Tin Tổng Hợp – 14/9/21
Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Singapore, tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ
Trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Singapore hôm nay, 14/09/2021 và có cuộc hội đàm với thủ tướng Lý Hiển Long. Theo AFP, mục tiêu chuyến đi này của ông Vương Nghị là nhằm chống lại các nỗ lực khẳng định ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Trước Singapore, ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Việt Nam và Cam Bốt, những nước mà một số quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm trong thời gian gần đây, đặc biệt là Việt Nam đã lần lượt tiếp đón bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Austin Lloyd và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Trả lời giới báo chí, thủ tướng Singapore khẳng định đôi bên đã có những «cuộc thảo luận hữu ích và thẳng thắn về những chương trình phát triển quốc tế và khu vực».
Đông Nam Á là một chiến trường gây ảnh hưởng ngày càng quan trọng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đang thách thức sự thống trị về chính trị và thế mạnh hải quân của Washington trong khu vực.
Trả lời AFP, Mustafa Izzuddin, một nhà phân tích thuộc Solaris Strategies Singapore nhận định rằng chuyến đi này của ông Vương Nghị là « một quyết định chiến lược » của Bắc Kinh nhằm đáp trả những lời bình luận từ các quan chức chính quyền Washington, cho rằng «các lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hút sự chú ý của các nước Đông Nam Á, vốn dĩ luôn có những đường lối đối ngoại thực dụng giữa Mỹ và Trung Quốc».
Singapore, vốn duy trì một mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Washington và quan hệ kinh tế năng động với Bắc Kinh, từng tuyên bố rằng các quốc gia Đông Nam Á không nên chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Minh Anh
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210914-vuong-nghi-cong-du-singapore
Cựu đô đốc Mỹ nói ĐCSTQ là ‘kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ’
Thế vận hội, sự sụp đổ của Kabul và thiệt hại do biến chủng Delta gây ra đều là tâm điểm của thế giới trong thời gian qua. Nhưng ở vùng biển phía bắc Australia, hải quân nước ngoài đã tập hợp và các thỏa thuận ngoại giao quan trọng đã được thực hiện. Tất cả nhằm bảo đảm ngăn chặn tham vọng kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc thông qua vũ lực hoặc đe dọa, theo trang ABC Net.Au.
Tờ ABC News đưa tin, Cựu Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Đô đốc Harry Harris, đã nghỉ hưu, nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều là những quốc gia có cùng chí hướng, ủng hộ ý tưởng về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta nên lo ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông, mà ở những nơi khác”.
Quy tắc mới của Bắc Kinh đối với hải quân và tuần duyên
Trung Quốc mới đây đưa ra cái gọi là ‘Luật an toàn hàng hải’ tại khu vực Biển Đông được nước này thông báo có hiệu lực từ 1/9. Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải tuân thủ quy định mới trong Luật an toàn giao thông hàng hải của nước này, cụ thể là phải cung cấp các thông tin khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh gọi là “lãnh hải” của họ.
Luật này của Trung Quốc được coi là một mối đe dọa đối với các tàu nước ngoài khi Trung Quốc tự cho họ cái quyền lên tàu và bắt giữ trong vùng biển quốc tế theo quy định của Liên Hợp Quốc.
Cũng giống như việc Trung Quốc tham gia cưỡng bức kinh tế với Australia, trên biển cả, tàu Trung Quốc có thể nhắm vào tàu của một nước để gửi tín hiệu đe dọa.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với CNN: “Tôi rất lo ngại về luật này vì nó có thể gây ra những tính toán sai lầm và tai nạn”.
Cựu Phó Giám đốc Tổ chức Tình báo Quốc phòng Australia, Michael Shoebridge, nói với ABC News “Trung Quốc đang không ngừng gia tăng sự đe dọa và ép buộc lên các nước”.
Ông Shoebridge chỉ ra rằng: “Vấn đề thực sự là các chỉ huy trên tàu và máy bay Trung Quốc có thể nghĩ rằng họ đang làm chính xác những gì ông Tập Cận Bình muốn”. Và sau đó họ nhận được những thứ như niềm tự hào, sĩ diện và chủ nghĩa dân tộc nhưng thực tế họ đang bị ĐCSTQ lừa về tinh thần yêu nước”.
Điểm nóng áp lực quốc tế
Biển Đông là một con đường thủy chiến lược mà ước tính khoảng một phần ba vận tải biển trên thế giới đi qua – với hơn 4 nghìn tỷ đô-la Mỹ thương mại mỗi năm.
Trung Quốc đã củng cố mình – theo nghĩa bóng và nghĩa đen – trên hơn 20 hòn đảo trong khu vực thông qua hải quân và căn cứ không quân hoặc thông qua các cuộc tuần tra liên tục.
