Tin Tổng Hợp – 16/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 16/10/21

Miến Điện bị loại khỏi thượng đỉnh ASEAN

Tướng Min Aung Hlaing, trên truyền hình tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Miến Điện, ngày 11/02/2021, tại Naypyitaw sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.
Tướng Min Aung Hlaing, trên truyền hình tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Miến Điện, ngày 11/02/2021, tại Naypyitaw sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021. AP

Trong cương vị chủ tịch luân phiên hiệp hội các nước Đông Nam Á, Brunei ngày 16/10/20201 thông báo lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, không được mời tham dự thượng đỉnh ASEAN. Lý do : Naypyidaw không thực hiện đầy đủ kế hoạch 5 điểm nối lại đối thoại tại Miến Điện 10 tháng sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành.  Quảng cáo

Kết thúc cuộc họp trực tuyến hôm 15/10/2021 ở cấp ngoại trưởng, các bên quyết định không mời đại diện của chính quyền Miến Điện. Quyết định được đưa ra sau khi Naypyidaw từ chối cho phép đại diện của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tiếp xúc với tất cả các bên, trong đó có cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi.

Thông cáo chính thức của các ngoại trưởng ASEAN giải thích thêm : Quân đội Miến Điện không thi hành đầy đủ thỏa thuận nhằm vãn hồi đối thoại chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các công tác nhân đạo, tại quốc gia Đông Nam Á này từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.

Hãng tin Pháp AFP nhận định việc không mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh tại Brunei mở ra từ ngày 26 đến 28/10/2021, là một “phản ứng mạnh mẽ hiếm thấy” của ASEAN. Thái độ cứng rắn này nhằm hai mục đích. Một là xoa dịu những chỉ trích của cộng đồng quốc tế cho là các nước Đông Nam Á đã nhu nhược và hai là “gửi một thông điệp chính trị” đến Naypyidaw là đã đến lúc tập đoàn quân sự Miến Điện cần chứng tỏ thiện chí và thi hành nghiêm chỉnh thỏa thuận 5 điểm như đã cam kết với ASEAN hồi tháng 4/2021, hai tháng sau cuộc đảo chính. 

Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Carol Isoux, cho biết thêm chi tiết:

“ Sau cuộc họp kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, ngoại trưởng 10 nước ASEAN quyết định không cho phép Miến Điện tham dự thượng đỉnh vào cuối tháng này do thái độ của giới tướng lĩnh cầm quyền, không tuân thủ những cam kết.

Tập đoàn quân sự Naypyidaw đã từ chối toàn bộ những yêu cầu của đặc sứ  ASEAN về Miến Điện. Trong đó có đòi hỏi được tiếp xúc với cựu cố vấn Nhà Nước Miến Điện, Aung San Suu Kyi. Bà vẫn đang bị giam giữ.

Trên thực tế thì chuyến công tác của đặc sứ ASEAN liên tục bị dời lại và tình hình xung đột vũ trang tại chỗ trở nên tồi tệ. Như vậy là lập trường cứng rắn do Singapore, Malaysia và Indonesia chủ xướng đã được lắng nghe hơn là giải pháp thỏa hiệp như là Thái Lan hay Việt Nam mong muốn.

ASEAN là tổ chức đầu tiên trong số những đối tác của Miến Điện. Hiệp hội này đang huy động nhiều nỗ lực trên hồ sơ Miến Điện, vì đó là cả uy tín của toàn khối trên trường quốc tế” . 

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211016-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-b%E1%BB%8B-lo%E1%BA%A1i-kh%E1%BB%8Fi-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-asean

Bảy nhà hoạt động Hong Kong bị bỏ tù vì biểu tình trái phép năm 2020

16/10/21 – Bảy nhà vận động dân chủ Hong Kong, bao gồm các nhà lập pháp tiền nhiệm, bị kết án lên đến 12 tháng tù vào ngày thứ Bảy vì vai trò của họ trong một cuộc biểu tình phản đối một đạo luật an ninh quốc gia sâu rộng do Trung Quốc áp đặt vào năm ngoái.

TƯ LIỆU: Nhà hoạt động dân chủ Figo Chan giơ tay làm dấu hiệu chiến thắng trong khi đang bị đưa vào xe chở phạm nhân đi đến tòa án ở Hong Kong, ngày 28 tháng 5, 2021.
TƯ LIỆU: Nhà hoạt động dân chủ Figo Chan giơ tay làm dấu hiệu chiến thắng trong khi đang bị đưa vào xe chở phạm nhân đi đến tòa án ở Hong Kong, ngày 28 tháng 5, 2021.

Bảy người trước đó đã nhận tội đối với các cáo buộc bao gồm tổ chức cuộc tập hợp trái phép vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, khi hàng ngàn người biểu tình xuống đường. Cảnh sát, ra lệnh cấm cuộc biểu tình này lấy lý do là các các hạn chế virus corona, đã bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình, Reuters cho biết.

