Tin COVID-19 Trong Nước – 16/8/21
Sáng 16/8: TP.HCM giãn cách xã hội thêm 30 ngày; Thủ tướng: Giảm số ca COVID-19 tử vong là ưu tiên hàng đầu
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 30 ngày
VnExpress – Sau 38 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP.HCM kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng đến 15/9, với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Quyết định giãn cách được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ngày 15/8, trong bối cảnh đô thị hơn 10 triệu dân trải qua 38 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 và ghi nhận 149.286 ca nhiễm. Trước đó, thành phố có 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15.
Sau 38 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó 20 ngày cấm người dân ra đường buổi tối, dịch tại TP HCM được xem vẫn phức tạp vì xâm nhập sâu cộng đồng. Số ca nhiễm gần đây có xu hướng giảm, đi ngang nhưng chưa bền vững. Sau 7 ngày liên tục số ca nhiễm mới về dưới mức 4.000 mỗi ngày, trong hôm qua và hôm nay ca mắc mới tăng trở lại, lần lượt là 4.231 và 4.516. Chưa kể, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại thành phố đang ở mức cao, trung bình 241 ca mỗi ngày.
Thủ tướng: Giảm số ca COVID-19 tử vong là ưu tiên hàng đầu
Thanh Niên – Tại cuộc họp hôm qua (15/8), đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp
Thủ tướng lưu ý các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác. “Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế, xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà).
“Lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Chưa đầy 1 phút, người đàn ông 49 tuổi ở TP.HCM tiêm 2 mũi vắc-xin Vero Cell
Tuổi Trẻ – Chiều 15/8, anh Phạm Quốc Bảo (49 tuổi, ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh với Tuổi Trẻ Online anh bị tiêm hai mũi vắc-xin Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) vào lúc 9h35 cùng ngày tại điểm tiêm Trường THCS Nguyễn Du (phường 11, quận Gò Vấp).
Anh Bảo cho biết, sau khi đo nhịp tim và huyết áp, anh được hướng dẫn đến bàn tiêm vắc-xin. Tại đây, anh đưa hồ sơ cho một nữ nhân viên y tế rồi ngồi xuống ghế, mặt quay hướng khác.
Người này đã tiêm mũi 1 vắc-xin Vero Cell cho anh Bảo và ghi trên phiếu sàng lọc đã tiêm mũi 1. Vừa đứng dậy, nữ nhân viên y tế đứng bàn kế bên yêu cầu anh Bảo ngồi xuống. Chỉ trong tích tắc, anh Bảo bị tiêm thêm mũi vắc-xin thứ 2.
“Tôi vừa đứng lên thì có nhân viên y tế bàn kế bên nói tôi ngồi xuống. Tôi thấy họ cầm miếng bông gòn nên tưởng cần sát trùng thêm. Rồi tôi cảm thấy đau đau nên quay lại thì người này đã tiêm tôi thêm 1 mũi nữa” – anh Bảo kể lại.
Anh Bảo thắc mắc nên hỏi nữ nhân viên y tế đã tiêm mũi thứ 2 thì người này cho biết là đã tiêm nhầm.
Sau đó, anh Bảo nằm nghỉ ngơi, theo dõi sau tiêm. Khoảng chục phút sau, anh có biểu hiện đau đầu, huyết áp cao. Lúc này, một người đại diện điểm tiêm trách anh Bảo tại sao lại để nhân viên y tế tiêm 2 mũi.
Đến trưa cùng ngày, anh Bảo được về nhà, nhưng nhịp tim tự đo tại nhà lên đến 124 nhịp/phút. Lo lắng, anh Bảo gọi điện đến vị bác sĩ hồi sức sau tiêm tại điểm trên và được hướng dẫn quay lại điểm tiêm, đồng thời lấy giấy xác nhận sau tiêm.
Tuy nhiên, người cấp giấy xác nhận sau tiêm cho rằng vụ việc đáng tiếc xảy ra là lỗi của anh Bảo. “Người này nói lỗi do tôi, đã tiêm 1 mũi rồi không đi mà còn ngồi xuống bàn kế bên để tiêm mũi 2” – anh Bảo chia sẻ thêm.
Tối cùng ngày, đại diện UBND phường 11, quận Gò Vấp xác nhận có vụ việc trên. Tuy nhiên khoảng cách giữa hai bàn tiêm cách nhau khoảng 2m, đồng thời trước khi tiêm, nhân viên y tế có hỏi anh Bảo nhưng không nghe anh trả lời.
