Tin Trong Nước – 18/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 18/9/21

Sáng 18/9: Biển Đông sắp hứng áp thấp nhiệt đới; Chuyên gia nói TP.HCM nên dừng xét nghiệm diện rộng, tập trung phủ vắc-xin

Biển Đông sắp hứng áp thấp nhiệt đới

Dantri – Chiều 17/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ ngày 18 đến 19/8, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện vùng áp thấp, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển hướng về các tỉnh Trung Bộ.

Từ ngày 19 đến 20/9, khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, sau có khả năng tăng lên cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh.

Từ chiều 19 đến 22/9, ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao lên đến 5.000m trên khu vực Bắc Bộ hoạt động mạnh dần lên nên từ đêm nay 17/9 đến ngày 20/9, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. 

Vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng có nơi trên 300mm/đợt.

Tại khu vực Hà Nội, từ nay đến ngày 20/9 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cục bộ tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại những vùng, đô thị trũng thấp.

Ảnh tổng hợp.

Chuyên gia y tế nói TP.HCM nên dừng xét nghiệm diện rộng, tập trung phủ vắc-xin

Theo tường thuật của VTC, trong cuộc họp với ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM hôm 17 tháng 9. PGS TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đề xuất việc sống chung với dịch COVID-19, vì đây là cuộc chiến lâu dài Thành phố không nên tốn quá nhiều sức dẫn đến kiệt quệ.

Ông Dũng đề nghị ngành Y tế TP.HCM không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, mà cần phải xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng. Ông Dũng lưu ý: “Thành phố cần mạnh dạn, cần tính toán mở cửa kinh tế từng phần để dần phục hồi kinh tế. Nếu thành phố không mở cửa kinh tế thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều”.

Cùng chung quan điểm về việc nên dừng xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết không nên xét nghiệm diện rộng vì tốn kém chi phí rất nhiều, thay vào đó là xét nghiệm tầm soát tập trung nhóm đối tượng có nghi ngờ, nguy cơ cao như giao thương, sân bay.

Đối với việc mở cửa kinh tế, bà Phúc nhận định nếu mở cửa kinh tế chắc chắn số bệnh nhân sẽ tăng, thành phố cần có giải pháp đừng để F0 tử vong. Riêng với người mắc COVID-19 cũng không nên đưa họ đi cách ly khỏi cộng đồng mà nên điều trị tại nhà.

Bà Phúc nói: “Những người mắc COVID-19 tiếp xúc với người đã tiêm vắc-xin trong gia đình thì họ sẽ được miễn dịch thêm một lần nữa, giống như tiêm vắc-xin mũi 3, miễn dịch sẽ tăng lên. Nếu “nhốt” hết F0 thì sẽ không tạo được miễn dịch cộng đồng. Điều này là không thể tránh khỏi vì hiện tại trẻ em chưa được tiêm và chắc chắn sẽ bị lây”.

Còn GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đề nghị thành phố cần tập trung bao phủ vắc-xin và can thiệp sớm tại cộng đồng đối với F0. Đồng thời, cần thống nhất quan điểm không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.

TP.HCM dự kiến chi hỗ trợ đợt 3 từ 22/9

VnExpress – Từ ngày 22/9 đến 4/10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch, theo thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố HCM Võ Văn Hoan.

Ông yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn tất việc phê duyệt danh sách trước 20/9, tiền chuyển về địa phương trước 21/9 để kịp thời chi cho người dân khó khăn.

Hôm 15/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt này hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là một triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng.

Chuyên gia cảnh báo về thiệt hại của kinh tế TP.HCM

Zing – Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và các chuyên gia y tế, kinh tế để nghe góp ý về công tác phòng, chống dịch diễn ra ngày 17/9, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, phân tích rõ tại sao TP.HCM cần mở cửa nền kinh tế.

Bối cảnh mới, không thể dùng cách chống dịch cũ

Đánh giá tình hình chung, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định giai đoạn trước, mỗi khi phát hiện ca nhiễm, TP.HCM liền lập tức cô lập khu vực nguy cơ và có các biện pháp kiểm soát mạnh. Tuy nhiên, hiện nay thành phố đã hiểu hơn về dịch, dù chưa trọn vẹn.

“Zero Covid là biểu hiện rõ ràng của sự sợ hãi. Do đó, phải thay đổi tư duy”, ông nói và cho rằng TP cần chống dịch bằng sự hiểu biết – tức là thông tin, dữ liệu, bằng chứng khoa học.

TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh bối cảnh hiện nay của thành phố rất khác trước đây.

Thứ nhất, thành phố có vaccine và thực tế độ phủ rất cao, mũi 1 trên 91% và mũi 2 trên 25%. Trong khi đó, cách thức chống dịch được thiết kế năm 2020 đều trong bối cảnh chưa có vaccine, chấp nhận Zero Covid và chưa có hiểu biết đầy đủ về dịch bệnh.

