Tin Trong Nước – 5/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 5/10/21

Tin sáng 5/10: Thanh tra việc mua sắm kit test nhanh và xét nghiệm; Phạt 2 triệu đồng người phụ nữ bị cưỡng chế xét nghiệm COVID-19

Ảnh tổng hợp.

Việt Nam ghi nhận 5.383 ca nhiễm và 130 ca tử vong

VnExpress – Trong 24 giờ qua Việt Nam ghi nhận 5.383 ca nhiễm, trong đó có 5.382 ca trong nước ghi nhận tại 37 tỉnh thành, tăng 15 ca so với hôm qua; 27.683 người khỏi bệnh; 130 ca tử vong.

Các ca tử vong ghi nhận tại từng địa phương như sau: TP.HCM 93, Bình Dương 20, Long An và Đồng Nai 5, An Giang 3, Cà Mau, Vĩnh Long, Đà Nẵng và Tiền Giang đều một.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này bao gồm: TP.HCM (400.003), Bình Dương (216.853), Đồng Nai (51.364), Long An (32.857), Tiền Giang (14.172).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca nhiễm, trong đó có 721.480 ca khỏi bệnh, 72.639 ca đang điều trị, 19.845 ca tử vong.

Xử phạt 2 triệu đồng người phụ nữ bị cưỡng chế xét nghiệm COVID-19

Tuoitre – Ngày 4/10, liên quan vụ “Cán bộ phường phá khóa căn hộ, cưỡng chế một phụ nữ đi xét nghiệm COVID-19”, UBND phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Phương Lan, 38 tuổi, ngụ chung cư Ehome 4.

Bà Lan bị xử phạt 2 triệu đồng vì hành vi “không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm” quy định tại điểm a, khoản 2, điều 7 nghị định 117/2020.

Ngày 29/9 (ngay sau khi xảy ra vụ việc cưỡng chế một ngày), đoàn công tác của Thành ủy thành phố Thuận An và phường Vĩnh Phú đã có buổi đối thoại với bà Lan. Tại buổi đối thoại, ông Võ Thanh Quan – bí thư Đảng ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú – đã gửi lời xin lỗi công khai bà Lan đối với việc cưỡng chế bà chưa phù hợp quy định.

Sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Thuận An đã họp và “thống nhất kiểm điểm, phê bình ông Quan về cách cưỡng chế không đúng quy trình, chưa khéo léo, gây phản cảm”.

Sau khi nhận quyết định xử phạt, trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, bà Lan cho biết sẽ khiếu nại, khởi kiện.

Thanh tra ngay việc kinh doanh, mua sắm kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR

Nld – Ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu kit test nhanh COVID-19, mua sắm các loại kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Theo phản ánh, thời gian qua có bất cập về giá mua, bán các loại kit test nhanh kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm COVID-19 như: Giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, giá dịch vụ xét nghiệm không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao.

Bộ Y tế cho biết, hiện đã cấp phép cho 97 loại kit test COVID-19 các loại, trong đó riêng kit test nhanh giá công bố từ 78.000-200.000 đồng/test, giá trúng thầu phổ biến tại bệnh viện, địa phương khoảng 135.000 đồng/kit test.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm đơn, tuy nhiên tại nhiều cơ sở y tế, giá dịch vụ xét nghiệm dao động nhiều mức, cao nhất lên tới 400.000 đồng/test nhanh.

Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn phải xét nghiệm, cách ly làm khó doanh nghiệp?

Tuoitre – Bộ Y tế cho phép người lao động của doanh nghiệp sản xuất đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì không phải xét nghiệm, nhưng vẫn yêu cầu đi lại giữa các vùng phải có giấy xét nghiệm và cách ly khiến nhiều doanh nghiệp khó càng thêm khó..

Cụ thể, vào ngày 3/10, Bộ Y tế ban hành văn bản 8318 về xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 quy định người đã tiêm đủ liều vắc-xin, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến vùng tương đương hoặc thấp hơn vẫn phải có kết quả xét nghiệm mẫu đơn trong 72 giờ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Quy định này gây ngạc nhiên trong cộng đồng doanh nghiệp, bởi mới trước đó mấy ngày bộ này có hướng dẫn xét nghiệm COVID-19 với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho phép lao động đã tiêm đủ 2 liều vắc xin không phải xét nghiệm định kỳ.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thị Thúy Hương – ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho hay, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị hoạt động trở lại, đẩy mạnh sản xuất nên rất cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề đi lại, xét nghiệm nhằm giảm chi phí.

