Tin Trong Nước – 19/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 19/10/21

Tin sáng 19/10: Thủ tướng ‘Cấp dưới phải phục tùng cấp trên’; TP.HCM chưa tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em

Ảnh tổng hợp.

Thủ tướng ‘Cấp dưới phải phục tùng cấp trên’

NLĐ – Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, Thủ tướng yêu cầu phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên…

Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng vi rút mới; khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng lưu ý, điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế. Lý do người đã tiêm vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.

Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, Thủ tướng yêu cầu phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên.

TP.HCM chưa tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em

Tiền Phong – Bộ Y tế có văn bản về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Thực hiện theo văn bản này, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP và vẫn chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em.

Đây là thông tin do ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố chiều ngày 18/10.

Cựu Tổng cục phó Tình báo sắp hầu toà

VnExpress – Ông Nguyễn Duy Linh, cựu Tổng cục phó Tình báo Bộ Công an, bị xét xử với cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ.

Dự kiến 8h ngày 5/11, TAND thành phố Hà Nội đưa ông Linh ra xét xử về tội Nhận hối lộ theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự; Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, về tội Đưa hối lộ theo khoản 4 điều 364; Hồ Hữu Hoà về tội Môi giới hối lộ theo khoản 4 điều 365.

Phiên toà dự kiến kéo dài hai ngày do thẩm phán Nguyễn Xuân Vân làm Chủ toạ. Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại toà là ông Nguyễn Đức Bằng và Nguyễn Thanh Lâm. Bị cáo Vũ có bốn luật sư bào chữa, hai bị cáo còn lại mỗi người có ba luật sư.

Để phục vụ phiên xử, HĐXX triệu tập bốn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Đăng Luân (lái xe của Vũ Nhôm), Bùi Thế Sự (lái xe của ông Linh), Hoàng Nam Trung và Nguyễn Tuấn Anh (đều là cán bộ công an, trợ lý của ông Linh).

Đây là vụ án thứ 5, Phan Văn Anh Vũ, đại gia ở Đà Nẵng, phải đối mặt trong 3 năm qua. Tổng hình phạt qua các bản án Vũ đang chấp hành là 30 năm tù.

Mưa lũ ở miền Trung: 8 người chết và mất tích

NLĐ – Đến chiều 18/10, mưa ở Quảng Bình đã tạm ngưng. Nhiều nơi nước rút dần nhưng đã để lại hậu quả nặng nề khi có 4 người chết và mất tích.

Hai người chết là em Ng.P.Q. (SN 2007, ngụ thị xã Ba Đồn) đi đánh cá trên sông Gianh bị lũ cuốn. Người thứ hai bị lũ cuốn và chết là ông H.V.Nh (SN 1964, ngụ huyện Tuyên Hóa). Hai nạn nhân vẫn còn mất tích đều ở huyện Quảng Ninh là anh Hồ Văn Sửu (SN 1997, bị nước cuốn khi đang đi rừng) và ông Nguyễn Văn Đường (SN 1970, mất tích khi chèo thuyền ra kiểm tra hồ tôm và thuyền lật).

Tính đến 18 giờ ngày 18/10, toàn tỉnh Quảng Bình có 6 bản của 4 xã ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa vẫn đang bị cô lập, chia cắt; có 30 xã với 2.232 nhà bị ngập. Mưa lũ cũng làm 17 điểm trên các quốc lộ và 10 điểm tại các tỉnh lộ sạt lở, ngập sâu khiến giao thông bị ách tắc.

Ở Hà Tĩnh, mưa lớn nhiều ngày cộng với việc các hồ đập, thủy điện xả tràn để đón lũ đã gây ngập lụt cục bộ, sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt tại nhiều huyện, thị xã. Vùng núi sát tuyến đường Thạch Khê – Vũng Áng sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc hoàn toàn. Một người dân của thị xã Kỳ Anh mất tích khi đang đánh bắt cá tại lòng hồ Sông Rác.Nhiều phường tại thị xã này bị ngập sâu, 153 hộ dân với 441 nhân khẩu tại phường Kỳ Thịnh phải sơ tán tránh lũ. Tại huyện Vũ Quang, tình trạng ngập cục bộ diễn ra tại 2 xã Đức Bồng và Đức Lĩnh, nhiều địa điểm bị sạt lở.

Tại Quảng Trị, gần 20.000 học sinh của 50 trường học ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong phải nghỉ học vì ảnh hưởng mưa lũ và mất điện. Một người bị lũ cuốn mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà ở TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Đakrông bị ngập.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn nhiều nơi bị ngập do mưa lũ. Một người chết là bà V.T.T (64 tuổi, ngụ thị xã Hương Trà) đã tìm được thi thể trên sông Bồ. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm chồng của nạn nhân này. Trước đó, cặp vợ chồng này chèo ghe ra sông Bồ bủa lưới đánh cá và ghe lật.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-19-10-thu-tuong-cap-duoi-phai-phuc-tung-cap-tren-tp-hcm-chua-tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-em.html

Tin trưa 19/10: Chủ tịch Đồng Nai nói ‘Kit test tỉnh khác 70 ngàn, Đồng Nai hơn 200 ngàn’; Cảnh báo đợt mưa lớn tiếp tục kéo dài gần 1 tuần

Ảnh tổng hợp.

Chủ tịch Đồng Nai: Kit test tỉnh khác 70 ngàn, Đồng Nai hơn 200 ngàn

PLO – Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh vào ngày 18-10, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong ngày gần 400 ca nhiễm, tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh lên hơn 59.000 ca. Trong số đó có hơn 45.900 ca đã được xuất viện, 518 ca tử vong.

