Tin Tổng Hợp – 11/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 11/8/21

Trung Quốc xây dựng con đập trên sông Mê Kông, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng sẽ mang đến thảm họa nhân đạo

Trung Quốc xây dựng con đập trên sông Mê Kông (ảnh: Internet).

Trung Quốc đã xây dựng một con đập trên sông Mê Kông như một phần của sáng kiến ​​“Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh. Một báo cáo được công bố hôm thứ Ba (10/8) tiết lộ rằng con đập lớn nhất do Trung Quốc xây dựng ở Campuchia không chỉ không cung cấp năng lượng như đã hứa mà còn mang đến một thảm họa nhân đạo và phá hủy sinh kế của hàng nghìn dân làng.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), đập thủy điện Lower Sesan 2 do Trung Quốc tài trợ đã chặn dòng sông ở thượng nguồn và đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân dọc theo bờ biển. Trong hàng ngàn năm, các cộng đồng sống ở đồng bằng sông Cửu Long đã dựa vào đánh bắt cá, lâm nghiệp và trồng trọt để kiếm sống.

AFP đưa tin, nhà máy thủy điện số 2 trên hạ lưu sông Sesan đã gây ra tranh cãi từ rất lâu trước khi nó được đưa vào vận hành vào tháng 12/2018. Nằm ở nơi hợp lưu của hai phụ lưu chính của sông Mê Kông ở đông bắc Campuchia, trạm thủy điện có công suất phát điện 400 Megawatt và là đập lớn nhất của Campuchia.

Các chuyên gia cá cảnh báo rằng việc chặn dòng sông Sê San và sông Srêpôk, hai nhánh chính của sông Mê Kông bởi đập thủy điện số 2 trên hạ lưu sông Sê San, sẽ đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân sống ở vùng phù sa sông Mê Kông. 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Con đập số 2 ở hạ lưu sông Sê San đã gây ra tác hại sâu sắc cho các cộng đồng địa phương, khiến họ càng trở nên nghèo hơn và lâm vào tình cảnh khó khăn hơn”.

Các chuyên gia cho rằng hoàn cảnh của những người ở Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn đang lâm vào khốn cảnh với nhiều mức độ khác nhau, vì hàng chục con đập được xây dựng ở đó đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái nông nghiệp và nghề cá mà hàng chục triệu người đang sống phụ thuộc vào.

Tờ Financial Times đưa tin, Brian Eyler, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson và là tác giả cuốn sách “Những ngày cuối cùng của sông Mê Kông hùng mạnh”, cho biết: Hơn 400 đập được xây dựng trên dòng chính và các nhánh sông của sông Mê Kông đang chia cắt nguồn thủy sản của con sông lớn này. Vì các con đập ngăn chặn sự di chuyển của cá di cư, khu vực này đang bên bờ vực khủng hoảng lương thực”.

Ông Eyler nói thêm: “Sông Mê Kông là nguồn đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới, chiếm 20% sản lượng đánh bắt cá nước ngọt của thế giới. Hàng chục triệu người ở Đông Nam Á dựa vào đó để cung cấp protein mỗi ngày”.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, con đập số 2 ở hạ lưu sông Saisan đã khiến gần 5.000 người dân trong khu vực phải di dời và buộc phải chấp nhận mức đền bù khiêm tốn để tái định cư. Dự án cũng “ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục nghìn người dân ở thượng nguồn và hạ nguồn”, sản lượng thủy sản cũng giảm mạnh.

Dự án đập bắt đầu vào năm 2013 và hoàn thành vào năm 2018 trong khuôn khổ kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ. Theo các báo cáo, con đập này tiêu tốn gần 800 triệu đô la Mỹ để xây dựng.

Nhà xây dựng đập China Huaneng Group ban đầu hứa với chính phủ Campuchia rằng trạm thủy điện này sẽ giải quyết 1/6 lượng điện tiêu thụ hàng năm của Campuchia.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, lượng điện do trạm thủy điện cung cấp “có thể thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn, chỉ bằng khoảng 1/3 so với ước tính ban đầu”.

Cổ đông lớn nhất của dự án đập số 2 trên hạ lưu sông Sesan là Tập đoàn Huaneng Trung Quốc, và nắm giữ cổ phần thiểu số là Tập đoàn Hoàng gia Campuchia và EVN, tổng công ty điện lực Việt Nam.

“Financial Times” đã liên hệ với China Huaneng Group qua email và điện thoại để tìm kiếm bình luận, nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi con đập số 2 trên hạ lưu sông Sesan đang bị chỉ trích, ĐCSTQ đang có hơn 10 dự án thủy điện quy mô lớn khác được tiến hành hoặc hoàn thành ở các quốc gia “Vành đai và Con đường” như Indonesia, Uganda, Pakistan, Tajikistan và Georgia.