Bất chấp phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế, Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền đối với cái gọi là đường chín đoạn ăn sâu vào vùng biển ngoài khơi các quốc gia ASEAN – Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đe dọa, quấy rối tàu thuyền và ngư dân trong khu vực trong khi hỗ trợ các hành động của lực lượng dân quân đánh cá của họ trong vùng mà TQ gọi là ‘lãnh hải’.
Mỹ, châu Âu, các quốc gia ASEAN và Úc đang tìm cách đẩy lùi hành động bành trướng và ngày càng leo thang của chính quyền Bắc Kinh.
Anh đã cử một nhóm tấn công Hàng không mẫu hạm tới khu vực, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm HMS Elizabeth với một tàu chiến Hà Lan bên cạnh.
Các máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận để kiểm tra khả năng tương tác nếu nó xảy ra chiến tranh hoặc xung đột. Pháp, Đức cũng đã và sẽ cử một tàu chiến đến khu vực.
Ông Shoebridge nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự hiện diện hàng hải và giám sát trên không ngày càng tăng của các nước hùng mạnh, đặc biệt là các nước châu Âu, đang hiện diện nhiều hơn ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”. Đó là một phản ứng chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc”.
Giao dịch ngoại giao đã thực hiện
Hoa Kỳ đã thuyết phục được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho binh lính và thủy thủ Mỹ duy trì sự hiện diện trên lãnh thổ của họ.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Indonesia, đã ký một thỏa thuận với Mỹ để xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển có căn cứ tại Đảo Batam, một vị trí chiến lược quan trọng.
“Đây là một động thái quan trọng mà Trung tâm Huấn luyện ở Batam có sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ”, cựu cố vấn của hai phó tổng thống Indonesia, Dewi Fortuna Anwar, nói với ABC News.
Tháng trước, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đến thăm Singapore và Việt Nam, cảnh báo Trung Quốc: “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt – chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Nhưng về những vấn Biển Đông, chúng tôi sẽ lên tiếng. Chúng tôi sẽ lên tiếng khi Bắc Kinh có những hành động đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Chuyển tiếp định vị quân đội Mỹ và các giao dịch khác
Tuần trước, Australia đã ký một thỏa thuận với Jakarta về những gì Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto mô tả là lần đầu tiên lịch sử. Các cuộc thảo luận bao gồm khả năng đào tạo quân sự chung ở Úc và các học viên Indonesia theo học tại các học viện của Úc.
Không chỉ có Indonesia. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Australia sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp từ Ấn Độ và Hàn Quốc trước khi tới Washington để tham dự các cuộc tham vấn Bộ trưởng Australia – Mỹ thường niên vào cuối tuần này.
Australia có thể mong đợi sự hiện diện quân sự nhiều hơn của Mỹ tại cảng Darwin và Stirling.
Các sân bay được nâng cấp trên khắp phía bắc của Australia và thậm chí cả phía tây của Đảo Christmas – Quần đảo Cocos Keeling – có thể là nơi thực hiện các chuyến bay giám sát đường không trong khu vực.
“Cocos Keeling nằm ở bản lề của Ấn Độ Dương. Và thật đáng tin cậy khi nghĩ rằng đó là một nơi mà máy bay tuần tra hàng hải của bốn quốc gia có thể hoạt động.”
Đô đốc đã nghỉ hưu Harris nói: “Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn leo thang và chiến tranh với ĐCSTQ”.
“Tôi nghĩ không ai muốn chiến tranh. Chúng tôi không muốn điều đó. Người Trung Quốc không muốn điều đó. Thực sự thì không ai muốn cả. Nhưng chúng ta phải cảnh giác trước những hành vi hung hăng của ĐCS Trung Quốc, cả về quân sự lẫn kinh tế.
“Hành vi xấu của ĐCSTQ đã chứng tỏ cho những người khác thấy nó tồi tệ như thế nào. Và vì vậy, bạn biết đấy, họ là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ”.
Tâm Tuệ
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-do-doc-my-noi-dcstq-la-ke-thu-toi-te-nhat-cua-chinh-ho.html
Luật sư đưa vụ án Phạm Đoan Trang ra LHQ: Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng
Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar có văn phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ cho VOA biết ông đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang lên Nhóm công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ tùy tiện (UNWGAD), đồng thời ông cho biết sẽ nhận được phán quyết trong tháng 9 này.
Ông nhận định rằng vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị chính quyền Việt Nam chính thức truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1995 và sắp được đưa ra xét xử, “có nhiều vi phạm nghiêm trọng”. Cụ thể, ông cho rằng Việt Nam là quốc gia thường xuyên vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng so với các quốc gia khác.
