Tin Tổng Hợp – 26/8/21
Nhật Bản và Đài Loan sẽ tổ chức các cuộc đàm phán an ninh đầu tiên, Trung Quốc ‘đứng ngồi không yên’
Một nghị sĩ Đài Loan cho biết hôm thứ Tư (ngày 25/8) rằng vào cuối tuần này, các nghị sĩ đảng cầm quyền của Đài Loan và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp an ninh lần đầu tiên, nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng quân sự hiếu chiến của ĐCSTQ, trang Epoch Times cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân hôm thứ Tư nói rằng, Nhật Bản nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Hai nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) và Đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản (LDP) sẽ tổ chức một cuộc nói chuyện trực tuyến về an ninh mang tên, “hai cộng hai” vào thứ Sáu (27/8) .
“Đây là cuộc đối thoại đầu tiên do phía Nhật Bản khởi xướng. Chúng tôi sẽ thảo luận về các vấn đề ngoại giao, quốc phòng và an ninh khu vực”, Lo Chih-cheng, một người tham gia và là nhà lập pháp của DPP, nói với AFP.
Luo Zhizheng cũng là trưởng phòng các vấn đề quốc tế của DPP. Ông nói thêm rằng, các cuộc đàm phán sẽ giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.
Thư ký của người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản xác nhận lịch trình.
Masa-hisa Sato, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do phụ trách các vấn đề đối ngoại, nói với Financial Times, rằng các cuộc đàm phán là cần thiết, vì tương lai của Đài Loan sẽ có “tác động nghiêm trọng” đối với Nhật Bản.
Do Nhật Bản và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức, nên các cuộc hội đàm giữa các thành viên của đảng cầm quyền, có thể thay thế các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng. Sato nói rằng, mục tiêu của Đảng Dân chủ là tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao hơn với các quan chức chính phủ Đài Loan.
“Đây là điều chúng tôi nghĩ là tầm quan trọng của tình hình hiện tại ở Đài Loan”, ông nói với trang Financial Times.
Sato và Taku Otsuka, một thành viên Đảng Dân chủ Tự do khác, sẽ có cuộc nói chuyện trực tuyến với Luo Zhizheng và nhà lập pháp Cai Adaptation của DPP vào thứ Sáu.
Các cuộc đàm phán Nhật Bản – Đài Loan là dấu hiệu mới nhất về phản ứng phối hợp hơn giữa các chính phủ dân chủ. Các chính phủ dân chủ đã bày tỏ lo ngại về các hành động ngày càng cứng rắn của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Các nhà lập pháp từ Hoa Kỳ, Đài Loan và Nhật Bản, bao gồm cả cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau vào tháng 7 để thảo luận về cách cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan.
ĐCSTQ bày tỏ sự không hài lòng với hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Đài Loan hôm thứ Sáu, nói rằng Bắc Kinh phản đối “bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào” với Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Vấn đề Đài Loan liên quan đến cơ sở chính trị của quan hệ Trung-Nhật … Nhật Bản nên đặc biệt thận trọng trong lời nói và việc làm”.
Luo Zhizheng nói rằng, các cuộc đàm phán giữa các bên có thể được sử dụng như một hình thức để mở rộng liên hệ của Đài Bắc với các chính phủ trên thế giới, có thể không sẵn sàng trao đổi trực tiếp với chính quyền Đài Loan.
Tờ Financial Times đưa tin, các chính trị gia Đài Loan nói rằng Nhật Bản ngày càng chú ý nhiều hơn đến mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan, và họ được khuyến khích. Một người Đài Loan, người tổ chức cuộc đàm phán an ninh cho biết: “Vì cả bốn người tham gia đều là thành viên quốc hội, nên đây hơi giống như vòng đối thoại sơ cấp”.
