Tin Trong Nước – 21/10/21
Tin sáng 21/10: 19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang “cầu cứu”; Ngừng kiểm tra giấy xét nghiệm COVID tại 12 chốt cửa ngõ TP.HCM
Việt Nam ghi nhận 3.646 ca nhiễm và 72 ca tử vong
Tuoitre – Trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới tại 50 tỉnh thành, tăng 608 ca so với hôm trước. Trong ngày, có thêm 1.737 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 72 ca tử vong được ghi nhận.
Các ca tử vong tại từng địa phương được ghi nhận như sau: TP.HCM 43, Bình Dương 8, An Giang 7, Tiền Giang 4, Long An 3, Kiên Giang và Đăk Lăk 2, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Đồng Nai một.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (420.946), Bình Dương (226.845), Đồng Nai (59.691), Long An (33.929), Tiền Giang (15.249).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 873.901 ca nhiễm, trong đó có 796.583 ca khỏi bệnh, 55.905 ca đang điều trị, 21.416 ca tử vong.
Ngừng kiểm tra giấy xét nghiệm COVID tại 12 chốt cửa ngõ TP.HCM
Zing – Chiều tối 20/10, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM cho biết hiện tại, lực lượng kiểm soát dịch đã ngừng kiểm tra giấy xét nghiệm nCoV tại 12 chốt ở cửa ngõ thành phố.
Thay vào đó, lực lượng kiểm soát dịch chỉ kiểm tra khai báo trên phần mềm VNEID, chứng nhận tiêm chủng vaccine, liều gần nhất sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày đối với người vào thành phố.
Cùng ngày, TP. Hà Nội cũng chính thức dừng hoạt động các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào thủ đô.
19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang “cầu cứu” Thủ tướng
VTC – Báo chí trong nước cho biết đa số các doanh nghiệp ở Tiền Giang Cộng đồng 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang (đang sử dụng gần 70.000 lao động) vừa gửi thư cầu cứu Thủ tướng. đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7 đến nay vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nội dung bức thư nêu: “Về phía người lao động tại các doanh nghiệp, dù đã được tiêm mũi 1 vaccine đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy, theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang, “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”.
Cần đến khi 100% người lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày và người nhà của người lao động được tiêm đủ vaccine thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.
Ngày 1/10, cộng đồng doanh nghiệp lớn có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào.
Phía các Doanh nghiệp cho biết khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành nhiều tỉnh phía Nam đang dần khôi phục lại sản xuất, tuy nhiên việc Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn… Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng với những gì đang diễn ra”.
Gần 8.000 doanh nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long giải thể vì ảnh hưởng COVID-19
RFA – Trong chín tháng đầu năm, vùng ĐBSCL chỉ có hơn 6.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng đã có gần 8000 doanh nghiệp giải thể.
Thu ngân sách địa phương của vùng ĐBSCL trong vòng chín tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 90 ngàn tỷ đồng, chưa được 50% so với kế hoạch.
Kể từ đầu tháng 10 khi Chính phủ cho phép nới lỏng phong tỏa nhằm chống COVID-19, chỉ có khoảng 30 – 50% số doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL mở cửa hoạt động trở lại. Hiện số doanh nghiệp có quy mô lao động cao vẫn chưa nhiều vì những hạn chế về yêu cầu tiêm vắc-xin đầy đủ cho lao động.
Bộ Giao thông vận tải nới lỏng quy định đối với hành khách đi máy bay
VnExpress – Theo kế hoạch vận tải hàng không giai đoạn từ 21/10 đến hết ngày 30/11, người đi máy bay cư trú tại địa bàn dịch cấp độ 4 (màu đỏ) hoặc vùng phong tỏa; xuất phát trên chuyến bay từ địa bàn dịch cấp độ 4; chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ đều cần có kết quả xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh) trong 72 giờ trước chuyến bay.
Các hành khách tại địa bàn khác chỉ cần đáp ứng một trong ba điều kiện: kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước chuyến bay; có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.
Hành khách phải khai báo y tế, không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở…
Như vậy, hành khách là trẻ em chưa được tiêm vaccine sẽ được tham gia chuyến bay và chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính.
Tối 21/10: Bộ trưởng Y tế ‘không thể đưa số nhiễm về số 0’; Đại biểu Quốc hội hỏi về vai trò ngành y tế liên quan kit xét nghiệm
Bộ trưởng Y tế không thể đưa số nhiễm về số 0
VnExpress – Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 21/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói Việt Nam phải chấp nhận thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh.
