Tin Tổng Hợp – 8/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 8/10/21

Mỹ bí mật huấn luyện quân đội Đài Loan

Ảnh minh họa : Đạn được xếp trước chiến đấu cơ F-16V do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận của quân đội Đài Loan tại huyện Gia Nghĩa (Chiayi), miền nam Đài Loan, ngày 15/01/2020.
Ảnh minh họa : Đạn được xếp trước chiến đấu cơ F-16V do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận của quân đội Đài Loan tại huyện Gia Nghĩa (Chiayi), miền nam Đài Loan, ngày 15/01/2020. AP – Chiang Ying-ying

«Từ gần một năm nay», Mỹ kín đáo điều các toán đặc nhiệm sang Đài Loan, huấn luyện quân đội nước này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan trước mối đe dọa Trung Quốc. Hãng tin AFP ngày 08/10/2021, trích lời một quan chức Hoa Kỳ xin được giấu tên, xác nhận tin được báo The Wall Street Journal loan tải. Bộ Quốc Phòng Mỹ và Đài Loan từ chối bình luận về tin trên.

Vào lúc chiến đấu cơ Trung Quốc dồn dập thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tình hình tại eo biển Đài Loan căng thẳng nhất từ «bốn thập niên qua», báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal trong ấn bản hôm 07/10/2021, trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo, cho biết Hoa Kỳ cử thủy quân lục chiến và khoảng 20 quân nhân thuộc các lực lượng đặc biệt sang Đài Loan huấn luyện cho Hải Quân và Lục Quân hòn đảo này.

Vẫn nguồn tin trên nói rõ hơn là trong số các quân nhân được điều sang Đài Loan có một «toán đặc nhiệm và một toán thuộc các lực lượng chính quy». Tránh nói rõ về thời điểm lính Mỹ hiện diện tại Đài Loan nhưng quan chức này khẳng định chiến dịch đã được khởi động từ «chưa đầy một năm nay».

Báo chí tại Đài Bắc trích dẫn một quan chức Hải Quân Đài Loan cho biết chiến dịch nhằm giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ đã diễn ra hồi tháng 11/2020.

Tuy nhiên AFP nhắc lại là một đoạn video được quân đội Mỹ công bố năm 2020 đã cho thấy hình ảnh một số lính Mỹ tham gia vào chiến dịch thao diễn quân sự của Đài Loan mang tên «Balance Temper». Mỹ là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan.

Phản ứng giận dữ của Bắc Kinh

Trả lời báo chí hôm 07/10, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ John Supple tuyên bố ông « không bình luận về các chiến dịch, các cuộc triển khai hay chương trình huấn luyện đặc biệt nhưng đồng thời nhấn mạnh Mỹ ủng hộ Đài Loan », quan hệ giữa Washington và Đài Bắc quan tâm đến « mối đe dọa hiện tại xuất phát từ Trung Quốc » đối với hòn đảo này. Cũng ông Supple một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng những cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình ».

Sáng 08/10, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước các tin nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố Mỹ cần phải biết tình hình Đài Loan « nhạy cảm đến mức độ nào »« cần ý thức được về mức độ nghiêm trọng » từ những hành động của Washington.

Vẫn quan chức này khẳng định thêm là Hoa Kỳ « cần ngưng bán vũ khí cho Đài Loan, cần ngừng hợp tác về mặt quân sự với Đài Bắc » để tránh làm « tổn hại tới quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh », tránh làm tổn hại đến « hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ». Bắc Kinh một lần nữa nhấn mạnh là sẽ làm tất cả để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211008-my-dao-tao-quan-doi-dai-loan

Nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung, JJ Jun Bùi vào vòng hai cuộc thi Chopin ở Warsaw

Nguyễn Việt Trung
Chụp lại hình ảnh, Nguyễn Việt Trung trong một lần biểu diễn dương cầm ở Warsaw trước cuộc thi Chopin lần thứ 18

Cùng 44 thí sinh từ 13 nước, Nguyễn Việt Trung, đại diện cho Việt Nam và Ba Lan vào được vào hai cuộc thi đàn dương cầm mang tên Frederic Chopin ở Warsaw, Ba Lan.