Về số ca nhiễm Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian trước tỉnh có số ca nhiễm ở mức gần 1000 ca mỗi ngày nên thời gian gần đây giảm sâu là thấy mừng. Tuy nhiên các tỉnh khác nhìn vào số ca nhiễm của tỉnh Đồng Nai vài trăm ca một ngày thì vẫn rất lo lắng.

Về giá kit test COVID-19, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện test nhanh cho công nhân theo định kỳ hướng dẫn của Bộ y tế và yêu cầu đi lại của người dân vẫn cần giấy xét nghiệm. Nhưng giá mỗi bộ kit test trên địa bàn tỉnh còn rất cao. Đề nghị Sở Y tế tham khảo một số địa phương khác có giá test nhanh thấp hơn.

“Tôi thấy có địa phương họ mua chỉ 60-70 ngàn đồng một chiếc, nếu test gộp chia ra chi phí chỉ khoảng 7 ngàn đồng/một người, ở Đồng Nai vẫn 200-300 ngàn đồng. Vì vậy cần kiểm soát giá lại các cơ sở Y tế, phòng khám tư nhân đảm bảo đúng giá thực tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu cần nghiên cứu để điều chỉnh có cần thiết phải làm xét nghiệm PCR khi đã có kết quả test nhanh dương tính hay không nhằm giảm chi phí, tránh lãng phí.

“Nếu cứ xét nghiệm PCR như vậy mỗi lần mấy trăm ngàn, một địa phương nhiều ca nhiễm thì một ngày tốn 3 đến 4 tỷ đồng tiền xét nghiệm PCR. Các địa phương khác một ngày vài trăm triệu PCR mà Đồng Nai hết cả chục tỉ thì choáng váng”.

Vì vậy ông Dũng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế đánh giá lại cách làm để giảm chi phí trong quá trình xét nghiệm PCR.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá xác định ca nhiễm COVID-19 phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Còn về giá test nhanh sẽ kiểm tra lại để có văn bản cụ thể thông tin với các cơ sở Y tế trên địa bàn.  

Mưa lũ chưa rút, miền Trung lại có cảnh báo đợt mưa lớn kéo dài gần 1 tuần

Tuoitre – Từ hôm nay (19/10), đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Trung kết thúc. Dự báo từ ngày 22 đến 27-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 15 đến ngày 18/10 ở miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 700mm. Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và Kon Tum có tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300mm, khu vực Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai có tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm; Nghệ An có lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Dự báo trong sáng 19/10, ở khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Ông Nguyễn Hữu Thành, phó trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mưa lớn dồn dập ở các tỉnh miền Trung vừa qua là do chịu ảnh hưởng cộng hưởng nhiều yếu tố gồm dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp trên khu vực phía bắc ở Nam Trung Bộ, kết hợp với không khí lạnh tăng cường và nhiễu động gió đông trên cao nên ở miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to và xuất hiện một đợt lũ trên diện rộng.

Từ hôm nay, đợt mưa lớn ở miền Trung sẽ kết thúc. Trong những ngày tới, lũ trên các sông giảm dần. Trong hôm nay, không khí lạnh sẽ suy yếu dần, thời tiết ở miền Bắc không còn rét, chỉ còn lạnh vào đêm và sáng sớm.

Dự báo khả năng từ đêm 20-10, lại có một đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa nên từ ngày 21 đến 23-10, ở Bắc Bộ trời chuyển rét. Từ ngày 22 đến 27-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo – ông Thành nói.

Ông Thành cũng nhấn mạnh các tỉnh miền Trung đã liên tục có nhiều ngày mưa lớn và lượng mưa rất lớn nên đất đá ở vùng đồi núi đã bão hòa nước, nguy cơ sạt lở đất đá còn rất cao. Người dân cần đề phòng các hiện tượng sạt lở đất đá gây thiệt hại về người, tài sản.

Mẫu đồng ý tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em khiến nhiều người lo ngại

Hcdc – Hiện đang được dư luận quan tâm là việc tiêm vắc xin cho trẻ, trong đó có mẫu “đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin COVID-19”, được ban hành theo Công văn số /BYT-DP, ban hành ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế đang khiến nhiều người lo ngại.

Cụ thể mục 2 nêu rõ: Tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ…hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

Mục 3. Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng cần

liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Sau khi đọc xong 3 mục trong phiếu, phụ huynh, người giám hộ sẽ đưa quyết định có cho trẻ tiêm chủng hay không, bằng cách ký tên.

Hiện đa số lo ngại về mục 2, chỗ “… tai biến nặng sau khi tiêm chủng”. Một số người lo ngại, nếu họ quyết định không tiêm cho trẻ, thì con của họ có được đến trường hay không. 

Bộ Y tế cho biết việc tiêm vắc-xin COVID-19 là tự nguyện. Tuy nhiên, chính quyền nhiều địa phương đã áp dụng thẻ xanh COVID-19, khiến nhiều người lao động muốn đi làm không còn cách nào khác bắt buộc phải tiêm chủng.

Với trẻ em, hiện chưa thấy trường nào ra quy định – trẻ phải chích vắc-xin COVID-19 mới cho đến trường, nhưng dư luận đang lo ngại sự việc có thể sẽ đi đến bước này.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trua-19-10-chu-tich-dong-nai-noi-kit-test-tinh-khac-70-ngan-dong-nai-hon-200-ngan-canh-bao-dot-mua-lon-tiep-tuc-keo-dai-gan-1-tuan.html