Chuyến công du của Phó tổng thống Mỹ và ước mong quan hệ Việt – Mỹ
Quí Bạn đọc thân mến,
Giới quan sát “Trục chiến lược Ấn Ðộ – Thái bình Dương” có vẽ đặc kỳ vọng cho chuyến thăm chiến lược đỉnh cao của “phép thử mào Biden mà không có Biden” vào chuyến công du của PTT Hoa Kỳ Kamala Harris tới Singapore đảo quốc “nền đá tảng” của Mỹ và đến Việt Nam cái nôi đồng sàng đô la địa chiến lược & dị mộng CS” từ ngày 20-26/8,
Hà Nội và Washington đang phối hợp để chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam “trên tình thần quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ tiếp tục phát triển tốt đẹp”, nhưng tiếp tục khẳng định “không đi với nước này để chống nước khác”, giữa lúc Washington đang muốn sử dụng chuyến công du như một phần trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Liệu khi csVN thẳng thừng bộc bạch với HK về lập trường “tiếp tục khẳng định “không đi với nước này để chống nước khác”, một trong Bốn quốc sách cốt lõi «Bốn Không» nghĩa là không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước khác, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để chống lại các nước khác, và không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực …
Người ta lại tỏ ra hoài nghi rằng liệu Bốn sẽ xuống còn “Ba, Hai hay Một ” hay «Bốn Không vẫn hoàn Bốn Không ” hoặc Harris đi rồi Harris cũng lại về … hay liệu rằng chiếc đũa thần Kissinger có dịp được tung ra để chuộc tội bán đứng VNCH đã gây biết bao tang thương không kể xiết sẽ ám ảnh K cà trăm năm không dứt nổi !!! BBT
Bài bình luận của Trần Đông
2021-08-06
Hình minh hoạ: Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/8/2021 AP
Chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Hoa Kỳ
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ có chuyến công du Singapore và Việt Nam từ ngày 20-26/8, theo đó, bà sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm châu Á kể từ khi Biden lên nắm quyền. Dự kiến, nữ “phó tướng” của Biden sẽ thảo luận với các lãnh đạo Đông Nam Á về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, trong đó gồm có những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến công du của bà Harris sẽ tiếp tục củng cố thông điệp của chính quyền Biden đối với thế giới: Nước Mỹ đã trở lại, đồng thời khẳng định chính quyền Biden coi châu Á là một khu vực hết sức quan trọng trên thế giới.
Chuyến công du của bà Harris sẽ tập trung vào bốn vấn đề lớn. Thứ nhất, tại Singapore và Việt Nam, bà Harris sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đề cập và giải thích những mục tiêu chính sách của chính quyền Biden. Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng chuyến thăm của Harris sẽ nhấn mạnh “tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược, vốn là hai thành tố chính trong cách tiếp cận của chính quyền Biden trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại”.
Thứ hai, dự kiến, bà Harris sẽ có các cuộc gặp với giới chức hai nước sở tại, tiếp xúc với lãnh đạo các lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự, trong đó nội dung thảo luận tập trung vào cam kết của Washington đối với nỗ lực thúc đẩy an ninh khu vực, cũng như những quy tắc và luật lệ quốc tế nói chung bao gồm những quy tắc và luật lệ ở Biển Đông. Quan chức này lưu ý, tại các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc này, Harris sẽ chia sẻ “tầm nhìn” của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Thứ ba, Harris sẽ tập trung vào những mối quan hệ đối tác, đặc biệt là đối tác kinh tế giữa Mỹ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ tư, chuyến công du này cũng nhằm “bảo vệ những giá trị của Mỹ”. Chia sẻ với báo chí, giới chức Mỹ cho biết Washington coi Singapore và Việt Nam đều là những đối tác quan trọng khi xét về vị trí địa lý, quy mô kinh tế, quan hệ thương mại và những mối quan hệ đối tác an ninh trên các hồ sơ như Biển Đông, nơi Bắc Kinh đặt ra những yêu sách đối với hầu hết vùng biển quốc tế này.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể nhân tạo đồng thời quân sự hóa cả những đội tàu tuần duyên và tàu đánh cá trên vùng biển này. Một quan chức Nhà Trắng khẳng định trên báo chí: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực hoặc “cậy thế cậy quyền” để gây phương hại đến chủ quyền của các nước khác. Phó Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông và rằng không một nước nào chèn ép lợi ích của các nước khác.
Ngoài bốn mục tiêu nói trên, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu cũng là những vấn đề thảo luận trong chuyến thăm của Harris đến hai nước Đông Nam Á vào cuối tháng 8 này.
Đông Nam Á mừng vui hay lo lắng?
Chuyến đi của bà Harris diễn ra tiếp theo chuyến công du ba nước Đông Nam Á (Singapore, Việt Nam và Philippines) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tuần trước với mong muốn dần thúc đẩy những mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc hơn với các quốc gia này. Chuyến công du của bà Harris cũng diễn ra sau các cuộc đối thoại căng thẳng tại Thiên Tân, Trung Quốc, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức hàng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.
