Tin Trong Nước – 23/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 23/8/21

Sáng 23/8: Bộ tư lệnh TP.HCM khai triển 30.000 quân tham gia chống dịch; 7 tỉnh, thành lùi thời gian tựu trường

Ảnh tổng hợp.

Bộ tư lệnh TP.HCM khai triển 30.000 quân tham gia chống dịch

Tuoitre – Bộ tư lệnh TP.HCM đã khai triển 310 tổ công tác gồm các lực lượng Quân khu 7 tăng cường để hỗ trợ vận chuyển các gói an sinh xã hội, cung cấp lương thực thực phẩm đến từng nhà và đi chợ thay dân trong thời gian tới.

Lực lượng sẽ bố trí tại 12 chốt chính trên địa bàn TP.HCM và 251 chốt trọng điểm của TP Thủ Đức và 21 quận huyện. 

Việc khai triển quần bắt đầu lúc 23h tối 22/8. Theo Bộ tư lệnh TP, đơn vị có hơn 30.000 quân trực tiếp tham gia chống dịch.

Tại điểm phường Võ Thị Sáu, có khoảng 40 lính từ Ban chỉ huy quân sự quận 3, Công an quận 3 và quân đội tăng cường từ Lữ đoàn 26 tăng thiết giáp Quân khu 7. 

Tại TP Thủ Đức có 932 lính Học viện Quân y, Trung đoàn 4, Trung đoàn 5 (Sư đoàn Bộ binh 5), Trung đoàn Gia Định, Trung đoàn Kiểm soát quân sự 31 và đơn vị Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tham gia. 

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, cho biết lực lượng này nhằm tăng cường siết chặt hơn nữa giãn cách xã hội theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ “ai ở đâu ở đó”.

Lốc xoáy “dữ dội” bất ngờ xuất hiện ở Bến Tre gây thiệt hại nặng

Trong khi tại TP.HCM, Đồng Nai xuất hiện mưa đá bất thường. Chiều ngày 22/8, tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã xuất hiện cơn lốc dữ dội khiến người dân không khỏi hoảng hốt.

Theo báo chí trong nước, vào khoảng 17h ngày 22/8, trên địa bàn xã Thạnh Phước, Bình Đại (Bến Tre) đã bất ngờ xảy ra hiện tượng lốc xoáy dữ dội kèm theo mưa lớn, gây ra thiệt hại lớn về người và của trên địa bàn.

Dù vẫn chưa thể xác định chính xác, nhưng theo Fanpage Cù lao An Hóa – fanpage chính thức của địa phương, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng ước tính cơn lốc đã gây thiệt hại tổng cộng:

– Xã Thạnh Phước: 11 căn nhà bị sập, 60 căn nhà bị tốc mái, 08 người bị thương.

– Xã Đại Hòa Lộc: 10 căn nhà, 03 chòi tôm bị tốc mái.

– Thị trấn: 01 căn nhà tốc mái, 01 người bị thương.

Cùng với đó, fanpage này cũng cung cấp thông tin trước khi xảy ra cơn lốc, trên địa bàn đã xuất hiện mưa dông và gió rất mạnh. Mưa trên diện rộng tại 2 huyện Ba Tri và Bình Đại.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lực lượng chức năng địa phương đã tới hiện trường giúp đỡ người dân khắc phục tạm thời hậu quả, thu dọn cây cối, liên hệ bố trí chỗ ở cho các hộ gia đình bị thiệt hại.

7 tỉnh, thành lùi thời gian tựu trường do dịch COVID-19

Zing – Tại Bắc Giang, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số địa phương như Lục Ngạn, Sơn Động đã quyết định lùi thời gian tựu trường của học sinh lớp 1 đến 1/9. TP. Bắc Giang hoc học sinh lớp 1 lùi ngày tựu trường đến khi có thông báo mới.

Trường học tại các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng và một số xã, thị trấn của huyện Lạng Giang, Yên Thế vẫn đón học sinh lớp 1 đến trường vào 23/8.

Ngày 21/8, để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, Sở GD&ĐT Hải Dương chỉ đạo các trường tiểu học lùi thời gian tổ chức tựu trường đối với học sinh lớp 1 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 20/8, Sở GD&ĐT Bắc Ninh thông báo lùi thời gian tựu trường của trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 19/8, Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý lùi thời gian tựu trường năm học 2021-2022 đến khi có thông báo mới.

