Thế giới Hồi Giáo – Mâu thuẫn giữa Sunni và Shi’ite – Hoàng Đình Khuê

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thế giới Hồi Giáo – Mâu thuẫn giữa Sunni và Shi’ite – Hoàng Đình Khuê

Theo nghiên cứu mới được công bố, hiện có gần 1/4 dân số thế giới là người Hồi giáo, trong đó 2/3 sống ở Châu Á.
Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ nhì sau Kitô giáo, phát sinh từ thế kỷ thứ 7 theo lịch Ả Rập do Giáo chủ Muhammad sáng lập. Tôn giáo này phát triển rất nhanh, cho đến nay dân số lên đến 1.8 tỷ người (24% dân số thế giới).
Hồi giáo chia làm hai nhóm:
– Nhóm Sunni (Đa số) chiếm 85%; – Nhóm Shi’ite (Thiểu số) chiếm 15%.

Người Hồi giáo tin rằng Muhammad là nhà tiên tri cuối cùng và Kinh Qur’an
là Kinh thánh Hồi Giáo đã được Thiên Chúa Allah truyền lại.
Sau này Muhammad cũng rao truyền lại cho những người nối tiếp và những lời mặc khải đều được ghi vào Thiên Kinh Qur’an.

Muhammad sanh năm 570 sau Công nguyên tại một làng hẻo lánh ở thành phố Mecca, phía Nam Ả Rập.
Từ thuở thiếu thời, Muhammad sống trong sự nghèo khó bần hàn, không được học hành. Đến năm 25 tuổi, Muhammad lấy được vợ giàu và cuộc sống trở nên khá hơn. Muhammad có được 7 người con: 3 trai, 4 gái. Sau này chết hết 5 chỉ còn 2 cô con gái và cô út tên là Fatima.
Đặc biệt từ lúc sinh ra cho đến năm 40 tuổi, Muhammad không có dấu hiệu gì phi thường hay có tư tưởng cao siêu nào tạo nên sự thay đổi quan trọng trong lịch sử của nhân loại. Trong thời điểm này đa số những người Ả Rập là những người vô thần hoặc thờ đa thần gồm đủ các loại thần thánh và ma quỷ.
Tại Mecca đa số người cư trú là người Do thái giáo và Cơ đốc giáo, với tư tưởng của hai tôn giáo này đã định hướng cho Muhammad có ngộ thức trong vũ trụ chỉ có một đấng Tối cao duy nhất – Chúa tể của muôn loài, đó là Thiên Chúa Allah.
Ngay khi nhận được phép mầu nhiệm này, Muhammad tiếp nhận một niềm tin sâu xa mà Thiên Chúa Allah đã truyền lại.
Cho đến năm 612, Muhammad mới chính thức rao giảng niềm tin thiêng liêng của mình trước công chúng và chỉ trong thời gian ngắn, những người Ả Rập vô thần hay tôn thờ đa thần đều từ bỏ niềm tin cũ và đi
theo niềm tin của Muhammad.

Thiên sứ Muhammad, Giáo chủ Hồi giáo

          

Thánh địa Mecca

Niềm tin đó là một sứ điệp được biên soạn và sau đó trở thành Thiên Kinh Qur’an (Kinh thánh của Hồi giáo).
Năm 622, nhận thấy tánh mạng đang bị đe dọa bởi sự thù nghịch của chánh quyền địa phương, Muhammad trốn khỏi Mecca đến trú ngụ tại Medina, cách khỏang 300 km về hướng Bắc. Tại đây Muhammad lập nền tảng đầu tiên của Hồi giáo và biến thành Trung tâm Hồi giáo thế giới.
Chỉ trong thời gian ngắn Muhammad đã tạo được uy tín và phát triển đạo Hồi lớn mạnh, trở thành Chúa tể đầy quyền lực tại Medina.
Những cuộc thư hùng quyết liệt xảy ra giữa hai thế lực của Medina và Mecca kéo dài khoảng 10 năm. Đến năm 630, cuộc chiến tranh tư tưởng kết thúc với sự chiến thắng của Muhammad và dân chúng Mecca hân hoan đón mừng vị Giáo chủ đầu tiên của mình với một đế quốc hùng mạnh nhất Trung Đông.
Trong hai năm cuối đời. Muhammad tiếp tục truyền bá Đạo giáo của mình và chinh phục các bộ lạc tại Trung đông và toàn vùng Ả Rập, phát triển tư tưởng Hồi giáo tạo nên Giáo quyền và Thế quyền vượt bực.
Năm 632, Giáo chủ Muhammad tạ thế, hưởng thọ 62 tuổi.

