Ðiểm Báo Pháp – 24/8/21
Pháp sắp khai trường: lo lớp học thành nơi lây nhiễm Covid số một
Nước Pháp lo lắng trước ngưỡng cửa ra hè trong bối cảnh dịch bệnh đầy bất trắc, người dân Afghanistan những ngày đầu sống dưới chế độ Taliban và thảm kịch di tản của các nước phương Tây diễn ra trong hỗn loạn trước sự chứng kiến của công chúng toàn thế giới là các chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay, 24/08/2020. Quảng cáo
Xã luận Le Figaro với nhan đề “Nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường” mở đầu với câu hỏi “Chấm dứt hay còn tiếp tục ?”. Nhật báo thiên hữu ghi nhận là bất chấp việc tiêm chủng đã tăng tốc gấp bội, đe dọa của biến thể Delta vẫn còn đó, và không gì có thể nói được là kỳ trở lại năm làm việc, năm học mới sẽ diễn ra trong các điều kiện siết chặt y tế như thế nào. Cũng giống như tất cả mọi người, các doanh nghiệp từ 18 tháng nay đã sống trong một chế độ đặc biệt “không khỏi lo ngại khi thấy viễn cảnh trở lại với đời sống bình thường tiếp tục bị đẩy lùi”. Vấn đề chủ yếu – cũng là chủ đề chính của Le Figaro hôm nay – là tương lai của quy chế làm việc từ xa.
Doanh nghiệp: Đàm phán lại về chế độ làm việc từ xa
“Việc tổ chức làm việc từ xa đã được thiết lập vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, chắc chắn đã cho thấy tính hiệu quả, nhưng cũng để lộ các giới hạn. Không phủ nhận được là nhiều nhân viên hay người phụ trách đã không thể thực hiện được các nghĩa vụ trong công việc từ nhà mình. Trong lúc những người được ưu đãi nhất thì hài lòng vì có được nhiều lợi ích rõ ràng từ việc này, như tiết kiệm được thời gian đi lại, hay kết hợp được theo ý mình công việc và đời sống gia đình, thì nhiều người khác lại mơ ước được làm việc một nửa từ xa, một nửa tại chỗ”.
Trong bối cảnh đông đảo doanh nghiệp bắt đầu tổ chức cho nhân viên trở lại làm việc tại chỗ, Le Figaro cảnh báo về các hậu quả của giai đoạn làm việc từ xa, như “thiếu các tương tác phi chính thức, thiếu tính sáng tạo, thiếu sự đoàn kết, và rốt cục có thể dẫn đến việc nhân sự của công ty mất đi sự gắn bó với doanh nghiệp”. Từ đầu dịch đến nay, các doanh nghiệp nhìn theo các chỉ thị của chính phủ mà hành động, còn giờ đây với việc tiến trình tiêm chủng đã gần hoàn tất, theo Le Figaro, các doanh nghiệp phải tự tìm ra phương thức tổ chức công việc trở lại với đời sống bình thường.
Theo Le Figaro, từ nhiều tháng nay, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc ra khỏi khủng hoảng y tế, việc tổ chức lại các cuộc họp có mặt tại chỗ với toàn bộ ê-kíp, để nối lại với “đời sống tập thể”, và tạo điều kiện cho việc tuyển mộ các nhân viên mới. Một trong các trở ngại chính trong việc có được “các thoả thuận làm việc từ xa mới” là sự lưỡng lự của nhiều nhân viên đã quen với chế độ làm việc từ xa này. Vấn đề những nhân viên của công ty chưa có chứng nhận y tế cũng đặt ra vấn đề không nhỏ, bởi các xét nghiệm Covid PCR giờ đây sẽ phải trả tiền.
