Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh II

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh II

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh II hay Con quái vật đang nhe nanh múa vuốt

Theo nhận định của hai chuyên gia Pháp, Sophie Boisseau du Rocher và Emmanuel Dubois de Prisque, đồng tác giả. tập sách «La Chine e(s)t le monde» (Trung Quốc là/và thế giới), lấy cảm hứng từ thuật cờ vây, Trung Quốc đẩy các con tốt «đi từng bước một sao cho không mang lại cảm giác bị tấn công», không làm dấy lên một sự phản đối, «cho đến cái ngày mà người ta phát hiện ra, thì lực bất tòng tâm, những con tốt đó đã dệt thành một mạng lưới».

Câu chuyện đua tài giữa rùa và thỏ tưởng chỉ có trong huyền thoại cổ tích nào ngờ lại sắp xảy ra trong thời hiện đại?

Nhìn lại thực tế từ mấy chục năm qua, Mỹ với sự hậu thuẫn của nhiều nước Tây phương đã nhân danh thế giới tự do can thiệp vào nhiều nơi trên thế giới, kết quả ban đầu thật đáng khích lệ nhưng lắm kết cuộc lại khá bi thảm, tiêu biểu là đất nước A phú hản vừa rơi vào tay Taliban, lợi thế càng nghiêng về các thế lực đối nghịch là Nga và Tàu, từ một vùng Trung Đông hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Mỹ nay chuyển vào tay Nga, tuy không có gì nổi bật trước mắt, nhưng thế lực của Tàu đang tuần tự nhi tiến (biển Đông bị gậm nhấm, Con đường tơ lụa mới lấn dần vào thành trì tây phương và nay ngắm nghé thả vòi bạch tuột sang A phú hản).

Việc dịch chuyển quyền lực này không phải bây giờ mới thấy mà được thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu cụ thể cũng như được nhiều nhà bình luận thời cuộc báo động từ lâu, kẻ viết bài này cũng từng chia xẻ nỗi lo âu (bài Họa chiến tranh [2003], Họa da vàng [2016], Một viễn ảnh đáng ngại [2017]), thế mới biết diễn trình sinh trưởng thu tàn là một qui luật tự nhiên không có gì ngăn cản nỗi, bao nhiêu nền văn minh rực rỡ đã nối tiếp suy tàn, thậm chí không còn để lại dấu vết, lịch sử cận đại là một minh chứng nổi bậc, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫy vùng năm châu bốn biển trong thế kỷ 17, 18, kế đến Anh, Pháp làm mưa làm gió trong thế kỷ 19 rồi Mỹ, Liên Xô gần như chia đôi thiên hạ trong thế kỷ 20, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ độc chiếm địa vị siêu cường một thời gia dài, vị trí này đang bị Tàu thách thức, cứ nhìn vào mối tương quan giữa Tàu và thế giới trong nửa thế kỷ qua tất biết sức mạnh của bánh xe lịch sử, thông thường thì một thế lực phản động phải nhường chỗ cho một thế lực tiến bộ thì nay lại trái ngược, dân việt nam đã chứng kiến thực tế lịch sử này.

Thật vậy, đồ biểu dưới đây cho thấy tiến độ phát tiển của Tàu trong vòng 50 năm qua:

(*) Tổng sản lượng quốc gia, theo tiếng Pháp là PNB global (Produit national brut global, tiếng Anh: GDP (Gross domestic product), đơn vị là tỷ mỹ kim (nguồn tài liệu.)