Thông báo của Viện Chopin (The Fryderyk Chopin Institute) cuối ngày 7/10/2021 nêu tên 44 thí sinh từ 13 nước vào vòng hai.

Họ được chọn sau năm ngày trình diễn từ số thí sinh tham gia vòng một gồm 84 người, theo giáo sư Katarzyna Popowa-Zydron, chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi danh tiếng vào loại nhất thế giới.

Có từ năm 1927 và mang tên nghệ sĩ dương cầm Ba Lan/Pháp Frederic Chopin, cuộc thi diễn ra 5 năm một lần, trừ thời gian gián đoạn trong Thế Chiến 2.

Được biết trong ban giám khảo năm nay có nghệ sĩ Canada gốc Việt, ông Đặng Thái Sơn, người đoạt giải nhất cuộc thi Chopin lần thứ 10, năm 1980, trong tư cách thí sinh đến từ Liên Xô.

Ông Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ châu Á đầu tiên thành khôi nguyên giải Chopin trong lịch sử.

Kể từ đó, đã có nhiều thí sinh và người đoạt giải này đến từ châu Á.

Cũng trong cuộc thi năm nay tại Warsaw có nam thí sinh J J Jun Li Bùi, sinh năm 2004, cũng vừa vào vòng hai.

Mang quốc tịch Cananda, JJ Jun Bùi có cha người Việt, mẹ người Hoa và là học sinh của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại Học viện Âm nhạc Oberlin, Canada.

Nguyễn Việt Trung, sinh năm 1996, có song tịch Ba Lan, Việt Nam và trưởng thành trong môi trường nhạc cổ điển tại Ba Lan.

Là sinh viên của GS Katarzyna Popowa-Zydroń tại Nhạc viện Feliks Nowowiejski Academy of Music, TP Bydgoszcz, anh từng biểu diễn tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Yulianna Avdeeva
Chụp lại hình ảnh, Yulianna Avdeeva đoạt giải piano mang tên Chopin năm 2010 ở tuổi 25 tuổi

Cách đây 5 năm, nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc Seong-Jin Cho, 21 tuổi, đã đoạt giải nhất trong cuộc thi lần thứ 17.

Nghệ sĩ Canada Charles Richard-Hamelin đoạt giải nhì và Kate Liu của Hoa Kỳ về ba.

Cách đây 10 năm, Yulianna Avdeeva, người Nga là nữ nghệ sĩ đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi sau 45 năm. Hai giải nhì năm đó được cùng trao cho Ingolf Wunder, 25 tuổi, người Áo, và Lukas Geniusas, 20 tuổi, người Lithuania.

Giải piano Chopin chỉ trao giải nhất trị giá 30 nghìn euro nhưng là giải quốc tế danh tiếng dành cho các nghệ sĩ trẻ, trình diễn solo những tác phẩm của Chopin.

Seong-Jin Cho performs in an early concert at the Chopin piano competition, Warsaw, 3 October 2015
Chụp lại hình ảnh, Seong-Jin Cho đoạt giải nhất cuộc thi Chopin lần thứ 17 năm 2015

Những người đoạt giải (nhất, nhì, ba) “có cánh cửa rộng mở tới các phòng hòa nhạc nổi tiếng nhất hoàn cầu”, theo trang Culture của BBC News.

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-58848781

Trung Quốc tức tối vì thượng nghị sĩ Pháp nói nên gọi Đài Loan là một nước

Reuters – Một thượng nghị sĩ kỳ cựu của Pháp nói hôm thứ Sáu 8/10 rằng Đài Loan nên được gọi là một đất nước. Vị thượng nghị sĩ phát biểu khi đang thăm Đài Bắc, bồi thêm vào những bình luận trước đó đã khiến Bắc Kinh tức tối. Trung Quốc lâu nay vẫn coi đảo Đài Loan là một trong những tỉnh của họ chứ không phải là một đất nước.

Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard thăm Đài Loan hôm 8/10/2021.
Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard thăm Đài Loan hôm 8/10/2021.