Phải tăng tốc chích ngừa cho học sinh
Còn chín ngày là đến năm học mới. Học sinh vào năm học mới như thế nào trong điều kiện dịch bệnh đầy bất trắc là chủ đề chính của nhật báo thiên tả Libération. Xã luận Libération với tựa đề “Bảo vệ” nhấn mạnh : “nếu như các quy định phòng dịch tại các trường học là cần thiết, thì cách bảo vệ hiệu quả hơn cả vẫn là chích ngừa”. Libération ghi nhận là số lượng học sinh từ 12 đến 17 tuổi được chích ngừa hiện còn quá thấp, với khoảng 55% được tiêm một liều, 32% đã tiêm đủ. Ít hơn hẳn so với tỉ lệ trung bình toàn dân. Tình hình này là dễ hiểu, vì việc tiêm chủng cho trẻ em mới được bắt đầu từ ngày 15/06. Rõ ràng là trẻ em không phải là lứa tuổi bị Covid đe doạ, tỉ lệ trẻ bị bệnh nặng là rất thấp, tuy nhiên trẻ em cũng là kênh lan truyền dịch bệnh, đặc biệt đối với biến thể Delta, lây mạnh hơn nhiều so với các biến thể trước. Nhìn chung, quyết tâm của chính phủ là không để dịch bệnh cản trở việc mở lại trường học. Nhiều điểm chích ngừa được mở ngay cạnh trường học, để tạo điều kiện cho việc học sinh tiêm chủng.
Dự báo: Trẻ em sẽ chiếm một nửa số ca nhiễm vào tháng 9
Cho dù trẻ em không phải là lứa tuổi dễ bị các chứng Covid nặng, hiện tại cũng đã có nhiều em nhỏ phải nhập viện. Để chuyển đến công chúng các thông tin cơ bản của dịch bệnh đối với trẻ em, Libération có bài “Trẻ em và biến thể Delta : Đã đến giờ vào lớp” giới thiệu tóm lược một số thông tin khoa học liên quan. Theo các dữ liệu của Cơ quan Y tế Công (SPF) của Pháp, vào giữa tháng 8, số ca nhiễm của người dưới 19 tuổi là khoảng 1/5 số ca nhiễm toàn quốc, và 1,2% trong tổng số người phải nhập viện do Covid. Nhà dịch tễ học Daniel Lévy-Bruhl (thuộc SPF) cảnh báo cần cảnh giác với Covid ở trẻ em. Hiện tại trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không được tiêm chủng, do vậy cần sẵn sàng trước việc virus sẽ lan mạnh trong các lớp học. Theo mô hình dự báo của Viện Pasteur, trẻ em sẽ chiếm đến một nửa số ca nhiễm toàn quốc vào tháng 9 này. Việc có rất nhiều ổ dịch tại các trại nghỉ hè cho thấy trước là khi vào năm học mới, tình hình cũng sẽ tương tự.
Câu hỏi cụ thể mà Libération đặt ra là virus SARS-CoV-2 tác động đến trẻ em như thế nào ? Một số tín hiệu đáng lo ngại đến từ Mỹ, tại phía bắc bang Texas, số giường hồi sức cấp cứu nhi khoa chật bệnh nhân vào ngày 12/08. Thật ra tình hình cũng không hẳn quá lo ngại với Pháp, theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, bởi tỉ lệ trẻ em (từ 12 đến 17 tuổi) được tiêm chủng ở Pháp đã tương đối cao so với nhiều vùng ở Mỹ, và nơi nào tiêm chủng ít, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn.
Các bệnh đặc thù do Covid ở trẻ em
Không quá đáng lo ngại, nhưng cụ thể ra sao ? Trả lời Libération giáo sư Isabelle Claudet, nhà nhi khoa và phụ trách bộ phận cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện – Đại học Toulouse, xác nhận nhìn chung vô cùng hiếm ca nặng ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải là không có ! Từ ngày 15/06 đến 25/07, Cơ quan Y tế Công Pháp (SPF) thống kê được 65 trẻ nhỏ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (Pims), có thể gây tử vong, vào quãng thời gian từ bốn đến năm tuần sau khi bị nhiễm. Từ đầu dịch, tỉ lệ ca bệnh này ước tính 38 ca trên 1 triệu trẻ dưới 18 tuổi, tương đương 556 ca đối với trẻ em toàn quốc. Tình hình nghiêm trọng hơn nếu có cả tác động của cúm.