Nhìn bảng đối chiếu tổng sản lượng quốc gia giữa Mỹ và Tàu mới thấy rõ khoảng cách không ngừng thu hẹp, từ gắp 11 lần cách nay nửa thế kỷ, giờ chỉ còn 1,4 lần:

  1970 1980 1990 2000 2010 2020
Mỹ 1.025 2.857 5.963 10.252 14.992 20.807
Tàu 93 303 395 1.206 6.034 15.222
Sai biệt Mỹ/Tàu 11 lần 9,5 lần 15 lần 8,5 lần 2,5 lần 1,4 lần

Đó là nói về tổng sản lượng quốc gia (GDP), nhưng nếu theo lối đánh giá mới dựa theo đối chiếu sức mua tương đương PPP (Purchasing Power Pariry) –một yếu tố làm nổi bậc sức mạnh thật sự của một nước thì Tàu đã vuợt qua Mỹ rồi:

Nhìn vào đồ biểu trên thì người bình thường chắc cũng đoán không bao lâu nữa thì Tàu sẽ soán ngôi Mỹ, theo sự tính toán của các chuyên gia kinh tế thì đến 2030 (so với năm 2017) sẽ có nhiều sự thay bậc đổi ngôi, tạm ghi nhận ba hạng đầu như đồ biểu dưới đây:

Các đồ biểu trên cho thấy Tàu đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách biệt với các quốc gia phát triển, từ thập niên 70 Tàu đã đứng ngoài mười hạng đầu (top ten), vậy mà trong vòng 50 năm, ngoại trừ Mỹ, Nhựt, Đức luôn giữ vững ba ngôi vị đầu, nhiều nước phát triển khác đã không ngừng thay bậc đổi ngôi, Tàu vẫn tiến lên đều đặn, cho đến tháng 10 -2010 thì chiếm luôn ngôi vị thứ nhì của Nhựt, tuy luôn đứng đầu bảng nhưng tỷ lệ khoảng cách giữa Mỹ và Tàu thu hẹp dần, tiến độ phát triển trong mấy chục năm qua chứng tỏ nội lực của các nước phát triển tây phương đang bảo hòa trong khi tiềm năng của Tàu còn rất dồi dào, đặc biệt là nhờ thặng dư mậu dịch nên có trữ lượng ngoại tệ lớn, chủ nợ của rất nhiều nước kể cả Mỹ (hàng ngàn tỷ mỹ kim), hàng thứ nhì sau Nhựt.

Tài liệu cập nhựt 3 tháng 5-2021

Giờ ta thử tìm hiểu động lực nào đã thúc đẩy Tàu vượt lên nhanh như thế.

