng quản trị phụ trách an ninh kinh tế.
Diễn đàn Phú Sĩ Sơn là sự kiện được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Viện Đối ngoại Nhật Bản tổ chức hàng năm.
Thụy My
Tàu chiến Nga, Trung Quốc tuần tra chung lần đầu tiên ở Thái Bình Dương
Reuters – Các tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tuần tra chung đầu tiên ở phần phía Tây của Thái Bình Dương vào ngày 17-23 tháng 10, bộ quốc phòng Nga nói trong một phát biểu ngày thứ Bảy.
Moscow và Bắc Kinh, hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận hợp tác hải quân ở Biển Nhật Bản hồi đầu tháng 10, đã vun đắp mối quan hệ quân sự và ngoại giao thân thiết hơn trong những năm gần đây vào thời điểm quan hệ của họ với phương Tây xấu đi.
Các cuộc diễn tập hải quân được theo dõi sát bởi Nhật Bản, nước hồi đầu tuần này cho biết một nhóm 10 tàu của Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru ngăn cách đảo chính của Nhật Bản và đảo Hokkaido ở phía bắc nước này.
“Nhóm tàu lần đầu tiên đi qua eo biển Tsugaru trong khuôn khổ cuộc tuần tra,” bộ quốc phòng Nga nói trong phát biểu. Eo biển này được coi là vùng biển quốc tế.
“Nhiệm vụ của các cuộc tuần tra là giương quốc kì của Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và giám hộ các đối tượng hoạt động kinh tế hàng hải của hai nước.”
Liên Hiệp Quốc: 43 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng nhân quyền ở Tân Cương
Hôm thứ Năm (ngày 21/10), tại Hội nghị truyền hình đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc, Nicolas De Riviere đã đọc tuyên bố chung của 43 quốc gia cho biết, tình hình nhân quyền ở Tân Cương rất đáng lo ngại.
AFP đưa tin, tại hội nghị, Đại sứ Pháp Nicolas đại diện cho tiếng nói chung của hơn 40 quốc gia phát biểu, họ kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập, bao gồm Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, “được đến Tân Cương ngay lập tức và không bị cản trở”. Ông Nicolas nói rằng, các nước đang “cực kỳ lo ngại” về tình hình ở khu tự trị Tân Cương. Ông dẫn chứng “ở Tân Cương có một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại các cơ sở cải tạo chính trị”.
43 quốc gia đã ký tuyên bố chung bao gồm Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước Châu Á. Tuyên bố cho biết, đã có những vụ tra tấn, đối xử tàn bạo và vô nhân đạo, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và ép buộc tách trẻ em [khỏi cha mẹ] đối với những người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Trương Quân (Zhang Jun), Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, lên án tuyên bố là “dối trá” và “âm mưu làm hại Trung Quốc”, đồng thời bác bỏ tuyên bố này là “cáo buộc vô căn cứ”. Ông nói, “Tân Cương đang phát triển, và người dân tự hào về những tiến bộ đạt được mỗi ngày”.
Bất chấp các phản bác của phía Tân Cương, ngày càng nhiều nhân chứng bước ra kể về trải nghiệm của họ khi bị tra tấn và cải tạo giáo dục ở Tân Cương. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho đến chính phủ các nước cũng lên án, tẩy chay các sản phẩm cưỡng bức lao động ở Tân Cương và gọi cuộc đàn áp của ĐCSTQ với người Duy Ngô Nhĩ là “tội diệt chủng”.
Vào năm 2019 và 2020, các tuyên bố chung về nhân quyền ở Tân Cương lần lượt được ký và ban hành dưới sự bảo trợ của Vương quốc Anh và Đức. Số lượng các quốc gia ủng hộ tuyên bố chung đã tăng từ 23 trong năm 2019 lên 43 trong năm nay, cho thấy các quốc gia đang ngày càng chú ý đến vấn đề đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ.
Ngọc Mai
(AFP) – Pegasus: Pháp, Israel cố làm giảm căng thẳng. Hôm 22/10/2021, điện Elysée xác nhận thông tin của báo chí theo đó một cuộc họp cấp cao giữa các quan chức Israel và Pháp đã diễn ra gần đây ở Paris để cố làm giảm căng thẳng sau khi có những tiết lộ về phần mềm gián điệp Pegasus. Điện thoại di động của ít nhất 5 bộ trưởng Pháp và một nhà ngoại giao trực thuộc phủ tổng thống Pháp đã bị nhiễm ứng dụng Pegasus của Israel.