Theo kế hoạch thời gian năm học, ở tỉnh này, ngày tựu trường là 1/9, riêng lớp 1 tựu trường vào ngày 23/8.

Tại Đắk Lắk, sở GD&ĐT cho lùi thời gian tựu trường của học sinh lớp 1 trễ hơn 1 tuần so với khung thời gian Bộ GD&ĐT đưa ra thay vì cho tựu trường từ 23/8 như trong kế hoạch thời gian năm học mà UBND tỉnh phê duyệt.

Ngày 18/8, Sơn La quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường do huyện Phù Yên ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây.

Thời gian cho học sinh đến trường trở lại tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh.

Ngày 16/8, Sở GD&ĐT Nghệ An ra văn bản về việc tạm dừng hoạt động các trung tâm Tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập từ ngày 17/8 cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên tựu trường từ 1/9.

‘Kiều bào đã quyên góp 50 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin, phòng chống dịch’

Thanh Niên – Ngày 22/8, trao đổi với báo chí về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực vận động chính quyền nước sở tại quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động của đại dịch. Đến nay, đã thực hiện hơn 540 chuyến bay, đưa khoảng 136.000 công dân về nước an toàn.

“Đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 50 tỉ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vắc xin và công tác phòng chống dịch ở trong nước”, ông Sơn nói và cho biết, nhiều kiều bào đã tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng chống dịch.

“Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vắc xin, vận động sở tại hỗ trợ vắc xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam”, ông Sơn thông tin.

Từ 23/8, nâng một mức giãn cách xã hội tại TP. Vinh trong hạn 7 ngày

Quyết định nâng biện pháp giãn cách xã hội trên một mức so với Chỉ thị 16, Chủ tịch tỉnh Nghệ An yêu cầu người dân TP Vinh “ai ở đâu ở yên đó”. Thời gian áp dụng trước mắt là 7 ngày, bắt đầu từ 23/8.

Đây là kết luận của ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An trong cuộc họp diễn ra chiều 22/8.

Từ ngày 14/8 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 408 ca mắc Covid-19, trong đó có 189 ca trong cộng đồng. Riêng TP Vinh có 71 ca nhiễm trong cộng đồng. Hầu hết các ca nhiễm cộng đồng liên quan đến các khu chợ trên địa bàn thành phố, với 153 trường hợp tại 11/21 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh.

Các ca nhiễm cộng đồng có lịch sử dịch tễ phức tạp, di chuyển nhiều nơi, có những trường hợp F0 mất dấu, gây khó khăn cho công tác truy vết, khiến nguy cơ dịch Covid-19 lây lan nhanh trên diện rộng.

Trong 7 ngày tới, ngành y tế và UBND thành phố cần ưu tiên xét nghiệm tầm soát để bóc tách được hết các nhiễm F0 ra khỏi cộng đồng. Chủ tịch tỉnh cũng đặc biệt lưu ý các giải pháp đảm bảo cho việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, điều trị các ca F0 và cách ly F1.

Công an tỉnh huy động 630 cán bộ, chiến sỹ lập thêm 70 chốt, chặn bên cạnh 42 chốt, chặn hiện có trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, sẽ có thêm 8 tổ công tác tuần tra 24/24h để kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn thành phố cũng như kiểm soát việc đi lại của người dân trong nội thành.

Long An bắt đầu thực hiện ‘ai ở đâu yên đó’

VnExpress – Từ 0h ngày 23/8, Long An tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…

Quy định này được UBND tỉnh Long An áp dụng đến hết ngày 30/8. Theo đó, tỉnh thiết lập các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 trên địa bàn nhằm thực hiện “nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ” hơn việc giãn cách xã hội.

Việc giãn cách được thực hiện theo nguyên tắc người cách ly với người; gia đình cách ly với gia đình; xóm, ấp, khu phố cách ly với xóm, ấp, khu phố; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn…

Long An đã ghi nhận trên 18.500 ca nhiễm cộng đồng, 225 ca tử vong.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-23-8-bo-tu-lenh-tp-hcm-khai-trien-30-000-quan-tham-gia-chong-dich-7-tinh-thanh-lui-thoi-gian-tuu-truong.html

Trưa 23/8: Chưa kịp áp dụng chỉ thị 15, Bạc Liêu khẩn cấp chuyển sang chỉ thị 16; Nhiều tài xế bỏ việc vì sợ bị xét nghiệm liên tục

Ảnh tổng hợp.

