Tin Tổng Hợp – 30/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 30/9/21

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị đối thoại của Mỹ

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ, cáo buộc tổng thống Joe Biden tiếp tục có những « hành vi thù địch » giống như những người tiền nhiệm. Washington đã bác bỏ ngay các cáo buộc này.

Người dân Hàn Quốc theo dõi bài phát biểu trước Quốc Hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un qua truyền hình ở một nhà ga tàu Seoul, ngày 30/09/2021.
Người dân Hàn Quốc theo dõi bài phát biểu trước Quốc Hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un qua truyền hình ở một nhà ga tàu Seoul, ngày 30/09/2021. AP – Ahn Young-joon

Theo hãng tin AFP, hôm qua, 29/09/2021, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Mỹ  khẳng định là Hoa Kỳ không hề có «một ý định thù địch nào» đối với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên này nhắc lại: «Hoa Kỳ sẵn sàng gặp các lãnh đạo Bắc Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết. Chúng tôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đáp ứng tích cực đề nghị của chúng tôi». Đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng đã được chính quyền Biden đưa ra trước đó nhiều lần.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có phản ứng như trên sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ chỉ «nhằm che đậy những hành động thù địch của họ và che đậy việc tiếp tục chính sách thù địch của các chính quyền tiền nhiệm».

Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, ông Kim Jong Un đã tuyên bố như trên trong một bài phát biểu dài trước Quốc Hội Bắc Triều Tiên. Cũng trong bài phát biểu này, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng cho rằng lời kêu gọi gần đây của tổng thống Hàn Quốc về việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là «quá sớm».

Tuy vậy,  theo hãng tin Reuters, trích dẫn KCNA, ông Kim Jong Un đã tuyên bố sẵn sàng tái lập đường dây «điện thoại đỏ» giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc vào tháng tới. Đường dây điện thoại này đã bị Bình Nhưỡng cắt vào tháng 8, chỉ vài ngày sau khi được nối lại lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, trong bối cảnh căng thẳng liên Triều. Bộ Thống Nhất của Hàn Quốc đã hoan nghênh đề nghị nói trên của ông Kim Jong Un, nhưng không bình luận về những tuyên bố khác của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục khiêu khích quốc tế qua các vụ bắn thử các tên lửa. Hôm qua, Bình Nhưỡng thông báo là hôm thứ Ba vừa qua đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh. Hãng tin chính thức KCNA mô tả vụ bắn thử tên lửa này là «một bước tiến quan trọng về công nghệ» và có «một tầm quan trọng chiến lược lớn».

Sau vụ thử nghiệm nói trên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay sẽ họp khẩn về Bắc Triều Tiên, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc. Các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn cho biết đây sẽ là một cuộc họp kín, nhưng không nói rõ là Hội Đồng Bảo An có ra một tuyên bố chung hay không.

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210930-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

Điểm tin COVID toàn cầu

Reuters

Châu Âu

-Kể từ ngày 4/10, học sinh Pháp khỏi phải mang khẩu trang tại các trường tiểu học ở những khu vực có tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, theo nghị định của chính phủ.

Các kệ hàng trống rỗng tại siêu thị Tesco ở Manchester, Anh, ngày 12/9/2021 vì thiếu tài xế giao hàng do đại dịch COVID-19.
Các kệ hàng trống rỗng tại siêu thị Tesco ở Manchester, Anh, ngày 12/9/2021 vì thiếu tài xế giao hàng do đại dịch COVID-19.

-Liên hiệp châu Âu sẽ mở rộng cơ chế theo dõi và có thể hạn chế xuất khẩu vaccine COVID-19 ra khỏi EU, một quan chức EU loan báo ngày 29/9.

-Số ca nhiễm hàng ngày tại Ukraine trong 24 giờ qua tăng gần 12.000, lần đầu tiên cao như vậy kể từ tháng 4 tới nay, theo Bộ Y tế.