Trước nhứt, phải kể đến sự hỗ trợ của Mỹ nói riêng và các nước Tây phương nói chung, đó là thừa nhận qui chế kinh tế thị trường khi chấp nhận cho Tàu vào tổ chức Thương mại thế giới WTO (World Trade Organization) vào đầu năm 2002 mặc dầu thật sự chưa hội đủ điều kiện, lúc đó Tàu còn thua xa Mỹ (tỷ lệ 8,4 lần), đứng sau Nhựt, Đức, Anh và Pháp, vậy mà không đầy 10 năm sau đã vọt lên hàng thứ nhì, tỷ lệ khoảng cách với Mỹ chỉ còn 2,5 lần, nhờ mở cửa cho nhiều cơ sở sản xuất công nghệ nổi tiếng hàng đầu thế giới ồ ạt đầu tư vào, ban đầu còn chấp nhận những điều kiện về bảo mật kỹ thuật công nghệ, dần dà bắt phải chuyển giao để học hỏi, khởi đầu là chuyên sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thô sơ hay làm gia công các sản phẩm nổi tiếng cho nhiều thương hiệu quốc tế, nhân đó họ lợi dụng chế tạo các sản phẩm tương tự bán ra với giá rẻ, “hàng nháy” là biệt tài của họ, một thời Tàu đã bị tố cáo là nước chuyên đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, nhưng nay tố cáo này mất dần cơ sở, tình thế đã thay đổi, khả năng thực sự của họ được minh chứng qua việc đăng ký bằng sáng chế, năm 2020 Tàu nhiều hơn Mỹ (58.990 so với 57.840) theo tổ chức thế giới về quyền sở hữu trí tuệ OMPI (L’Organisation mondiale de la propriété intellectuelle), cũng như dành ngân khoản lớn cho các công trình nghiên cứu và phát triển (R&D Research and Development), như năm 2020 là 378 tỷ mỹ kim so với 134 tỷ của Mỹ, tức nhiều hơn gần gắp 3 lần, nên không lấy làm lạ khi một mình Tàu trong một thời gian tương đối ngắn đã có nhiều tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật, họ tăng cường nghiên cứu về “trí thông minh nhân tạo AI (Artificial Intelligence), thiết kế máy móc tự hành robot, thiết bị hàng không vũ trụ, kỹ thuật lượng tử, thậm chí còn vượt qua cả các nước tây phương, như kỹ thuật truyền thông 5G, tiêu biểu nhứt là lãnh vực chinh phục không gian, họ đã lập được trạm vũ trụ, chế tạo các phi thuyền chở người, thám hiểm Mặt trăng và sao Hỏa. Ngoài ra, Tàu còn biết tận dụng phương tiện dồi dào vào việc thu hút chất xám trên thế giới, không ngần ngại bỏ ra những khoản tiền lớn trong việc chiêu dụ nhân tài, không những nhắm vào giới chuyên gia khoa học, kỹ thuật mà còn nhắm vào giới chức từng nắm giữ vai trò lãnh đạo tây phương như cựu thủ tướng pháp J.P Raffarin, được trọng vọng như «bạn của nhân dân» tàu, được Tập Cận Bình ban tặng huy chương «thân hữu» giống như V. Poutine (Nga), R. Castro (Cuba), cựu thủ tướng anh D. Cameron (Quỹ đầu tư tàu –anh), phó thủ tướng đức P. Rosler (Cơ sở đa quốc gia tàu HNA), cựu thủ tướng úc P. Keating (ngân hàng phát triển tàu), có thể ví họ là những tên chỉ đường cọp chạy, nhờ vậy Tàu hiểu rõ đối thủ đúng theo binh pháp Tôn Tử: “Tri bỉ tri kỷ bách chiến bách thắng”.

Chủ tịch Tập Cận Bình trao tặng huy chương cho cựu Thủ tướng Pháp J P Raffarin 28 sept 2019

Sơ khởi, theo sự tính toán của các nhà lãnh đạo tây phương thì một khi giúp nước Tàu giàu mạnh, dân tàu sung túc thì thể chế độc tài đảng trị sẽ chuyển dần sang thể chế dân chủ đa nguyên, giờ hối tiếc thì đã muộn.

Thứ đến là việc sa lầy của Mỹ ở Trung Đông, sau vụ khủng bố gây sụp đổ Tòa tháp đôi ở New York (11/9/2001), Mỹ dồn nổ lực vào việc truy lùng khủng bố, huy động tài lực nhân lực vào các chiến trường ở khu vực này, nói là truy lùng khủng bố nhưng có hậu ý muốn triệt hạ Nhà độc tài Saddham Hussein ở Irak, người hậu thuẫn mạnh mẽ dân Palestine chống Do thái, chiến trường chính chuyển sang Irak thay vì A phú hản, với những bằng chứng ngụy tạo là Hussein chế tạo và tàng trữ loại võ khí giết người hàng loạt, hệ quả là tạo một quốc gia Irak thân Iran theo hệ phái hồi giáo Siite –kẻ thù của Mỹ và Do thái, tiêu diệt được thủ lãnh Bin Laden của lực lượng khủng bố al Qaeda lại làm nảy sanh tên cùng hung cực ác Abou Bakr Al-Baghdadi –thũ lãnh tổ chức thánh chiến ISIS, lại khổ công chiến đấu tiêu diệt tổ chức này, Iran nhờ thế mà mạnh lên như hiện nay, tai hại nhứt là rút lui khỏi chiến trường Syrie, giúp Nga chiếm thế thượng phong trong khu vực, kết cuộc Mỹ rời khỏi Trung Đông với hai bàn tay không với nhiều thua thiệt đớn đau, chi phí tốn kém đến nay là 6.400 tỷ mỹ kim (theo ước lượng.của đại học Brown) so với ngân sách quốc phòng 2021 là 740 tỷ, tức nhiều gần 9 lần (tạm tính theo thời giá), về nhân mạng là 7051 gồm 4586 ở Irak và 2465 ở A phú hản (theo kiểm điểm của tổ chức Icasuaties).