Từ ngày 23/8: Mỗi ngày TP.HCM cần 11.000 tấn hàng hóa

Thanhnien – Từ ngày 23/8, TP.HCM yêu cầu người dân ở thành phố giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó,” không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Ủy ban Thành phố cho biết chính quyền địa phương đảm bảo sẽ phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến người dân.

Từ ngày 23/8 – 6/9, dự kiến trung bình mỗi ngày, cần khoảng 11.000 tấn hàng hóa các loại để đảm bảo nhu cầu cho khoảng 9,4 triệu dân. Trong đó, gạo là gần 2.000 tấn, thịt gia súc 755 tấn, rau củ quả hơn 4.200 tấn… 

Liên quan đến việc phân phối hàng hóa, thực phẩm, TP.HCM công bố kế hoạch “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ COVID-19, lực lượng tình nguyện địa phương, công an, quân đội… thực hiện với tần suất một lần một tuần và phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Chưa kịp áp dụng chỉ thị 15, Bạc Liêu khẩn cấp chuyển sang chỉ thị 16

Tuoitre – Ngay trong khuya 23/8, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định thực hiện khẩn cấp biện pháp phòng chống dịch, áp dụng từ 3h ngày 23-8. Theo đó, phong tỏa cách ly y tế toàn thành phố Bạc Liêu; còn thị xã Giá Rai và các huyện còn lại áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Tại thành phố Bạc Liêu, tạm dừng tất cả mọi hoạt động kinh tế – xã hội, mọi người dân phải tuân thủ nguyên tắc “ai ở đâu ở yên ở đó”, khẩn trương tổ chức xét nghiệm, tầm soát COVID-19 đối với tất cả người dân trên địa bàn.

Trước đó, 1h sáng 23-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã họp khẩn. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong đêm 22-8 đã phát hiện 4 F0 liên quan đến nhân viên của một công ty tài chính, thuê trọ trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

Bước đầu ngành y tế đã truy vết được 177 F1 và hàng trăm F2. Theo nhận định, đây là những ca nhiễm COVID-19 có yếu tố dịch tễ phức tạp liên quan tới nhiều địa phương, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao.

Như vậy, ngay khi quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của chủ tịch tỉnh Bạc Liêu có hiệu lực (0h ngày 23/8), thì đến 3h cùng ngày, Bạc Liêu đã phải áp dụng phong tỏa thành phố Bạc Liêu và áp dụng chỉ thị 16 các địa phương còn lại.

Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị đình chỉ công tác

Ông Nguyễn Văn Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị đình chỉ công tác vì “không làm tốt nhiệm vụ, để dịch lây lan”.

Động thái được UBND Bình Dương đưa ra khi nhận được tờ trình kiến nghị đình chỉ công tác đối với ông Đặng của UBND thị xã Tân Uyên chiều 22/8.

Trả lời VnExpress, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND Bình Dương cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế ra văn bản đình chỉ công tác ông Đặng cũng như kiện toàn nhân sự ngay hôm nay.

Theo UBND thị xã Tân Uyên, ông Đặng với vai trò là Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thị xã, có trách nhiệm tham mưu, là đầu mối theo dõi, chỉ đạo toàn bộ công tác truy vết, xét nghiệm, thu dung, điều trị bệnh nhân. Qua quá trình giám sát sẽ đề xuất ban chỉ đạo có biện pháp kịp thời trước diễn biến dịch, chuẩn bị phương án cho tình huống xấu.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Đặng còn chậm nên để xảy ra những hạn chế khiến dịch bệnh lây lan, đến nay thị xã đã ghi nhận 20.165 ca, chiếm 28,7% ca nhiễm toàn tỉnh. Mặt khác, do chưa có phương án trước nên đã sắp xếp người dân ở các khu cách ly tạm thời trong nhà xưởng chờ kết quả xét nghiệm khẳng định PCR không đảm bảo, gây bức xúc.

