Ðiểm Báo Pháp – 10/1/21
Cựu tổng thống Pháp bị án tù: Tranh luận về tính độc lập của tư pháp
Thời sự trong nước là các chủ đề chính của đa số các nhật báo Pháp hôm nay. Chính phủ muốn kéo dài hiệu lực giấy chứng nhận y tế và tình trạng khẩn cấp cho đến đến mùa hè năm tới. Chính phủ ấn định giá trần điện để ngăn chặn nguy cơ giá điện tăng vọt là một chủ đề quan trọng khác. Vụ cựu tổng thống Sarkozy bị kết án một năm tù giam là thời sự được nhiều báo Pháp quan tâm. Quảng cáo
« Sấm động » là tựa đề của nhật báo thiên tả Libération. Tòa tiểu hình Paris hôm qua kết án cựu tổng thống Nicolas Sarkozy trong vụ án « chi tiêu bất hợp pháp » cho chương trình tranh cử của đảng Những người Cộng Hòa (LR), thường được coi là vụ Bygmalion. Libération nhấn mạnh là hội đồng thẩm phán đã cho rằng cần phải có một bản án « nghiêm khắc », do số tiền lớn cũng như tính chất « nghiêm trọng chưa từng có ».
Cựu tổng thống Pháp ngay lập tức đã tuyên bố khiếu nại phúc thẩm. Như vậy, trong hiện tại, ông Nicolas Sarkozy phải đối mặt với hai bản án tù sơ thẩm, một năm tù giam trong vụ chi tiêu bất hợp pháp tranh cử nói trên và ba năm tù, trong đó có một năm tù giam, trong một vụ án khác liên quan đến tội danh « hối lộ » và « lạm dụng quyền thế ». Cựu tổng thống Sarkozy cũng đã bị khởi tố trong một vụ án thứ ba liên quan đến cáo buộc nhận tiền của nhà độc tài Libya Kadhagi để tài trợ cho chương trình tranh cử 2007.
«Đáng hổ thẹn»
Libération nhấn mạnh ngay từ đầu bài xã luận là trong các vụ án nói trên, ông Sarkozy hoàn toàn không phải là « người vô tội », mà chỉ là người được hưởng quyền « suy đoán vô tội ». Nhấn mạnh như vậy là làm cơ để sở phê phán thái độ của các lãnh đạo đảng LR đã có những tuyên bố khẳng định « ủng hộ » cựu tổng thống, ngay lập tức sau khi tòa tuyên án. Theo Libération, tuyên bố của các nhân vật chủ chốt của đảng LR thật là « đáng xấu hổ », đặc biệt trong bối cảnh đang có một số hành động tấn công nghiêm trọng vào thể chế tư pháp tại Pháp.
Libération đánh giá phán quyết của Tòa là « tiếng sấm » trong lúc những lời lẽ ủng hộ của các lãnh đạo đảng LR dành cho bị cáo chỉ là những « tiếng nói rì rầm » không có ý nghĩa đáng kể gì. Nhật báo thiên tả hoan nghênh hành xử độc lập của tư pháp, cho phép nước Pháp « có mặt trong nhóm các quốc gia, mà các lãnh đạo dân cử cũng phải được xét xử như mọi công dân khác ». Libération nhấn mạnh là « đây là lần đầu tiên dưới thời Đệ ngũ Cộng Hòa, một án tù đã được tuyên nhắm vào một tổng thống đương nhiệm vào lúc xảy ra vụ việc ».