Trong khi đó, quy định của các văn bản trên lại thiếu thống nhất và không rõ ràng khiến doanh nghiệp lúng túng. Bởi có rất nhiều trường hợp người lao động làm việc ngoại tỉnh, phải di chuyển giữa các địa phương, nếu yêu cầu phải có xét nghiệm sẽ rất khó khăn.

Bà Hương nói: “Việc xét nghiệm như vậy làm mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp”. 

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da – giày – túi xách Việt Nam, cho hay khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại là việc tạo thuận lợi trong đi lại, di chuyển của lao động, nhưng những văn bản ban hành lại thiếu tính thống nhất, nhiều địa phương tùy tiện áp dụng, đặt ra quy định riêng.

Bà Xuân đặt câu hỏi với các văn bản này, không rõ công nhân đã tiêm đủ 2 mũi, khi làm việc ngoại tỉnh, phải đi lại giữa các địa phương thì có phải xét nghiệm hay không?

Thực tế, nhiều địa phương hiện nay khi hướng dẫn thực hiện, tự đưa ra những quy định “vượt khung”, tùy tiện. Đơn cử tại Bình Dương, với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn yêu cầu tần suất xét nghiệm “dày đặc”, lao động phải xét nghiệm ít nhất 2 lần trước khi vào sản xuất và khi sản xuất phải xét nghiệm cho tất cả người lao động 2 lần/tuần…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận xét so với công văn cách đây ít ngày quy định người làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan đã tiêm 2 mũi vắc-xin không phải xét nghiệm định kỳ, thì hướng dẫn mới do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành hôm 3/10 có những điểm “vênh” khi yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vẫn phải xét nghiệm, cách ly khi di chuyển giữa các vùng.

Đáng chú ý, quy định này cũng trái ngược với hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải ban hành cách đây vài ngày, người tiêm 1 mũi vắc xin sau 3 tuần, hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng đi máy bay, tàu hỏa không phải xét nghiệm.

Việc văn bản sau “đá” văn bản trước, cộng với làn sóng người dân bỏ Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê trong những ngày gần đây vì kiệt quệ tài chính, hiện đang khiến các doanh nghiệp tái khôi phục sản xuất khó càng thêm khó.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-5-10-thanh-tra-viec-mua-sam-kit-test-nhanh-va-xet-nghiem-phat-2-trieu-dong-nguoi-phu-nu-bi-cuong-che-xet-nghiem-covid-19.html

Tối 5/10: Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; Sau nới lỏng, người dân tá hỏa vì tiền nước máy tăng gấp nhiều lần

Ảnh tổng hợp.

Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Theo TTKTTVQG, chiều nay (05/10), vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 06/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 119,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 07/10, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Thêm 4.363 ca COVID-19, thấp nhất sau 78 ngày

VnExpress – Trong 4.363 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 5/10 có 4.360 ca tại 42 tỉnh thành, giảm 1.022 ca so với hôm qua và là ngày có số ca nhiễm thấp nhất sau 78 ngày; 25.573 người khỏi bệnh; 142 ca tử vong.

Số ca nhiễm hôm nay tương đương thời điểm trước 20/7. Trong đó, 2.591 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 101 ca), 1.769 ca cộng đồng (giảm 921 ca). TP.HCM giảm 999 ca, Sóc Trăng giảm 118 ca, Bình Dương giảm 103 ca; còn Bình Thuận tăng 101 ca, Hậu Giang tăng 48 ca, Đồng Tháp tăng 34 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.315 ca/ngày.

Trong ngày ghi nhận 134 ca tử vong tại: TP.HCM 104 ca, Bình Dương 15, Đồng Nai 4, An Giang và Cần Thơ 3, Cà Mau 2, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Nghệ An một.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 19.979 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 818.324 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sau nới lỏng giãn cách xã hội, người dân tá hỏa vì tiền nước máy tăng gấp nhiều lần

Tuoitre – Hai hôm nay, người dân ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai bức xúc khi giá nước máy tăng đột biến, có nhà tăng từ 4-5 lần so với tiền nước các tháng trước đây.