Đến sáng 23/8, Bình Dương đã đưa 1.400 ca F0 từ thị xã Tân Uyên về các địa phương khác, trong đó 500 ca được đưa về huyện Phú Giáo, 500 ca về huyện Bắc Tân Uyên và 400 ca đến thị xã Bến Cát. Địa phương này cũng đã tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự cũng như điều động thêm lực lượng y tế để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trong thời gian chờ kết quả PCR.

Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 70.242 ca Covid-19, trong đó 29.015 bệnh nhân xuất viện, 570 người tử vong. Từ ngày 22/8, tỉnh áp dụng biện pháp “siết chặt” 11 phường của TP Thuận An và thị xã Tân Uyên với 720.000 dân trong 15 ngày. Biện pháp này cũng thực hiện cho 4 phường Dĩ An, An Bình, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp của TP Dĩ An từ ngày 23/8 trong 7 ngày.

Thời COVID-19, nhiều tài xế bỏ việc vì sợ bị xét nghiệm liên tục

Tienphong – Anh Nguyễn Khang, lái xe container cho một doanh nghiệp ở Hà Nội vừa xin nghỉ việc bởi không chịu được cảnh phải ngoáy mũi test COVID-19 liên tục cộng thêm việc lái xe đường dài, phải ăn ngủ nghỉ hoàn toàn trên xe. 

Anh Khang nói: “Nói 3 ngày test 1 lần chứ thật ra cứ 2 ngày là phải test rồi vì giấy hết hạn sẽ bị các chốt xử phạt. Cứ liên tục như vậy, qua 2 đợt giãn cách trong tỉnh, tôi đã ngoáy mũi test mấy chục lần khiến mũi bị viêm nặng”.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng, chủ doanh nghiệp có quy mô 40 xe container tại Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải thiếu lái xe do số lượng nghỉ việc nhiều. Công suất chạy xe của doanh nghiệp anh hiện chỉ còn 1/3. Nhiều địa điểm lấy hàng, anh phải chủ động cầm vô lăng vì không có lái xe.

Anh Hưng cho hay “Anh em lái xe khổ lắm, bị ngoáy mũi liên tục và 24/24 giờ ăn uống trên xe nên nhiều người không chịu nổi xin về quê. Công ty tôi doanh thu sụt giảm nên tôi phải lấy tiền nhà ra trả lái xe và cũng động viên lái xe nhiều. Doanh nghiệp có văn phòng tại TP.HCM đang là điểm nóng dịch nên anh em sợ lây COVID-19 nên cũng xin nghỉ nhiều”. 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần xem lại quy định thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19. 

Ông Quyền cho hay “Quy định thời hạn 3 ngày [xét nghiệm một lần] khiến các doanh nghiệp lúng túng khi giấy xét nghiệm của tài xế bị quá hạn. [Nếu xe chạy liên tỉnh], họ phải dừng lại tại nhiều tỉnh, thành phố trên đường để tiếp tục xét nghiệm, rất tốn kém”. 

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1,3 – 1,5 triệu lái xe ôtô vận tải. Trong đó, có hơn 400.000 lái xe vận chuyển hành khách và khoảng hơn 1 triệu lái xe vận chuyển hàng hóa các loại.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/trua-23-8-chua-kip-ap-dung-chi-thi-15-bac-lieu-khan-cap-chuyen-sang-chi-thi-16-nhieu-tai-xe-bo-viec-vi-so-bi-xet-nghiem-lien-tuc.html

Tối 23/8: Thêm 10.397 ca COVID-19; Bộ trưởng Quốc phòng cùng hơn 1.000 Quân y vào TP.HCM

Ảnh: Tuổi trẻ/VnExpress.

Thêm 10.397 ca COVID-19

VnExpress – Trong 10.397 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố tối 23/8 có 10.266 ca tại 39 tỉnh thành và 117 ca Khánh Hòa đăng ký bổ sung; 6.945 người khỏi bệnh; 389 ca tử vong.

Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 942 ca. TP.HCM tăng 58 ca, Bình Dương giảm 612 ca, Đồng Nai giảm 226 ca, Tiền Giang giảm 250 ca, Long An tăng 23 ca.

