Tin Tổng Hợp – 2/10/21
Đảng Dân chủ cố cứu kế hoạch 3,5 nghìn tỷ USD của TT Biden sau thất bại
AP – 1/10/2021 -Bất chấp một đêm dài ráo riết đàm phán, các đảng viên Dân chủ đã không thể ngay lập tức đạt được thỏa thuận cho cuộc đại tu chính phủ trị giá 3,5 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden, buộc các nhà lãnh đạo phải hoãn cuộc bỏ phiếu đã được dự kiến về một dự luật liên quan về các công trình công ích. Cuộc đàm phán tiếp tục vào ngày 1/10.
Trước sự thúc đẩy của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, các thành viên Hạ viện đã phải tổ chức một phiên họp vào buổi tối và các cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng tham gia thương thảo tại Điện Capitol trong khi các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ làm việc tới cuối ngày 30/9 để đàm phán về một kế hoạch thu nhỏ mà những người theo đường lối trung dung sẽ chấp nhận. Tổng thống Biden đã dành toàn bộ lịch làm việc của mình cho các cuộc gọi với các nhà lập pháp, nhưng có vẻ như không thể đạt được thoả thuận nào, đặc biệt là với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin.
Ông Manchin từ chối thương lượng. Vị thượng nghị sỹ theo chủ nghĩa trung dung đại diện tiểu bang West Virginia vẫn giữ vững tuyên bố trước đó của mình rằng ông chỉ sẵn sàng thoả thuận với tổng thống ở mức ít hơn một nửa – tức 1,5 nghìn tỷ đô la.
“Tôi không thấy sẽ đạt được một thỏa thuận nào tối nay. Tôi thực sự không thấy”, ông Manchin nói với các phóng viên khi rời Điện Capitol.
Với những trái ngược sâu sắc, tổng thống và đảng của ông đang có nguy cơ phải đối mặt với một thất bại đáng xấu hổ – nếu không muốn nói là sự sụp đổ nghiêm trọng về mặt chính trị đối với toàn bộ kế hoạch – nếu họ không thể giải quyết sự bế tắc đối với tầm nhìn lớn này của ông Biden.
Rủi ro trước mắt là một cuộc bỏ phiếu như đã hứa về phần đầu tiên trong đề xuất của Tổng thống Biden, một dự luật công trình công ích trị giá 1 nghìn tỷ USD được nhiều người ủng hộ nhưng đã bị khựng lại trong lúc các cuộc đàm phán về gói kích cầu tham vọng hơn của ông bị đình trệ. Các thành viên cấp tiến đã từ chối ủng hộ dự luật cầu đường mà họ cho là không đủ, trừ phi có tiến bộ về kế hoạch rộng lớn hơn của ông Biden, vốn là trọng tâm của chương trình nghị sự của đảng Dân chủ. Các nhà lãnh đạo, được sự ủng hộ, đã hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu lên kế hoạch vào tối 30/9 và cho biết Hạ viện sẽ trở lại vào phiên họp ngày 1/10,
Chủ tịch Hạ viện Pelosi gọi đó là “một ngày có tiến triển” trong một bức thư gửi cho các đồng nghiệp, nhưng không đưa ra nhiều chi tiết cho triển vọng phía trước.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đưa ra một tuyên bố trong đó nói: “Rất nhiều tiến bộ đã đạt được trong tuần này và chúng tôi đang tiến gần đến một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Nhưng chúng tôi vẫn chưa tới đó, và vì vậy, chúng tôi sẽ cần thêm một khoảng thời gian để hoàn thành công việc, bắt đầu từ sáng mai”.
Với tham vọng chính trị khó có thể cao hơn, Tổng thống Biden và đảng của ông đang hướng đến một thành tựu lập pháp khổng lồ – hứa hẹn sẽ viết lại các kế hoạch thuế và chi tiêu của quốc gia – nhưng với thế đa số mỏng manh trong Quốc hội.
Đề xuất sâu rộng của tổng thống lên tới 3,5 nghìn tỷ USD về cơ bản sẽ tăng thuế đối với doanh nghiệp cũng như với những người giàu có và dành số tiền đó cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các chương trình khác của chính phủ, liên quan đến cuộc sống của vô số người dân Mỹ.
Tổng thống Biden khẳng định rằng chi phí bỏ ra từ ngân sách thực sự sẽ bằng 0 vì việc mở rộng các chương trình của chính phủ phần lớn sẽ được chi trả bằng mức thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp và người giàu có. Các mức thuế sẽ được áp cho các doanh nghiệp có doanh thu hơn 5 triệu USD mỗi năm và các cá nhân có mức thu nhập hàng năm hơn 400.000 USD, hoặc 450.000 USD cho các cặp vợ chồng.