Thiết nghĩ cũng cần lưu ý là chính tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ hiện nay cũng đang góp phần làm suy yếu vai trò đầu tàu thế giới, trước nhứt là không quan tâm đến quyền lực mềm (soft power), theo ông Joseph Nye, đó là phải sử dụng mọi ưu điểm về tư tưởng, văn hóa, chính trị, … để thuyết phục và lôi kéo thế giới, theo ông Paul Kennedy (nguyên Giáo sư sử học đại học Yale), muốn xứng đáng với vai trò lãnh đạo thế giới, nước Mỹ phải có một tầm nhìn khoáng đạt với nhận thức về điều kiện nhân bản phổ quát, với niềm tin thuyết phục cũng như chuyển hóa tha nhân, hướng đến kẻ thấp cổ bé miệng và bị áp bức trên toàn thế giới, liên kết với các quốc gia hùng mạnh khác trợ giúp thành phần cùng khổ, không thể xem thường định mệnh của hành tinh và phải dồn nổ lực tối đa vào một tương lai chung. (Nhật báo Le Monde (3/3/2002): L’Amérique n’est pas une île), với chủ trương «nước Mỹ trước đã», với những tranh chấp nặng tính cục bộ, đảng phái hơn là nghĩ đến quyền lợi chung, đảng nào lên cầm quyền thì có thể xóa cam kết quốc tế trước của đảng đối lập thì còn ai trọn tin vào Mỹ nữa, một vị lãnh đạo tối cao đương nhiệm mà luôn bị vị tiền nhiệm tố cáo gian lận bầu cử thì làm sao trách cứ các nhà lãnh đạo độc tài?

Theo ước tính của tổ chức Freedom House, Mỹ mất 11 điểm trong thập niên qua, nằm trong số 25 quốc gia tụt hậu nhứt thế giới:

Theo đánh giá của tổ chức Freedom House thì vai trò đầu tàu thế giới của Mỹ đang mờ nhạt dần trong thập niên qua đặc biệt dưới triều đại TT Trump với những nhận định trách cứ thẳng thừng: “Những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống Trump đã được đánh dấu bằng các cuộc tấn công chưa từng có vào một trong những nền dân chủ minh bạch và có ảnh hưởng nhất thế giới. Sau bốn năm khoan dung, kế ân xá những sai trái cho một số viên chức để tránh bị luận tội sau này, khích động những kẻ kỳ thị chủng tộc và cực đoan cánh hữu, vị tổng thống sắp mãn nhiệm còn công khai tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử một cách bất hợp pháp, kích động một đám đông có vũ trang gây xáo trộn việc kiểm nhận kết quả bầu cử ở Quốc hội. Phần lớn các nhà lập pháp thuộc đảng của TT không phản ứng gì, sự im lặng lạ lùng của họ tác hại đến các nguyên tắc dân chủ cơ bản. Cần phải có một nổ lực cải cách sâu rộng, nghiêm túc mới có thể sửa chữa những tác hại đến nhận thức và thực thi về các quyền cơ bản và tự do ở Hoa kỳ.», nguyên văn anh ngữ: The eclipse of US leadership: The final weeks of the Trump presidency featured unprecedented attacks on one of the world’s most visible and influential democracies. After four years of condoning and indeed pardoning official malfeasance, ducking accountability for his own transgressions, and encouraging racist and right-wing extremists, the outgoing president openly strove to illegally overturn his loss at the polls, culminating in his incitement of an armed mob to disrupt Congress’s certification of the results. Trump’s actions went unchecked by most lawmakers from his own party, with a stunning silence that undermined basic democratic tenets. Only a serious and sustained reform effort can repair the damage done during the Trump era to the perception and reality of basic rights and freedoms in the United States.