Có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan không được phần lớn các nước trên thế giới công nhận, họ đều có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Đài Loan, về thực chất là các đại sứ quán, thường sử dụng tên “Đài Bắc” để chỉ hòn đảo và để đảm bảo rằng các nước sở tại không làm mếch lòng Trung Quốc.

Khi gặp Tổng thống Thái Anh Văn hôm 7/10, Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard, cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nói rằng văn phòng đại diện của Đài Loan tại Paris “thực hiện tốt nhiệm vụ làm đại diện cho đất nước của bà”.

Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc gọi Đài Loan là một nước là hành động “vi phạm trắng trợn sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Pháp”.

Người phát ngôn Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nói thêm: “Những người như ông Richard hoặc là thiếu sự tôn trọng và hiểu biết cơ bản nhất về các chuẩn mực quan hệ quốc tế, hoặc là họ làm hại quan hệ giữa các quốc gia chỉ vì sự ích kỷ của riêng họ”.

“Trung Quốc cực lực lên án và kiên quyết phản đối việc này”, vẫn lời ông Zhao.

Phát biểu với các phóng viên hôm 8/10, ông Richard, người đứng đầu Nhóm Hữu nghị với Đài Loan thuộc Thượng viện Pháp, công nhận rằng việc gọi tên các văn phòng đại diện của Đài Loan như thế nào là một vấn đề phức tạp.

“Đó là một vấn đề ngoại giao tế nhị, nhưng tôi biết rõ rằng là tên của hòn đảo này và đất nước này là Đài Loan”, ông nói bằng tiếng Anh.

“Vì vậy, không hề hay ho gì khi cố ngăn cản đất nước này sử dụng tên của họ”, ông nói tiếp.

Sau đó ông nói thêm bằng tiếng Pháp rằng từ “đất nước”, trong tiếng Pháp, trước hết có nghĩa là một không gian địa lý, không phải một không gian chính trị.

Phát biểu trên được đưa ra giữa lúc quốc tế ngày càng lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc sau khi gần 150 máy bay Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong khoảng thời gian 4 ngày kể từ ngày 1/10, cách đây một tuần.

Đài Loan đã phải sống dưới mối nguy bị Trung Quốc xâm lược kể từ khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy ra đảo vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến với những người cộng sản. Không hề có hiệp ước hòa bình hay hiệp định đình chiến nào được ký kết.

Pháp chỉ có quan hệ chính thức với Bắc Kinh, không phải là Đài Bắc, nhưng Pháp duy trì cơ quan đại diện tương đối lớn, có chức năng là một đại sứ quán trên thực tế, trên hòn đảo với các nhân viên ngoại giao ở đó.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tuc-toi-vi-thuong-nghi-si-phap-noi-nen-goi-dai-loan-la-mot-nuoc/6262829.html

‘Trên thế giới chưa có dự án nào như Cát Linh – Hà Đông’

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông (ảnh: VnExpress/Dautu).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, kéo dài qua nhiều đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hơn một thập niên, 20 lần lỡ hẹn. Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng có lẽ, trên thế giới chưa có dự án nào lập nhiều mốc đáng buồn như thế, ông Nguyễn Xuân Thủy nói với báo Pháp luật TP.HCM.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Pháp luật TP.HCM được đăng tải hôm 7 tháng 10,  ông Thuỷ khẳng định định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM từ năm 1998 là đúng đắn, nếu đúng tiến độ, lẽ ra Việt Nam đã có ít nhất là ba dự án tương tự như Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội hay Bến Thành – Suối Tiên được vận hành, khai thác thương mại.

Tuy nhiên, 23 năm qua dù ngân sách nhà nước đã rót 56.132 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường sắt đô thị nhưng nhiều dự án cho thấy hiệu quả thấp, thậm chí là mất hiệu quả vì chậm tiến độ, đội vốn, gây không ít bức xúc trong dư luận xã hội.

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, lỡ hẹn, dẫn đến đội vốn, đặc biệt là dự án Cát Linh – Hà Đông, ông Thủy cho rằng, lẽ ra chỉ mất 3-4 năm xây dựng nhưng nay đã hơn một thập niên với 20 lần lỡ hẹn.

Theo chuyên gia, việc các dự án trên chậm tiến độ không chỉ làm đội giá 30%-40% mà có thể trên 100%.

Nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm, theo ông Thủy là do Việt Nam chọn đối tác kém. Không biết đối tác của mình từng thi công những công trình gì, có hiệu quả không, năng lực đến đâu… để rồi khi vào Việt Nam thực hiện dự án yếu kém đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn về vấn đề công nghệ, tài chính, kể cả quan hệ quốc tế… điều này được thể hiện rõ ở dự án Cát Linh – Hà Đông.

Hơn nữa, khi chọn đối tác kém, sẽ dẫn đến chủ quan, nghĩ mình có thể quản lý, làm được. Nhưng năng lực quản lý trong nước, hiểu biết về công nghệ, hiểu biết về tài chính… chưa bảo đảm  yêu cầu. Song song đó, hợp đồng ký với đối tác chưa có những điều khoản ràng buộc về trách nhiệm thời gian, hiệu quả, tài chính… nên chúng ta dễ bị đối tác “dắt mũi”.

Chuyên gia giao thông cho rằng, ở Việt Nam cũng phải có “thiết quân luật” với đơn vị quản lý dự án, nếu chậm, có thể mất chức, thay người, chứ không thể sử dụng đồng tiền của người dân vô tội vạ như thế. Phải quản lý chặt chẽ và có trách nhiệm.

Ông Thuỷ nói: “Phải tránh tình trạng “cài cắm” đưa những người thân cận để tạo ra lợi ích nhóm, ăn bớt tiền của người dân”.

Ảnh chụp màn hình K14.

Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau nhiều lần trễ hẹn đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cam kết đưa vào bàn giao cho TP. Hà Nội, vận hành thương mại vào đầu tháng 5/2021.

Tuy nhiên đến nay, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn chưa thông qua kết luận nghiệm thu dự án.

Theo thông tin đăng tải trên Thanh Niên, hiện Bộ GTVT yêu cầu dự án này phải hoàn thành, bàn giao trong năm 2021.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot, đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của thành phố Hà Nội.

Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD).

Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.

Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/chuyen-gia-tren-the-gioi-chua-co-du-an-nao-nhu-cat-linh-ha-dong.html

(AFP) – Pháp thắng Bỉ 3-2 để vào chung kết Cúp Bóng Đá Châu Âu Liên Đoàn Quốc Gia Nations League. Dù bị dẫn trước 2-0 sau hiệp 1, các tuyển thủ bóng đá quốc gia Pháp tối hôm qua, 07/10/2021 đã lội ngược giòng một cách ngoạn mục để chiến thắng đội Bỉ trong trận bán kết Cúp Ligue des Nations UEFA. Bàn gỡ đầu tiên do Karim Benzema ghi, tiếp theo sau là bàn thứ hai do công đá phạt đền của Kylian Mbappé. Và đến cuối trận, Théo Hernandez đã ban phát súng ân huệ cho đội Bỉ. Trong trận chung kết vào Chủ Nhật 10/10 tới đây, đội tuyển Pháp sẽ đối đầu với Tây Ban Nha.

(Kyodo) – Tân thủ tướng Nhật Bản kêu gọi một cách tiếp cận kinh tế mới. Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Fumio Kishida, hôm nay 08/10/2021, tuyên bố sẽ thực hiện một « chủ nghĩa tư bản mới » để thúc đẩy tăng trưởng và phân phối lại thành quả tăng trưởng nhằm xây dựng một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ hơn. Phát biểu trước Hạ Viện, ông cũng hứa chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với COVID-19 đồng thời đưa ra kế hoạch xem xét toàn diện chiến lược an ninh nhằm phát huy một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

(AFP) – Trung Quốc sẽ siết chặt các quy định trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đặc biệt là trong thanh toán trực tuyến. Theo thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương hôm qua, 07/10/2021, thì chính quyền « sẽ tiếp tục làm việc để chống lại tình trạng độc quyền [trong lãnh vực tài chính trực tuyến], chống phân biệt đối xử thông qua các thuật toán và các hình thức phi cạnh tranh khác ». Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh có chủ trương đặc biệt cứng rắn đối với những tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ mà cách hành xử bị cho là không hay, đặc biệt về dữ liệu cá nhân, cạnh tranh và quyền người sử dụng, nhưng vẫn được làm ngơ cho đến nay.