Hội chứng Covid “kéo dài”, tức một số triệu chứng còn lại sau nhiều tuần nhiễm virus, thậm chí sáu tháng ở trẻ em được một nghiên cứu sơ bộ của Phần Lan chỉ ra. Nhưng hiện tại, vẫn rất thiếu dữ liệu khoa học về vấn đề này. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault cũng nhắc đến một số nghiên cứu của Anh nêu khả năng từ 4 đến 8% trẻ em mắc chứng này, nhưng hiện tại dữ liệu còn chưa đủ để chứng minh.
Israel có thể là quốc gia đầu tiên rất chú ý đến việc bảo vệ trẻ nhỏ. Hiện tại chính quyền Israel đã mở rộng giấy chứng nhận y tế cho trẻ em 3 tuổi, trong lúc Hiệp hội Y học Mỹ AAP khuyến cáo mang khẩu trang trong trường học từ 2 tuổi.
Tại Pháp, bộ Y Tế cho Libération biết cụ thể là, nếu một trường hợp Covid được phát hiện tại các lớp cấp hai và cấp ba, thì các học sinh có tiếp xúc với ca nhiễm và những em chưa tiêm chủng sẽ bị cách ly trong 7 ngày, cho dù xét nghiệm âm tính. Trong giới chuyên gia, có nhiều lo ngại là vấn đề này ít được bàn thảo kỹ, việc bảo đảm các điều kiện y tế trong lớp học ít được chú ý. Điều quan trọng là phải tìm được cân bằng giữa các biện pháp bảo vệ và quyền được học tập của trẻ, bởi nếu lạm dụng việc đình chỉ để cách ly do Covid thì sẽ sinh ra tình trạng bất công trong học tập, như điều đã xảy ra từ năm ngoái. Một số chuyên gia cũng phê bình bộ Giáo Dục đã không chú trọng đến vấn đề thông khí trong lớp học, trong bối cảnh virus gây bệnh Covid có thể sống lơ lửng trong không khí trong vòng nhiều tiếng, là điều đã được giới khoa học tổng kết (theo Ansee, trong vòng 3 giờ).
Afghanistan: Những bài học địa-chính trị của một cuộc tháo chạy
Khủng hoảng Afghanistan là chủ đề chính của Le Monde, với tít trang nhất “Người dân Afghanistan sống dưới sự cai trị của Taliban”. Le Monde giới thiệu với độc giả nhiều nhân chứng có mặt tại chỗ để cho thấy cuộc sống tại Afghanistan những ngày đầu tiên sau khi chế độ thân phương tây sụp đổ. Nhìn chung, trong đông đảo người dân nỗi lo ngại bị tước đoạt tự do xen lẫn với tình cảm nhẹ nhõm với sự chấm dứt 40 năm chiến tranh. Theo Le Monde, chiến thắng quá nhanh chóng khiến lực lượng Taliban cũng chỉ kiểm soát được một phần thủ đô. Tại các tỉnh, “không khí sợ hãi tràn ngập”, theo một nhân chứng.
Cũng Le Monde có bài phân tích “Những bài học địa chính trị của một cuộc tháo chạy”. Nhà phân tích Sylvie Kauffman của Le Monde chú ý đến sắc thái khác biệt giữa tháo chạy (débacle) và thảm bại (défaite). Cho đến nay, truyền thông tiếng Anh và tiếng Pháp chủ yếu nói đến cuộc tháo chạy hỗn loạn của quân đội Mỹ sau 20 năm chiến tranh. Cuộc tháo chạy đang tiếp tục. Vấn đề là lúc nào “tháo chạy” sẽ biến thành “thảm bại” ? Theo nhà phân tích của Le Monde, điều này phụ thuộc vào bao nhiêu người Afghanistan mong muốn ra đi sẽ được di tản ? Số phận xã hội dân sự Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, sẽ ra sao dưới chế độ Talibaban ? Và quốc gia này có lại trở thành căn cứ địa cho khủng bố quốc tế hay không ? Các hậu quả địa chính trị của nước Mỹ trong cuộc rút quân khỏi Afghanistan là rõ ràng, hàng loạt câu hỏi về vai trò thực sự của cường quốc quân sự số một với thế giới đang được đặt ra.
