Ðiểm Báo Pháp – 6/8/21
Pháp thông qua «giấy thông hành» Covid: Những phản ứng khác nhau
Hội Đồng Bảo Hiến Pháp thông qua « giấy thông hành y tế » chứng nhận đã tiêm chủng, vốn gây tranh cãi lớn trong xã hội, và CAC 40 (các tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước Pháp) thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ nửa đầu năm nay trong bối cảnh dịch bệnh, là hai chủ đề hàng đầu của các nhật báo Pháp hôm nay, 06/08/2021. Quảng cáo
Phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến Pháp (HĐBH) về giấy thông hành y tế và tiêm chủng rất được trông đợi. Báo chí Pháp đón nhận tin trên với nhiều góc nhìn khác nhau. Trang nhất Le Figaro chạy tựa « Hội Đồng Bảo Hiến Pháp xác nhận giấy thông hành y tế phù hợp với Hiến Pháp ». Le Figaro chú ý đến hai điểm chính trong quyết định của HĐBH hôm qua. Điểm thứ nhất là HĐBH xác nhận là, quy định những ai vào các nhà hàng, quán ăn phải có « giấy thông hành y tế », cũng như các nhân viên y tế phải tiêm chủng là « không xâm phạm các quyền tự do ». Điểm thứ hai là HĐBH bác bỏ điều khoản cách ly bắt buộc đối với tất cả những ai nhiễm virus và quy định cắt đứt hợp đồng lao động (với hai loại hợp đồng có thời hạn và hợp đồng thay thế tạm thời) đối với một số người không tiêm chủng.
«Thắng lợi» của chính phủ
Le Figaro có bài : « Giấy thông hành y tế được áp dụng trong cuộc sống ngày thường của dân Pháp ». Việc HĐBH thông qua « Giấy thông hành y tế » – xác nhận người đã tiêm chủng đủ liều, âm tính với virus hay có giấy chứng nhận phục hồi sau khi mắc bệnh, cho phép đương sự vào một số không gian khép kín trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ gia tăng – « không gây ngạc nhiên » đối với giáo sư về luật nhà nước Đại học Grenoble, Serge Planta. Điều ông lo ngại là quy định này có thể sẽ được kéo dài sau ngày 15/11/2021, trong trường hợp có nguy cơ một làn sóng dịch mới.
Le Figaro ghi nhận « Một thắng lợi chính trị đối với chính phủ ». Thủ tướng Jean Castex hoan nghênh quyết định « sẽ cho phép thực thi đầy đủ chiến lược chống Covid-19 ». Đây cũng là thắng lợi của tổng thống bởi phán quyết của HĐBH đã trực tiếp bác bỏ các cáo buộc của những người chống lại giấy thông hành y tế, biểu tình từ nhiều tuần qua trên khắp nước Pháp.
Tuy nhiên Le Figaro cũng lưu ý là phe chống lại « giấy thông hành y tế » vẫn còn rất mạnh. Theo điều tra của Elabe, nếu như 48% người Pháp chống lại các cuộc biểu tình phản đối, thì cũng có đến 37% ủng hộ. Tổng thống Macron hiểu điều này. Từ nơi nghỉ hè truyền thống ở pháo đài Brégançon, ông Macron liên tục có các phát biểu trên mạng xã hội nhằm vận động người dân, đặc biệt là giới trẻ đi tiêm chủng. Chính phủ cũng ghi nhận việc HĐBH bác bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc với tất cả những ai nhiễm virus, bị coi là « thái quá », và kêu gọi tất cả những người bị nhiễm bao gồm người « không có triệu chứng » tuân thủ các biện pháp cách ly y tế.
Những người chống giấy thông hành y tế là ai?
Trong bài phóng sự « ‘‘Cuộc chiến vì các quyền tự do’’ trên đường phố », Libération thiên tả chú ý đến cả hai phía, biểu tình chống giấy thông hành y tế, và biểu tình ủng hộ gần trụ sở của HĐBH vào ngày hôm qua, đúng vào lúc HĐBH ra phán quyết. Thái độ của phe phản đối « giấy thông hành y tế » cũng là chủ đề chính của Le Monde. Nhật báo có bài mô tả « Ai là những người phản đối giấy thông hành y tế ? ». Bài viết ghi nhận các thành phần rất đa dạng tham gia vào hàng ngũ phản đối, từ những người tranh đấu cực hữu đến cực tả, từ các thành viên phong trào Áo Vàng đến những người đến đây một mình hay cùng với gia đình. Trên thực tế, đây là một phong trào rộng lớn, không thủ lĩnh. Điều đáng ngạc nhiên là sự tham gia khá đông đảo của dân chúng tại ít nhất 180 thành phố vào các cuộc biểu tình ngày thứ Bảy hàng tuần (khoảng 205 nghìn người tham gia biểu tình ngày 31/07).