(Sputnik) – Phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở nước ngoài, Nga và Trung Quốc lo ngại. Trong một thông cáo chung tại Liên Hiệp Quốc, Nga và Trung Quốc bày tỏ mối « quan ngại sâu sắc » trước mối họa của 200 phòng thí nghiệm sinh học quân sự nằm ngoài lãnh thổ Mỹ. Bắc Kinh và Matxcơva nghi ngờ những phòng thí nghiệm này có những hoạt động không rõ ràng, do vậy mong muốn biết được những hoạt động có phù hợp với Công ước về Vũ khí sinh học hay không.

(AFP) – Tập đoàn quân sự Miến Điện «ồ ạt đưa quân và vũ khí hạng nặng» đến nhiều bang.  Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani trong cuộc gặp gỡ với báo chí ngày 08/10/2021 cho biết các chiến dịch này đang được thực hiện « từ nhiều tuần qua » tại các khu vực Kanpetlet và Hakha thuộc bang Chin, tại các hạt Kani và Monywa trong khu vực Sagaing và tại bang Magwe. Theo đại diện Liên Hiệp Quốc tình hình đáng lo ngại có nguy cơ thường dân bị tấn công.

(AFP) – Du khách ngoại quốc có thể quay lại Ấn Độ từ ngày 15/10. Sau hơn một năm đóng cửa với du khách nước ngoài, New Delhi hôm 07/10/2021 thông báo sẽ cấp visa du lịch trở lại. Từ tháng 3 đến tháng 5/2021, có lúc Ấn Độ ghi nhận thêm 400.000 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày và 4.000 ca tử vong. Hiện tại tình hình đã được cải thiện, với trung bình 20.000 ca dương tính mỗi ngày và vẫn có từ 200 đén 300 bệnh nhân thiệt mạng vì virus corona. 20 % dân số Ấn Độ đã được tiêm chủng. Năm 2019 đã có gần 11 triệu du khách tham quan Ấn Độ.

(Reuters) – Thổ Nhĩ Kỳ đòi được quyền mua chiến dấu cơ của Mỹ. Một quan chức của đại sứ quan Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington xin được giấu tên hôm 07/10/2021 cho biết Ankara yêu cầu được trang bị 40 chiến đấu cơ F-16 của tập đoàn Lockheed Martin và được phía Hoa Kỳ hỗ trợ hiện đại hóa một phi đội gồm 80 máy bay chiến đấu. Nguồn tin này cho biết thêm đôi bên đang đàm phán về thỏa thuận này.

(AFP) – Viện Pasteur «thận trọng lạc quan» về tình hình đại dịch Covid-19 tại Pháp. Theo thông cáo ngày 08/10/2021 của Viện, trong trường hợp 90 % dân số trên 18 tuổi được chích ngừa, từ nay đến tháng 12, tỷ lệ lây nhiễm do điều kiện về thời tiết có thể dao động từ 20 đến 40 %. Về phần Hội đồng y tế cố vấn cho chính phủ, nhóm này khuyến cáo duy trì giấy chứng nhận y tế cho đến giữa tháng 11. Phát ngôn viên của chính phủ, Gabriel Attal xác nhận các biện pháp chống dịch hiện hành được duy trì cho đến hết ngày 15/11/2021.

(RFI) – Hội nghị Pháp- Châu Phi khai mạc, Paris dành ưu tiên cho giới trẻ của châu Phi. Ngoại trừ tổng thống Emmanuel Macron, không một nguyên thủ hay thủ tướng chính phủ châu Phi nào tham dự hội nghị lần thứ 28, mở ra tại thành phố Montpellier (miền nam) mở ra trong ba ngày từ 7-9/10/2021. Pháp mời 3000 thanh niên từ châu Phi hay gốc Phi tham dự và «đặt các công dân» của châu lục này vào trung tâm sự kiện trong bối cảnh Nga, Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại một vùng thuộc «sân sau» của Pháp và đang có căng thẳng giữa Paris với nhiều quốc gia tại châu lục này như là Mali hay Algeri.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211008-tin-tong-hop