Tin Trong Nước – 8/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 8/10/21

Sáng 8/10: Bão số 7 đang mạnh lên; Thủ tướng ra công điện hỏa tốc chỉ đạo các tỉnh đón người dân về quê

Ảnh tổng hợp.

Bão số 7 khả năng mạnh lên

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sáng sớm nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 7, có tên quốc tế là cơn bão LIONROCK.

Lúc 1 giờ hôm nay, tâm bão ở trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 8, từ 60 – 75km/giờ, giật cấp 10. Theo đó, vùng biển có gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 9/10, tâm bão nằm trên khu vực đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 8 – 9, từ 60 – 90km/giờ, giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Sau đó, bão số 7 đi vào vịnh Bắc bộ. Đến 1 giờ ngày 10/10, tâm bão cách huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 120km về phía đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 8 – 9, tức là từ 60 – 90 km/giờ), giật cấp 11.

Trong ngày hôm nay, do ảnh hưởng của của bão số 7, các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80 – 120mm, có nơi trên 150mm. Các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 – 80mm, có nơi trên 100mm. Sang đến ngày 9 – 12/10, Bắc bộ và phía bắc của Trung bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Thủ tướng ra công điện hỏa tốc chỉ đạo các tỉnh đón người dân về quê

Zing – Nhấn mạnh nhu cầu về quê của người dân là chính đáng, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phối hợp đưa, đón người dân nhanh, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Yêu cầu này được đề cập trong công điện hỏa tốc của Thủ tướng gửi các tỉnh, thành về việc lo đưa đón người dân về quê, ban hành ngày 7/10.

Theo người đứng đầu Chính phủ, sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16, rất đông người dân ở TP.HCM, Bình Dương… có nhu cầu di chuyển về quê. Trong những ngày qua, mặc dù các tỉnh, thành phố đã cố gắng để tổ chức đưa đón an toàn, do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch, khiến nhiều người dân, trong đó có cả người già, trẻ em rất vất vả.

Cá biệt, có một số người dân rời khỏi nơi cư trú. Do quê ở rất xa nên dọc đường đi họ gặp nhiều rủi ro cho sức khỏe bản thân.

Quận Gò Vấp phát phiếu cho dân “tự nguyện không nhận gói hỗ trợ đợt 3”

Phunuonline – Sáng 6/10, nhiều người dân ở phường 12, quận Gò Vấp phản ánh về việc chính quyền địa phương yêu cầu họ ký đơn từ chối nhận gói hỗ trợ đợt 3 của TPHCM.

Ông Trần Văn Sơn (61 tuổi) cho hay, gia đình ông thuộc diện khó khăn. Ông làm nghề mua bán phế liệu, vợ làm nội trợ. Ông rất mong nhận gói hỗ trợ thứ 3 thì chính quyền địa phương kêu ông không nhận. 

“Gói hỗ trợ đợt 3 là lãnh đạo TPHCM muốn giúp đỡ người dân trước ảnh hưởng dịch bệnh, vì sao địa phương lại yêu cầu tôi tự nguyện từ chối” – ông Sơn bức xúc. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trạng (50 tuổi), cho hay ông làm nghề tự do. Cả hai đợt hỗ trợ đầu của TPHCM ông đều không nhận được tiền hỗ trợ. 

“Tôi rất mong được nhận gói hỗ trợ thứ 3 nhưng với thông tin kêu gọi tự nguyện này của phường, tôi thấy bức xúc” – ông Trạng nói

Trước đó, ngày 4/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 12, quận Gò Vấp đã gửi thư kêu gọi gửi người dân của phường có điều kiện không nhận hỗ trợ. 

Sau khi có thư kêu gọi này, rất nhiều người dân được gửi đến một “Phiếu đồng thuận” có đóng mộc UBND phường 12, quận Gò Vấp. Trên phiếu có sẵn nội dung chủ hộ “tự nguyện không nhận gói hỗ trợ đợt 3 trong giai đoạn chống dịch”. Chủ hộ đồng ý sẽ ký và ghi họ tên.