Trước khi lâm bệnh, Muhammad đã thành lập những luật lệ phải tôn trọng trong Hồi giáo, đó là 5 cột trụ của Đức tin:
  1- Tuyên xưng Đức tin (tiếng Ả Rập là Shahadah)
Tín đồ Hồi giáo phải tin “Không có Chúa nào ngoài Thiên Chúa Allah” và Muhammad là sứ giả của người” (No God but God).
Các tín độ nhắc lại câu này nhiều lần trong một ngày để nhắc nhở Thiên Chúa là vị trí trung tâm của cuộc sống.
 2- Dâng Lễ Nguyện (Salat)
Tín đồ Hồi giáo đòi hỏi phải cầu nguyện theo nghi thức 5 lần một ngày:
lúc rạng đông, lúc đúng ngọ, lúc sau trưa, lúc mặt trời lặn, lúc nửa đêm.
 3- Ăn chay (Sawn): Trong suốt tháng Ramadan (tháng 9 âm lịch của Hồi giáo) phải nhịn ăn, không hút thuốc và cấm tình dục từ bình minh đến hoàng hôn.
4- Bố thí (Zakat): Tín đồ Hồi giáo phải góp một số tiền được ấn định, đặc
trưng là 2.5% thu nhập mỗi năm để giúp người nghèo và bịnh tật.
5- Hành hương tại Mecca (Haji): Tín đồ Hồi giáo phải hành hương tại Mecca ít nhất một lần trong đời mình.

        THIÊN KINH QUR’AN:

Kinh Qur’an thuần túy ghi lại những lời mặc khải của Đấng Allah mà Giáo chủ Muhammad với tư cách là Thiên sứ của Người chuyển tiếp cho nhân loại.
Nói cách khác trong kinh Qur’an chỉ ghi lại những lời rao giảng của Giáo chủMuhammad, nhưng thực tế đó chính là những lời của Đấng Allah truyền khải cho Muhammad. Theo chính người Hồi giáo công nhận những lời mặc khải của Đấng Allah được viết trong kinh Qur’an là nguyên bản bằng ngôn ngữ Ả Rập duy nhất, không chuyển dịch sang bất cứ ngôn ngữ nào khác.

Chương đầu tiên của Kinh Qur’an

Kinh Qur’an là một tác phẩm thi văn, không hẳn là một tập thơ trường thiên
nhưng là một tác phẩm cho những người du mục. Chính vì vậy mà kinh Qur’an
được truyền bá nhanh chóng trên khắp bán đảo Ả Rập. Kinh Qur’an được đón nhận chung với các Thánh kinh: kinh Torah (Cựu Ước) và sách Phúc Âm (Tân Ước).

   MÂU THUẪN GIỮA SUNNI VÀ SHI’ITE:

Sau khi Giáo chủ Muhammad qua đời, không bao lâu Hồi giáo bị phân hóa làm hai nhóm: Sunni và Shi’ite.
Sự mâu thuẫn giữa những người theo nhóm Sunni và nhóm Shi’ite ở nước này hay nước khác thường xuyên xảy ra đưa đến những xung đột đẫm máu thậm chí đánh bom tàn sát lẫn nhau hay chặt đầu xử tử làm thiệt mạng hàng chục triệu tín đồ Hồi giáo.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng sau đây là ba nguyên nhân chính:

    1- Sự phân hóa vì kế vị:
Trước khi qua đời, Muhammad không tiên liệu chỉ định người kế vị, nên nội bộ chia làm hai nhóm:

