Tin Tổng Hợp – 1/10/21
Việt Nam: Saigon hoạt động trở lại sau 3 tháng phong tỏa chống Covid-19
Vào hôm nay 01/10/2021, thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam, bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa, vốn dĩ được ban hành từ cách nay 3 tháng để đối phó với dịch Covid-19. Khoảng 9 triệu cư dân thành phố đã bắt đầu được tự do ra khỏi nhà và đi lại, trong lúc nhiều sinh hoạt kinh tế đã được tái lập. Quảng cáo
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, quân đội đã bắt đầu tháo dỡ các rào cản dựng lên trên các tuyến đường, cũng như hàng trăm trạm kiểm soát ngăn cách các quận trong thành phố. Chủ nhân một cửa hàng bán trái cây, rau quả và thịt không che giấu thái độ vui mừng và giải thích: “Trong thời gian ngừng hoạt động vừa qua, công ty của chúng tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều … Chúng tôi không có đủ nhân viên giao hàng vì họ phải xét nghiệm hai ngày một lần và điều đó rất tốn kém cho công ty.”
Các con đường tại TP. Hồ Chí Minh đã đông đúc trở lại, lần đầu tiên trong nhiều tháng : hầu hết các doanh nghiệp được cho phép mở cửa trở lại và những người đã tiêm chủng được phép di chuyển tự do trong thành phố. Mặc dù chính quyền vẫn duy trì lệnh cấm đi qua các tỉnh thành khác, hàng nghìn người đi xe máy vẫn tập trung tại một chốt kiểm tra trên đường ra khỏi thành phố với hy vọng được phép về quê.
Theo AFP, trong 3 tháng qua, để hạn chế đà lây lan cực mạnh của dịch Covid-19, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, người dân đã không được rời khỏi nhà, ngay cả khi đi ăn, và hầu như mọi di chuyển vào khu vực đều bị đình chỉ. Tính đến hết tháng 9, TP Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 50% trong tổng số gần 800.000 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam.
Điều bi thảm nhất chính là con số 14.850 ca tử vong vì dịch bệnh, chiếm khoảng 3/4 số 19.301 ca tử vong của cả nước được chính thức ghi nhận tính đến hết ngày hôm qua. Hiện chưa đến 10% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ nhưng TP. Hồ Chí Minh đã được phân bổ số liều vac-xin nhiều nhất và hầu hết người lớn đều đã được tiêm chủng.
Việt Nam từng được ca ngợi là hình mẫu về ngăn chặn virus, nhưng đã phải vật lộn để chống lại làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 4 tại các khu công nghiệp phía Bắc và nhanh chóng tiến xuống phía Nam. Tác hại kinh tế của đợt phong tỏa rất nặng nề. Theo số liệu được công bố ngày 29/09, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức suy giảm nặng nề nhất trong quý 3/2021 vừa kết thúc.
Trả lời ban Tiếng Việt đài RFI, Tiến sĩ Lê Hồng Phước, giảng viên Khoa Ngữ văn Pháp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết cảm xúc và không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau ba tháng bị phong tỏa.
TS. LÊ HỒNG PHƯỚC, SÀI GÒN:
TS. Lê Hồng Phước : Bữa nay là ngày đầu tiên đi ra đường, cũng giống như mọi người, sau bốn tháng cảm giác lạ lắm. Tôi chạy xe ngoài đường mà tôi cứ lẩm bẩm một mình « Ôi sự sống ! Sự sống ! » Bà con ra đường đông lắm. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Hiệu ăn được mở bán đem về. Tiệm hớt tóc cũng thấy có mở cửa. Rồi chợ truyền thống cũng mở.
Siêu thị hôm nay đều mở cửa hết. Bà con đi siêu thị cũng đông hơn bình thường, nhưng không có chen lấn, xếp hàng đàng hoàng. Rồi cũng có kiểm tra nữa. Ai đã tiêm hai mũi thì được vào, một mũi mà trên 14 ngày cũng được phép, có kiểm tra nhiệt độ và phải trình giấy chứng nhận tiêm ngừa, khi vào rồi cũng phải giữ khoảng cách.
Người dân Sài Gòn sáng nay có rất nhiều người nói với nhau : Sài Gòn nó quen quen mà nó lạ lạ, mà nó lạ lạ, nó quen quen !
Tại Sài Gòn tuyệt đại đa số, trên 90% đã được tiêm ngừa, có những địa phương là 100% mũi một, còn lại khoảng 50% là được hai liều. Với độ phủ vac-xin như vậy, cũng yên tâm phần nào. Đương nhiên khi ra đường ai cũng phải đeo khẩu trang cả !