Le Monde ghi nhận phong trào đặc biệt mạnh ở các thành phố trung bình và nhỏ. 10 thành phố lớn nhất nước Pháp chỉ thu hút một phần tư người biểu tình. Điều nhìn chung liên kết những người biểu tình là « thái độ nghi kỵ rất lớn đối với tất cả các định chế », chống lại các phương tiện truyền thông, chống các đảng phái chính trị, chống các cơ quan y tế, chống chính phủ. Nhiều người kêu gọi tổng thống từ chức, gọi « giấy thông hành y tế » là « độc tài kiểu Trung Quốc ».
Mâu thuẫn ngay trong các gia đình
Xung đột xung quanh vấn đề « giấy thông hành y tế » không chỉ trên đường phố mà trong nhiều gia đình. Nhật báo Công giáo La Croix có bài viết về chủ đề này. Theo La Croix, tranh cãi đôi khi dữ dội giữa một bên là người lo lắng cho sức khỏe và bên kia là người giận dữ với việc mở rộng phạm vi sử dụng Giấy thông hành. Tranh cãi trong gia đình ba thế hệ nhà Guillaume là một ví dụ. Người bà 66 tuổi lên án dữ dội việc thổi phồng vai trò của vac-xin, của việc Giấy thông hành y tế đang trở nên quá mức quan trọng đến mức lấn át mọi chuyện khác. Về phần mình, người cha trong gia đình cùng vợ khẳng định quyền tiêm chủng cho hai con nhỏ là do bố mẹ. Đối với gia đình Guillaume, căng thẳng tạm lắng lại để nhường chỗ cho bầu không khí gia đình đoàn tụ dịp nghỉ hè.
Cũng trong bài viết nói trên, nhật báo Công giáo dẫn lại mấy số liệu quan trọng, như một lời nhắc nhở với công chúng : đã có hơn một nửa số người nhập viện vì Covid là trong khoảng từ ngày 28/07 đến 04/08 (4.121 người trên tổng số gần 8.000), cũng có nghĩa là dịch bệnh đang lan mạnh. Và trên thực tế, ngay trước phán quyết của HĐBH, Giấy thông hành y tế đã được áp dụng đối với một số địa điểm tập hợp ít nhất 50 người trở lên kể từ ngày 21/07, như rạp phim, rạp hát, bảo tàng, công viên giải trí…
Giấy thông hành: Lo ngại bất bình đẳng khoét sâu
Lợi ích của việc tiêm chủng đã rõ. Quy định người không có chứng nhận tiêm chủng hoặc âm tính với virus được đa số người dân Pháp ủng hộ. Nhưng vấn đề Giấy thông hành tiêm chủng không chỉ có hai phe, phe chống và phe ủng hộ. La Croix cũng có bài xã luận rất đáng chú ý mang tiêu đề « Quyền được tiêm chủng », nêu bật một khía cạnh quan trọng khác. La Croix trước hết ghi nhận nỗ lực của HĐBH tìm cách đưa ra một phán quyết « cân bằng », chấp nhận giới hạn quyền tự do tương ứng với đòi hỏi bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như « quyền bình đẳng » giữa các công dân.
«Bình đẳng» giữa các công dân trong tiêm chủng chưa được bảo đảm là lo ngại của La Croix. Theo bà Claire Hédon, người đứng đầu cơ quan độc lập Bảo vệ các quyền của công dân (Défenseur des droits – DDD), nơi tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất là những môi trường xã hội nghèo khó, người dân không có điều kiện sử dụng mạng hay được hưởng các dịch vụ công. Chuyên gia về địa lý y tế Emmanuel Vigneron nhấn mạnh đến ba bất bình đẳng lớn hiện nay : giữa các vùng, giữa các thành phố và các khu ngoại ô và giữa các cộng đồng khá giả và các cộng đồng dân nghèo. La Croix cảnh báo là : đừng để cho Giấy thông hành y tế làm trầm trọng thêm các hố ngăn cách xã hội hiện nay. Vấn đề không chỉ là ủng hộ hay chống tiêm chủng, mà còn là tạo điều kiện để người dân nghèo khó được tiêm chủng. Điều chính phủ cần làm khẩn cấp hiện nay là nỗ lực hướng chiến dịch tiêm chủng đến những người ít có thông tin nhất, và khó khăn nhất.
Các tập đoàn CAC 40 Pháp: Sáu tháng đầu năm sáng sủa
Tình hình sáng sủa với các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước Pháp là chủ đề trang nhất của Les Echos, Le Monde cũng như Le Figaro. Nhật báo kinh tế chạy tít « Mở đầu năm mới sáng sủa với các tập đoàn CAC 40 ». Lợi nhuận thu được là 57 tỉ euro. Các tập đoàn lớn của nước Pháp đã trở nên mạnh hơn cả trước khủng hoảng (2019). Sáu trong số 40 tập đoàn tập trung một nửa số lợi nhuận thu được.
Theo Les Echos (trong bài « Những thông điệp của nhóm CAC 40 »), thành tích phi thường của CAC 40 Pháp có thể làm cho nhiều người quên đi là thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ một thế kỷ nay. Cuộc khủng hoảng không những không làm tê liệt các định hướng chiến lược của CAC 40 mà còn khiến lãnh đạo các tập đoàn tăng cường các nỗ lực, trở nên mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực then chốt của tập đoàn mình, và đôi khi tăng tốc kế hoạch phát triển.