Bởi vì ĐCSTQ ngày càng trở nên hung hăng hơn đối với Đài Loan, Nhật Bản do đó không thoải mái. Trong sách trắng quốc phòng gần đây, chính phủ Nhật Bản đã liên kết trực tiếp an ninh của Nhật Bản với an ninh của Đài Loan, phá vỡ tiền lệ trong nhiều năm.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép ngoại giao, quân sự và kinh tế đối với Đài Loan. Máy bay chiến đấu và máy bay ném bom có năng lực hạt nhân của ĐCSTQ thường bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ thường xuyên đăng các bài xã luận đe dọa sẽ cai trị Đài Loan bằng vũ lực.
Afghanistan: Khủng bố tự sát của Daech gần phi trường Kabul
Hai vụ khủng bố tự sát đã xảy ra hôm nay, 26/08/2021, tại khu vực gần sân bay quốc tế Kabul, nơi mà các nước phương Tây tiếp tục di tản khỏi Afghanistan. Theo thông báo của Lầu Năm Góc, trong hai vụ nổ này, có 12 lính Mỹ thiệt mạng và 15 quân nhân bị thương.
Còn theo tổng kết mới nhất của phe Taliban, có từ 13 đến 20 người chết và 52 người bị thương.
Theo giải thích của tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh bộ chỉ huy trung ương Mỹ đặc trách Afghanistan, hai quân thánh chiến của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo đã cho nổ bom tự sát ở Abbey Gate, một trong ba cửa vào sân bay quốc tế Kabul, rồi sau đó những quân thánh chiến có vũ trang đã nổ súng vào binh lính và thường dân.
Bộ Quốc Phòng Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa Daech. Tổ chức khủng bố này cũng vừa lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ nổ ở Kabul trong một thông cáo do cơ quan tuyên truyền Amaq của tổ chức này phát đi.
Phe Taliban đang cầm quyền ở Afghanistan đã lên án các vụ khủng bố tự sát ở sân bay Kabul, nhưng nhấn mạnh những vụ nổ này xảy ra trong khu vực thuộc “trách nhiệm” của Mỹ.
Trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, chính phủ ba nước phương Tây Mỹ, Anh và Úc đồng loạt đưa ra các báo động nguy cơ khủng bố, kêu gọi những người đang chờ được di tản ở sân bay Kabul nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm này.
Mặc dù vừa có hai vụ khủng bố, tướng McKenzie tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chiến dịch di tản vì hiện còn gần 1.000 công dân Mỹ cần phải được hồi hương.
Thanh Hà
Bà Harris đề cập đến nhân quyền VN, đúng như ‘kỳ vọng không cao’ của giới hoạt động
Nhân quyền, một trong những vấn đề nhạy cảm và được nhiều người mong đợi, cuối cùng đã được nữ Phó tổng thống Kamala Harris đề cập đến trong ngày cuối cùng của chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động kỳ cựu cho rằng nó chỉ được nhắc đến ở mức độ đúng như dự đoán và “kỳ vọng không cao” của họ trước đó.
Tại cuộc họp báo khi kết thúc chuyến công du Việt Nam và Singapore, Phó tổng thống Hoa Kỳ cho biết bà đã nêu vấn đề vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị trong các cuộc trò chuyện với các lãnh đạo Hà Nội trong những ngày vừa qua.
“Những vấn đề đó đã được đưa ra và thảo luận, cũng như vấn đề nhân quyền, với cả các lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng như các lãnh đạo xã hội dân sự vì đó là mối quan tâm thực sự của Hoa Kỳ”, bà Harris nói, đồng thời khẳng định thêm rằng. “Chúng tôi không né tránh những cuộc trò chuyện khó khăn”.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Hoa Kỳ không cho biết liệu có bất kỳ cam kết cụ thể nào từ phía Hà Nội hay không, hoặc có một giải thích nào về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vốn vẫn bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá là không dung chấp bất đồng chính kiến, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và xã hội dân sự.