 –Nhóm Sunni (tiếng Ả Rập là Đa số – Majority) chủ trương những người kế vị (Caliph – Supreme Ruler) không nhất thiết phải truyền cho dòng dõi họ hàng của Muhammad là con rễ tên Ali Ibn Abi Talib lấy con gái của Muhammad tên Fatima.
Ngược lại đa số tín đồ ủng hộ Abu Bakr là người bạn cũng là cha vợ của Muhammad mà theo họ là người có đủ tư cách để trở thành Caliph.
Nhóm Sunni chia thành bốn trường phái lớn: Hanafy, Maliky, Shafi’y và Hanbaly.

Nhóm Shi’ite (tiếng Ả Rập là Thiểu số – Minority) chủ trương người kế vị phải là
Ali Ibn Abi Talib, con rễ của Muhammad, có thẩm quyền cai trị về Thế quyền và
lãnh đạo tinh thần tôn giáo (Giáo quyền), tiếng Ả Rập gọi là Imam (Leader of Muslim Community).

Trải qua 14 thế kỷ, Hồi giáo phát triển nhanh chóng, ngày nay Hồi giáo chiếm 
1.8 tỷ người trên thế giới.
Nhóm Shi’ite chia thành ba giáo phái hết sức bảo thủ, cực đoan và thường tranh chấp với nhau:

  1. Giáo phái Twelvers: nắm ưu thế chính trị tại Iran, đã chủ động trong cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran, lật đổ Hoàng đế Pahlavi.
    Giáo chủ của Twelvers là Ayatollah Khomeini lên nắm chính quyền, nhưngông quá độc tài và tàn bạo bị thế giới tẩy chay.
  2. Giáo phái Druge: xuất hiện tại Liban và Syria từ thế kỷ 11 đến 19.
  3. Giáo phái Assassin: thành lập năm 1090 tại Iran gồm toàn những phần tử ám sát và chuyên thủ tiêu kẻ thù của Hồi giáo. Giáo phái này gieo kinh hoàng khắp nơi suốt thế kỷ 11 và 12 đến nổi sau này danh từ Assassin có nghĩa là “Kẻ mưu sát”.
    Nhắc lại con rễ của Muhammad là Ali thuộc nhóm Shi’ite trở thành Caliph đời thứ tư và ông bị nhóm Sunni giết vào năm 661 sau CN.
    Việc tranh giành kế vị vẫn tiếp tục nhưng lần này đưa đến sự chia rẽ chính thức. Đa số tín đồ phe Sunni ủng hộ ông Mu’awiyah trong chức vụ Caliph.
    Những người thuộc phe Shi’ite của nhóm Ali ủng hộ con trai của Ali là Hussein.
    Khi hai bên đụng độ ở mặt trận Karbala vào ngày 10/10/680, Hussein bị chém đầu và lòng hận thù của phe Shi’ite càng tăng lên. Hussein được vinh danh là Thánh “Tử Vì Đạo”.
    Dưới con mắt của người Shi’ite, Hussein là một nhân vật nhân từ và chính trực đã đứng lên đấu tranh chống kẻ áp bức.
    Theo truyền thống, người Sunni luôn chèn ép và khống chế người Shi’ite không cho giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội cũng như hành chánh kể cả ở các quốc gia có người Shi’ite nhiều hơn.
    Những người thống trị Sunni đã dùng những luận điệu tôn giáo để biện minh cho sự áp bức. Họ cho rằng người Shi’ite không phải là những người Hồi giáo chân chính mà là những người theo dị giáo.
    Sự phân hóa kéo dài suốt 14 thế kỷ và biết bao cuộc chiến đẫm máu xảy ra giết hại hàng chục triệu người.

Năm 1400, Hoàng đế Timur của Hồi giáo Sunni đánh chiếm hai nước Iraq và Iran, giết hại trên một triệu tín đồ Hồi giáo Shi’ite.

Năm 1467, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman thuộc Sunni đánh chiếm Syria, Ai Cập, Bắc Phi và Ả Rập cũng giết hàng triệu tín đồ Hồi giáo Shi’ite.