Ngày Quốc Khánh, Trung Quốc biểu dương sức mạnh ồ ạt trên vùng trời Đài Loan
AFP dẫn nguồn tin từ Đài Bắc ngày 02/10/2021, tố cáo Trung Quốc trong ngày Quốc Khánh (01/10) đã huy động một số lượng máy bay quân sự nhiều kỷ lục, 38 chiếc các loại, xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Quảng cáo
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, trong ngày 01/10/2021, Trung Quốc đã đưa 22 chiến đấu cơ, 2 oanh tạc cơ và 2 máy bay chống tàu ngầm vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Đài Bắc đã phải ra lệnh cho phi cơ cất cánh để giám sát và đuổi các máy bay Trung Quốc. Trong đêm hôm đó, một tốp máy bay thứ hai của Trung Quốc, gồm 13 chiếc, tiếp tục xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo, nâng tổng số máy nay tham gia xâm nhập vùng trời Đài Loan đợt này lên 38 chiếc.
Vùng nhận dạng phòng không là không gian mà một quốc gia có chủ quyền thiết lập để xác nhận và định vị các máy bay vì mục đích an ninh quốc gia. Để chứng tỏ không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Đài Loan, Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Năm 2021, tính đến thời điểm này, Đài Bắc đã thống kê được trên 500 vụ xâm nhập như vậy so với con số 380 vụ hồi năm 2020.
Từ khi bà Thái Anh Văn, người chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan, không chấp nhận nguyên tắc « một nước Trung Quốc duy nhất », được bầu làm tổng thống, Trung Quốc không ngừng có các hành vi đe dọa, gây áp lực với hòn đảo. Mỗi khi có sự kiện quốc tế liên quan đến Đài Bắc là Bắc Kinh cho thị uy sức mạnh.
Tuần trước, ngay khi Đài Loan xin gia nhập hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, Bắc Kinh đưa 24 máy bay quân sự xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Hành động phô trương sức mạnh lần này diễn ra vài ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng phản đối gay gắt việc Anh Quốc đưa chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan với « dụng ý xấu nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan».
Hôm nay, trước báo giới, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) lên án Trung Quốc «phá hoại hòa bình trong vùng bằng những hành vi hăm dọa».
Anh Vũ
Tân Thủ tướng Nhật Bản tổ chức lại đảng cầm quyền, tăng cường nhân sự ‘diều hâu’ đối đầu với Trung Quốc
Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do xác định việc bố trí nhân sự cho bốn vị trí của đảng cầm quyền, bao gồm cả việc bổ nhiệm nhân vật được coi là “diều hâu” đối với vấn đề Trung Quốc để thay thế quan chức ôn hòa. Dự kiến, ông Kishida Fumio sẽ công bố danh sách nội các vào thứ Hai tuần sau (ngày 4/10).
Đảng Dân chủ Tự do đã bầu ông Kishida Fumio làm chủ tịch đảng thứ 27 vào thứ Tư (ngày 29/9). Do Đảng Dân chủ Tự do chiếm đa số ghế tại Thượng viện và Hạ viện, ông Kishida Fumio sẽ được xướng tên là Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.
Theo Kyodo News, cuộc họp Hội đồng các vấn đề lâm thời của Đảng Dân chủ Tự do đã thông qua các thỏa thuận cho bốn vị trí chủ chốt của Đảng này.
Việc bổ nhiệm nhân sự mới dẫn đến việc ông Toshihiro Nikai, 82 tuổi, một cựu chiến binh chim bồ câu trong quan hệ với Trung Quốc, từ chức. Ông luôn được biết đến là người duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, và là nhân vật số 2 trong đảng trong hơn 5 năm. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Amari Akira, 72 tuổi, sẽ kế nhiệm ông Toshihiro Nikai trong vai trò Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do.
Ông Amari Akira, người gần đây từng là người đứng đầu bộ phận thuế của Đảng Dân chủ Tự do, đã lo ngại về an ninh kinh tế của Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác của Nhật Bản với TSMC để củng cố ngành công nghiệp chip của nước này. Ông cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật của các ứng dụng Trung Quốc như TikTok.
Theo truyền thông Nhật, ông Kishida Fumio đã chọn cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Takaichi Sanae làm chủ nhiệm cuộc điều tra các vấn đề của chính phủ. Bà Takaichi Sanae là đối thủ của ông Kishida Fumio trong cuộc bầu cử tổng thống của Đảng Dân chủ Tự do vào ngày 29/9. Ông Takaichi Sanae từng kêu gọi Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản và hội đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Cả hai hành động này đều khiến ĐCSTQ tức giận. Khi tranh cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, bà nói rằng nếu đắc cử, bà sẽ đưa ra các chính sách để chống lại các mối đe dọa kỹ thuật của ĐCSTQ và giúp củng cố nền kinh tế.
Bà cũng tuyên bố trong một tuyên bố bằng văn bản với The Wall Street Journal rằng Nhật Bản nên đầu tư vào công nghệ máy bay không người lái tiên tiến và tên lửa chính xác để đối phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ và Triều Tiên.
Cả ông Amari Akira và Takaichi Sanae đều có mối quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Trang Bloomberg cho rằng hai vị trí quan trọng này trong đảng có thể cho thấy tầm ảnh hưởng của Abe Shinzo trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao của đảng.
Trong chiến dịch tranh cử chủ tịch đảng, ông Fumio Kishida tuyên bố rằng ông sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế và cáo buộc ĐCSTQ muốn phổ biến “hệ thống độc tài” của mình trên toàn thế giới.