Các nhà hoạt động bao gồm Figo Chan, một cựu sáng lập viên Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) hiện đã tan rã; Tsang Kin-shing và Tang Sai-lai của Liên đoàn Xã hội Dân chủ; cựu ủy viên hội đồng quận Andy Chui; và các nhà lập pháp tiền nhiệm Wu Chi-wa, Eddie Chu và Leung Kwok-hung.

Ông Chan chịu án tù 12 tháng, trong khi những người khác bị tuyên các mức án từ sáu đến mười tháng.

Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia vào ngày 30 tháng 6 năm ngoái như một phản ứng đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng vào năm 2019 làm rúng động thành phố. Đạo luật do Trung Quốc soạn thảo nhằm trừng phạt các hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài.

Cuộc biểu tình diễn ra vào ngày hôm sau – ngày đầu tiên dưới luật mới, mặc dù các nhóm xã hội dân sự đã tổ chức các cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 7 trong nhiều năm để đấu tranh cho các vấn đề khác nhau, bao gồm cả quyền dân chủ, theo Reuters.

Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 với lời hứa sẽ duy trì các quyền tự do rộng rãi và mức độ tự chủ cao. Nhà chức trách Bắc Kinh và Hong Kong đã nhiều lần phủ nhận hạn chế nhân quyền và các quyền tự do.

Tong Ying-kit, người đầu tiên bị kết tội theo luật an ninh quốc gia, bị tuyên án chín năm tù vào tháng 7 vì các hoạt động khủng bố và kích động ly khai.

Người này bị buộc tội tông xe mô tô vào cảnh sát trong này biểu tình hôm đó trong khi cầm theo một lá cờ có khẩu hiệu biểu tình bị cấm “Quang phục Hương Cảng, Thời đại Cách mạng.”

Theo Cục An ninh, hơn 150 người đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia. Trong số đó, 100 người đã chính thức bị buộc tội.

https://www.voatiengviet.com/a/bay-nha-hoat-dong-hong-kong-bi-bo-tu-vi-bieu-tinh-trai-phep-nam-2020/6273378.html

TNS Marco Rubio kêu gọi sa thải đặc phái viên khí hậu Đảng Dân chủ vì ‘kiếm lợi từ lao động nô lệ’

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio (ảnh: Gage Skidmore/Flickr).

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio hôm thứ Sáu (ngày 15/10) đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden sa thải đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry sau khi xuất hiện báo cáo ông này có cổ phần trong một công ty Trung Quốc. Công ty này đầu tư tiền vào một doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen vì lạm dụng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Ông Rubio cho biết trong bài viết của mình rằng sa thải ông Kerry không phải là một vấn đề đảng phái vì các báo cáo cho biết ông này và vợ đã đầu tư hơn 1 triệu đô-la Mỹ vào Hillhouse China Value Fund LP. Tập đoàn đầu tư Trung Quốc này lại rót tiền cho một trong những “cổ đông hàng đầu” là một công ty công nghệ Trung Quốc có tên YITU Technology. YITU đã bị chính quyền Trump liệt vào danh sách đen vào năm 2019 vì” đồng lõa trong việc giám sát, giam giữ và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm người khác”. Theo ông Rubio, điều này có nghĩa là đặc phái viên” dường như kiếm lợi từ lao động nô lệ.

Thượng nghĩ sĩ Rubio nói: “Đó phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng chính quyền Biden và một số đảng viên Đảng Dân chủ đang rất khao khát một thỏa thuận hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến mức họ sẵn sàng bỏ qua việc chế độ này sử dụng lao động nô lệ”. Ông cho rằng Đảng Dân chủ quan tâm đến thỏa thuận với ĐCSTQ về vấn đề khí hậu đến mức họ sẵn sàng bỏ qua việc ông Kerry thu lợi từ lao động nô lệ.

Thượng nghị sĩ Rubio còn cáo buộc “cách chơi” của Tổng thống Biden cũng giống như phần lớn các tập đoàn ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông để ông được bầu làm tổng thống. Ông Rubio chỉ ra “các tập đoàn vô quốc gia” như Nike, Apple và Amazon, những tập đoàn đã cống hiến nhiều nhất cho ông Biden và tất cả “được hưởng lợi từ lao động nô lệ hoặc tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp”.