“Bối cảnh mới thì không thể dùng công cụ, khuôn khổ pháp lý cũ. Tôi cho rằng cần đánh giá lại khuôn khổ pháp lý và quy định y tế trong chống dịch để ứng phó, thích nghi với điều kiện mới”, ông Tự Anh nói.

“Kinh tế không thể không mở. Đây là mệnh lệnh”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Cái giá phải trả về kinh tế

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế thì quan trọng nhất là lợi ích – chi phí, phân bổ nguồn lực. Ví dụ, nếu áp dụng chính sách xét nghiệm diện rộng cho toàn thành phố thì chi phí cực lớn nhưng lợi ích rất thấp. Do đó, cần đánh giá tường minh hiệu quả xét nghiệm để có góc độ phù hợp.

GDP ước tính năm 2021 của TP.HCM là âm 2,8%, trong khi các năm tăng khoảng 7-8%.

“Nếu tiếp tục chống dịch thế này thì tốc độ tăng trưởng GDP so với GDP tiềm năng của TP.HCM có thể giảm khoảng 80-90%. Điều đó có nghĩa là mất xấp xỉ 6 tỷ USD. Đây mới chỉ là con số trong năm nay, thực tế là sẽ còn mất dài dài. 6 tỷ USD này bằng khoảng 2% GDP của Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Ông chia sẻ doanh nghiệp hiện đã kiệt quệ, nếu không cứu kịp thì họ sẽ “chết” và không thể hồi phục.

“Ngành y tế chỉ có thể hồi phục cho bệnh nhân đang nguy kịch, còn nếu đã tử vong thì không thể cứu được nữa, vấn đề tương tự cũng xảy ra với ngành kinh tế”, ông Tự Anh so sánh và khẳng định nếu không kịp cứu những doanh nghiệp đang “ngắc ngoải”, TP.HCM sẽ mất số lượng lớn doanh nghiệp nhiều năm mới xây dựng được.

Với người dân, mức nghèo bình thường của thành phố là 10%, nhưng mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê con số này đã lên tới 34% và còn tăng. Tuy nhiên, thống kê này chưa đầy đủ vì chưa tính tới nhóm lao động phi chính thức và lao động tự do, vốn có số lượng rất lớn.

Về ngân sách, TS Tự Anh dẫn lại lời của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đánh giá nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đã sử dụng gần hết và đang đề xuất chuyển 14.600 tỷ từ tiết kiệm chi cho chống dịch. Trong khi đó, TP.HCM từng đề nghị Trung ương hỗ trợ 28.000 tỷ.

Như vậy, con số 14.600 tỷ nêu trên cũng chỉ tương đương một nửa nhu cầu của TP.HCM. Chưa kể mới đây, TP còn đề xuất Trung ương hỗ trợ thêm 8.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự khó khăn trong cân đối ngân sách của TP và Trung ương hiện nay.

TP.HCM hiện cũng còn rất nhiều bệnh nhân mang các bệnh lý khác, không chỉ Covid-19. Ngoài ra, người dân đang chịu khủng hoảng về tinh thần, tâm lý…

Đứng từ góc độ của nền kinh tế, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước, chi phí xã hội, tinh thần, tâm lý, ông Tự Anh cho rằng chi phí quá lớn nên TP.HCM không thể không mở cửa.

TP.HCM nên mở cửa thế nào?

TS Tự Anh nhận định TP.HCM phải học cách thích nghi an toàn với hoàn cảnh mới.

Thứ nhất, thành phố phải bảo vệ đối tượng rủi ro cao nhất. Thứ hai, thành phố phải đo lường được các diễn biến của dịch cũng như cập nhật liên tục tình trạng để có biện pháp ứng xử kịp thời.

“Ta phải có kịch bản ứng phó quản lý rủi ro, không phải mở ồ ạt mà phải biết tình huống thế nào, ứng phó ra sao để không bất ngờ, bỡ ngỡ. Ta bất ngờ quá nhiều rồi”, ông nói.

Ông cho rằng điều kiện quan trọng nhất là phải thay đổi quy định của Bộ Y tế về tiêu chí kiểm soát dịch và phân vùng nguy cơ, nếu không thì sau khi mở cửa một thời gian sẽ phải đóng cửa ngay. Nguyên nhân là khi mở cửa, số ca nhiễm sẽ tăng và không đáp ứng điều kiện của Bộ Y tế, nghĩa là phải đóng cửa lại. Mở ra rồi đóng lại là “cách dễ nhất để giết doanh nghiệp”.

