Ðiểm Báo Pháp – 13/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 13/9/21

Trung Quốc: Tập Cận Bình định hướng lại “chủ nghĩa xã hội” ?

Chiến dịch chuẩn bị bầu cử tổng thống Pháp 2022 tiếp tục sôi động với việc đô trưởng Paris bà Anne Hidalgo thuộc đảng Xã Hội ra tranh cử, cựu bộ trưởng Y Tế Pháp Agnes Buzyn bị khởi tố vì xử lý khủng hoảng dịch Covid-19, phụ nữ Afghanistan kháng cự dưới chế độ của Taliban… là những chủ đề nỗi bật được các báo Pháp tập trung chú ý .   Quảng cáo

HÌnh ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên màn hình khi các nghệ sĩ biểu diễn tại buổi dạ tiệc trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh,  ngày 28 tháng 6 năm 2021.
HÌnh ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên màn hình khi các nghệ sĩ biểu diễn tại buổi dạ tiệc trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 28 tháng 6 năm 2021. AP – Ng Han Guan

Trong khi đó trang Ý kiến và Tranh luận của nhật báo kinh tế Les Echos dành sự chú ý đến Trung Quốc với chủ trương đánh vào giới giàu có của Tập Cận Bình. Bài phân tích của Les Echos cho thấy, nhân vật quyền lực nhất của chế độ Bắc Kinh, Tập Cận Bình nhân danh vì « sự phồn thịnh chung » gần đây đã đưa ra một loạt quy định mới đánh vào giới nhà giàu, những nhà tư bản mà chính chế độ Cộng sản này đã sản sinh trong nhiều thập kỷ mở cửa kinh tế. Mục đích để « phân phối lại tài sản », trở lại với « những giá trị » của chủ nghĩa xã hội. 

Theo Les Echos, « mỗi sáng, các ông chủ công ty giàu có ở Trung Quốc thức dậy và tự hỏi không biết điều gì đổ xuống đàu mình ? Một cơn bão các quy định đang đổ xuống nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ». Đầu tiên là các quy định nhằm đưa vào khuôn khổ các tập đoàn khổng lồ công nghệ cao rồi tiếp đến lan sang các lĩnh vực khác, cho đến giới nghệ sĩ giàu có…  

Tờ báo gọi đó là các các biện pháp trấn áp tư bản, khiến các nhà đầu tư phải sửng sốt không hiểu ý đồ thực sự của Bắc Kinh là gì. Theo Les Echos, thực chất của vấn đề ở đây chính là một sự chuyển hướng chiến lược lớn về phát triển kinh tế và xác định lại vai trò của các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc. Biện minh cho sự thay đổi này, đảng Cộng sản Trung Quốc lấy lý do vì « sự thịnh vượng chung ». Đây là khái niệm đã có từ thời Mao Trạch Đông nhằm khẳng định sự chi phối của Nhà nước Đảng với nền kinh tế, nay được người lãnh đạo Tập Cận Bình lấy lại. 

Nhật báo kinh tế nhận thấy, bốn thập kỷ phát triển tự do theo khởi xướng của Đặng Tiểu Bình đã cho phép một số người ở Trung Quốc giàu lên với tốc độ nhanh chóng, nay là lúc Tập Cận Bình thấy cần phải kiểm soát được những ông chủ giàu có. Sau thời gian để cho mọi người làm giàu bằng mọi giá và làm giàu là trên hết,  giờ là lúc họ phải san xẻ của cải kiếm được với danh nghĩa làm giàu là để cho tất cả mọi người. 

Đúng là mở cửa kinh tế đã giúp đất nước hơn tỷ dân này xóa được đói nghèo cùng cực, nhưng đồng thời cũng kéo theo sự bùng nổ bất bình đẳng. Theo số liệu của ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse, người giàu ở Trung Quốc chỉ chiếm 1% dân số nhưng sở hữu hơn 30% của cải của cả nước, con số này chỉ xếp sau Hoa Kỳ (trên 35%). Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc có 878 tỷ phủ, nhiều hơn cả Mỹ, chiếm giữ khối lượng tài sản bằng cả GDP của nước Đức. Trong khi đó vẫn còn hơn 225 triệu dân nghèo Trung Quốc với thu nhập 5,5 đô la mỗi ngày.  