Trước chuyến đi của bà Harris, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam đã gửi thư kêu gọi nữ Phó tổng thống Mỹ đưa vấn đề nhân quyền ra trong các cuộc họp với các lãnh đạo Việt Nam và gây áp lực buộc Hà Nội phải thả các tù nhân lương tâm.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chỉ trích bà Harris vì đã không lên tiếng đủ trong chuyến thăm bất chấp “sự quấy rối và đàn áp có hệ thống của Việt Nam đối với bất kỳ ai bất đồng với chính phủ”.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động kỳ cựu tại Việt Nam lại có một cái nhìn khác.
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với VOA rằng bà vốn không đặt quá nhiều kỳ vọng về vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm này của nữ Phó tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, bà có đưa ra đề xuất về một cuộc gặp trực tuyến giữa các nhà hoạt động độc lập với bà Harris nhưng điều này đã không trở thành hiện thực.
“Hôm nay bà Harris đã không dành cho những người hoạt động xã hội dân sự độc lập, tôi phải nhấn mạnh từ độc lập ở Việt Nam, cụ thể là những người hoạt động nhân quyền, những người đối kháng với nhà nước Việt Nam một cuộc gặp, dù là một cuộc gặp trực tuyến. Trong khi các đại diện cá nhân, tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam chỉ riêng việc họ được đi gặp bà ấy mà không gặp một cản trở nào thì cũng đã là câu trả lời cho chúng ta họ là ai rồi. Tôi không kỳ vọng bất cứ điều gì về những gì họ truyền đạt cho bà Harris, cụ thể là họ chưa chắc đã dám nói về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho bà Phó tổng thống nghe đâu”, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với VOA.
Truyền thông quốc tế cho biết tại cuộc họp báo ngày 26/8, bà Harris đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ phụ nữ và quyền của người chuyển giới, nhưng bà không lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam về những lạm dụng nhân quyền của họ.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng của Việt Nam, nói với VOA rằng ông có quan điểm “rạch ròi” về những lĩnh vực khác nhau trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên ông không đặt kỳ vọng quá cao rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ được nữ Phó tổng thống Mỹ dành ưu tiên hay thậm chí gây áp lực lên Hà Nội như nhiều người mong đợi.
Ông nói: “Trong những ưu tiên hiện thời của nước Mỹ đối với Việt Nam thì vấn đề nhân quyền không phải là vấn đề trọng yếu nhất, giỏi lắm chỉ là thứ 4, thứ 5 thôi. Cho nên chuyện bà ấy có nói về nhân quyền và theo tôi biết bà có gặp một số đại diện của xã hội dân sự thì hoàn toàn phù hợp, bởi vì họ cũng không thể làm hơn được, vì vấn đề an ninh, COVID, kinh tế mới là những vấn đề trọng tâm nhất của chuyến đi này”.
Theo TS. Nguyễn Quang A, vì “những tiếng nói nặng ký như của bà Phó tổng thống hay của các chức sắc Mỹ luôn luôn có trọng lượng” nên chỉ riêng việc bà có đề cập đến vấn đề nhân quyền với các lãnh đạo Hà Nội trong chuyến thăm lần này thì chắc chắc sẽ có ảnh hưởng cho tương lai nhân quyền tại Việt Nam, mặc dù có thể hiệu quả trên thực tế lúc này là “không có gì cả”.
Ông phân tích: “Trong danh sách các lĩnh vực ưu tiên hiện tại của Mỹ với Việt Nam thì nhân quyền đứng hàng thứ tư, thứ năm gì đấy. Như thế là tốt rồi. Nhưng trong danh sách ưu tiên tương tự của Việt Nam thì nhân quyền và dân chủ đứng hàng chót. Tức là sự trùng nhau về những ưu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là không có hoặc rất xa nhau. Cho nên sẽ khó mà có kết quả gì ngay lập tức”.
Cũng như TS. Nguyễn Quang A, bà Phạm Thanh Nghiên cho rằng việc Phó tổng thống Harris đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm lần này chắc chắc sẽ có tác động tích cực về lâu dài cho nhân quyền tại Việt Nam khi nó buộc Hà Nội phải có những “điều chỉnh”, “cân nhắc” trong các mối quan hệ quốc tế.
