Các lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bị kỷ luật?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bị kỷ luật?

Tầm quan trọng của Cảnh sát biển

Gần đây, người sử dụng điện thoại đi động ở Việt Nam hay nhận được tin nhắn với nội dung: “Tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Cảnh sát biển Việt Nam” tại địa chỉ… là góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.” Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam đang thể hiện sự tuyên truyền mạnh mẽ cho lực lượng này.

Các lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bị kỷ luật?

Hình minh hoạ: Một cảnh sát biển Việt Nam đang quan sát tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Hoàng Sa hôm 15/7/2014 – Reuters

Với tầm quan trọng của biển và đại dương hiện nay, cùng với các hành động hung hăng và dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, hơn lúc nào hết, vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam rất quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ an ninh cũng như chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc.

Trước chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc ở biển Đông, đối mặt với các tàu hải cảnh, ngư chính cùng dân quân biển của Trung Quốc, nhưng tránh tạo cớ cho Trung Quốc sử dụng vũ lực, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chính yếu để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước. Ngoài ra, Cảnh sát biển cũng góp phần cùng với Hải quân Việt Nam bảo vệ ngư dân ra khơi, đồng thời bảo vệ an ninh trên biển. Chính vì vậy, việc chú trọng xây dựng năng lực và sức mạnh cho lực lượng này là một ưu tiên cấp thiết. Ngay cả các cường quốc biển trên thế giới như Mỹ, Nhật cũng đã giúp đỡ trang bị các tàu tuần tra hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam với mong muốn giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước.

Thế nhưng, mới đây, một loạt các tướng lĩnh cao cáo nhất của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã bị đề nghị kỷ luật do nhiều sai phạm nghiêm trọng. Điều này gây nên lo lắng rất lớn cho người dân Việt Nam, vốn quan tâm đến biển đảo của đất nước.
Cảnh sát biển Việt Nam, anh là ai?

Trước năm 1998, chính quyền Việt Nam không có một cơ quan Cảnh sát biển chuyên dụng nào mà chỉ có lực lượng Hải quân tuần tra ngoài khơi cùng các hoạt động quân sự khác.

Ngày 28 tháng 8 năm 1998, Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc mới thành lập thì Cục cảnh sát biển chỉ là một Cục chức năng và không chỉ huy các Vùng cảnh sát biển được thành lập sau đó.

Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng và đồng thời các Vùng cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Cục.

Năm 2013, Cục cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển theo Nghị định số 96/2013/NĐ-CP, ngày 27 tháng 08 năm 2013 của Chính phủ. Có con dấu hình quốc huy, là cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định.

Ngày 10 tháng 9 năm 2014, các Vùng cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng.

Văn bản pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển đó là Luật Cảnh sát biển năm 2018.

2014-07-16T000000Z_338362108_GM1EA7G0R9101_RTRMADP_3_CHINA-VIETNAM-RIG.JPG
Hình mình hoạ: Cảnh sát biển VN trên tàu CSB 8003 đang quan sát trên radar tàu TQ gần quần đảo Hoàng Sa hôm 15/7/2014. Reuters

Vì đâu nên nỗi?

Một điều mà rất nhiều người dân thắc mắc trước việc này, đó là Cảnh sát biển đã có hành vi vi phạm gì để bị đề nghị kỷ luật như vậy?

Thông cáo báo chí của Uỷ ban kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (UBKT) mới đây nêu rõ: “Ban Thường vụ Đảng ủy CSB Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh CSB và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ.

Điều rất đặc biệt là thông tin chỉ có như vậy, hết sức chung chung, không có những thông tin chi tiết. Báo chí trong nước thì tất cả chỉ là đăng lại thông cáo báo chí này từ UBKT mà thôi.

Nhưng chúng ta có thể tóm lược là các sai phạm của các lãnh đạo BTL CSB lần này bao gồm: …công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.”

Trong số những người bị UBKT đề nghị xử lý kỷ luật, với hình thức nặng nhất “Khai trừ ra khỏi Đảng có các ông: Đại tá Phùng Danh Thoại, Đảng uỷ viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần; Thiếu tá Lưu Thế Đức, Đảng ủy viên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2.”