RFI : Là giảng viên đại học, chắc anh cũng hồi hộp mong được quay lại trường, gặp lại sinh viên của mình ?
Theo tôi, tất cả đều phụ thuộc vào độ phủ vac-xin. Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược mấy lần vì còn lệ thuộc vào độ phủ này. Hiện tại, Sài Gòn đã phủ được trên 90% cho mũi một, và được gần 50% cho mũi hai, như vậy là cũng tương đối, vì cũng không thể nào đóng cửa hoài được, ảnh hưởng đến kinh tế rất nặng nề, do vậy cần phải mở lại.
Nhưng chính quyền thành phố rất rõ ràng : Mở cửa nhưng phải có lộ trình, sẽ có một kế hoạch đi từng bước một sao cho vừa mở lại, hoạt động kinh tế được nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch. Tính mạng con người là quan trọng.
Tôi thấy là các trường học cũng vậy. Việc mở cửa trường học lại là chưa gấp. Chính quyền phải đảm bảo sao cho học sinh – sinh viên được tiêm đủ hai liều, thì như vậy mới đủ điều kiện trở lại trường. Đặc biệt là ở trường đại học ở Tp. Hồ Chí Minh, đa phần các sinh viên là từ các tỉnh lên. Từ hơn một tháng nay, các em phải theo học trực tuyến và đa phần vẫn còn ở dưới các tỉnh, nhất là các tỉnh ở miền Tây, những ngày gần đây tình hình dịch bệnh cũng rất nghiêm trọng.
Các em ở tỉnh muốn trở về thành phố Hồ Chí Minh, trong khi ở Sài Gòn độ phủ vac-xin cao, thì phải cân nhắc như thế nào giữa các tỉnh phải làm sao độ phủ vac-xin càng cao càng tốt. Chỉ khi nào các em học sinh – sinh viên chích đủ hai liều thì mới có thể dần dần tính đến việc quay trở lại lớp học.
RFI Tiếng Việt cảm ơn TS. Lê Hồng Phước tại Tp. Hồ Chí Minh.
Trọng Nghĩa
Bình Nhưỡng lại thử tên lửa ngay trước cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An
Sau khi bị dời lại một hôm theo yêu cầu của Nga và Trung Quốc, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp vào hôm nay, 01/10/2021 để thảo luận về vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa siêu thanh. Trong một động thái bị cho là khiêu khích, vài giờ trước cuộc họp, Bình Nhưỡng lại tiến hành một vụ thử tên lửa khác.
Trong một bản tin công bố hôm nay 01/10, hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, KCNA, cho biết : “Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên ngày 30/09 đã tiến hành bắn thử một tên lửa phòng không mới vừa được phát triển gần đây”. KCNA đã hoan nghênh rằng “hiệu suất chiến đấu đáng chú ý của tên lửa đã được kiểm chứng, với việc sử dụng các công nghệ quan trọng mới”. Một bức ảnh chụp tên lửa bay lên bầu trời sau khi vụ phóng đã được tờ báo chính thức Rodong Sinmun công bố.
Theo hãng tin Pháp AFP, vụ bắn thử mới này có vẻ khiêu khích, vì diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An do Washington, Paris và Luân Đôn yêu cầu, để bàn về vụ bắn tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng, được Bình Nhưỡng giới thiệu là “siêu thanh”. Cuộc họp khẩn dự kiến được tổ chức vào hôm qua, nhưng đã bị hoãn qua ngày hôm nay theo yêu cầu của Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng và Nga.
Bắc Triều Tiên từ lâu nay đã nổi tiếng với chiến thuật được cân nhắc kỹ lưỡng là sử dụng thử nghiệm vũ khí để làm gia tăng căng thẳng. Theo chuyên gia Soo Kim thuộc trung tâm tham vấn RAND Corporation của Mỹ, với những vụ thử gần đây, Kim Jong Un đang tìm cách trắc nghiệm phản ứng của Washington để xem Bình Nhưỡng có thể khiêu khích tới mức nào.
Phản ứng trước hành động của Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm qua đã tố cáo Bình Nhưỡng tạo thuận lợi cho “sự bất ổn định và tình trạng mất an ninh” khi liên tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Trọng Nghĩa
Tầu chiến Anh đến cảng Cam Ranh, thăm Việt Nam bốn ngày
Khinh hạm lớp 23 HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh hôm nay, 01/10/2021, đã cập cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Anh – Việt Nam. Quảng cáo
« Good morning Vietnam ! Xin chào Việt Nam! Thật tự hào khi Richmond có cơ hội ghé thăm đất nước xinh đẹp của các bạn. » Đây là những dòng tin nhắn được chiến hạm gởi đi trên mạng xã hội Twitter.