   2) Sự phân hóa về Giáo lý:
Căn cứ vào lịch sử Hồi giáo, kinh Qur’an chỉ thuần túy ghi lại những lời mặc khải của Thiên Chúa Allah và sau đó được Giáo chủ Muhammad chuyển tiếp đến người dân Hồi giáo.
Trong số 114 chương (Suras) trong kinh Qur’an, đa số được ghi lại trong thời gian Giáo chủ Muhammad còn sống. Phần còn lại được ghi theo trí nhớ và hồi tưởng của những bậc thức giả, giáo sĩ …sau khi Giáo chủ Muhammad tạ thế.
Theo sự nhìn nhận của những người lãnh đạo Hồi giáo, những lời mặc khải của Thiên Chúa Allah trong kinh Qur’an là một Thánh thư duy nhất nguyên thủy và chính xác được viết bằng tiếng Ả Rập. Do đó đọc kinh Qur’an rất khó hiểu, cần phải có giáo sĩ chuyên về kinh Qur’an hướng dẫn. Những bài giảng của các vị học sĩ này gọi là Hadith (Report). Trải qua hàng thế kỷ, số bài Hadith tích lũy rất nhiều, các học sĩ tập trung thành một tập sách gọi là Sunnah (Collection of Reports). Từ đó sách Sunnah trở thành một bộ sách bổ túc cho kinh Qur’an về mặt giáo điều.
Các chính quyền của các nước Hồi giáo chiếu theo tinh thần và luật pháp ghi trong kinh Qur’an và sách Sunnah làm ra bộ luật Sharia (Islamic Holy Law).
Tất cả các sách Sunnah và luật Sharia đều hoàn thành vào thế kỷ 9 và được viết bằng nhiều bản khác nhau tại nhiều nơi khác nhau (tam sao thất bổn).
Do đó những bài viết có nhiều điều mâu thuẫn nhất là về cuộc đời và lời nói của Giáo chủ Muhammad.
Đây là những nguyên nhân chính gậy ra nạn phân hóa trong đạo Hồi. Giáo phái này kết án giáo phái kia là xuyên tạc hoặc giả mạo kinh Qur’an và gọi nhau là kẻ tà đạo, gây ra những cuộc Thánh chiến đẫm máu trong nhiều thế kỷ.
Ngoài ra các nhà nhận định về Hồi giáo cho rằng đế quốc Hồi giáo phát triển khắp thế giới, tạo cơ hội cho người Hồi giáo tiếp xúc với các nền văn hóa xa lạ.
Và với thời gian, giáo lý Hồi giáo lần lần biến chất và nẩy sinh một số giáo phái mới. Đáng kể nhất là Hồi giáo Sufism và Bahai.

  3) Sự phân hóa vì Thần quyền và Thế quyền:

Nhìn chung tư tưởng Hồi giáo dựa trên nền tảng những giáo điều căn bản trong sách Sunnah và kinh Qur’an. Đây là sự nhập thể giữa tư tưởng tôn giáo và vai trò chính trị của Hồi giáo, khác hẳn với những tôn giáo khác có khuynh hướng tách rời chính trị. Hồi giáo trái lại ngay từ lúc đầu đã tự đặt cho mình vai trò quan trọng gồm thâu cả Thần quyền lẫn Thế quyền.
Dưới cái nhìn của Tây phương, thế giới Hồi giáo Ả Rập ở Trung đông là một xã hội thất bại vì đã đặt tôn giáo trong chính quyền tạo nên sự cuồng tín tôn giáo. Chính sự cuồng tín của giới lãnh đạo và quần chúng làm cho xã hội
Ả Rập càng ngày càng khép kín với thế giới bên ngoài, tạo nên đời sống kinh tế suy sụp và lạc hậu.
Nguyên nhân chính đưa đến sự bế tắc của các quốc gia Hồi giáo ở Trung đông là không chịu tách rời giữa tôn giáo và chính quyền.
Trong các nưới Hồi giáo sùng tín, người ta không thể phân biệt được giáo quyền với chính quyền, cũng không thể phân biệt được đâu là giáo luật và đâu là luật pháp quốc gia.
Vào thế kỷ 19, nhiều trí thức Hồi giáo đã nhìn thấy điều đó và họ đã lên tiếng đòi cải cách xã hội Hồi giáo. Một trong những người đó là Triết gia Ai Cập Fouad Zakariya, ông nêu ra thuyết gọi là Chủ nghĩa Thế tục Hóa Xã hội (Securalism). Ông cương quyết đưa ra nhận định: Thế giới Ả Rập không thể nào xây dựng một xã hội văn minh nếu cứ giữ lấy những tư tưởng lạc hậu của thời kỳ bộ lạc vào thế kỷ 7 (thời của Giáo chủ Muhammad lập ra Hồi giáo)
Ông cũng nêu rõ dù bất cứ tôn giáo nào, sự sùng bái tôn giáo chỉ có tính cách riêng tư của cá nhân mà thôi, không ai có quyền đem sự sùng bái riêng tư áp đặt lên cả quốc gia để bắt mọi người phải sùng bái như họ.