Nhận thấy Trung Quốc đang theo hướng tư bản chủ nghĩa có nguy cơ không kiểm soát nổi, Tập Cận Bình đã tìm cách chấn chỉnh lại, ép các tỷ phú phải phân chia lại tài sản của họ cho xã hội theo nhiều cách khác nhau, từ hoạt động thiện nguyện đến đóng góp thuế, khống chế đầu tư ra nước ngoài cho đến điều tra chống tham nhũng.  

Theo tờ báo, còn một năm nữa đến kỳ đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, « thịnh vượng chung » đã cho thấy rõ mục tiêu chính trị , đó chỉ là khẩu hiệu lấy lòng dân chúng mà Tập Cận Bình đang cần để tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo.  

Pháp: Khởi tố cựu bộ trưởng Y Tế vì Covid 19 

Chuyển qua với thời sự của nước Pháp. Dư luận báo chí Pháp đang xôn xao với sự việc, Tòa án Công Lý nước Cộng hòa cuối tuần qua đã quyết định khởi tố cựu bộ trưởng Y Tế, bà Agnes Buzyn vì «  gây nguy hiểm cuộc sống người khác » liên quan đến quản lý dịch Covid-19. Với cáo buộc này bà cựu bộ trưởng có thể phải đối diện với án phạt 1 năm tù và 150 nghìn euro tiền phạt. 

Từ đầu trận đại dịch Covid-19, người ta đã chứng kiến nhiều lãnh đạo chính trị hay lãnh đạo ngành y tế ở một số nước bị mất chức vì trách nhiệm và những yếu kém trong xử lý khủng hoảng dịch, nhưng bị tư pháp khởi tố thì có lẽ trường hợp của một bộ trưởng Pháp là đầu tiên trên thế giới.  

Lý do của quyết định tư pháp này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận Pháp. Báo Công giáo La Croix có bài : « Những câu hỏi dấy lên quanh việc khởi tố cựu bộ trưởng Agnes Buzyn ». 

Thắc mắc của tờ báo là về vai trò trung tâm của bà cựu bộ trưởng Y Tế trong trong khoảng thời gian từ tháng Giêng 2020 đến khi bà rời khỏi chức vụ ngày 16/02/2020. Đó là khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Pháp sau khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và một số vùng trên thế giới.  

Tờ báo trích dẫn các ý kiến của các chuyên gia về luật cũng như khoa học và cả của các chính trị gia thuộc các đảng phái khác nhau. Phần nhiều đều cho rằng quyết định khởi tố bà cựu bộ trưởng chỉ có vai trò trách nhiệm trong một thời gian ngắn, khi dịch mới manh nha xuất hiện là không thỏa đáng.  

Hơn nữa người ta có thể đặt câu hỏi : vậy có nên khởi tố một bộ trưởng kinh tế để kinh tế xuống dốc, hay bộ trưởng Nội Vụ vì tình trạng tội phạm tràn lan ?  

Trong bài xã luận La Croix cho rằng quyết định của Tòa Công Lý nước Cộng hòa  ngay từ đầu đã thể hiện sự bất công. Trong thể chế dân chủ thì các nghị sĩ, những nhà lập pháp mới là những người kiểm soát và có quyền quyết định trừng phạt hành pháp chứ không phải là các thẩm phán đại diện của Tư pháp quyết định trước.  

Trong khi đó nhật báo Le Figaro có bài : « Vụ Buzyn đặt các nhà chính trị dưới sức ép ». Tờ báo cho biết để ra quyết định khởi tố ba thẩm phán thụ lý vụ án dựa trên sắc lệnh bổ nhiệm bà Agnes Buzyn có ghi rõ bà bộ trưởng Y Tế có nghĩa vụ « bảo vệ sức khỏe người dân Pháp ». Hiện tại tòa khởi tố một bộ trưởng không còn tại chức. Sắp tới có thể sẽ đến lượt cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe, cũng sẽ bị khởi tố. Tuy nhiên ông này là người rất được lòng dân trong thời  điểm khủng hoảng dịch. Vẫn theo Le Figaro, Tòa Công Lý nước Cộng hòa có thể sẽ còn đi xa hơn xử lý cả một số quan chức y tế đang tại chức, trong đó có cả bộ trưởng Y Tế Olivier Veran. Tờ báo nhận xét, «  chưa bao giờ quan chức chính trị bị áp lực lớn như bây giờ. Cách đây 1 năm, tư pháp đã cùng lúc tiến hành cho khám xét văn phòng một loạt quan chức cao cấp chính phủ giữa khủng hoảng dịch đang ở cao trào » và phải thừa nhận việc xử lý dịch Covid-19 là việc làm không hề đơn giản và rất phức tạp.  