Ông Bastimar là một luật sư người Kurd, tốt nghiệp trường Luật Châu Âu thuộc Đại học Maastricht, chuyên về luật nhân quyền châu Âu và luật nhân quyền quốc tế. Vừa qua ông đại diện thành công tại UNWGAD cho nhà báo Việt Nam Lê Hữu Minh Tuấn, và cho một nhà hoạt động nhân quyền Cuba Luis Manuel Otero Alcantara, người đã được phóng thích.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với Luật sư Bastimar.
VOA: Thưa Luật sư, ông có thể cho biết một vài thông tin liên quan đến việc đưa vụ án Phạm Đoan Trang ra LHQ?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi đã đưa trường hợp của bà Phạm Đoan Trang lên Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về việc cô ấy bị bắt giữ tùy tiện, sau đó tôi đã chính thức nộp hồ sơ lên UNWGAD và hồ sơ đã được chấp nhận, và chính phủ Việt Nam cũng bị UNWGAD yêu cầu phải nộp giải trình của họ.
Vừa qua tôi đã nhận được một e-mail từ Nhóm công tác UNWGAD thông báo rằng phán quyết sẽ được đưa ra trong tháng này, cụ thể là vào tháng 9, và theo phán quyết, tôi tin chắc rằng trong đó sẽ nêu sự vi phạm rất lớn của chính phủ Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên ký kết.
Chúng tôi đã viện dẫn các điều khoản vi phạm rất nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam.
VOA: Ông kỳ vọng điều gì từ việc nộp hồ sơ vụ án này lên LHQ và kế hoạch tiếp theo là gì?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi chắc chắn sẽ thắng kiện chính phủ Việt Nam và UNWGAD sẽ ra phán quyết có vi phạm quyền tự do ngôn luận đối với thân chủ Phạm Đoan Trang, trong đó có quyền được xét xử công bằng … Và sau khi nhận được phán quyết này, một phán quyết quốc tế, tôi tiếp tục hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ có tiếng nói, có ảnh hưởng và các tổ chức quốc tế cũng như các cá nhân.
Tôi đang lên kế hoạch bắt đầu một chiến dịch lớn sẽ tạo ra một áp lực rất lớn đối với chính phủ Việt Nam và tôi sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ chiến dịch trả tự do cho thân chủ Phạm Đoan Trang của tôi, và tôi sẽ cố gắng hết sức. XEM THÊM: Báo cáo VNHR: Việt Nam đang giam giữ gần 300 tù nhân lương tâm
VOA: Thưa ông, qua hai hồ sơ của Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Đoan Trang, ông nhận định như thế nào về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Rất tiếc, theo quan sát của tôi, Việt Nam là nước đầu tiên tôi biết vi phạm nhân quyền quá nhiều, và qua từng hồ sơ mà chúng tôi thực hiện cho thấy rõ tình trạng sử dụng các điều luật hay bộ luật hình sự của Việt Nam để bịt miệng các nhà báo và các tác giả.
Vì vậy, tôi muốn nói rằng quyền tự do ngôn luận, cụ thể như quyền tự do báo chí, là quyền căn bản nhất và quan trọng nhất, lại đang bị chính phủ vi phạm rất nhiều so với các nước khác, ví dụ nữa là quyền được xét xử công bằng và những quyền khác. Đây thực sự là một vấn đề lớn.
Về cơ bản, chính phủ Việt Nam sử dụng các bộ luật hình sự này như một công cụ để bịt miệng người dân và hạn chế, thậm chí cấm đoán quyền tự do ngôn luận.
VOA: Ở trong nước, các luật sư cũng đang cố gắng xin được thăm gặp bà Phạm Đoan Trang và nỗ lực để bào chữa cho bà, ông sẽ đồng hành cùng với họ như thế nào?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi muốn gửi lời nhắn đến những người đang bảo vệ quyền lợi cho bà Phạm Đoan Trang tại Việt Nam theo luật pháp trong nước. Và tôi sẽ nói rằng họ không đơn độc, và tôi sẽ ở bên họ cho đến khi Phạm Đoan Trang được tự do. Và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền của bà ấy.
Người Hàn Quốc ‘chua xót’ về Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Vương Nghị
Làn sóng bài Trung đang nổi lên ở Hàn Quốc khi các nhà ngoại giao nước này chuẩn bị tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm thứ Ba, trang Nikkei cho hay.
Gần đây, một bộ phim Trung Quốc mang tên “Sự hy sinh” kể về câu chuyện của những người lính Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên đã gây nên một làn sóng tranh cãi tại Hàn Quốc.
Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn khi phát hành năm 2020, nhưng đã tạo ra phản ứng khác hẳn trong tuần này trước khi dự kiến phát hành ở Hàn Quốc. Các chính trị gia và cư dân mạng bày tỏ sự tức giận khi bộ phim được phép chiếu trong nước vì nó mô tả một trận chiến khiến hàng nghìn người Hàn Quốc thương vong.
Chính trị gia đảng cầm quyền Kim Jin-tae hỏi: “Có quốc gia nào khác trên thế giới chiếu phim chiếu cảnh quân đội của mình bị tiêu diệt không?”. Ông Kim kêu gọi chính phủ cấm bộ phim, đồng thời nhắc lại tuyên bố lâu nay của phe đối lập bảo thủ rằng chính quyền thiên tả của Tổng thống Moon Jae-in đã quá dễ dàng đối với Trung Quốc.
Một kết quả khảo sát của tạp chí thời sự Sisain được công bố vào tháng 6 đã chỉ ra rằng dư luận Hàn Quốc đối với Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ đang có xu hướng ngày càng tiêu cực. Chỉ 26% số người được hỏi có cảm tình nồng nhiệt với Trung Quốc, so với 57% cảm thấy nồng nhiệt với Mỹ. Ngay cả Nhật Bản, đối thủ truyền thống của Hàn Quốc, cũng dẫn trước Trung Quốc với 28%.
“Không thích Trung Quốc được cho là tinh thần của thời đại chúng ta”, Sisain viết trong một bài báo kèm theo.
Không giống như cảm nhận về Nhật Bản hay Mỹ, sự ái ngại đối với Trung Quốc không tương quan với xu hướng chính trị bảo thủ hoặc tiến bộ. Tuy nhiên, kết quả cuộc thăm dò thay đổi rõ rệt theo độ tuổi, chỉ có 15% số người được hỏi ở độ tuổi 20 cảm thấy tích cực đối với Trung Quốc, so với 31% ở độ tuổi 60 trở lên.
Vì lý do khiến họ bất bình, những người được hỏi chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở đất nước mà nhiều người Hàn Quốc đổ lỗi cho các nhà máy thải khí carbon được quản lý kém ở Trung Quốc, phản ứng chậm chạp của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 và đánh bắt cá trái phép của các tàu Trung Quốc ở phía Nam vùng biển Hàn Quốc.
Trung Quốc dường như muốn đưa Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, tiến xa hơn vào phạm vi ảnh hưởng của mình, trong khi chính quyền Moon đã cố gắng cân bằng quan hệ với Bắc Kinh và Washington thông qua một cách tiếp cận được gọi là “mơ hồ chiến lược”, có nghĩa là Seoul đã cẩn thận để không xuất hiện quyết đoán đứng về phía của siêu cường này so với bên kia.
Phần lớn lịch sử Hàn Quốc có đặc điểm là đất nước phải đối mặt với sự xâm lược của các nước láng giềng hùng mạnh hơn, và một số người Hàn Quốc lo lắng về khả năng Trung Quốc có thể tìm cách áp đặt ý chí của mình.
Joseph Yi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hanyang ở Seoul, cho biết: “Những người trẻ Hàn Quốc thấy rằng Trung Quốc độc tài và thấy Trung Quốc đã gây hấn như thế nào đối với người dân Hồng Kông và Đài Loan”.
“Điều này dẫn đến lo ngại rằng các công ty tư nhân Trung Quốc đang thực sự đóng vai trò bình phong cho chính phủ của họ, rằng họ đang bắt đầu bằng cách tuyên bố văn hóa Hàn Quốc và cuối cùng sẽ phát triển thành tuyên bố chủ quyền về mặt chính trị cho Hàn Quốc. Bởi vì chính phủ Trung Quốc không công khai, không ai có thể nói rằng điều này là 100% sai sự thật”, Yi nói với trang Nikkei Asia.
Đối với Hàn Quốc, mối quan ngại cấp bách hơn tại cuộc họp tuần này sẽ khuyến khích Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để thúc đẩy tái khởi động chính sách ngoại giao chớp nhoáng diễn ra vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Moon. Ông Moon sẽ rời nhiệm sở vào năm tới và đối mặt với khả năng nhiệm kỳ của mình sẽ hết hạn mà không đạt được bất kỳ tiến bộ lâu dài nào đối với hòa bình với Triều Tiên.