Những lời kêu gọi của Fouad Zakariya đã được nhiều chính trị gia hưởng ứng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran …

Vài nhân vật nổi tiếng trong thế giới Hồi giáo:
– Mustafa Kemal Ataturk:
Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1923-1938, ông là người thực hiện thành công cuộc cách mạng Thế Tục Hóa Xã Hội Hồi giáo trong đế quốc Ottoman. Toàn bộ luật pháp Hồi giáo bị xé bỏ, Âm lịch được thay bằng Dương lịch để hòa đồng với thế giới, chấm dứt chế độ đa thê, bỏ tục lệ phụ nữ mang mạng che mặt …

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk

Gamal Abdel Nasser: Thủ tướng Ai Cập từ 1954 – 1956. Tổng thống Cộng Hòa Ả Rập Thống Nhất (1956-1970)

Tổng thống Gamal Abdel Nasser

Năm 1958 Ai Cập trở thành một nước cộng hòa với tên gọi “Cộng Hòa Ả Rập Thống Nhất”.
Nasser trở thành Tổng thống từ năm 1956-1970, ông chủ trương Chủ nghĩa Thế Tục Hóa Xã hội bằng cách loại trừ mọi ảnh hưởng của Hồi giáo ra khỏi chính trị. Tuy nhiên đầu thế kỷ 20, tại Ai Cập có một phong trào Hồi giáo cực đoan gọi là “Huynh đệ Hồi giáo” (Muslim Brotherhood). Phong trào này do Sayit Quitb (1906-1966) sáng lập chủ trương dùng khủng bố để vô hiệu hóa mọi cải cách xã hội Hồi giáo. Năm 1956 Nasser ra lệnh bố ráp bắt hết đảng viên Muslim Brotherhood, nhiều đảng viên bị xử tử, số còn lại lãnh án tù. Và năm 1990 Nasser bị dư đảng của Muslim Brother ám sát

– Hoàng đế Ba Tư Reza Pahlavi: Ông là nhân vật đặc biệt, sinh ra và lớn lên trong gia đình sùng đạo nhưng trở thành người căm ghét đạo Hồi. Ông sanh   năm 1878 và lên ngôi vua năm 1921, cai trị Ba Tư được 20 năm.  Ngay khi vừa lên ngôi, ông Pahlavi ra lệnh giải tán Ulama (Hội đồng Giáo sĩ Hồi   giáo).
  Luật Sharia được thay thế bằng luật pháp quốc gia. Các ngày lễ tôn giáo bị hủy   bỏ, kể cả việc cấm chỉ hành hương Mecca.
  Năm 1941 vua Pahlavi truyền ngôi cho con là Mohammad Reza Pahlavi.