Do đó, các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ ở nhiều nước trên thế giới thiếu sự hậu thuẫn tích cực, nhiều nhà lãnh đạo dân túy, có khuynh hướng độc đoán được dịp phô trương thanh thế, nhứt là hạn chế một số quyền tự do trong thời đại dịch Covid kéo dài.

Trong khi đó thì Tàu rảnh tay dồn nổ lực vào công cuộc phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng với ý đồ phục hận, trả thù mối nhục trăm năm bị ngũ cường xâu xé (bách niên quốc sỉ 1839-1949), chỉ trong vòng 10 năm, từ vị thế kinh tế thứ 6 vọt lên hàng thứ nhì so với Mỹ với khoảng cách thu hẹp từ 8,5 lần còn 2,5 lần, Chủ tịch Tập Cận Bình còn muốn cạnh tranh với Mỹ, cổ võ mô hình chính trị độc đảng, giữ được sự ổn định chính trị, đất nước phát triển bền vững, đời sống vật chất của người dân được cải thiện.

Tóm lại, Tàu đang cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ nói riêng và cả Tây phương nói chung về mọi phương diện, tham vọng này được công khai hóa trong Kế hoạch “Made in China 2025”.

Bang giao quốc tế luôn tuân theo một qui luật lạnh lùng, đó là qui luật tương quan quyền lợi và quyền lực, quyền lợi thay đổi tất phải dẫn đến thay đổi quyền lực, dĩ nhiên là về mặt quốc phòng thì khó mà có tiêu chuẩn đối chiếu sức mạnh thật sự của đôi bên, nhưng suy từ sự tiến bộ của các lãnh vực khác cũng có thể suy đoán là mức chênh lệch cũng thu hẹp dần như Tàu hiện chỉ có 2 hàng không mẫu hạm, một tân trang và một thiết kế mới lớp Type 2, theo các chuyên gia về quân sự, Tàu đang đóng thêm 3 chiếc nữa mà kỹ thuật sẽ dần dần cải tiến theo kịp các hàng không mẫu hạm hiện đại của Mỹ (tổng cộng 11 chiếc), trong vùng biển Hoa Đông và biển Đông, an ninh của họ chưa hề bị đe dọa, trái lại họ còn đang làm mưa làm gió ở đây, vậy cần gì đến hàng không mẫu hạm, hai chiếc chưa đủ lại còn đang đóng thêm nhiều chiếc nữa để làm gì, hẳn không phải là để chạy lòng vòng trong vùng “lưỡi bò”, lời giải đáp nằm ngay trong câu hỏi hay thắc mắc rồi vậy. Đó là chưa nói trong mọi cuộc tranh chấp, ý chí chiến đấu góp phần không nhỏ trong cuộc tương tranh, nhớ lại chiến thuật biển người của Tàu, nghĩ chắc chỉ có Tàu mới liều mạng đến thế!