Nhà phân tích của Le Monde một mặt lưu ý đến hệ quả của cuộc tháo chạy, của thất bại này đến uy tín của chính quyền đương nhiệm của tổng thống Joe Biden, nhưng đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Biến cố chính quyền Kabul sụp đổ ngày 15/08/2021 được coi như cái mốc chấm dứt cho hàng loạt cuộc chiến tranh, bắt đầu từ sau vụ tấn công tháp đôi ở New York năm 2001, cũng như chấm dứt “một thế kỷ của nước Mỹ”, với tư cách một siêu cường quân sự có mặt rộng khắp. Cuộc tháo chạy trong hỗn loạn của nước Mỹ để lại một khoảng trống đáng sợ tại khu vực Trung và Nam Á, cũng khiến Liên Âu phải bừng tỉnh. Sau khi nước Mỹ tháo chạy, tất cả các quốc gia láng giềng, từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỹ, Iran đến Pakistan đều cảm thấy “bất an” trước các ông chủ mới ở Kabul.
Thể thao của người khuyết tật và Thảm kịch ở Marseille
Chủ đề chính của La Croix hôm nay là ngày hội thể thao Olympic của người tàn tật vừa khai mạc tại Tokyo : Thể thao là cách tốt nhất để sống với sự tàn tật của mình là hồ sơ chính của nhật báo. Xã luận của nhật báo Công giáo nói về chủ đề “Thảm kịch ở Marseille”, với vụ thanh toán giữa các băng đảng ma tuý khiến bốn người chết, trong đó có một thiếu nữ 14 tuổi. Theo La Croix, điều đáng sợ là nạn thanh toán lẫn nhau này đã trở thành chuyện bình thường ở thành phố cảng miền nam, trong bối cảnh chính quyền tỏ ra bất lực.
Pháp: Giấy chứng nhận y tế không ảnh hưởng đến kinh tế
Nhật báo kinh tế dành chủ đề chính cho tác động của giấy chứng nhận y tế Covid đối với hoạt động kinh tế, theo ghi nhận bộ trưởng Kinh Tế Pháp là việc mở rộng phạm vi sử dụng giấy chứng nhận y tế không có tác động nhiều. Ông Bruno Le Maire nêu con số hàng hoá tiêu thụ trong tháng 8 để chứng minh. Phát biểu của bộ trưởng Kinh Tế được đưa ra hai ngày trước cuộc họp của chính phủ. Theo văn phòng IHS Markit, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục có nhiều tiến triển trong tháng này, bất chấp các vấn đề về cung ứng hàng hoá và thiếu nhân công mà các doanh nghiệp gặp phải.
Chuyển sang kinh tế Xanh: Thay đổi sẽ khốc liệt
Nhật báo kinh tế Les Echos có đến hai bài về vấn đề chuyển đổi sang kinh tế xanh, đều chung một thông điệp. Tiến trình chuyển sang nền kinh tế xanh đang bước vào giai đoạn quyết liệt, dự kiến sẽ gây ra nhiều thay đổi đột ngột. Một trong hai bài viết của Les Echos dẫn lời ông Jean Pisani-Ferry, người soạn thảo cương lĩnh về kinh tế của ứng cử viên Macron trong cuộc tranh cử tổng thống lần trước, đó là “Chính sách về khí hậu là chính sách kinh tế vĩ mô, và những hệ luỵ của nó sẽ rất lớn”. Cuộc chuyển đối sang nền kinh tế Xanh sẽ đột ngột hơn nhiều so với những gì người ta hình dung. Ghi nhận của kinh tế gia này được viện tư vấn Mỹ, Peterson Institute for International Economics, công bố hôm 18/08. Bài viết thứ hai của chính trị gia môi trường nổi tiếng người Pháp Daniel Cohn-Bendit cũng cùng ghi nhận : “Công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh một cách nhẹ nhàng, êm dịu là điều không thể xảy ra”.
Trọng Thành