Chiều 6/10, trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Hồng Lâm – Phó chủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp thừa nhận, nội dung thư kêu gọi trên là có thật.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-8-10-bao-so-7-dang-manh-len-thu-tuong-ra-cong-dien-hoa-toc-chi-dao-cac-tinh-don-nguoi-dan-ve-que.html

Tối 8/10: Tin bão số 7; Doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động 

Hiểu Minh | DKN một giờ trước 208 lượt xem

Ảnh tổng hợp.

Tin bão khẩn cấp cơn bão số 7

Hồi 16 giờ ngày 08/10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.  

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão cách Hải Phòng 150km, Nam Định 100km, Thanh Hóa 110km, Nghệ An 130km, Hà Tĩnh 160km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều ngày 09 đến ngày 10/10, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh dự báo có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 09-12/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7.

Xót xa cảnh người dân về quê xoay xở với mưa lũ, sạt lở trong đêm

Thanhnien – Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mưa lớn liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói, dù trời mưa lũ những ngày này, nhưng hàng ngàn người dân đang làm ăn sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, vẫn xuyên đêm tiếp tục hành trình về quê.

Khi đến địa phận Quảng Nam, mưa lớn, nước lũ trên thượng nguồn đổ về khiến nước lũ từ các con sông dâng cao, tràn ra đường và một số tuyến đường nước lũ tràn qua, xảy ra sạt lở khiến người dân gặp vô vàn khó khăn.

Tại Quốc lộ 14B đoạn qua TT.Thạnh Mỹ, mưa lớn, nước ngập qua đường khiến người dân gặp vô vàn khó khăn. Đoàn 200 chiếc xe máy với khoảng 400 người xuyên đêm đánh vật với mưa lũ, sạt lở để tiếp tục hành trình về quê nhà.

Nước tràn bờ chảy xiết, các tình nguyện viên của CLB xe bán tải, các nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng… hì hục dìu đẩy từng chiếc xe vượt nước lũ qua bờ bên kia.

Anh Trần Hoàng Vương (ở TP.Đà Nẵng) cùng các thành viên CLB xe bán tải Đà Nẵng cho biết các nhóm từ thiện ở Đà Nẵng đã đồng hành, hỗ trợ đoàn người trở về quê từ chốt đèo Lò Xo (Phước Sơn, Quảng Nam) ra đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).

Mưa lớn, lũ miền Trung lên cao

VnExpress – Dải hội tụ nhiệt đới đang gây mưa to cho các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên. Cơ quan khí tượng ghi nhận lượng mưa từ 19h ngày 7/10 đến 7h ngày 8/10 ở Phước Năng (Quảng Nam), Phổ Hòa (Quảng Ngãi) 300 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 290 mm, Hòa Ninh (Đà Nẵng) 130 mm, Đăk Choong (Kon Tum) 105 mm, Đăk Lay (Kon Tum) 80 mm.

Mưa lớn khiến lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam) đã đạt đỉnh ở mức báo động hai và đang xuống.

Nằm ven sông Hoài, một nhánh của sông Thu Bồn, trưa nay nhiều tuyến phố Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Hoàng Văn Thụ ở TP Hội An (Quảng Nam) bị ngập 0,2-0,5 m. Nhiều nhà dân, cửa hàng buôn bán dọc các tuyến phố nước mấp mè bậc thềm. Bà con chưa di dời tài sản do đánh giá lũ nhỏ, rút nhanh. Thượng nguồn sông Thu Bồn mưa giảm, các thủy điện không xả nước qua tràn.

Mưa lũ khiến tuyến đường ĐT606 từ trung tâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) đến bốn xã vùng cao biên giới với hơn 6.000 người dân nhiều đoạn ngập gần một mét, sạt lở đất gây chia cắt. Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn, cấm người và phương tiện qua lại. Huyện Tây Giang dự trữ hơn 8 tấn gạo và thực phẩm để cung cấp cho người dân trong trường hợp bị chia cắt nhiều ngày.

Tại Thừa Thiên Huế, 24 giờ qua địa bàn xảy ra mưa lớn, một số đoạn đường tránh TP Huế bị ngập. Mực nước các sông đang lên song nhà dân chưa bị ngập. Mưa và triều cường khiến bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP Huế, bị sạt lở khoảng 250 m, ăn sâu vào đất liền 5 m.