Hữu lên án, tả hoan nghênh, đảng cầm quyền im lặng
Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro mô tả phản ứng của các chính đảng chính của nước Pháp sau phán quyết này. Bài « Cánh hữu lên án hành động truy xét ráo riết, cánh tả hoan nghênh » thuật lại trước hết những lời lẽ ủng hộ của hầu hết các cây đa, cây đề trong đảng đối lập cánh hữu LR, mở đầu là chính trị gia Xavier Bertrand, được coi là ứng viên sáng giá cho vị trí ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng đối lập, đã bày tỏ « tình bạn » với bị cáo trong hoàn cảnh khó khăn này. Chính trị gia Valérie Pécresse – chủ tịch vùng thủ đô Paris – cũng bày tỏ tin tưởng là ông Sarkozy sẽ « chiến đấu đến cùng để bảo vệ danh dự của mình » …
Phán ứng về phía cánh tả rất đa dạng. Ứng viên tổng thống đảng Xanh vừa được bầu chọn, nghị sĩ châu Âu Yannick Jadot, tuyên bố không muốn bình luận về các « quyết định của tư pháp », với lời giải thích : « Nếu chúng ta muốn một nền dân chủ trở nên bình ổn, chúng ta không nên phê phán tư pháp, mà cần giúp cho tư pháp được độc lập ». Phản ứng dữ dội hơn là ở phía đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), một thành viên trụ cột của đảng, dân biểu Clémentine Autain chỉ trích mạnh mẽ việc tòa án cho phép cựu tổng thống thọ án tù tại nhà với vòng điện tử đeo tay. Theo dân biểu đảng LFI, ông Sarkozy phải thi hành án phạt trong trại giam.
Le Figaro cũng chú ý đến thái độ rất dè dặt của đảng cầm quyền Nước Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), gần như im lặng sau phán quyết này.
Căng thẳng giữa «tư pháp» và «chính trị»?
Nhật báo Công giáo La Croix cũng ghi nhận « không khí rất căng thẳng giữa tư pháp và chính giới » với án phạt cựu tổng thống và một vụ khởi tố khác nhắm vào cựu bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn. Tuy nhiên, vẫn La Croix dẫn lời một giáo sư luật công đại học Paris 2, bà Cécile Guérin-Bargues, khằng định hai vụ án này là hoàn toàn khác nhau. Vị luật gia nói trên nhấn mạnh là, khác hẳn với vụ cựu bộ trưởng Y Tế chính quyền Macron, bị cáo buộc về hành động của mình trên cương vị bộ trưởng, trong lúc vụ án chi tiêu bất hợp pháp của ông Sarkozy chỉ là một vụ án « hình sự » thông thường, chứ không nhằm vào hành động của ông Sarkozy với tư cách tổng thống. Cùng với ông Sarkozy, tòa cũng kết tội 13 bị cáo khác về tội « lừa đảo » và đồng lõa.
Về phán quyết của tòa án trong vụ chi tiêu tranh cử bất hợp pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến việc hội đồng thẩm phán đã đưa ra một bản án nặng hơn so với đề nghị của bên công tố. Chánh án phiên tòa, bà Caroline Viguier, nhấn mạnh là ông Sarkozy hoàn toàn là người « có kinh nghiệm tranh cử », bởi đây không phải là lần đầu tiên, bên cạnh đó cựu tổng thống là người « hiểu rõ luật ». Trước đó, bên công tố đã yêu cầu một năm tù, trong đó có sáu tháng tù treo.
Pháp có luật nghiêm, nhưng cần «phương tiện» để thực thi
Vẫn vụ án cựu tổng thống, nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài viết khác, trong đó có bài phỏng vấn bà Sarah El Yafi, Transparency International France, hiệp hội của xã hội dân sự chống tham nhũng. Bài phỏng vấn mang tựa đề « Cần loại trừ các hành xử hủy hoại nền dân chủ ». Theo đại diện của hiệp hội dân sự chống tham nhũng quốc tế này, vụ « Bygmalion » cho thấy bầu cử tổng thống và việc kiểm soát quá trình này tại Pháp là « một mắt xích yếu » của nền dân chủ.
Chuyên gia hiệp hội Transparency International France ghi nhận nước Pháp là một trong các quốc gia có « hệ thống pháp lý » nghiêm ngặt nhất thế giới về chủ đề này. Trên giấy tờ, việc nước Pháp đặt nguồn tài chính chi cho hoạt động chính trị chủ yếu dựa chủ yếu vào tiền công quỹ, với mục tiêu ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng, xung đột lợi ích. Tuy nhiên, để có kết quả, mục tiêu đầy tham vọng này cần phải đi kèm với đủ phương tiện, và một « văn hóa minh bạch về chính trị », điều mà hiện tại nước Pháp chưa đạt tới.