Theo trang mạng Forces, khinh hạm HMS Richmond, thuộc tổ tác chiến hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Vương Quốc Anh đã được đại diện sở Ngoại Vụ tỉnh Khánh Hòa, Quân khu 4, bộ đội biên phòng, cảng quốc tế Cam Ranh và đại sứ Anh tại Hà Nội đón tiếp trọng thể.
Hôm thứ Tư, 29/09/2021, chiếc tầu chiến này đã băng qua eo biển Đài Loan để đến Việt Nam. Chính quyền Bắc Kinh cáo buộc Luân Đôn có hành động « ẩn chứa ý đồ xấu xa ».
Đầu tuần này, HMS Richmond cùng với tầu sân bay HMS Queen Elizabeth đã tiến hành một cuộc tập trận với Hải quân Hoàng gia New Zealand.
Minh Anh
(Reuters) – Chính quyền Biden công bố chiến lược thương mại đối với Trung Quốc vào ngày 04/10/2021. Trong thông cáo vào hôm qua, 30/09, văn phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ cho biết là bà Katherine Tai sẽ có bài phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược, một think-tank ở Washington, đề cập đến chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
(Reuters) – Đài Loan cho rằng Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn gia nhập Hiệp ước thương mại CP-TPP. Bộ trưởng Kinh Tế Đài Loan ngày hôm qua, 30/09/2021 cho rằng các hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt về kinh tế gây ra những vấn đề cơ bản cho việc Trung Quốc xin gia nhập hiệp định thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương CP-TPP. Và nếu được kết nạp trước Đài Loan, thì có nguy cơ Bắc Kinh sẽ chặn đơn xin gia nhập của Đài Bắc.
(AP) – Trung Quốc điều 25 chiến đấu cơ đến eo biển Đài Loan thị uy nhân ngày Quốc Khánh. Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 01/10/2021 cho biết phát hiện chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc và Đài Bắc đã điều máy bay để bảo vệ không phận. Tuần trước, 24 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã sách nhiễu Đài Loan sau khi Đài Bắc thông báo đệ đơn xin gia nhập hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
(AFP) – Bắc Kinh ra lệnh cho các tập đoàn điện lực Trung Quốc phải để bảo đảm năng lượng cho mùa đông năm nay. Theo một báo cáo công bố hôm 01/10/2021, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là tránh để nền kinh tế thứ nhì thế giới thiếu hụt năng lượng, đe dọa đến tăng trưởng toàn quốc. Phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) đưa ra quyết định nói trên tại một cuộc họp khẩn cấp được tổ chức trong tuần. Ông Hàn Chính đặc trách các lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp.
(AFP) – Ngoại trưởng Blinken công du Pháp hàn gắn rạn nứt với Paris. Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 01/10/2021 thông báo Antony Blinken sẽ đến Paris từ ngày 4 đến 6/10/2021 xoa dịu khủng hoảng ngoại giao Pháp – Mỹ sau vụ Úc quay sang Hoa Kỳ, hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.
(AFP) – AFP tổ chức một cuộc bán đấu giá 200 bức ảnh tư liệu. Chân dung của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, từ nhà cách mạng Che Guevara, đến lãnh tụ Nam Phi, Nelson Mandela, hay võ sĩ quyền Anh Mohamed Ali, danh họa Tây Ban Nha Dali sẽ được đem bán đấu giá vào Chủ Nhật 03/10/2021. Những tác phẩm này được thực hiện kể từ khi hãng tin Pháp được thành lập năm 1944 và cho đến tận cuối thập niên 1990. Giá bán mỗi bức ảnh ban đầu được ấn định từ 300 đến 1.500 euro.
(AFP) – Khủng hoảng di dân: Ba Lan kéo dài tình trạng khẩn cấp ở vùng biên giới với Belarus. Quốc Hội Ba Lan vào rạng sáng hôm nay, 01/10/2021 đã quyết định kéo dài thêm 60 ngày tình trạng khẩn cấp ở biên giới Ba Lan-Belarus để đối phó với dòng người di cư. Yêu cầu của chính phủ đã được tổng thống chấp thuận và đã được sự ủng hộ của 237 đại biểu bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa, so với 179 phiếu chống và 31 phiếu trắng, trong một cuộc bỏ phiếu được truyền hình trực tiếp. Ba Lan cáo buộc Nga và Belarus đứng sau làn sóng nhập cư bất hợp pháp hiện nay tại biên giới đất liền. Liên Hiệp Châu Âu coi đó là một hình thức trả đũa đối với các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Belarus sau chiến dịch trấn áp phe đối lập của chế độ Minsk.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211001-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p