Phụng Minh

https://www.dkn.tv/the-gioi/tns-marco-rubio-keu-goi-sa-thai-dac-phai-vien-khi-hau-vi-kiem-loi-tu-lao-dong-no-le.html

(AFP) – Tổng thống Pháp dự lễ tưởng niệm vụ “đàn áp đẫm máu” người biểu tình Algeri tại Paris ngày 17/10/1961. Dự lễ tưởng niệm biến cố nói trên, tổng thống Pháp Macron tuyên bố đã đến lúc « nhìn nhận sự thật lịch sử ». Những người biểu tình đòi độc lập cho Algeri thời Pháp thuộc bị chính quyền Paris đàn áp đẫm máu. Chính quyền Paris năm 1961 đưa ra con số « ba người biểu tình thiệt mạng » và hơn sáu chục người bị thương, nhưng theo các nhà sử học con số này còn rất xa với thực tế. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Pháp dự lễ tưởng niệm sự kiện này.

(Reuters) – Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc sẽ sớm tổ chức thượng đỉnh để củng cố đối thoại. Thông báo trên được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đưa ra hôm 15/10/2021 sau cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thỏa thuận đầu tư song phương giữa Liên Âu và Trung Quốc đang bị đình lại, Nghị Viện châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận do các cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền. Lần gần đây nhất Liên Âu và Bắc Kinh họp là vào ngày 30/12/2020, dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

(Reuters) – Matxcơva ghi nhận mức khí đốt Nga xuất sang châu Âu gần đạt mức cao kỷ lục. Mức tiêu thụ trong nước cũng ở mức chưa từng có nhưng Nga sẵn sàng xuất khẩu thêm khí đốt sang thị trường châu Âu nếu Bruxelles đề xuất. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm nay 16/10/2021 tuyên bố như vậy trên kênh truyền hình Rossiya 1. Nga sẽ phải nâng dự trữ trong kho, theo dự kiến là từ nay đến cuối tháng 10, trước khi tăng lượng khí đốt bán sang thị trường châu Âu. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ước tính châu Âu thiếu khoảng 25 tỉ m3 gaz.

(AFP) – Covid-19: Lần đầu tiên Nga ghi nhận hơn 1000 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Ngoài 1002 ca tử vong, hôm nay 16/10/2021 chính quyền ghi nhận có 33.208 ca nhiễm mới thường nhật, trong khi chiến dịch tiêm chủng không tiến triển. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong và số ca nhiễm mới ở mức cao nhất. Lo ngại về kinh tế, điện Kremlin từ chối triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt quy mô toàn quốc. Nga hiện là guốc gia bị dịch tàn phá nặng nề nhất châu Âu về nhân mạng. Dịch bùng phát dữ dội trong khi mới chỉ có 31% người Nga tiêm ngừa xong.

(AFP) – Bangladesh chìm trong bạo động tôn giáo. Hôm 15/10/2021 là ngày thứ ba liên tiếp xung đột tôn giáo giữa cộng đồng Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo bùng lên tại hai thành phố lớn là Dacca và Chittagong. Hai người Ấn Độ Giáo thiệt mạng, 150 người bị thương và hàng chục ngôi đền bị tấn công, đốt phá. Chính quyền Bangladesh chưa xác nhận về những thiệt hại nói trên. Đa số dân Bangladesh theo đạo Hồi. Người Ấn Độ Giáo chỉ chiếm chưa tới 10 % dân số.  

(AFP) – Liên hoan phim thành phố Lyon vinh danh nữ đạo diễn New Zealand, Jane Campion. Một ngày trước lễ bế mạc, ban tổ chức đêm 15/10/2021 trao tăng giải Lumière danh dự cho tác giả cuốn phim The Piano, giải Cành Cọn Vàng liên hoan Cannes 1993 và giải Oscar dành cho kịch bản độc đáo nhất. Liên hoan phim thành phố Lyon năm nay công chiếu 170 tác phẩm và phim tài liệu. Trong đó có nhiều bộ phim thuộc dòng kinh điển, như The Piano của nữ đạo diễn Campion. 

(Reuters) – Trung Quốc phóng phi thuyền đưa người lên không gian trong nhiệm vụ dài ngày nhất. Vào lúc 0 giờ 23 phút hôm 16/10/2021 tàu vũ trụ Thần Châu 13 đưa 3 phi hành gia lên không gian, bắt đầu chuyến công tác trong sáu tháng. Đây là chuyến thám hiểm không gian dài ngày nhất của các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc. Đoàn xuất phát từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Trung Quốc đã lao vào cuộc chạy đua không gian để cạnh tranh với Nga và Mỹ. 

(AFP) – Động đất tại Bali – Indonesia, 3 người chết, 7 người bị thương. Vài ngày sau khi mở cửa trở lại đón du khách quốc tế, đảo Bali, điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia hôm 16/10/2021 bị động đất. Theo các giới chức địa phương, thiệt hại về nhân mạng có nguy cơ tăng lên trong những giờ sắp tới. Đây là một đòn đau đối với ngành du lịch Indonesia đã bị nhiều thiệt hại do tác động Covid-19 gây nên và liên tục phải đóng cửa trong nhiều tháng.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211016-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p