Thật không khỏi bi quan khi nhìn những diễn biến mấy chục năm qua, Tàu chiếm một số đảo ở trong “đường lưỡi bò” do họ tự vạch ra và xác quyết là thuộc chủ quyền lịch sử (!), bất chấp luật hàng hải quốc tế (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982), khẳng định không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài La Haye năm 2016 (bác bỏ những yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông của Bắc Kinh) trong vụ kiện của Phi luật tân, chính vị Tổng thống bốc đồng phi Duterte cũng ví phán quyết này như tờ giấy lộn, một số bãi đá ngầm được bồi đắp thành đảo nổi, biến những nơi chiếm đóng thành những cơ sở quân sự, mỗi lần nguyên trạng bị thay đổi là bị Mỹ và nhiều nước chống đối, nào là tố cáo, nào là lên án, nào là biểu dương lực lượng, …, nhưng họ vẫn tuần tự nhi tiến, chưa thấy một nhượng bộ nhỏ nhoi nào, càng bi quan hơn nữa khi thấy sự sụp đổ nhanh chóng không tưởng tượng nỗi của chế độ A Phú hản do Mỹ hậu thuẫn mấy chục năm qua. Đây là một vố đau cho Mỹ về nhiều mặt trên trường quốc tế, tác động tiêu cực vào niềm tin của các nước đồng minh, chính nhà lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu Josep Borrell sau cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng của 27 nước thành viên Liên Âu tại Kranj, Slovenia hôm 31 tháng 8 đã tuyên bố: «Afghanistan đã cho thấy những yếu kém của chúng ta trong lĩnh vực tự chủ chiến lược và chúng ta đã phải trả giá… Nếu chúng ta muốn có thể hành động một cách tự chủ, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người khác, cho dù họ là bạn bè hay đồng minh, thì chúng ta phải phát triển khả năng của chính mình ». (tin RFI 3/9/2021), tình trạng xáo trộn này tất sẽ tạo cảnh đục nước béo cò, nơi nào Mỹ rút chân ra thì các kẻ thù sẽ tìm mọi cách trám vào, không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này để khai thác, làm suy yếu thế liên minh hiện nay, hẳn không phải là ngẫu nhiên khi Tàu ra quyết định đòi các tàu phải khai báo khi đi qua « lãnh hải » của họ kể từ đầu tháng 9/2021 (tin RFI 31/8/2021), nghĩa là chẳng lùi bước, chẳng dừng lại mà còn lấn lướt thêm, thêm một thử sức đối với Mỹ, hôm 08/09/2021, hải quân Mỹ ra thông cáo cho biết khu trục hạm USS Benfold đã tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, coi đây là một hành động thách thức đối với Bắc Kinh (tin RFI), nói là nói vậy chớ thương thuyền nào dám thách thức như thế, hiệu quả phản ứng của Mỹ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến mối tương quan chung trong khu vực.

Để đối phó với đà bành trướng của Tàu, liệu thế giới tự do có phương thức nào kềm hãm?

– Một thực tế phải công nhận là một mình Tàu dám thách thức cả thế giới, trong khi muốn chống Tàu thỉ cả thế giới phải hợp sức lại,

Mỹ cần phải tạo một thế liên minh rộng lớn, được cái là phần lớn nhân dân các nước trên thế giới không còn coi Tàu là bạn đáng tin cậy, việc đàn áp thô bạo phong trào dân chủ Hong kong bất chấp cam kết tôn trọng quyền dân chủ cho Đặc khu này theo nguyên tắc “một đất nước hai chế độ” cho dến năm 2047, tỷ lệ dân chúng các nước Tây phương chống Tàu không ngừng gia tăng, dân các nước đương giao dịch với Tàu nhận thấy sự lợi dụng, bắt đầu chán ngán họ, đặc biệt dân các nước châu Á ngày càng thù địch với Tàu, tóm lại tâm lý bài hoa gia tăng trên khắp thế giới, tâm lý này là chất xúc tác gắn kết một thế liên minh chống Tàu.

Giả dụ cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra, Mỹ và Tàu cách xa nhau, chắc chắn là Tàu sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp hơn nhiều, vả lại Tàu gần như đang gây hấn hay xung khắc quyền lợi với hầu hết các nước láng diềng, trong đó có các nước đồng minh gắn bó với Mỹ như Nam Hàn, Nhựt với vị trí chiến lược Okinawa, Đài loan, Tàu thèm thuồng đảo quốc này, vì đây là cửa ngõ chánh thông ra Thái bình dương, đó là những khúc xương chận ngang yết hầu thông ra biển khơi của Tàu ở phía Bắc, có thể coi đây như là một chuỗi mắt xích, một mắt xích rời ra thì tác hại cả hệ thống, việc bảo vệ Đài loan là một thử thách quyết tâm của Mỹ.