“Đó là điều kiện cần và xuất phát từ quan điểm, tư duy chống dịch. Nếu không thay đổi thì về sau sẽ có hệ lụy”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-18-9-bien-dong-sap-hung-ap-thap-nhiet-doi-chuyen-gia-noi-tp-hcm-nen-dung-xet-nghiem-dien-rong-tap-trung-phu-vac-xin.html

Tối 18/9: Cách chức một Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Đề nghị dừng xét nghiệm diện rộng vì tốn kém

Ảnh tổng hợp.

Cách chức một Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Vietnamnet – Tỉnh Lạng Sơn ngày 18/9 đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Vào tháng 4/2020, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Duyệt để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Với vai trò là Phó Giám đốc Sở, kiêm Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư do Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn làm chủ đầu tư, ông Duyệt đã móc nối với nhà thầu, cố tình làm trái để trục lợi cá nhân, gây thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Tháng 1/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt bị cáo Duyệt 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm và cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý các dự án về môi trường 2 năm kể từ ngày tuyên án.

Đề nghị dừng xét nghiệm diện rộng vì tốn kém

Thanhnien – Hôm qua 17/9, lãnh đạo TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến chuyên gia về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trong bối cảnh công tác phòng chống dịch đạt được một số kết quả khả quan và chuẩn bị mở cửa từ ngày 1/10.

Tại hội nghị, PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi (Đại học Y Dược TP.HCM), đánh giá khi mở cửa thì chắc chắn số ca nhiễm sẽ tăng lên nên cần có biện pháp ứng phó. Hiện khả năng truy vết, xét nghiệm có thể đáp ứng yêu cầu nhưng năng lực điều trị cần đánh giá lại.

Các F0 mới phát hiện nên điều trị tại nhà thay vì đưa đi cách ly tập trung bởi những người trong gia đình nếu có tiếp xúc với họ thì cũng không quá lo lắng vì đã được tiêm vắc xin, việc tiếp xúc sẽ giúp cơ thể sinh thêm miễn dịch. “Nếu nhốt hết F0 thì sẽ không tạo được miễn dịch cộng đồng”, bà Phúc nói.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đề nghị dừng xét nghiệm trên diện rộng vì tốn kém nhân lực, chi phí mà hiệu quả lại không cao. PGS Đỗ Văn Dũng đề xuất thay vì xét nghiệm diện rộng để bóc tách toàn bộ F0 thì tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như: người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi…

Hơn 2.000 tỷ đồng xây cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn

VnExpress – Ngày 18/9, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đoạn cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn. Điểm đầu dự án nối cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), điểm cuối tại Km 28 (giao cắt với quốc lộ 3B).

Tổng mức đầu tư dư án khoảng 2.017 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Ban Quản lý dự án 2 được giao làm đại diện chủ đầu tư, thời gian hoàn thành vào năm 2025.

TP.HCM dự kiến chi hỗ trợ đợt 3 từ 22/9

VnExpress – Theo thông báo kết luận của Phó chủ tịch thành phố, từ ngày 22/9 đến 4/10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn tất việc phê duyệt danh sách trước 20/9, tiền chuyển về địa phương trước 21/9 để kịp thời chi cho người dân khó khăn.

Hôm 15/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt này hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là một triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng.

Người được hỗ trợ là những lao động bị mất việc và thu nhập, gặp khó khăn đang có mặt tại thành phố, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Ngoài ra, thân nhân của lao động bị mất việc gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, người nội trợ, không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc… cũng được xem xét hỗ trợ.

Thêm 9.373 ca COVID-19

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 331.032, Bình Dương 175.963, Đồng Nai 39.020, Long An 30.079, Tiền Giang 12.957, Đồng Tháp 8.066, Khánh Hòa 7.486, Tây Ninh 7.064, Cần Thơ 5.059, Hà Nội 4.137, Kiên Giang 4.114, Bà Rịa – Vũng Tàu 3.984, An Giang 3.234, Bình Thuận 2.974, Phú Yên 2.935, Bến Tre 1.858, Nghệ An 1.806, Đăk Lăk 1.567, Trà Vinh 1.438, Quảng Bình 1.432, Bình Phước 1.101, Quảng Ngãi 1.096, Bình Định 1.030, Ninh Thuận 800, Thừa Thiên Huế 791, Đăk Nông 592, Quảng Nam 589, Thanh Hóa 423, Bạc Liêu 339, Cà Mau 274, Lâm Đồng 273, Quảng Trị 159, Lào Cai 98.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 677.023 ca nhiễm. Hôm nay 18/9 có 220 ca tử vong, riêng TP.HCM 165 ca, Bình Dương 39 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-18-9-cach-chuc-mot-pho-giam-doc-so-tai-nguyen-va-moi-truong-de-nghi-dung-xet-nghiem-dien-rong-vi-ton-kem.html