Nước ào ạt đổ về hồ Tả Trạch, hồ thủy lợi lớn nhất Thừa Thiên Huế, với lưu lượng 704 m3/s, làm mực nước dâng lên 29,34 m. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị vận hành sẽ điều tiết nước về hạ du qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng dưới 1.000 m3/s, đảm bảo an toàn hồ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với bão Lionrock, hôm nay các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục mưa 50-80mm, có nơi trên 100mm; từ đêm nay mưa giảm nhanh.

Riêng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong ngày 9-12/10 mưa to do ảnh hưởng của bão. Cụ thể từ chiều 9/10 đến ngày 11/10, Đông Bắc Bộ mưa 150-250mm, có nơi trên 300mm.

Người dân kéo lên phường căng băng rôn đòi hỗ trợ

RFA – Hôm 6 tháng 10 năm 2021, hàng chục người dân ở chung cư Green Town kéo lên trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh để đòi chính phủ hỗ trợ đợt ba với mức một triệu đồng/người. 

Biểu ngữ được người dân mang theo có nội dung: “Đề nghị cơ quan chức năng chi trả gói hỗ trợ COVID đợt 1, 2, 3 cho cư dân chung cư Green Town”. 

Một người dân thuê trọ ở chung cư này cho hay, trước đó, cư dân giăng biểu ngữ này ở chung cư và đến ngày 5-10 chính quyền phường Bình Hưng Hòa B dựng bàn ở sân chung cư để phát tiền hỗ trợ nhưng không đầy đủ với danh sách người dân đã lập, dẫn đến sự việc ngày 6-10. Người dân thuật lại vụ việc qua điện thoại như sau: 

“Qua ngày 6 tháng 10, ngày hôm qua thì tụi em mới đi thẳng lên phường Bình Hưng Hòa (B) luôn thì đại diện một người trong chung cư của tụi em cũng được gặp trên phường. 

Họ (lãnh đạo phường) cũng nói y chang vậy là họ sẽ lập danh sách bổ sung lại và chờ ngày quyết định. 

Bức xúc chứ anh, ngày hôm qua thực sự trên phường em rất là bức xúc có nói một câu nói là ‘từ đó đến giờ tụi em làm cũng đóng thuế cho Nhà nước và không được cắt giảm đồng nào, đến bây giờ khi dân khó khăn thì đó cũng là tiền của dân mà thôi, đưa lại hỗ trợ cho dân thì tại sao đến khi tụi em được nhận hỗ trợ thì lại khó khăn đến vậy?’

Người dân này cho biết, cho đến đợt hỗ trợ thứ ba này, gia đình bà mới được nhận chỉ 15 kg gạo và một triệu đồng, trong khi gia đình có đến ba người, còn những đợt hỗ trợ trước khoảng chỉ có khoảng 1-2% cư dân được lãnh.

Theo phóng viên, khi chiều ngày 7-10 gọi điện thoại trực tiếp cho Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B là ông Nguyễn Thanh Duy Tân để hỏi về bức xúc của người dân, tuy nhiên ông cho biết đang bận họp và đề nghị gọi lại cho ông sau.

Doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động 

Tuoitre – Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một bộ phận công nhân và người lao động đã rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê.

Thiếu hụt lao động trở nên “nóng hơn” khi dịch COVID-19 dần được khống chế, các địa phương đang khẩn trương thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, Công đoàn Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương kêu gọi, thuyết phục người lao động hiện ở khu trọ, nơi cư trú, nơi đang làm việc hoặc qua ứng dụng công nghệ thông tin không về quê, rời nơi cư trú.

Theo Tổng liên đoàn Việt Nam, công đoàn cơ sở cần bàn bạc, thương lượng với doanh nghiệp trong ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.

Bên cạnh đó, công đoàn địa phương nên viết thư, nhắn tin mời người lao động đã về quê trở lại doanh nghiệp; bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp…

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-8-10-tin-bao-so-7-doanh-nghiep-tim-moi-cach-giu-chan-nguoi-lao-dong.html