Từ mùa hè năm nay, từ khi có quyết định áp dụng giấy thông hành y tế, Tòa Công lý rồi Viện Công tố Paris đã nhận được hàng chục nghìn đơn kiện chính phủ về những quyết định liên quan đến xử lý khủng hoảng dịch. Các nhà chính trị thì tố cáo hiện tượng « tư pháp hóa đời sống chính trị », trong khi các thẩm phán thì lại cho rằng ngược lại có hiện tượng « chính trị hóa đời sống tư pháp ». Trong khi đó các đảng phái chính trị, vào thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp, đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để làm suy yếu đảng cầm quyền cũng như chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron.  

Afghanistan: Phụ nữ kháng cự lại Taliban 

Chuyển qua điểm nóng thời sự quốc tế. Trước tiên là  Afghanistan, trang quốc tế nhật báo Le Monde có bài « Phụ nữ, thành lũy cuối cùng chống Taliban ». 

Bài phóng sự của Le Monde ghi nhận : « Hai mươi năm hiện diện của người Mỹ ở Afghanistan đã làm cho phụ nữ Afghanistan trở thành một lực lượng chính trị thực sự. Đông đảo phụ nữ giờ đây là hiện thân cho sự kháng cự với ách thống trị của Taliban ». Hôm 9/9 vừa qua, có hàng trăm phụ nữ đã xuống đường ở Kabul và nhiều tỉnh thành khác của đất nước để bảo vệ các quyền của họ và lên án một chính phủ Taliban không có phụ nữ tham gia. Đây là điều không thể xảy ra dưới chính quyền Taliban lần trước (1996-2001). Các cuộc biểu tình của phụ nữ nói trên đã bị Taliban giải tán nhanh chóng bằng bạo lực, nhưng ít nhiều có kiềm chế, vì Taliban đang muốn tạo dựng một hình ảnh mới để thuyết phục cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên các tổ chức Liên Hiệp Quốc hiện có mặt tại Afghanistan, bắt đầu ghi nhận có hiện tượng sách nhiễu hăm dọa phụ nữ. Một số quy định khắt khe với phụ nữ nhân danh luật Hồi Giáo đang bắt đầu trở lại. Nhiều phụ nữ muốn đi làm, đến công sở phải có đàn ông đi cùng. Không ai biết tương lai của phụ nữ Afghanistan sẽ ra sao dưới chế độ của Taliban. Những những thành quả tiến bộ trong 20 năm qua đã giúp cho nhiều phụ nữ đất nước này có can đảm lên tiếng bảo vệ quyền sống của họ. 

Nga lôi kéo Belarus thách thức Nato 

Chuyển qua một thời sự quốc tế khác liên quan đến châu Âu, Les Echos cho biết « Nga gây lo ngại cho Đông Âu với một cuộc tập trận khổng lồ ở biên giới ». Cuộc tập trận mang tên gọi Zapad 2021 bắt đầu từ thứ Sáu vừa rồi và kéo dài trong 6 ngày, phối hợp với Belarus. Matxcơva thông báo đã huy động 200 nghìn quân tham gia, dù con số này không kiểm chứng được. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1991, Nga lôi kéo Belarus vào cuộc biểu dương sức mạnh trước Nato để khẳng định Minsk vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của Matxcơva, đồng thời cảnh cáo ý đồ Nato mở rộng biên giới sang phía đông châu Âu. Những nước ở tuyến đầu là Ba Lan và Litva đang rất lo lắng, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Belarus và với Nga.  

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210913-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-%C4%91%E1%BB%8Bnh-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-l%E1%BA%A1i-ch%E1%BB%A7-ngh%C4%A9a-x%C3%A3-h%E1%BB%99i