Mỹ

-Hãng hàng không United Airlines cho biết các nhân viên bất tuân quy định chích ngừa COVID của hãng sẽ bị sa thải. Hãng hàng không có trụ sở tại Chicago này hiện có 320 nhân viên tại Mỹ không tuân thủ quy định tiêm chủng COVID.

-Các giới chức Los Angeles hôm 29/9 cho biết tuần tới sẽ biểu quyết về việc cấm những ai chưa chích ngừa không được vào hầu hết các cơ sở kinh doanh thương mại tại thành phố lớn thứ nhì nước Mỹ này.

Châu Á-Thái Bình Dương

-Bộ Y tế Singapore báo cáo có thêm 2.478 ca COVID ngày 30/9, cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

-Số ca COVID tại Melbourne tăng tới mức cao kỷ lục. Các giới chức nói nguyên nhân là do các cuộc tụ tập tại gia bất hợp pháp để xem một sự kiện thể thao quan trọng.

Trung Đông và châu Phi

-Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nới lỏng những hạn chế nhằm chống dịch xuống mức báo động thấp nhất. Đây là lần nới lỏng thứ nhì trong tháng này giữa lúc Nam Phi tìm cách mở lại nền kinh tế trước kỳ nghỉ hè.

-Chỉ có 15 trong số 54 nước tại châu Phi đã tiêm chủng hoàn toàn 10% dân số chống COVID-19 và nhiều nhân viên y tế ở tuyến đầu vẫn còn gặp rủi ro, Tổ chức Y tế Thế giới và Hội đồng Y tá Quốc tế cho hay.

-Nhà máy oxy công cộng đầu tiên của Somalia mở cửa ngày 30/9, mang đến một tia hy vọng cho đất nước mà bệnh nhân COVID trong đại dịch hầu hết không có được sự chữa trị để cứu mạng.

Những phát triển y học

-Khi virus corona lây nhiễm vào tế bào nó không những chỉ làm hư hại hoạt động của tế bào mà còn có thể thay đổi chức năng của tế bào, theo những phát hiện mới. Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng chứng tỏ loại thuốc uống chống virus đang thí nghiệm của Merck & Co có thể hiệu quả nơi các bệnh nhân bị nhiễm các loại biến thể đã từng được biết tới, các nhà nghiên cứu cho biết ngày 29/9.

-Vaccine COVID-19 của AstraZeneca chứng tỏ hiệu nghiệm 74% trong việc phòng ngừa bệnh có triệu chứng, theo kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ công bố ngày 29/9.

Ảnh hưởng kinh tế

-Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm vì những lo ngại lạm phát.

-Số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp tăng thêm hồi tuần trước.

-Ủy ban châu Âu đề nghị gia hạn các quy định hỗ trợ đối với các công ty bị COVID tác hại thêm 6 tháng nữa đến tháng 6/2022.

https://www.voatiengviet.com/a/diem-tin-covid-toan-cau/6252528.html

Bắc Triều Tiên: Em gái của Kim Jong Un được bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc vụ

Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, Hàn Quốc.
Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, Hàn Quốc. AFP – PATRICK SEMANSKY

Em gái và là cố vấn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã được bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc vụ, cơ quan tối cao của Bắc Triều Tiên, trong khuôn khổ một loạt thay đổi nhân sự được Quốc Hội thông qua. Chân dung của Kim Yo Jong được đăng trên tờ báo chính thức Rodong Sinmun ngày 30/09/2021 cùng với 8 thành viên mới của Hội đồng này.

Kim Yo Jong là phụ nữ duy nhất và trẻ nhất trong số 9 thành viên mới. Theo cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, được AFP trích dẫn, có ít nhất 9 thành viên của Hội đồng Quốc vụ đã bị cách chức, trong đó có phó chủ tịch Pak Pong Ju và nhà ngoại giao Choe Son Hui, một trong những phụ nữ hiếm hoi giữ vị trí cấp cao trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Bà là người đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.