10.266 ca ghi nhận tại: TP.HCM (4.251), Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa – Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152), Đăk Lăk (128), Khánh Hòa (125), Nghệ An (111), Đồng Tháp (100), Cần Thơ (85), An Giang (75), Bến Tre (65), Kiên Giang (57), Phú Yên (43), Hà Nội (40), Bình Thuận (36), Trà Vinh (34), Sơn La (21), Bình Định (19), Tây Ninh (17), Thừa Thiên Huế (17), Bình Phước (13), Vĩnh Long (10), Bắc Giang (9), Quảng Nam (8 ), Đăk Nông (7), Ninh Bình (6), Quảng Bình (6), Gia Lai (5), Bạc Liêu (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (2), Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1) trong đó có 6.021 ca trong cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước.

Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 354.355 ca, trong đó có 151.838 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngày 23/8, ghi nhận 389 ca tử vong tại TP.HCM (340), Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Bà Rịa ), Vũng Tàu (1).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Bộ Quốc phòng tiếp nhận 200.000 liều vắc-xin của Trung Quốc

Tuoitre – Sáng 23/8, tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thành viên Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin – và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đồng chủ trì bàn giao 200.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm, 201.600 bơm kim tiêm loại dùng một lần do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ.

Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khẳng định việc hỗ trợ vắc xin và vật tư y tế có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp.

Bộ trưởng Quốc phòng cùng hơn 1.000 Quân y vào TP.HCM

VnExpress – Ngày 23/8, phát biểu trước hơn 1.000 Quân y được tăng cường vào miềm Nam, Bộ trưởng Quốc phòng – Đại tướng Phan Văn Giang nói Quân đội sử dụng tất cả các lực lượng hiện có để giúp TP.HCM chống dịch.

Đoàn công tác của Học viện Quân y gồm 1.096 y bác sĩ, học viên lên đường vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, trưa 23/8. Đoàn gồm 264 bác sĩ, 73 cán bộ điều dưỡng và 759 học viên đại học.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, vào hỗ trợ TP.HCM, Quân đội tham gia từ việc thành lập bệnh viện dã chiến; tăng cường các lực lượng tuần tra, kiểm sát để bảo đảm cho người dân không ra đường; cung cấp, vận chuyển vật tư y tế; tiêm vaccine; làm cả việc hậu sự cho người dân không may qua đời vì COVID-19…

Sau khi bắt tay động viên, dặn dò bộ đội, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Đại tướng Phan Văn Giang lên máy bay, cùng với những người lính quân y vào TP.HCM.

Vĩnh Long: 12 người làm hậu cần ở khu cách ly dương tính COVID-19

Tienphong – Ngày 23/8, Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có báo cáo nhanh về 12 trường hợp mắc COVID-19. Ngành y tế đang tập trung truy vết và truy tìm nguồn lây từ ổ dịch này.

Theo đó, ngày 21/8, ngành y tế thực hiện test nhanh cho cán bộ, nhân viên phục vụ của khu cách ly Trường THPT Phú Qưới thì phát hiện 12 trường hợp dương tính với COVID-19. Đa số những người này là cán bộ công an huyện, dân quân tự vệ, điều dưỡng, nhân viên tình nguyện đều thuộc khu vực hậu cần của khu cách ly.

Sáng nay (23/8), tỉnh ghi nhận 9 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Tổng số ca nhiễm từ ngày 9/7 đến nay là 2.015, 1.258 trường hợp khỏi bệnh và 32 trường hợp tử vong.

Không biết quy định mới, một shipper ở TP.HCM bị phạt 2 triệu đồng

Dân Trí – Sáng 23/8, ông D.G.L. (46 tuổi, ngụ quận 10, tài xế giao hàng) lưu thông trên đường Lê Đại Hành (quận 11, TPHCM) để chuyển đồ cho khách. Đến chốt kiểm soát tại giao lộ Lê Đại Hành – đường 3/2, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Qua làm việc, ông L. xuất trình được thẻ nhân viên, giấy đi đường. Do địa bàn hoạt động ở quận Tân Bình nhưng ông L. giao hàng sang quận 11 nên tổ công tác lập biên bản về lỗi ra đường không thật sự cần thiết.

“Đây là ngày đầu tiên làm việc, tôi không biết shipper chỉ được hoạt động nội quận. Tiền lời có mấy chục nghìn đồng mà bị phạt tới 2 triệu”, ông L. nói buồn rầu.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-23-8-bo-quoc-phong-tiep-nhan-200-000-lieu-vac-xin-cua-trung-quoc-them-10-397-ca-covid-19.html