“Không thể đưa số nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn, nhưng phải kiểm soát được vấn đề tử vong. Để làm được điều đó, Việt Nam cần ba tiêu chí là tỷ lệ bao phủ vaccine, chỉ số về mức độ lây nhiễm và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế”, ông Long nói.
Theo lãnh đạo ngành y tế, muốn chuyển sang “thích ứng an toàn” với dịch bệnh, không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc-xin. Trường hợp hệ thống y tế không đáp ứng nổi, thì nâng cấp độ dịch và triển khai các biện pháp ngặt nghèo hơn. “Điều quan trọng là giải pháp thống nhất trên toàn quốc, chấm dứt chuyện ngăn sông cấm chợ và mỗi nơi một kiểu”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội hỏi về vai trò ngành y tế liên quan kit xét nghiệm
Tuoitre – Vấn đề giá kit xét nghiệm mỗi nơi một giá, triển khai mua vắc xin và công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị tại các bệnh viện… là những vấn đề được đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội sáng 21/10.
Đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội, cho rằng khi nhìn thẳng vào vai trò điều hành của tư lệnh y tế thì “vẫn còn băn khoăn”.
Ông dẫn chứng vấn đề loạn giá kit xét nghiệm, bộ khẳng định không quy định giá, và địa phương tự thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá. “Đây là vấn đề phải làm rõ trách nhiệm”, ông nói.
Chia sẻ thêm, đại biểu An thông tin thêm khi trực tiếp trao đổi với một giám đốc bệnh viện lớn tại Hà Nội về công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch thì được biết, các bệnh viện lớn “sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư để chống dịch mà phải đi xin tài trợ”.
Theo ông, thực trạng này là không ổn bởi Quốc hội đã có nghị quyết 30 hay Chính phủ có nghị quyết 86 về trao cơ chế đặc thù cho phòng chống dịch, có cơ chế cho các cơ sở y tế có quyền chủ động mua sắm, đấu thầu nhưng thực tế các bệnh viện lại không triển khai.
Khởi tố giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn
Tuoitre – Chiều 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn – giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc nâng giá thiết bị y tế.
Việc Cơ quan điều tra khởi tố ông Tuấn gây rúng động dư luận bởi ông từng là giám đốc của hai bệnh viện lớn nhưng lại có những sai phạm nghiêm trọng liên quan “thổi giá” thiết bị y tế.
Những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015. Thời điểm này ông Tuấn là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Phụ huynh “chảy nước mắt” với bữa ăn bán trú của học sinh lớp 2
NLĐ – Ngày 21/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản trả lời phụ huynh về đề nghị xác minh thông tin bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Xuân Phú (TP. Huế) sau khi cử cán bộ đến làm việc với trường này.
Trước đó, phụ huynh đã chụp lại khay đựng thức ăn bữa bán trú dành cho học sinh lớp 2 tại Trường Tiểu học Xuân Phú và gửi tới Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị ngành giáo dục có câu trả lời rằng: “Suất ăn trưa của học sinh lớp 2 vào thứ 4 (ngày 13/10) đã đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với lứa tuổi các cháu chưa”?
Hình ảnh cho thấy khay thức ăn có 5 hộc nhưng 2 hộc để trống, những hộc còn lại đựng khoảng một bát cơm, hộc thứ 2 đựng đúng 3 lát chả cá khá mỏng, hộc còn lại đựng ít giá xào dính mỡ (có khay xuất hiện “mờ ảo” miếng thịt bé tẹo); kèm theo đó mỗi học sinh có một bát canh với 2 lát bí đao xắt mỏng “trôi dạt” trong “mênh mông” nước.
Sự việc sau đó được đăng tải trên một số Fanpage và nhiều phụ huynh đã “chảy nước mắt” khi nhìn thấy bữa ăn của học sinh.
Theo trả lời của Phòng GD-ĐT TP. Huế, hiện nay Trường Tiểu học Xuân Phú đang thu tiền ăn bán trú 22.000 đồng/ngày/học sinh, trong đó 5.000 đồng uống sữa buổi chiều, ăn trưa 16.000 đồng và 1.000 tiền gas. Tiền gas nếu dư thì những tháng cuối năm nhà trường không thu thêm hoặc xin ý kiến phụ huynh cho các cháu liên hoan vào ngày ăn cuối cùng của năm học.