Sự nghiệp chính trị của Kim Yo Jong vẫn biến động, nhưng vị trí thành viên Hội đồng Quốc vụ là chức vụ cao nhất mà nữ chính trị gia 34 tuổi này đạt được.

Kim Yo Jong thường xuất hiện sát cạnh anh trai Kim Jong Un trong các cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Nhiều đồn đoán còn cho rằng Kim Yo Jong sẽ là người kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Jong Un, trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đất nước.

Kim Yo Jong còn được công luận quốc tế chú ý với những nhận định hoặc tuyên bố đầy thách thức nhắm vào Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Việc Bình Nhưỡng phá văn phòng liên lạc ở Kaesong năm 2020, do Hàn Quốc xây dựng và tài trợ, cũng do Kim Yo Jong thông báo. Chính em gái của Kim Jong Un đã từng đe dọa các cuộc tập trận giữa Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng 08/2021 là “một hành động không được hoan nghênh, tự hủy hoại”.

Tuy nhiên, trong lần phát biểu gần đây nhất ngày 24/09, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un đánh giá việc tổng thống Hàn Quốc muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là “ý tưởng hay và đáng ngưỡng mộ”.

Thu Hằng

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210930-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-em-g%C3%A1i-c%E1%BB%A7a-kim-jong-un-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-b%E1%BB%95-nhi%E1%BB%87m-v%C3%A0o-%E1%BB%A7y-ban-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%A5

Made in China 2025: Một giấc mơ khác của ĐCSTQ tan vỡ

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tiến sĩ Antonio Graceffo, một chuyên gia về Châu Á, trong bài viết của mình, ông cho rằng giấc mơ Made in China 2025 (tức sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tan vỡ.

Theo Tiến sĩ Graceffo, ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã rao giảng Trung Quốc cần phải chấm dứt sự thống trị thế giới của Hoa Kỳ, thiết lập lại trật tự toàn cầu.

ĐCSTQ đã đưa ra các mục tiêu và kế hoạch để hiện thực hoá giấc mơ này như “ Made in China 2025 ”, “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI), “thịnh vượng chung” và một loạt các sáng kiến ​​khác. Gần đây, ông Tập đã tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, nhưng có vẻ Made in China 2025 và BRI đã trở thành nạn nhân của chính sách không khoan nhượng COVID-19 của Trung Quốc và sự đàn áp của ông Tập đối với mọi thứ.

Khi Made in China 2025 được công bố vào tháng 5/2015, mục tiêu là đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ trong nước nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, biến Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao. Bằng cách này, ĐCSTQ hy vọng rằng các công ty Trung Quốc có thể cạnh tranh trên toàn cầu, đưa Trung Quốc từ nhà sản xuất cấp thấp sang cao cấp, mục tiêu đến năm 2035, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn.

Để hiện thực hoá giấc mơ, Bắc Kinh lên kế hoạch cải thiện tất cả các lĩnh vực từ tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đến sản xuất. Nhà nước sẽ ưu đãi thuế, trợ cấp nghiên cứu, cho vay lãi suất thấp và trái phiếu. 

Tuy nhiên, các biện pháp này dẫn đến sự ưu ái dành cho các thực thể thuộc sở hữu nhà nước cũng như các công ty thân cận với chế độ. Tạo ra một khoảng cách giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc tin rằng, ngay cả trước đại dịch COVID-19, kinh tế và các cuộc đàn áp gần đây của ông Tập, Made in China 2025 sẽ không thành công. Về cơ bản, mục tiêu của Trung Quốc là bơm tiền vào nghiên cứu và phát triển để đạt được trình độ phát triển mà Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản đã đạt được. Điều đó sẽ rất tốn kém, và cuối cùng sẽ chỉ tạo thế cân bằng, không nhất thiết mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Tiếp theo, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn có khả năng tiếp cận sản xuất ở Ấn Độ, nơi chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Ngược lại, mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển công nghệ và sau đó sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, có vẻ như Trung Quốc vẫn sẽ không có lợi thế.