Phụng Minh

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-xay-dung-con-dap-tren-song-me-kong-to-chuc-theo-doi-nhan-quyen-len-tieng-se-mang-den-tham-hoa-nhan-dao.html

Thủ tướng Trudeau tố cáo bản án bất công của Trung Quốc cho công dân Canada Spavor

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm nay 11/08/2021 tuyên bố bản án 11 năm tù mà Trung Quốc dành cho công dân Canada Michael Spavor vì cáo buộc gián điệp là « bất công, hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Quảng cáo

Ảnh hai công dân Canada Michael Kovrig (T) và Michael Spavor, bị Bắc Kinh bắt giữ từ hơn hai năm qua, trên màn hình tại đại sứ quán Canada ở Trung Quốc, ngày 11/08/2021.
Ảnh hai công dân Canada Michael Kovrig (T) và Michael Spavor, bị Bắc Kinh bắt giữ từ hơn hai năm qua, trên màn hình tại đại sứ quán Canada ở Trung Quốc, ngày 11/08/2021. AP – Mark Schiefelbein

Trong thông cáo, thủ tướng Trudeau tố cáo: « Bản án hôm nay cho ông Spavor sau hơn hai năm rưỡi giam cầm tùy tiện rất thiếu minh bạch trong tiến trình tố tụng, và đây là một phiên tòa thậm chí không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của luật quốc tế ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Liu Zhifan cho biết thêm chi tiết:

«Năm tháng sau một phiên tòa vội vã, doanh nhân Canada Michael Spavor đã biết được số phận của mình. Sáng thứ Tư, 11/08, ông bị tòa án Trung Quốc kết án 11 năm tù vì cáo buộc « làm gián điệp », « đánh cắp bí mật Nhà nước ».

Bản án được tuyên cùng thời điểm với một phiên tòa khác đang diễn ra ở Canada, xử bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Việc bà Mạnh bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018 đánh dấu sự xuống cấp trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa. Chế độ cộng sản tố cáo vụ bắt giữ này mang tính chính trị, trong khi Mạnh Vãn Châu có nguy cơ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ vì nghi ngờ gian lận ngân hàng.

Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc liền bắt giam ông Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig. Ông Kovrig cũng bị cáo buộc tội gián điệp và đang chờ bản án. Từ hai năm qua chịu cảnh tù tội và không có cơ hội lên tiếng, hai công dân Canada này đều được xử kín

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210811-trudeau-ban-an-bat-cong-trung-quoc-canada

Giám đốc CIA Burns hội đàm tại Israel, tập trung vào Iran

Reuters – Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns có cuộc hội đàm tại Israel hôm 11/8 với Thủ tướng Naftali Bennett, trong đó vấn đề Iran chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự, Reuters dẫn một tuyên bố của Israel cho biết.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns.
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns.

Một tuyên bố do văn phòng của Thủ tướng Bennett đưa ra cho biết nhà lãnh đạo Israel đã hội đàm với ông Burns tại Tel Aviv, nơi “họ thảo luận về tình hình ở Trung Đông, trong đó nhấn mạnh đến Iran, và các khả năng mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác khu vực”.

Thông báo về chuyến thăm của ông Burns, tuyên bố cho biết ông đã gặp ông David Barnea, tân lãnh đạo của cơ quan tình báo Mossad của Israel, để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran “và các thách thức khác trong khu vực.”

Ông Burns, người tuyên thệ nhậm chức giám đốc CIA vào tháng 3, dự kiến sẽ gặp các quan chức Palestine, bao gồm cả Tổng thống Mahmoud Abbas, tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây.

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-cia-burns-hoi-dam-tai-israel-tap-trung-vao-iran/5998614.html

(NHK) – Biểu tình lan rộng tại Thái Lan. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra hôm 10/08/2021 tại Bangkok và các vùng khác, tiếp theo cuộc biểu tình chống chính phủ hôm thứ Bảy 07/08 tại thủ đô với khoảng 1.000 người tham gia, đòi thủ tướng Prayut Chan-O-Cha phải từ chức. Một số đi theo đoàn bằng xe hơi hoặc xe gắn máy để tránh lây nhiễm virus corona. Do tác động của biến thể Delta, Thái Lan mỗi ngày có 20.000 ca lây nhiễm so với hồi tháng Tư chỉ có 100 ca/ngày. Người biểu tình quy trách nhiệm cho chính phủ đã chậm chạp trong việc nhận vac-xin ngừa Covid.