ở phía Nam thì có các quần đảo Phi luật tân án ngử, Phi cần ô dù của Mỹ để bảo vệ chủ quyền đất nước, Mỹ cũng cần Phi để khống chế Tàu.

Nhìn chung, các quốc gia Đông Nam Á có chung biển Nam hải đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Tàu, một số đảo đang bị chiếm đóng hoặc lãnh hải thường xuyên bị xâm lấn, với tham vọng bá quyền như hiện nay, các tranh chấp này chắc chắn là không thể nào giải quyết ổn thỏa, tất nhiên là họ sẽ không ngã theo Tàu khi có xung đột xảy ra.

– Tàu là nước xuất cảng hàng đầu thế giới, hiện thu rất nhiều ngoại tệ, thặng dư mậu dịch chung năm 2020 là 535 tỷ mỹ kim, trong đó riêng đối với Mỹ chiếm tới 317 tỷ (tin RFI 18/1/2021), trong giao dịch bình thường đây là một lợi thế to lớn về mặt kinh tế nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi, khi khủng hoảng kinh tế, khi xung đột xảy ra, hàng tàu bị thế giới tẩy chai thì guồng máy sản xuất bị đình trệ, đà phát triển kinh tế bị chựng lại sẽ tác động ngay đến sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ngưới dân. Cũng cần lưu ý là dân Tàu không phải là một khối cố kết thuần nhứt, nhiều tranh chấp luôn âm ỉ ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, kể cả Quảng Đông, chênh lệch mức sống giữa nông thôn, thành thị, giữa vùng ven biển và vùng sâu trong nội địa, … đó là những mầm bất mãn có thể bùng phát thành những xung đột xã hội lớn khi gặp thời cơ.

– Nguy cơ bất ổn cũng có thể nổ ra ngay trong nội bộ đảng cộng sản, bề ngoài các chế độ độc tài đều có vẽ phẳng lặng nhưng các luồng sóng ngầm thì khó thấy, Tập Cận Bình lên được vị thế Chủ tịch ngày nay không phải là không có đối thủ, từ khi nắm chức vụ, Tập đã thanh trừng nhiều nhân vật sừng sỏ trong đảng như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai, … để củng cố địa vị tất phải tạo vây cánh để họ chấp nhận ngôi vị trọn đời cho Tập, trái với qui định tối đa là 2 nhiệm kỳ 5 năm, nhiều tiếng nói thẳng thắng phải trốn ra ngoại quốc như Bà Thái Hà – cựu giáo sư trường đảng, ân oán giang hồ như vậy làm sao không có kẻ thù.

– Một điểm chí tử được một số chiến lược gia đề cập, đó là đập Tam hiệp:

có thể coi đây là gót chân của dũng sĩ Achille, ngoài việc tạo nên nhiều nguồn lợi to lớn cho đất nước, đập này cũng là mối nguy tiềm tàng, có ước tính cho rằng đập này vở có thể cuốn hằng trăm triệu dân tàu ra biển Đông theo con sông Dương Tử, trong chiến tranh không nước nào nghĩ đến việc giết hại dân lành, dầu sao đây vẫn là “con tin” đáng giá” của các đối thủ mà Tàu không thể xem thường!

Tóm lại, việc lớn mạnh của Tàu được thực chứng bằng những toán số cụ thể và những thu đạt được trên thực địa, trong khi các khía cạnh tiêu cực chỉ là những suy đoán, những hy vọng, chỉ là mấy tia sáng le lói ở cuối đường hầm, nếu khuynh hướng này không sớm đảo ngược rõ rệt thì cái tựa bài này e quá lạc quan?

Lê Huỳnh

9/9/21

https://levantu39.wordpress.com/2021/09/09/duong-xa-nghi-noi-sau-nay-ma-kinh-ii/