“Tâm lý ai đi tiêm cũng lo lắng. Nhưng nếu rơi vào trường hợp phải tiêm hai mũi cùng lúc thì người tiêm phản ứng cũng dễ hiểu. Chúng tôi đã nắm vụ việc và liên hệ hỏi thăm trường hợp này. Về chuyên môn y tế đã cử bác sĩ theo dõi” – vị này chia sẻ.
Bác sĩ Vũ Văn Đào (hồi sức sau tiêm tại điểm tiêm Trường THCS Nguyễn Du ngày 15-8) cho biết hiện sức khỏe của trường hợp trên đã ổn định. Giải thích việc tiêm 2 mũi vắc xin cùng lúc có ảnh hưởng sức khỏe người tiêm không, bác sĩ Đào cho rằng theo khuyến cáo chung thì không ảnh hưởng nhiều.
“Tôi đã cho số điện thoại và kết nối Zalo với trường hợp này. Nếu gặp bất cứ biểu hiện gì bất ổn, họ sẽ liên hệ tôi để kịp thời hướng dẫn” – bác sĩ Đào nói.
Thêm 5.519 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh
Thanh Niên – Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 15.8 cả nước ghi nhận 9.580 ca bệnh COVID-19 mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.574 ca ghi nhận trong nước, giảm 136 ca so với ngày trước đó.
Cũng trong ngày 15/8, Bộ Y tế công bố 5.519 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi là 102.504 ca.
Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 15.8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong/1 triệu dân ở VN xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19).
Trưa 16/8: 5 bệnh viện nhận thiếu sót vụ từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong; TP.HCM lại ùn ứ tại nhiều chốt kiểm soát COVID-19
5 bệnh viện nhận thiếu sót vụ từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong
Zing – Chiều tối 15/8, Phó chủ tịch UBND TP. Dĩ An (Bình Dương) Phạm Văn Bảy đã chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ sở y tế liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong sau khi 5 bệnh viện không tiếp nhận điều trị.
Trường hợp tử vong là ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh), tạm trú phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An. Bệnh nhân bị đột quỵ nhưng khi được chở đến 5 bệnh viện cấp cứu thì không nơi nào tiếp nhận với lý do quá tải trong phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, ông D. được đưa về và tử vong tại nhà trọ.
Tại cuộc họp, UBND TP. Dĩ An yêu cầu 5 cơ sở gồm Trung tâm Y tế TP Dĩ An, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú, phòng khám Ngọc Hồng và phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh chấn chỉnh việc tiếp nhận bệnh nhân, không để sự việc tái diễn.
Các bệnh viện này đã thừa nhận thiếu sót, xin lỗi gia đình ông D., kiên quyết khắc phục chấn chỉnh, không để tái diễn sự việc tương tự.
TP.HCM siết giấy đi đường, ùn ứ tại nhiều chốt kiểm soát COVID-19
Từ sáng 16/8, các chốt kiểm soát COVID-19 trên nhiều tuyến đường như Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và nhiều chốt tại Q.Gò Vấp liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ.
Mặc dù hôm nay (16.8) các chốt không yêu cầu khai báo di biến động dân cư nhưng việc siết chặt thời hạm giấy đi đường khiến nhiều người dân buộc phải quay đầu xe, không thể qua chốt.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại chốt kiểm soát COVID-19 trên đường Lê Văn Duyệt (đoạn gần cầu Bông, Q.Bình Thạnh), người dân xếp hàng kéo dài vài chục mét tại chốt để chờ đến lượt xuất trình giấy đi đường. Tại đây, tổ công tác yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ tùy thân cũng như giấy đi đường nhưng phải có hiệu lực trong 7 ngày.
Do có quy định mới về thời hạn sử dụng giấy đi đường, nhiều người dân tỏ ra không hài lòng vì chưa được thông tin từ trước, dẫn đến bị động.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tổ công tác yêu cầu những trường hợp có giấy phép không hợp lệ phải quay đầu và chỉ ra đường khi có giấy tờ hợp lệ.