Ông H.H.M. (ngụ ấp 3, xã Xuân Hòa) cho biết sáng nay 5-10, nhân viên ghi chỉ số vào gặp ông báo tiền nước tháng rồi hơn 600.000 đồng. Ông M. hốt hoảng hỏi lại thì nhân viên này nói do mấy tháng trước nhân viên không ghi chỉ số được nên thu tiền theo mức bình quân 1 tháng. Đến nay nhân viên ghi được nên lũy tiến tháng này tăng lên.

Khi ông M. không đồng ý, nhân viên tính toán rồi giảm xuống còn hơn 300.000 đồng. Tuy nhiên, ông H. cho rằng mức này vẫn cao hơn so với giá nước các tháng trước đây (hơn 100.000 đồng/ tháng).

Tương tự, chị C.T. (ngụ xã Xuân Hòa) cho biết mấy tháng trước nhân viên không ghi chỉ số, nay dồn nhiều tháng khiến chỉ số tăng cao. Trong khi chỉ số càng cao thì mức tính giá nước cũng tăng lên, khiến tổng tiền nước tháng này phải đóng tăng “đột biến” so với trước đây.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Tuấn Lê – giám đốc Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc – cho biết trong 3 tháng (7, 8, và 9) do dịch giã, chủ trương chung của Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai không tổ chức đi ghi chỉ số trực tiếp, mà lấy chỉ số các tháng trước làm cơ sở “khoán” cho bà con.

Về nguyên nhân, theo ông Lê, do chỉ số tháng trước làm cơ sở để “khoán” thấp nhưng thực tế người dân sử dụng cao hơn. Do đó, giá nước một số hộ có thể tăng đột biến.

Cũng theo ông Lê, khi người dân có phản ánh, ông đã giải thích với người dân tình hình chung phải “khoán” nên không thể tránh sai lệch chỉ số. Trong tháng 10, Xuân Lộc được đánh giá là “vùng xanh” nên người dân được đi lại. Đơn vị cho nhân viên đi ghi chỉ số, căn cứ số thực tế trên đồng hồ sẽ tính lại cho người dân.

Mặt khác, ông Lê thừa nhận có trường hợp dồn chỉ số vào mức giá mét khối cao hơn gây thiệt thòi cho khách hàng. “Đơn vị đã báo cáo phản ánh của người dân về Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai để công ty tổng hợp, tính toán lại giá phù hợp cho bà con” – ông Lê nói.

Nguyên chủ tịch xã và cán bộ địa chính tại Nghệ An bị bắt

VOV – Ngày 5/10, lãnh đạo Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An xác, vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Hải (SN 1965, trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghi Phong); Nguyễn Hồng Đức (SN 1978, trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, là cán bộ địa chính UBND xã Nghi Phong. Cả 2 bị can này bị khởi tố về tội: “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Bước đầu xác định, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các bị can trên đã vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Hiện vụ án đang được tiếp tục  tiến hành mở rộng.

7 tỉnh thành đồng ý mở lại đường bay nội địa, 3 địa phương ‘lắc đầu’

Dantri – Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến trưa nay (5/10), đã có 10 địa phương phản hồi về đề xuất góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa giai đoạn 1, trong đó 7/10 địa phương cơ bản đồng ý.

7 địa phương đồng ý gồm, tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa hoàn toàn thống nhất với kế hoạch khai thác các đường bay nội địa của Cục Hàng không .

Tỉnh Nghệ An thống nhất đối với các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TP.HCM với tần suất 2 chuyến/tuần.

TP.HCM cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch. Riêng đối với đường bay TP.HCM – Hà Nội, thành phố này đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

3 địa phương ‘lắc đầu’: Hai tỉnh thành Hải Phòng, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đi/đến địa phương mình. Trong đó Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đến sau ngày 15/10; sau ngày này tỉnh sẽ tiếp tục cân nhắc.

TP. Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kế hoạch khai thác đi/đến Hà Nội trong giai đoạn dịch để lấy ý kiến TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-5-10-tin-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-dong-sau-noi-long-nguoi-dan-ta-hoa-vi-tien-nuoc-may-tang-gap-nhieu-lan.html