Park Won-gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Moon là đạt được một số loại đột phá về quan hệ liên Triều, vì ông ấy muốn giữ lại di sản của tất cả các cuộc trao đổi diễn ra vào năm 2018. Dư luận gần đây đã thay đổi, vì vậy Tổng thống Moon không tích cực theo đuổi quan hệ với Trung Quốc, nhưng ông ấy vẫn mong muốn được Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên”.
Triệu Hằng
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-han-quoc-chua-xot-ve-tq-truoc-chuyen-tham-cua-vuong-nghi.html
(AFP) – Hồng Kông thông báo siết chặt thêm luật an ninh quốc gia. Ông Đặng Bỉnh Cường (Christ Tang), lãnh đạo an ninh của đặc khu hành chính hôm 14/09/2021 xác nhận chính quyền Hồng Kông đã bắt đầu nghiên cứu về một đạo luật mới, quy định thêm nhiều tội danh về an ninh quốc gia. Phiên tòa xét xử những nhà hoạt động dân chủ sẽ là một chất liệu để giới chức Hồng Kông phân tích và định hướng các quy định mới.
(Yonhap) – Hàn Quốc và Úc tái khẳng định cam kết chung vì sự ổn định trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong cuộc họp của các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Hàn – Úc diễn ra tại Seoul hôm 13/09/2021, hai bên khẳng định là những nền dân chủ vững mạnh có chung giá trị, tư tưởng. Không nhắc đến Trung Quốc, các vị bộ trưởng nhấn mạnh Úc và Hàn Quốc hợp tác để bảo vệ các giá trị chung và nhân quyền. Đây là cuộc họp 2+2 lần thứ 5 của Canberra và Seoul, diễn ra 2 năm 1 lần.
(Le Figaro) – Tổng thống Mỹ Biden sẽ phát biểu tại đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21/09/2021. Nhà Trắng hôm qua 13/09 thông báo nguyên thủ Mỹ sẽ có nhiều cuộc gặp ngoại giao. Khoảng 100 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ đã thông báo với Liên Hiệp Quốc ý định trực tiếp đến họp Đại Hội Đồng tại New York. Khác với năm ngoái, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm nay dự kiến phối hợp cả hình thức phát biểu trực tuyến và trực tiếp.
(AFP) – TT Nga tự cách ly sau khi tiếp xúc với một ca nhiễm Covid-19. Thông báo được điện Kremlin đưa ra ngày 14/09/2021. Trong hoàn cảnh này, tổng thống Nga Putin sẽ không tham dự thượng đỉnh khu vực tại Tadjikistan.
(Reuters) – Taliban bác bỏ tin đồn giáo sĩ Baradar tử trận. Trong một thông điệp được thu âm và được công bố ngày 14/09/2021, phát ngôn viên của Taliban, Sulail Shaheen, bác bỏ tin đồn cho rằng giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, cựu lãnh đạo chính trị của Taliban và vừa được bổ nhiệm làm phó thủ tướng, đã bị hạ sát hay bị thương trong một cuộc đối đầu. Từ một tháng nay, có nhiều lời đồn thổi về việc ông Baradar đã bị giết chết trong một vụ xả súng giữa các đối thủ trong nội bộ chính phủ do những bất đồng.
(AFP) – Qatar thông báo ngừng khai thác sân bay Kabul. Là tác nhân chính trong cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, chính quyền Doha hôm 14/09/2021 cho biết sẽ không chịu trách nhiệm về sân bay Kabul. Qatar giải thích là chưa đạt được một thỏa thuận « rõ ràng » với Taliban về các hoạt động của sân bay.
(AFP) – Lãnh đạo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA khẳng định cứng rắn và công bằng với Iran. Tuyên bố trên được ông Rafael Grossi đưa ra hôm 13/09/2021 trước báo giới ở Vienna, khi một nhà báo cho rằng lẽ ra ông đã phải cứng rắn hơn với Teheran. Còn tại Iran, các phương tiện truyền thông bảo thủ ca ngợi là Teheran đã thắng lợi khi ký được thỏa thuận với AIEA và không để AIEA tiếp cận thẻ nhớ của các camera giám sát ở các cơ sở hạt nhân của Iran.
(Reuters) – Mỹ và Liên Âu thỏa thuận cắt giảm khí thải methane. Reuters hôm 14/09/2021 cho biết theo sơ thảo cam kết thế giới về khí methane mà hãng tin tiếp cận được, Mỹ và Liên Âu đã đạt thỏa thuận đến năm 2030 giảm gần 1/3 khí thải methane so với năm 2020. Methane gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, chỉ sau khí CO2. Washington và Bruxelles cũng kêu gọi các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng hành. Thỏa thuận có thể sẽ được công bố ngày 17/09 tại cuộc họp của các nước thải nhiều methane.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210914-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p