Bà nói: “Nếu nói rằng không đạt được gì thì không đúng. Việc bà đã nhắc đến vấn đề nhân quyền và thêm cả nỗ lực của người dân Việt Nam thì tôi nghĩ trong tương lai sẽ đạt được những điều mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên trong thời điểm và bối cảnh như thế này, tôi nghĩ rằng việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam là rất khó”.
Trong suốt chuyến công du Việt Nam và Singapore tuần này, bà Harris nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ tích cực với các nước, mở rộng hợp tác và sự can dự của Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời bà liên tục chỉ trích và đưa ra cảnh báo yêu cầu Trung Quốc chấm dứt thói hung hăng ở Biển Đông.
(Reuters) – Đài Loan tăng 4% ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2022. Theo báo cáo ngày 26/08/2021 của văn phòng tổng thống Thái Anh Văn, chi phí quốc phòng của Đài Loan cho năm tới dự trù đạt gần 472 tỷ đô la Đài Loan (tương đương 17 tỷ đô la Mỹ). Dự thảo ngân sách nói trên bao gồm cả gần 1,5 tỷ đô la trang bị chiến đấu cơ để nâng cao khả năng phòng không của Đài Loan. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc dồn dập gia tăng các hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan.
(Reuters/RIA) – Nga cam kết cấp hệ thống tên lửa phòng không cho tập đoàn quân sự Miến Điện đúng hạn. Ngày 25/08/2021, người đứng đầu cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Nga cho biết là Matxcơva sẽ thực hiện đúng hợp đồng cung cấp cho Miến Điện hệ thống phòng không Pantsir. Hợp đồng này được ký kết tháng 1/2021, ít ngày trước cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của Aung San Suu Kyi, ngày 01/02. Giới bảo vệ nhân quyền lên án chính quyền Nga mang lại tính chính đáng cho tập đoàn quân sự với các hợp đồng vũ khí và các chuyến thăm song phương sau cuộc đảo chính.
(Reuters) – Nga : Nhà đối lập Navalny ví nhà tù Nga như « trại cải tạo Trung Quốc ». Trong bài trả lời phỏng vấn báo Mỹ New York Times, được đăng ngày 26/08/2021, nhà đối lập hàng đầu của nước Nga mô tả « các bạo lực tâm lý » không để lại dấu vết mà ông và các tù nhân khác phải gánh chịu trong nhà tù nơi ông đang bị giam giữ hiện nay. Ông Navalny cũng gửi New York Times một văn bản dài 54 trang, mô tả cụ thể cuộc sống trong tù. Tù nhân bị theo dõi gần như 24/24 và ngày nào cũng bị bắt buộc xem truyền hình Nhà nước.
(Reuters) – Tòa án Nhân quyền châu Âu đề nghị Ba Lan và Latvia trợ giúp di dân ở biên giới với Belarus. Đề xuất trên được Tòa án Nhân quyền châu Âu đưa ra hôm 25/08/2021, trong bối cảnh đang xảy ra căng thẳng ở châu Âu về vấn đề di dân : Ba Lan, Estonia, Litva và Latvia đã tố cáo Belarus đã tạo điều kiện để di dân, chủ yếu là người Afghanistan và Irak, vượt biên giới trái phép vào Liên Âu. Tòa án Nhân Quyền châu Âu không ép buộc Ba Lan và Latvia tiếp nhận di dân, nhưng đề nghị hai quốc gia này cung cấp nước, thực phẩm, quần áo, chăm sóc y tế cho di dân ở các trại tị nạn ở biên giới và, nếu có thể, cấp cho họ chỗ ở tạm thời.
(AFP) – Amnesty International kêu gọi Qatar điều tra về cái chết của hàng loạt lao động nhập cư. Lời kêu gọi được tổ chức nhân quyền đưa ra vào ngày 26/08/2021. Theo Amnesty International, có nhiều ngàn lao động nước ngoài đã chết, có thể vì điều kiện lao động quá nguy hiểm trong những thập niên qua nhưng chính quyền Qatar đã không cho điều tra. 70% các trường hợp tử vong không được xác định nguyên nhân. Qatar thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích về cách đối xử tồi tệ với hàng trăm ngàn lao động nhập cư, chủ yếu đến từ châu Á, làm việc tại các công trường xây dựng phục vụ Cúp bóng đá thế giới 2022.