Theo ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu, mặc dù Tổng thống Biden chưa công du khu vực này kể từ khi lên nắm quyền, song Nhà Trắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực này khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trở thành hai lãnh đạo thế giới đầu tiên hội đàm trực tiếp với Tổng thống Biden. Bản thân Biden cũng không ngừng khẳng định rằng thách thức trung tâm lúc này là liệu dân chủ có thể thắng thế độc tài hay không và những mối quan hệ đối tác trong khu vực đóng vai trò thiết yếu đối với nỗ lực của ông nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh.
Ngày 4/8, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có bài phát biểu thể hiện sự vinh dự khi được đại diện cho Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-ASEAN thường niên, đồng thời khẳng định việc cam kết với cấu trúc khu vực, lấy ASEAN làm trung tâm cũng như ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Blinken khẳng định quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với ASEAN tập trung vào những thách thức cấp bách nhất của quốc gia này là chống lại đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế bền vững. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh việc cung cấp các loại vắc-xin miễn phí mà không có ràng buộc về chính trị hoặc kinh tế. Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngoại trưởng Blinken đã công bố các chương trình mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN, xây dựng quan hệ đối tác công-tư và giúp phát triển kỹ thuật số và tăng trưởng xanh của khu vực. Chương trình này được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế vốn đã vững chắc của Mỹ, khi hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia này vào các nước ASEAN đạt 328,5 tỷ USD năm 2020.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 3/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao “rất giá trị” của Mỹ. Các chuyến thăm này là chỉ dấu cho thấy Washington nhận thức được rằng họ cần bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích thực chất và quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Lý cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi. Theo ông, nhiều nước trong khu vực mong muốn tình trạng của mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ không tụt dốc hơn nữa “bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ muốn duy trì quan hệ mở rộng của họ đối với cả hai cường quốc này”.
Quan hệ Việt – Mỹ chưa thể nâng tầm
Một vấn đề mà giới quan sát đang trông ngóng đó là liệu với chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là dịp để Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược? Phía Mỹ đã thể hiện ý định này trong chuyến công du vừa rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, nhưng phía Mỹ cũng tỏ ý không muốn thúc ép Việt Nam.
Ngày 4/8, trên báo Thế giới & Việt Nam có một bài viết thể hiện quan điểm về chuyện này. Nên nhớ tờ báo này là Cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho nên đây cũng được coi là thể hiện quan điểm của ngành ngoại giao Việt Nam trước vấn đề này. Bài báo có đoạn viết: “Trở lại câu hỏi được dư luận quan tâm nhất và quan chức Mỹ đã hơn hai lần đề cập công khai: nâng tầm quan hệ hai nước.
Điều đó phụ thuộc vào bối cảnh, tính toán của mỗi bên. Song như nhận xét của nhiều học giả quốc tế: quan hệ song phương Việt-Mỹ khá toàn diện, có những yếu tố mang tính chiến lược, có mặt còn hơn một số đối tác chiến lược khác.
Chính danh cũng cần. Nhưng tên gọi không phải là điều quan trọng nhất. Quyết định vẫn là tính thực chất, hiệu quả và sự bền vững của mối quan hệ. Điều đó đang được hai bên thực thi và cam kết tiếp tục củng cố, phát triển.
Người Việt Nam thường nói, cái gì cần, đúng thời điểm, nhất định sẽ diễn ra. Có thể vận vào trường hợp này.” (1)
Có thể được hiểu rằng đây chính là câu trả lời từ phía Việt Nam cho vấn đề này.
Nhận định về chuyện nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường có dòng tự sự trên Facebook của ông: “Mình đọc cái “Minh thực lục – quan hệ Trung-Việt” mà thấy đau cho dân tộc ta. Nhà Minh muốn nhào nặn Việt Nam kiểu gì cũng được. Mạc Đăng Dung cởi trần đi bằng đầu gối, lê tấm thân hèn hạ sang đất TQ để trình sổ đất, sổ dân, để giữ được chức quan hèn hạ, nước Việt bị giáng xuống làm xứ tự trị ngang quận huyện Trung Quốc. Vì sao? Vì không có nước lớn nào đối trọng Trung Quốc! Mà nước ta thì chia rẽ!
Sau này, khi phương Tây sang thì nhà Thanh cũng hèn mọn cúi đầu trước Bát quốc! Nhưng từ đó, ở biên giới phía nam Trung Quốc xuất hiện các thế lực đối trọng Trung Quốc. Người Việt bị phân hoá, lúc theo bên này, lúc theo bên kia. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo được dân ta thực hiện “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Giờ đây, Trung Quốc ép VN kiểu “tứ diện mai phục”. Không có mấy nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn, EU + sự can trường dân tộc, thì Việt Nam chắc nghẹt thở, khó lòng ngọ nguậy!
Vì vậy chúng ta chào đón BTQP MỸ Austin đến thăm, không phải là đi với Mỹ chống Trung Quốc. Nhưng không củng cố quan hệ với Mỹ thì Việt Nam cũng bị người ta coi như mẻ! Đã cân bằng thì phải cân bằng = hành động, không chỉ nói suông cân bằng!
Bây giờ là lúc chín muồi để ta thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ lên ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN!”
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.