Phụng Minh
(Reuters) – Hoa Kỳ và Việt Nam đạt thỏa thuận về gỗ. Thông tin này do đại diện Thương Mại Mỹ tiết lộ ngày 01/10/2021. Thông cáo của đại diện Thương Mại Mỹ khẳng định: «Thỏa thuận này bảo đảm các cam kết giúp ngăn chặn gỗ khai thác hay buôn bán bất hợp pháp nằm ngoài các chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.»
(AFP) – Tổng thống Philippines Duterte thông báo rút lui khỏi chính trường. Hôm nay 02/10/2021, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo không ra ứng cử chức phó tổng thống Philippines. Đắc cử tổng thống Philippines năm 2016, nhiệm kỳ của ông Duterte, nay đã 76 tuổi, sẽ hết hạn sau kỳ bầu cử tháng 5/2022. Theo Hiến pháp Philippines, ông Duterte không được ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 mà chỉ được tranh chức phó tổng thống. Hồi tháng 8, ông đã tuyên bố ra ứng cử chức phó tổng thống và còn hưa hẹn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống ma túy. Tuy nhiên, ông Duterte không nói rõ ông sẽ chia tay với đời sống chính trị khi nào.
(AFP) – Trung Quốc điều tra cựu bộ trưởng Tư Pháp. Thông báo được ủy ban chống tham nhũng quốc gia đưa ra ngày hôm nay, 02/10/2021. Ông Phó Chánh Hoa (Fu Zhenghua) bị điều tra vì « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật », một cụm từ thường để buộc tội tham nhũng các cán bộ đảng Cộng Sản ở Trung Quốc. Ông Phó Chánh Hoa từ năm 2018 đến năm 2020 là bộ trưởng Tư Pháp. Ngoài ra, ông này còn nắm nhiều chức vụ quan trọng về an ninh, tư pháp trong bộ máy chính quyền Bắc Kinh. Cuộc chiến nhân danh chống tham nhũng do ông Tập Cận bình phát động sau khi lên nắm quyền đến nay đã trừng phạt hơn một triệu cán bộ đảng viên có quyền hành từ cấp thấp đến cao.
(AFP) – Nhật Bản: Công chúa Mako kết hôn vào cuối tháng 10/2021. Cơ quan phụ trách truyền thông của Hoàng Gia ngày 01/10/2021 thông báo lễ kết hôn giữa công chúa Mako, 29 tuổi, con gái của em trai Nhật hoàng, và Kei Komuro diễn ra ngày 26/10/2021. Cơ quan này cho biết thêm rằng hôn lễ của công chúa diễn ra trong những điều kiện không mấy thuận lợi. Công chúa bị căng thẳng do các phương tiện truyền thông đưa tin dày đặc về công chúa và gia đình.
(Reuters) – Trump yêu cầu tư pháp mở khóa tài khoản Twitter. Lời yêu cầu này đã được cựu tổng thống Mỹ gởi đến thẩm phán bang Florida ngày 01/10/2021, yêu cầu Twitter phải ngưng khóa tài khoản của ông. Hồi tháng Giêng 2021, Twitter đã đóng tài khoản của ông Donald Trump với lý do rủi ro kích động bạo lực. Trong thư yêu cầu, Donald Trump khẳng định mạng xã hội này đã « bị » một số thành viên trong Quốc Hội « ép buộc » khóa tài khoản của ông.
(AFP) – Hoa Kỳ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua vũ khí Nga. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, bà Wendy Sherman, đang có chuyến thăm tại Thụy Sĩ, khi trả lời báo chí hôm qua, 01/10/2021, còn cho rằng ý định này của Ankara chỉ làm nghiêm trọng thêm mối quan hệ đôi bên. Bà Sherman nhắc rằng tên lửa S-400 của Nga « không tương thích, không thể sử dụng được với hệ thống của NATO ». Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó thông báo ý định hợp tác quân sự với Nga.
(Reuters) – Mali nhận 4 chiếc trực thăng và vũ khí của Nga. Tại phi trường Bamako, quyền bộ trưởng Quốc Phòng tuyên bố : « Mali mua số vũ khí này từ Liên bang Nga, một nước bạn bè mà Mali duy trì một mối quan hệ đối tác rất hiệu quả ». Số vũ khí này được giao này nằm trong khuôn khổ một hợp đồng mà Nga và Mali ký kết hồi tháng 12/2020. Tuy nhiên, đợt giao hàng này diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Paris và Bamako.
(RFI) – Cựu tổng thống Gruzia bị bắt giữ khi về nước. Lãnh đạo phe đối lập, cựu tổng thống lưu vong, Mikheil Saakachvili đã bị bắt hôm 01/10/2021, một hôm sau khi bí mật trở trở về nước sau 8 năm sống lưu vong. Đảng cầm quyền của nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili từ nhiều năm qua đã liên tục ra các lệnh truy nã nhằm vào nhân vật từng được cho là người hùng của cuộc « cách mạng hoa hồng », nổi tiếng thân phương Tây.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211002-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p