Hợp tác Âu – Mỹ về công nghệ trước nhiều thách thức
Về thời sự quốc tế, cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Liên Âu là một hồ sơ lớn của Les Echos hôm nay, sau cuộc họp quan trọng Âu – Mỹ về thương mại và công nghệ hôm thứ Tư vừa qua tại Pensylvania, Hoa Kỳ. Bài « Các hướng đi để tái khởi động hợp tác xuyên Đại tây Dương về kinh tế » nhấn mạnh, về nguyên tắc có hàng loạt lĩnh vực hai bên có thể xác lập các khuôn khổ hợp tác, đặc biệt về vật liệu bán dẫn. Tuy nhiên, Les Echos thừa nhận rằng bản tuyên bố chung Âu – Mỹ về chủ đề này vẫn còn « quá chung chung ».
Hiện tại chưa có hề có một cam kết cụ thể nào, theo đề nghị của Pháp, không muốn Liên Âu dấn xa hơn trong một lĩnh vực mà theo Paris chưa hề có gì chắc chắn là quan hệ đối tác song phương có thể mang lại kết quả. Liên Âu và Hoa Kỳ xác định các mục tiêu ngắn hạn, và hai bên chấp nhận điều quan trọng nhất là hiểu được « các nguồn gốc của vấn đề, nếu muốn có câu trả lời đúng ». Tham vấn quan điểm của các doanh nghiệp sẽ là bước đi đầu tiên.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hai bên cũng dừng ở một tuyên bố chung về nguyên tắc hướng đến hợp tác, và « cam kết tập trung củng cố các giá trị dân chủ, tôn trọng nhân quyền ». Hai bên cũng thừa nhận khả năng « giới hạn việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm », tuy nhiên, các hành động như vậy phải phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, và tốt nhất là cần được thảo luận trước giữa hai đối tác.
Mỹ lập «mặt trận» chống Bắc Kinh: Liên Âu cần điều chỉnh chiến lược
Trên thực tế, thái độ với Trung Quốc ám ảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cũng Les Echos, trong bài « Khủng hoảng xuyên Đại Tây Dương : sự trở lại của chính trị thực dụng » nhấn mạnh đến « Mặt trận an ninh chống Trung Quốc » mà Hoa Kỳ đang xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Âu – Mỹ. Cho dù, chính quyền Biden quảng bá trước hết cho các giá trị dân chủ và các liên hệ lịch sử với các đồng minh châu Âu, nhưng trên thực tế Washington trước hết phải hành xử vì « các lợi ích sống còn » của mình. Mà lợi ích sống còn của nước Mỹ là trong cuộc đối đầu với siêu cường Trung Quốc đang lên. Trung Đông và châu Âu không còn là các địa bàn chiến lược ưu tiên của Mỹ.
Les Echos khẳng định là, nếu hiểu được điều này, lợi ích của châu Âu « không phải là không thể phối hợp được với các ưu tiên của nước Mỹ », như nhận định của ông Benjamin Haddad, giám đốc trung tâm châu Âu thuộc Viện Atlantic Council, lưu ý «Joe Biden thừa nhận tính chất có ích của một nền quốc phòng châu Âu có thực lực và hùng mạnh, bên cạnh NATO».
Biden phải «thắng» được các lobby quân sự Mỹ
Tuy nhiên, khó khăn đối với Liên Âu không phải là chính sách của cá nhân tổng thống Biden, bởi vì để có được một chính sách đồng thuận với Liên Âu trong vấn đề quốc phòng của châu Âu, tổng thống Biden sẽ còn phải thuyết phục được « bộ Quốc Phòng và các lobby về quân sự có ảnh hưởng rất mạnh trong Quốc Hội Mỹ ». Tuy nhiên, về phần mình, chính châu Âu cũng phải vươn lên khẳng định tại các vị trí mà Hoa Kỳ đã bỏ trống về quân sự, như tại khu vực Trung Đông, trước khi để các khoảng trống cho Trung Quốc, Nga, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ « tiến bước ».