Hoàng Đế Ba Tư Mohammad Reza Pahlavi

   Ngay khi tân vương lên ngôi, các học viên Hồi giáo biểu tình chống đối nhà vua.
    Cảnh sát được lệnh đàn áp xả súng bắn chết hàng trăm học viên Hồi giáo trên
    đường phố. Nhà vua đã quá mạnh tay gây nhiều bất ổn trong nước và bất mãn
    trong quần chúng.
    Đến năm 1979, giáo sĩ Ayatollah Khomeini lưu vong ở Pháp, trở về lãnh đạo
    cuộc cách mạng lật đổ vua Pahlavi, trở thành Tổng thống nước “Cộng Hòa Hồi
    Giáo”.

    – Tổng thống Ayatollah Ruhollah Khomeini: Ông ta là một nhà lãnh đạo rất cực 
    đoan và độc tài. Ông ta tự cho mình là “Nhà lãnh đạo tối cao” (Supreme leader)
    và cũng là vị Imam thứ 12 của giáo phái Twelvers.

Tổng thống Iran Ayatollah Khomeini 
Lăng tẩm của Ayatollah Khomeini    

Nguyên giáo phái Twelvers thuộc nhóm Shi’ite là cội rễ của sự phân hóa giữa
    Sunni và Shi’ite. Họ tin tưởng Ali là người nối nghiệp Muhammad, nhưng nhóm  
    Sunni không chấp nhận và lần lượt giết hại Ali cùng với 10 vị Imam kế vị.
    Đến vị Imam thứ 12 phải trốn đi lúc 4 tuổi và ngườ Shi’ite tin rằng vị Imam sẽ   
    xuất hiện vào một thời điểm tốt đẹp để tái lập một nhà nước lý tưởng và công
    chính. Và chính Tổng thống Khomeini tự xưng là vị Imam thứ 12 đã xuất hiện
    đúng lúc. Vừa lên nắm quyền, Tổng thống Khomeini xóa bỏ bức tường phân
    chia giữa Giáo quyền và Chính quyền để nắm giữ cả hai quyền lực.
    Dưới chế độ “Cộng hòa Hồi giáo” người dân bị kềm kẹp bởi các giáo luật Hồi
    giáo vừa lỗi thời vừa dã man: chẳng hạn bị cáo về trộm cắp bị chặt tay, chặt
    chân. Mọi sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc, chiếu phim đều bị cấm chỉ.
    Phụ nữ bắt buộc phải mặc áo choàng đen (burqa) phủ kín từ đầu đến mắt cá
    chân … Chẳng bao lâu, Khomeini mất hết sự ủng hộ của quần chúng lúc ban đầu
    người dân Iran chợt nhận ra sống dưới chế độ quân chủ cùa dòng Pahlavi còn
    được thoải mái hơn nhiều.
    Nhưng điều nguy hiểm nhất là Khomeini đã gây hận thù với nhóm Sunni của
   nước Ả Rập Saudi, đưa cả nước vào cuộc chiến tranh chém giết vô nghĩa.
   Ayatollah Khomeini chết năm 1989.

   Thật ra sự xung đột giữa hai giáo phái Sunni (Ả Rập Saudi) và Shi’ite (Iran) không  
   hoàn toàn về tôn giáo mà còn về quyền lực kinh tế. Sự căng thẳng hiện nay bắt
   nguồn từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 và cuộc chiến tranh tại Iraq
   năm 2003.
   Cách mạng Hồi giáo Iran đã làm thay đổi bản đồ chính trị Trung đông.
   Iran muốn tạo một làn sóng cách mạng Hồi giáo của nhóm Shi’ite sang các quốc
   gia Hồi giáo láng giềng và phát động một cuộc chiến tranh toàn cầu chống các  
   nước Tây phương và Mỹ.
   Điều này làm lãnh tụ các quốc gia Tây phương, Hoa Kỳ nhất là Ả Rập Saudi lo
   ngại, tìm cách ngăn chận không cho Iran bành trướng thế lực chính trị cũng như
   tôn giáo.
   Cho nên mâu thuẫn giữa hai nhóm Sunni và Shi’ite không dễ giải quyết bởi nhiều
   nguyên nhân liên quan đến tôn giáo, chính trị, kinh tế và sự can thiệp bên ngoài.

   Hoàng Đình Khuê
  
Ngày 10/01/2016