(AFP) – Ukraina phát hiện hài cốt hàng ngàn nạn nhân của các vụ thanh trừng thời Đại khủng bố Stalin. Ngày 25/08/2021, Kiev cho biết 29 hố chôn tập thể chứa hài cốt của 5.000 – 8.000 người bị sát hại trong những năm 1930 dưới thời Stalin đã được phát hiện ở một khu vực rộng 5 hecta gần sân bay Odessa, miền nam Ukraina. Đây là một trong những khu vực có các hố chôn tập thể lớn nhất ở Ukraina. Theo nhà chức trách, các nạn nhân dường như đều bị Cảnh sát mật Liên Xô (tiền thân của KGB) bắn vào gáy. Số hài cốt có thể còn tăng vì công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành.
(AFP) – Tổng thống Biden triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các doanh nghiệp về an ninh mạng. Sau một loạt các vụ tấn công tin học nhắm vào nhiều tập đoàn Mỹ trong thời gian gần đây, ngày 25/08/2021, ông Joe Biden đã có một cuộc họp với một số bộ trưởng liên quan cùng chủ nhân nhóm GAFAM, lãnh đạo ngân hàng hay các công ty bảo hiểm… Tổng thống Mỹ thẩm định cần tuyển dụng nửa triệu nhân viên để tăng cường khả năng phòng thủ trên mạng.
(AFP) – Pháp ngừng hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục hậu quả kinh tế do Covid-19 gây nên. Phát biểu trước đại diện của giới chủ, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire hôm 25/08/2021 thông báo kinh tế Pháp đã được “khởi động trở lại” và trước viễn cảnh tăng trưởng đạt 6% trong năm 2021, không còn lý do gì để duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vô điều kiện. Chính phủ đã trích xuất hơn 120 tỷ euro liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp từ mùa xuân 2020 phải đóng cửa sau các đợt phong tỏa liên tiếp.
(NHK) – Covid-19 : 5 tỉ liều vac-xin đã được sử dụng trên thế giới. Trang web nghiên cứu Our World in Data, do các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford và các trường khác quản lý, cho biết tính đến thứ Hai 23/08/2021, ở những nước mà số liệu có thể được khẳng định chính thức, đã có 5 tỉ liều vac-xin ngừa Covid-19 được tiêm cho dân. Tính chung toàn cầu, 32,7% dân số đã được tiêm ngừa ít nhất là mũi đầu, nhưng tỉ lệ này chỉ là 1,4 % ở những nước có thu nhập thấp. Ngoài ra, 24,6% dân số toàn cầu đã tiêm xong hoàn toàn. Trung bình, mỗi ngày có 33,56 triệu người được tiêm.
(AFP) – Hiệu quả bảo vệ của vac-xin Pfizer và AstraZeneca giảm rõ rệt 6 tháng sau khi tiêm. Nghiên cứu Zoe Covid của các nhà khoa học thuộc King’s College, Luân Đôn và nhóm nghiên cứu Zoe được công bố ngày 25/08/2021, cho biết là Pfizer đạt hiệu quả bảo vệ 88% một tháng sau khi tiêm, tỉ lệ này giảm còn 74% sau 5-6 tháng. Đối với AstraZeneca, tỉ lệ này giảm từ 77% xuống còn 67% sau 4-5 tháng. Các tác giả công trình nghiên cứu vì thế khuyến cáo nên tiêm “nhắc lại”. Hãng Mỹ Johnson & Johnson ngày 25/06 cũng khẳng định mũi tiêm nhắc lại sẽ tăng cường khả năng bảo vệ của vac-xin Janssen.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210826-tin-tong-hop