Các lý do thành công
Le Figaro có bài « Mùa bội thu kỳ diệu của CAC 40 » ghi nhận thành công của nhóm CAC 40 là có tính chất tập thể. Chỉ có hai tập đoàn, Atos và Orange, là thua thiệt trong khoảng thời gian này. Bài « Lợi nhuận lịch sử đối với các đại tập đoàn CAC 40 » cho biết lợi nhuận của nhóm các công ty hàng đầu nước Pháp tăng gấp 40% so với cùng kỳ năm 2019, tức trước khủng hoảng. Chỉ số chứng khoán CAC 40 trong những ngày gần đây cũng tiến gần với mức kỉ lục 6.922 điểm. Theo Le Figaro, có ba yếu tố giải thích thành công vượt bậc này của CAC 40 : sự phục hồi kinh tế ở châu Á và Mỹ, các chương trình chấn hưng kinh tế khẩn cấp, cùng việc ít bỏ tiền hơn cho đầu tư và, đối với một số hãng, là khả năng tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, viễn cảnh dịch bệnh còn kéo dài là mối lo ngại hàng đầu. Nhiều tập đoàn của CAC 40 cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nguồn cung.
Le Monde có bài điểm kỹ về thành tích của các tập đoàn CAC 40, tỏ ra chừng mực hơn, với nhận định nhiều doanh nghiệp đạt thành tích cao do các biện pháp hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước, với các khoản vay và tiền trợ cấp thất nghiệp bán phần cho nhân viên. Le Monde cũng ghi nhận các hiểm họa mà kinh tế Pháp phải đối mặt trong giai đoạn nửa năm qua là : thiếu nguyên liệu, giá cả gia tăng, thiếu các bán thành phẩm mang tính chiến lược như bán dẫn, và thiếu nhân viên tay nghề cao.
Bài « Con đường phục hưng tốt lành của công nghiệp » của chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp CCI Pierre Goguet trên Les Echos cũng nhấn mạnh đến tính chất phụ thuộc của nền công nghiệp Pháp vào bên ngoài. « Sản xuất tại Pháp / Made in France » : Cuộc khủng hoảng dịch tễ này là cơ hội cho phép hướng đến một nền sản xuất dựa nhiều hơn vào các nguyên liệu, bán thành phẩm địa phương. Người tiêu thụ Pháp cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm, các sản phẩm mang tính địa phương, mang nhãn hiệu « sạch » ngày càng được ưa chuộng hơn.
Công nghệ Trung Quốc trong gọng kìm của chế độ
Về Trung Quốc, Le Monde có bài xã luận về việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ cao, với tiêu đề « Công nghệ Trung Quốc trong gọng kìm của chế độ ». Lĩnh vực công nghệ cao vốn đã nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, nhưng Le Monde báo động là trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đưa ra hàng loạt biện pháp siết chặt chưa từng có, khiến các nhà đầu tư quốc tế rất lo ngại. Chỉ trong vài ngày chứng khoán của các tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực này sụt giảm hàng trăm tỉ euro. Ngoài Ant của Alibaba, giờ đây đến lượt Didi, tập đoàn hàng đầu của ngành vận tải, cho đến Tencent, với lĩnh vực trò chơi điện tử, chiếm đến 1/3 doanh thu của công ty. Tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc mệnh danh đây là một loại « thuốc phiện của nhân dân ».
Kỷ lục dân liều mình vượt eo biển Manche: Nỗi ô nhục của Pháp và Anh
Libération số hôm nay dành sự chú ý đặc biệt cho việc « 428 người liều mình vượt eo biển Manche » chỉ trong một ngày thứ Tư, 04/08, mức chưa từng có. Tờ báo chạy trang nhất : « Calais – Douvres : Vượt biển hay là chết ». Libération dành toàn bộ 5 trang đầu tiên của báo cho chủ đề này. Phóng viên Libération có một tuần lễ sống cùng với những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang cố tìm cách vượt biển sang Anh bằng đủ phương tiện.
Bài xã luận mang tiêu đề « Hổ thẹn » của Libération tố cáo việc mỗi tuần có đến hàng trăm người liều mình vượt biển từ Pháp sang Anh mà chính quyền hai nước đã không hề đưa ra giải pháp nào. Số lượng người vượt biển tăng vọt trong thời gian gần đây. Hơn 10.000 người vượt qua được biển Manche, từ Pháp sang Anh, riêng trong năm nay so với chỉ gần 100 người cách nay hai năm.
Hàng nghìn người thành công may mắn, còn bao nhiêu người vùi thây dưới biển? Chắc chắn là chính quyền hai nước không thể không hay biết, Libé chất vấn. Để eo biển Manche trở thành nghĩa địa, mà không có bất cứ biện pháp nào, rõ ràng là « một nỗi ô nhục đối với cả hai nước, và chắc chắn là đối với nước Pháp».
Trọng Thành
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210806-phap-giay-thong-hanh-covid-phan-ung