Bây giờ, có vẻ như Made in China 2025 và một số chương trình trước đó đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Trước đây, ông Tập đã bơm tiền vào nghiên cứu công nghệ; bây giờ, ông ta đang yêu cầu những gã khổng lồ công nghệ phải cung cấp một phần lợi nhuận của họ.

Ví dụ, theo kế hoạch “thịnh vượng chung” mới, Alibaba đã cam kết đầu tư 15,5 tỷ đô-la Mỹ (USD) vào phát triển kinh tế và xã hội. Tương tự, Tencent cũng cam kết 100 tỷ USD cho các sáng kiến ​​xã hội khác nhau, cũng như Pinduoduo, Meituan và Xiaomi.

Từ việc thúc đẩy và khuyến khích các công ty công nghệ khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước, ông Tập hiện đang bắt đầu đàn áp các công ty như Alibaba, Tencent, Meituan và Didi. Việc hủy bỏ IPO của Ant Group vào phút chót  là một trong những ví dụ lớn nhất về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với những công ty công nghệ lớn. Ông Tập đang điều chỉnh hành vi của những gã khổng lồ công nghệ, đồng thời yêu cầu họ phải đưa tiền. Đây dường như không phải là chiến lược tốt nhất để phát triển công nghệ và đổi mới trong nước.

Đặc biệt, công cuộc tìm kiếm chất bán dẫn của ông Tập đã hoàn toàn đi chệch hướng. Khoảng 9 dặm bên ngoài thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, Quanxin, một nhà máy chất bán dẫn đang được xây dựng bởi tiền của chính phủ. Một năm sau, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc xây dựng tạm dừng, và công ty hết tiền. Những nhân tài chất lượng cao mà Quanxin tuyển dụng đều đang từ bỏ con tàu sau khi công ty không thể đáp ứng được biên chế.

Một công ty khác, Hongxin ở Vũ Hán, cũng lấy tiền ban đầu của chính phủ nhưng cuối cùng không sản xuất được gì. Ngoài ra còn có Tacoma Nam Kinh ở Giang Tô, Kuntong ở tỉnh Thiểm Tây. Pin mặt trời và ô tô điện là những lĩnh vực khác mà các công ty đã lấy tiền của chính phủ, nhưng đã tuyên bố phá sản trước khi hoàn thành dự án.

Có thể thấy, với việc thiếu sự hỗ trợ và tài trợ của chính phủ, dường như các công ty công nghệ Trung Quốc không thể giúp ĐCSTQ thực hiện các mục tiêu của Made in China 2025 hoặc mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn vào năm 2035. 

Một số chuyên gia tin rằng với sự tăng cường kiểm soát của chính phủ, các công ty công nghệ cao ở Trung Quốc sẽ trở thành giống như các doanh nghiệp bán quốc doanh, hoạt động hướng tới “sự thịnh vượng chung” thay vì hướng tới sự độc lập về công nghệ.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/made-in-china-2025-mot-giac-mo-khac-cua-dcstq-tan-vo.html

(Reuters) – Quân đội Anh bắt đầu lái xe bồn chở xăng tiếp tế. Lệnh huy độngquân đội đưa ra ngày 29/09/2021 vì các trạm xăng dầu trên toàn quốc bắt đầu cạn kiệt. Xe hơi vẫn xếp hàng dài trước các trạm bán nhiên liệu, cho dù thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói rằng tình hình đang được cải thiện. Nước Anh đang trải qua con sốt ồ ạt đi mua nhiên liệu khiến các trạm xăng ở khắp các thành phố lớn bị cạn kiệt. Các công ty dầu khí đã cảnh báo rằng họ không có đủ tài xế lái xe bồn để chuyển xăng và diesel từ các nhà máy lọc dầu đến các trạm xăng. 