Tương tự tại chốt Phan Đăng Lưu – Nguyễn Công Hoan (Q.Bình Thạnh) tình trạng ùn ứ tại chốt cũng xảy ra và kéo dài nhiều giờ liền. Gần trăm phương tiện xếp hàng nối dài tại chốt để chờ khai báo, xuất trình giấy tờ đi đường.Tổ công tác cũng liên tục nhắc nhở người dân việc giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong vòng 7 ngày và không giải quyết các trường hợp quá hạn. Đối với trường hợp giấy tờ chưa hợp lệ sẽ buộc quay đầu.Cũng trong sáng cùng ngày, rất nhiều trường hợp buộc phải quay đầu vì không đủ điều kiện qua chốt.
Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà
VnExpress – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 15/8 cho biết những ngày qua nhiều “túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” đã được trao đến từng người dân mắc Covid-19 ở phường 1, quận Tân Bình. Những túi thuốc này vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp F0 sớm khỏi bệnh, lại vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.
“Chỉ cần được báo có ca F0 hay người dân cần thuốc là sẽ có người đến tận nơi trao túi thuốc cho người bệnh”, anh Ngô Nam Việt, Bí thư đoàn Thanh niên phường 1, quận Tân Bình, chia sẻ.
Mỗi túi thuốc mà F0 nhận được gồm paracetamol 500g (hạ sốt), acetylcystein (tiêu đờm), multivitamin (vitamin tổng hợp), nước súc họng, nước muối 0,9% (natri clorid 0,9%), viên C sủi và khẩu trang, kèm hướng dẫn sử dụng. Đây là những loại thuốc mà Trạm y tế phường 1, nhóm bác sĩ tình nguyện chuẩn bị dựa trên danh mục thuốc theo công văn Bộ Y tế ban hành.
Bên ngoài túi thuốc có in kèm mã QR, để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia vào nhóm Bác sĩ đồng hành cùng F0 – phường 1 trên ứng dụng Zalo. Y sĩ Lê Minh Quân, phụ trách chống dịch tại Trạm y tế phường 1, cho biết các thành viên trong nhóm Bác sĩ đồng hành cùng F0 – phường 1 bao gồm thường trực ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ phản ứng nhanh, 6 bác sĩ và hai dược sĩ thuộc đội hình Blouse trắng trực 24/7. Tất cả đều cùng một mục đích hỗ trợ người bệnh ngay lập tức.
Hằng ngày, các F0 sẽ thông báo tình trạng bệnh của mình trong nhóm thông tin này. Qua đó các y, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng cụ thể của từng người và có những hướng dẫn, hỗ trợ điều trị phù hợp. Những trường hợp có triệu chứng sẽ được tư vấn trực tiếp. Riêng F0 cần can thiệp y tế khẩn cấp như hạ nồng độ oxy trong máu (SpO2), cần cung cấp bình oxy tại nhà hoặc chuyển viện khẩn cấp… sẽ được chuyển cho Tổ phản ứng nhanh của phường xử lý theo đúng quy trình.
HCDC dẫn lời bệnh nhân Thành, cư trú tại phường 1, cho biết gia đình ông có 4 F0. Ban đầu khi kết quả xét nghiệm dương tính, cả nhà rất lo lắng, nhất là lúc được biết cả tất cả sẽ cùng cách ly điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau khi được các nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà, cách phân bố nơi ở của từng người, cách liên hệ khi cần thiết và mỗi ngày được các bác sĩ trong nhóm hỗ trợ thăm hỏi, cả nhà đã bình tĩnh, yên tâm hơn.
Tối 16/8: Thêm 8.652 ca COVID-19; Sở Y tế TP.HCM gửi công văn hỏa tốc các cơ sở y tế
Thêm 8.652 ca COVID-19, 368 ca tử vong
Dân Trí – Tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước, với 2.422 ca cộng đồng.
Trong đó, tại TP.HCM 3.341, giảm 1.175 ca so với ngày hôm qua, Bình Dương (2.522), Long An (599), Đồng Nai (588), Khánh Hòa (262), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (152), Vĩnh Long (131), Đà Nẵng (96), An Giang (87), Cần Thơ (86), Sóc Trăng (75), Trà Vinh (71), Phú Yên (62), Thừa Thiên Huế (60), Tây Ninh (52), Hà Nội (50), Bình Thuận (33), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (27), Gia Lai (25), Nghệ An (24), Hà Tĩnh (17), Đắk Lắk (11), Quảng Nam (11), Bắc Ninh (11), Lâm Đồng (8 ), Thanh Hóa (6), Nam Định (6), Hậu Giang (6), Bình Phước (6), Lạng Sơn (4), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Lào Cai (2), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Thái Nguyên (1).