Về chính sách an ninh quốc tế hiện nay của Nhà Trắng, Les Echos có bài phỏng vấn đáng chú ý với chuyên gia về quan hệ quốc tế Thierry de Montbrial, chủ tịch – nhà sáng lập Viện Quan hệ Quốc tế Pháp và World Policy với tựa đề « Nhà Trắng trở nên lịch thiệp hơn, nhưng vẫn thô bạo ».
Kinh tế: Biden đối mặt với 4 cuộc bỏ phiếu quan trọng
Chính quyền Joe Biden trên thực tế đang phải chờ đợi một cuộc cải cách lớn được Quốc Hội thông qua. Hồ sơ quốc tế của Le Figaro mô tả những nét chính của chủ đề quan trọng này. Theo Le Figaro, một phần lớn « vốn liếng chính trị » của tổng thống Mỹ sẽ được quyết định trong một loạt cuộc bỏ phiếu sắp tới tại điện Capitol. Bốn cuộc bỏ phiếu diễn ra gần như đồng thời bao gồm : triển hạn ngân sách liên bang, nâng trần nợ công của chính quyền Mỹ. Hai cuộc bỏ phiếu khác cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính. Thứ nhất là kế hoạch hạ tầng quốc gia trị giá 550 tỉ đô la. Và thứ hai là kế hoạch chi tiêu công, được coi là tham vọng nhất Hoa Kỳ từ thập niên 1960 đến nay. Đây là cam kết tranh cử quan trọng bậc nhất của ông Biden, bao gồm hàng loạt chi phí dành cho các phúc lợi xã hội, từ nhà ở đến y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường… Phe Cộng Hòa kiên quyết chống lại dự án lớn này.
Tổng thống Biden trước hết cũng phải tìm cách thuyết phục được một số nghị sĩ đảng Dân Chủ bất đồng trong đảng. Nếu các cuộc bỏ phiếu trong tuần này thất bại, đảng Dân Chủ có thể tiếp tục thương lượng, nhưng thời gian còn lại không còn nhiều.
Pháp ấn định giá trần điện tránh «khủng hoảng Áo vàng» mới
Trở lại với thời sự nước Pháp, vấn đề tiền điện là chủ đề chính của Les Echos. Nhật báo kinh tế cho biết thủ tướng Jean Castex hôm qua quyết định ấn định giá khí đốt không đổi và đặt mức trần cho việc tăng giá điện là 4%, thông qua việc hạ thuế. Theo Les Echos, nếu chính phủ không can thiệp, giá điện có thể tăng đến 30% trong hai tháng cuối năm.
Về chủ đề này, La Croix bài xã luận mang tựa đề « Khẩn cấp » lưu ý đến tình trạng chung của châu Âu, đang bị tác động nặng nề của việc điện tăng giá. Tại Ý điện tăng đến 40%. Chính phủ Pháp muốn làm mọi cách để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng kiểu « Áo Vàng » chống lại tình trạng giá cả nhiên liệu gia tăng, ít tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.
Triển hạn «tình trạng khẩn cấp» y tế: Cản trở tại Thượng Viện
Một hồ sơ ưu tiên khác của chính phủ Phàp là triển hạn giấy chứng nhận y tế và tình trạng khẩn cấp. Để không để cho một làn sóng dịch Covid mới bùng lên vào đầu năm tới, trong kỳ tranh cử tổng thống. Bộ trưởng Y Tế lo ngại về tốc độ tiêm chủng mũi thứ ba cho người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền, tiến hành chậm. Tuy nhiên, mục tiêu triển hạn tình trạng khẩn cấp y tế của Pháp có nguy cơ bị dảng đối lập Cộng Hòa ngăn cản tại Thượng Viện, nơi đảng này chiếm đa số.
Trọng Thành