(AFP) – Đánh cá hậu Brexit: Paris tố cáo các quyết định “không thể chấp nhận được” của Anh Quốc. Đảo Jersey ngày 29/09/2021 thông báo chỉ cấp 64 giấy phép có thời hạn cho các tàu đánh cá của Pháp,  75 đơn đăng ký khác bị bác bỏ. Chính phủ Pháp thông qua người phát ngôn Gabriel Attal đã phản ứng ngay đánh giá rằng đó là “Quyết định hoàn toàn không thể chấp nhận được” và “trái ngược với thỏa thuận đã được ký kết thời Brexit”. Bộ trưởng Pháp phụ trách biển, bà Annick Girardin, đã tố cáo “ác ý” của Anh Quốc và kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết trong một mặt trận thống nhất để yêu cầu có “các biện pháp trả đũa” phù hợp với thỏa thuận hậu Brexit. 

(Reuters) – Trung Quốc: Hoạt động sản xuất giảm bất ngờ trong tháng 9. Theo dữ liệu từ Cục Thống Kê Trung Quốc công bố hôm nay, 30/09/2021, lý do tụt giảm do chi phí nguyên liệu cao và việc cắt điện trong nước. Chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất từ 50,1 vào tháng 8 đã giảm xuống còn 49,6 trong tháng 9, xuống dưới ngưỡng 50 lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2020. Đây là một đà tụt giảm bất ngờ vì giới phân tích đã dự kiến chỉ số này vẫn đạt 50,1 như trong tháng trước. 

(AFP) – Đại sứ Pháp trở lại Washington. Đại sứ Philippe Étienne đã trở lại Washington vào hôm qua 29/09/2021, hai tuần sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa hai đồng minh. Đại sứ Pháp đã được gọi về để tham vấn vào ngày 17/09 sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm, lần đầu tiên giữa hai đồng minh. 

(AFP) – Chính quyền Hồng Kông muốn thanh lý công ty mẹ của báo Apple Daily ủng hộ dân chủ. Ngày 30/09/2021, ông Paul Chan, phụ trách Tài Chính Hồng Kông cho biết chính quyền đã gửi yêu cầu đến tư pháp để thanh lý tập đoàn Next Digital Limited (NDL), công ty phát hành tờ Apple Daily cho đến tháng 06/2021. Trong thông cáo của chính quyền, ông Paul Chan cho rằng “vì lợi ích công, đã đến lúc thanh lý NDL”. Cùng ngày, cơ quan nghe nhìn của chính quyền cũng công bố những chỉ thị mới đối với các nhà báo của họ.

(AFP) – YouTube chặn nhiều tài khoản đăng nội dung chống vac-xin. Theo thông báo ngày 29/09/2021, YouTube còn cho xóa nhiều kênh của nhiều người Mỹ nổi tiếng là chống vac-xin và có rất nhiều theo, cũng như “những tuyên bố chung về vac-xin“. Ngược lại, “nội dung về những chính sách tiêm chủng, thử nghiệm vac-xin mới hoặc thành công hay những thất bại về vac-xin” vẫn được phép đăng.

(AFP) – Qatar và Liên Hiệp Châu Âu thất vọng vì Taliban vi phạm nhân quyền ở Afghanistan. Trong buổi họp báo ngày 30/09, ngoại trưởng Qatar cho biết « rất thất vọng về những sự kiện gần đây tại Afghanistan, cho thấy một bước thụt lùi ». Ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, đang công du Qatar cũng bày tỏ « thất vọng ». Ngày 26/09, Taliban đã treo thi thể 4 người đàn ông bị buộc tội bắt cóc lên cần cẩu sau khi bắn chết ở thành phố Herat. Trước đó hai ngày, quân đội Taliban cũng bắn chỉ thiên cảnh cáo phụ nữ biểu tình đòi quyền giáo dục.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210930-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p