Điều này có thể được hiểu là hai người nêu tên trên đã có hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động chuyên môn của họ là quản lý xăng dầu của CSB. Một số nguồn tin giấu tên ngay trong BTL CSB cho biết: Đã có rất nhiều hành vi tham nhũng ở đây. Rất nhiều chuyến công tác, tuần tra của CSB chỉ là “trên giấy”, để các lãnh đạo lấy số xăng dầu đó bán chia nhau. Nói nôm na là các lãnh đạo này đã “vẽ” ra rất nhiều các hoạt động “khống” của lực lượng CSB, từ đó lấy rất nhiều xăng dầu bán ra ngoài, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.

Ngoài ra, dư luận cũng không lạ gì chuyện đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho chính quyền luôn bị kê giá, kê khống, tráo đổi vật tư nguyên liệu. Đơn cử như các vụ án Vinashin, Vinalines đều cho thấy việc nâng giá để mua các thiết bị “bỏ đi” nhưng với giá trên trời này. Ví dụ, theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, chiếc ụ tàu nổi 83M trong vụ án trên đã được Vinalines có quyết định mua vào tháng 10-2007. Khi ấy ụ tàu này đã có tuổi thọ tới 42 năm (sản xuất năm 1965), doanh nghiệp chủ ụ tàu này tại Nga chỉ đưa ra giá bán 5 triệu USD. Thế nhưng Vinalines lại mua qua một công ty môi giới tại Singapore với giá tới 9 triệu USD, theo quyết định của chủ tịch HĐQT Vinalines khi ấy là ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt.

Những hành vi tham nhũng tương tự như vậy không chỉ có ở các vụ như Vinashin, Vinalines mà nay cũng có thể xuất hiện ở ngay cơ quan đầu não của CSB Việt Nam?

000_Hkg9007266.jpg
Một tàu chưa hoàn thiện ở xưởng đóng tàu Nam Triệu thuộc Vinashin ở Hải Phòng năm 2013. AFP

Thêm nữa, các ngư dân cũng không lạ lẫm trước các hành vi bảo kê, thông đồng với các đối tượng buôn lậu trên biển của chính lực lượng CSB. Các hoạt động buôn lậu trên biển rất lớn, bao gồm cả buôn lậu xăng dầu, buôn lậu ma tuý… Các đường dây buôn lậu này đã có sự tiếp tay, bảo kê của chính lực lượng gìn giữ an ninh trên biển là CSB. Chính vì vậy, UBKT đã nhận định các sai phạm này là “rất nghiêm trọng”.

Điều mỉa mai là trong số những người bị đề nghị kỷ luật có ông Doãn Bảo Quyết – Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Hồi đầu tháng 5 năm nay, ông Quyết có đăng một bài trên tạp chí Quốc phòng toàn dân, trong đó ông ta khẳng định: “Những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trên, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng bản lĩnh kiên định, vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ – người chiến sĩ Cảnh sát biển.”

Nay mới hiểu phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” của CSB là đây, là tham nhũng, là tội phạm.

Cần một cuộc thay máu

Theo Điều 4, khoản 1, Luật CSB quy định: Lực lượng Cảnh sát biển đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Những ai phạm này lại như một cú đấm trực tiếp vào Bộ Quốc phòng và Đảng cộng sản Việt Nam.

Thời gian qua, với sự đầu tư rất lớn cho hải quân và CSB, đó là điều cần thiết. Tiền đó đều lấy từ ngân sách quốc gia, tức là lấy từ tiền thuế của người dân. Thế nhưng, với những sai phạm tày đình như vậy, người dân có thể tin tưởng được những hoạt động mua sắm, sửa chữa của quân đội và chính phủ Việt Nam hay không?

Đã có nhiều trường hợp thực tế, chính các cơ quan bảo vệ pháp luật lại là cơ quan bắt tay với tội phạm để kiếm lợi. Mà nay các hoạt động bảo kê, thông đồng với buôn lậu của CSB lại là một bằng chứng cho thấy bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay thối nát ra sao?

Thêm nữa, với những sự tham nhũng như vậy, liệu lực lượng CSB và cả hải quân Việt Nam liệu có đủ sức để bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của Trung Quốc? Chưa kể việc Trung Quốc có thể dễ dàng dùng tiền để “mua chuộc” và vô hiệu hoá các lực lượng quan trọng của quân đội trong việc bảo vệ biển đảo.

Bộ Quốc phòng và Đảng cộng sản phải trả lời các câu hỏi này.

Phạm Hồng Giang 2021-10-03

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.