Trong ngày có 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 106.977 ca.
Ngày 16/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia ghi nhận 368 ca tử vong tại TP.HCM (315), Bình Dương (29), Long An (8), Tiền Giang (4), Hà Nội (2), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hưng Yên (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên Huế (1).
Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Sở Y tế TP.HCM gửi công văn hỏa tốc các cơ sở y tế
VnExpress – Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả bệnh viện đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu dù mắc COVID-19 hay không, không được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm.
Nội dung này nằm trong công văn hỏa tốc gửi các cơ sở y tế trên địa bàn, do Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, ký ngày 16/8.
Theo Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu được đặt ra trên cơ sở “rút kinh nghiệm từ địa phương bạn đã xảy ra tình trạng người không mắc COVID-19 bị từ chối cấp cứu vì chuyển đến các cơ sở y tế đã chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19”.
Trên thực tế, nhiều người tại TP.HCM cũng phản ánh gặp khó khăn khi đến bệnh viện khám, điều trị bệnh, trong bối cảnh dịch hiện nay.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu cổng cấp cứu của tất cả bệnh viện luôn mở 24/7. “Bệnh viện không được yêu cầu người bệnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm nCoV âm tính hay dương tính mới tiếp nhận”, công văn ghi rõ.
Các bệnh viện chuyển đổi công năng một phần theo mô hình bệnh viện tách đôi phải có buồng cấp cứu sàng lọc COVID-19. Bệnh nhân đến khám, nếu xác định mắc Covid-19 thì chuyển sang khu cách ly điều trị của bệnh viện; không mắc COVID-19 thì chuyển sang khu điều trị dành cho người bệnh thông thường.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị các bệnh viện đã chuyển đổi công năng hoàn toàn thành điều trị COVID-19 cũng không từ chối bất kỳ ai đến cấp cứu.
Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam bị thôi chức
NLĐ – Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định cho thôi chức Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đối với ông Lê Văn Sửu.
Ông Lê Văn Sửu bị tố cáo với nhiều hành vi vi phạm như nhận khống số tiền vượt giờ, không tổ chức Hội nghị công chức, viên chức.
Tháng 2/2021, Thanh tra Bộ VH-TT-DL có quyết định kỷ luật ông Lê Văn Sửu, hình thức khiển trách trong vòng 1 năm do để xảy ra sai phạm trong công tác chỉ đạo điều hành, nhận tiền thanh toán vượt giờ quy định.
Thanh tra Bộ xác minh nội dung tố cáo không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức các năm 2014, 2015, 2016 là đúng sự thật.
Ngoài ra, ông Lê Văn Sửu còn bị tố cáo về việc ông thường xuyên đi công tác, đi họp nhưng vẫn trục lợi thanh toán tiền vượt giờ đến hàng trăm tiết.
Trận Việt Nam – Australia ở Mỹ Đình không đón khán giả
Zing – Sáng 16/8, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có cuộc họp với đại diện UBND TP.Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thống nhất, trận vòng loại World Cup 2022 giữa tuyển Việt Nam và Australia tại Mỹ Đình vào ngày 7/9 sẽ được tổ chức theo hình thức không khán giả.
Đội tuyển Việt Nam khi trở về từ Saudi Arabia, đội khách Australia, các quan chức Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) tổ chức trận đấu… sẽ được tạo điều kiện không phải cách ly y tế theo quy định thông thường. Họ sẽ tuân thủ “quy tắc bong bóng” của AFC, được xét nghiệm nhanh Covid-19, ăn ở, đi lại khép kín và tuân thủ các quy tắc phòng dịch.
Tuyển Việt Nam hiện tập trung và bắt đầu tập luyện tại Hà Nội từ ngày 5/8. Đội tuyển dự kiến có 1-2 trận đấu tập nội bộ với U22 quốc gia tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam. Trận đầu tiên diễn ra vào ngày 19/8.
Tuyển Việt Nam dự kiến lên đường sang Saudi Arabia vào ngày 26/8. Thầy trò ông Park Hang-seo lên đường sớm để có nhiều thời gian chuẩn bị trước trận đấu trên sân khách vào ngày 2/9.
Trong năm 2022, tuyển Việt Nam còn 2 trận trên sân nhà với Nhật Bản, Saudi Arabia vào tháng 11. Hình thức tổ chức 2 trận đấu này chưa được quyết định, còn tùy theo tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.