(AFP) – Karaoké: Trung Quốc sẽ cấm các bài hát đe dọa “an ninh quốc gia”. Chính quyền Trung Quốc sẽ cấm các cơ sở dịch vụ hát karaoke đề xuất các ca khúc bị coi là bạo lực, kích động hận thù và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Hôm qua 10/08/2021, bộ Văn Hóa và Du Lịch Trung Quốc thông báo từ ngày 01/10/2021 sẽ lập “danh sách đen” các bài hát “có nội dung bất hợp pháp”. Tuy nhiên, nhà chức trách không nói rõ mức độ gây hại của các ca khúc đối với an ninh quốc gia, cũng như nội dung của “danh sách đen”.

(AFP) – Bắc Kinh triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Litva về nước. Thông báo được bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra tối hôm qua 10/08/2021, sau khi Vilnius hồi tháng 7 đã bật đèn xanh cho Đài Loan mở một cơ quan đại diện tại Litva. Quyết định của Vilnius đặc biệt bị coi là khiêu khích, vì văn phòng được đặt tên là « Cơ quan đại diện của Đài Loan », chứ không chỉ là « Cơ quan đại diện của Đài Bắc » như thường lệ. Bắc Kinh coi đó là sự vi phạm các nguyên tắc ngoại giao cơ bản giữa Litva và Trung Quốc. Một đại diện của Ủy Ban Châu Âu lấy làm tiếc, vì đây là lần đầu tiên Bắc Kinh triệu hồi một đại sứ ở châu Âu, vì lý do liên quan đến việc mở văn phòng đại diện Đài Loan.

(AFP) – Đức bắt một công dân Anh làm gián điệp cho Nga. Tư pháp Đức hôm nay 11/08/2021 thông báo bắt giữ một công dân Anh làm việc cho đại sứ quán Anh Quốc tại Berlin, bị nghi ngờ đã trao tài liệu cho tình báo Nga « ít nhất một lần » và nhận được một số tiền. Việc bắt giữ David S. có sự tham vấn chính quyền Anh. Căn hộ và phòng làm việc của người này bị khám xét.

(AFP) – Tổng thống Mỹ Biden tổ chức “thượng đỉnh vì nền dân chủ. Theo thông cáo của Nhà Trắng ngày 11/08/2021, thượng đỉnh trực tuyến sẽ diễn ra trong hai ngày 09-10/12. Khách mời là các nguyên thủ quốc gia, thủ tướng và các thành viên xã hội dân sự, tuy nhiên danh sách cụ thể chưa được công bố. Nhà Trắng khẳng định thách thức trong thời đại hiện nay là chứng tỏ các quốc gia dân chủ đang cải thiện đời sống người dân nước họ và giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới. “Thượng đỉnh vì nền dân chủ” trực tiếp sẽ được tổ chức sau đó 1 năm, với 3 mục tiêu: chống chế độ chuyên chế, chống tham nhũng và khích lệ tôn trọng nhân quyền.

(Washington Examiner) – Mỹ cảnh báo các đồng minh không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Chính quyền Biden đang ngăn chặn ý đồ thiết lập căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trung Đông, bằng cách cảnh báo các cường quốc trong khu vực rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Hoa Kỳ. Trong cuộc điều trần tại tiểu ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ ngày 10/08/2021, một viên chức bộ Ngoại Giao khẳng định có một số phạm vi hợp tác với Trung Quốc mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận, và Washington đã nói rõ điều đó với các đối tác Trung Đông. Chủ tọa cuộc điều trần Chris Murphy đặt vấn đề: Điều gì sẽ diễn ra nếu Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cho Trung Quốc đặt căn cứ, trong khi Mỹ đang chuẩn bị xem xét bán chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến F-35 cho nước này.

(Reuters) – Mỹ: Thống đốc bang New York tuyên bố sẽ từ chức. Thông báo từ chức được thống đốc Andrew Cuomo đưa ra trong một cuộc họp báo kéo dài 20 phút vào hôm qua 10/08/2021, một tuần sau khi Viện Công Tố New York thông báo kết quả điều tra, theo đó ông Cuomo đã lạm dụng tình dục 11 phụ nữ. Vị thống đốc 63 tuổi sẽ chính thức rời chức vụ trong 14 ngày nữa. Bà Kathy Hochul, phó thống đốc, sẽ tạm nắm quyền thống đốc bang New York cho đến tháng 12/2022. Đây là lần đầu tiên bang New York do một phụ nữ lãnh đạo.

(AFP) – Algérie : Ít nhất 65 người thiệt mạng vì cháy rừng. Trong số các nạn nhân thiệt mạng trong những vụ hỏa hoạn bùng lên từ tối 09/08/2021, có 28 quân nhân. Ngoài ra còn có 12 quân nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo thủ tướng Aïmène Benabderahmane, hơn 70 đám cháy đã bùng phát ở 18 tỉnh miền bắc Algérie, nhiều thành phố bị ảnh hưởng. Bộ Nội Vụ khẳng định các vụ hỏa hoạn này là do các hành vi mang tính phạm tội. Bốn nghi can đã bị bắt.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210811-tin-tong-hop