(AFP) – Mỹ sẽ khởi động chương trình trở lại Mặt Trăng vào tháng 2/2022. Sau nhiều năm chờ đợi, hôm 22/10/2021, cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA thông báo vào tháng 2 năm tới sẽ tiến hành chuyến bay khởi động chương trình Artemis đưa các phi hành gia Mỹ quay trở lại Mặt Trăng, trong đó sẽ có nữ phi hành gia đầu tiên bay lên vệ tinh của Trái đất. Chuyến bay vào tháng 2 sẽ là chuyến bay thử nghiệm không có phi hành gia trên tàu. Tên lửa đẩy mới của NASA, mang tên SLS sẽ phóng lên Mặt Trăng phi thuyền Orion. Phi thuyền này sau khi hoàn thành các nhiệm vụ sẽ bay trở về Trái Đất.
(AFP) – Luxembourg cho phép trồng và hút cần sa ở nhà. Hôm qua, 22/10/2021, chính phủ Luxembourg thông báo sẽ phép người dân nước này trồng cần sa tại nhà và hút cần sa ở những nơi riêng tư. Mỗi hộ gia đình sẽ được quyền trồng 4 cây cần sa. Đây là một trong những biện pháp nhằm chống tình trạng tội phạm có liên quan đến ma túy. Nhưng lệnh cấm tiêu thụ cần sa nơi công cộng ở Luxembourg vẫn được duy trì
(AFP) – Pêru vượt ngưỡng 200.000 người chết vì Covid. Pêru, đất nước 33 triệu dân có tỉ lệ tử vong vì Covid cao nhất thế giới, hôm qua 22/10/2021 đã vượt ngưỡng 200.000 người chết, trong lúc số lượng các ca dương tính mới và tử vong hàng ngàn đã giảm đi nhờ chiến dịch tiêm chủng. Hiện nay có 51% dân trên 12 tuổi đã được chích ngừa Covid. Hồi tháng 4/2021 mỗi tuần có 2.500 người thiệt mạng, tuần rồi chỉ còn 169 trường hợp. Giới nghiêm được rút xuống chỉ còn hai tiếng đồng hồ, các quán ăn được mở cửa trở lại.
(AFP) – Mỹ loan báo tiêu diệt được một thủ lãnh Al Qaida ở Syria. Hôm 22/10/2021 quân đội Hoa Kỳ thông báo Abdul Hamid Al Matar đã bị một máy bay không người lái MQ-9 tiêu diệt ở miền bắc Syria. Đây là thủ lãnh thứ nhì của tổ chức khủng bố Al Qaida bị trừ khử tại Syria trong vòng chưa đầy một tháng. Trước đó Salim Abou-Ahmad đã tử thương trong một vụ không kích gần Idlib. Theo bộ chỉ huy quân sự Mỹ (Centcom) Ahmad là kẻ chịu trách nhiệm vạch kế hoạch, tài trợ và duyệt các vụ khủng bố trong khu vực.
(AFP) – Mạng xã hội tương lai của Donald Trump khiến sàn chứng khoán bốc lửa. Cổ phiếu Digital World Acquisition Corp (DWAC), công ty sẽ hợp tác với mạng xã hội Truth Social của ông Donald Trump đã tăng vọt tại Wall Street. Hôm qua cổ phiếu này được giao dịch ở mức 94,20 đô la, tăng 107,03% sau khi đã tăng trên 350% hôm thứ Năm, giúp đưa giá trị DWAC lên 3,2 tỉ đô la. Đây là kết quả đáng ngạc nhiên đối với một doanh nghiệp mới thành lập chưa có hoạt động thương mại, cho thấy sức thu hút của cựu tổng thống Mỹ. Trong thông báo hôm 20/10, ông Donald Trump cho biết muốn « chống lại sự độc tài của những tập đoàn công nghệ ». Truth Social kỳ vọng trở thành một chọn lựa thay thế Facebook, Twitter, YouTube, những mạng xã hội đã cấm đoán cựu tổng thống.
(Sixthtone) – 44% phụ nữ Trung Quốc ỏ thành thị không muốn lập gia đình. Theo một khảo sát gần đây được Quang Minh nhật báo đăng tải, 44% thiếu nữ thành thị và 25% thanh niên không muốn kết hôn. Cuộc khảo sát do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản thực hiện với sự tham gia của 2.905 người độc thân ở độ tuổi 18-26 sống ở thành thị. Đây là mối đe dọa cho chủ trương thúc đẩy sinh sản của chính quyền. Theo thống kê chính thức, khoảng 8 triệu cặp kết hôn vào năm 2020, so với 13 triệu vào năm 2013, giảm 39%.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211023-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p