Ðiểm Báo Pháp – 4/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 4/8/21

Miến Điện: Chiếc áo dân sự không thay đổi được bản chất độc tài quân sự

Nhật báo Le Monde hôm nay 04/08/2021 dành quan tâm chính đến Miến Điện qua bài xã  luận: “Miến Điện : Những món đồ trang sức dân sự của một tập đoàn quân sự bất lực”,  với ghi nhận, nửa năm sau cuộc đảo chính quân sự, quốc gia Đông Nam Á này đang bị cô lập về chính trị, lún sâu trong khủng hoảng toàn diện từ chính trị, kinh tế đến y tế. 

Đúng nửa năm sau khi tiến hành đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự, hôm Chủ Nhật 01/08, trong bộ trang phục dân sự, không phải bộ đồng phục quân nhân, tướng Min Aung Hlaing lên truyền hình đọc diễn văn, tự tuyên bố là « thủ tướng » của một «  chính phủ lâm thời ». Tờ báo nhận xét, ông tướng độc tài Miến Điện này « đã viện đến cách thức cũ xưa của các chế độ quân sự không có tính chính đáng, cố trang điểm cho mình thành một lãnh đạo dân sự. 

Ảnh minh họa: Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta (Indonesia) ngày 24/04/2021 trong bộ quần áo dân sự.
Ảnh minh họa: Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta (Indonesia) ngày 24/04/2021 trong bộ quần áo dân sự. AP – Muchlis Jr

Cái vỏ bề ngoài của bộ y phục dân sự đó không đánh lừa được ai. Đó vẫn là chế độ quân sự, và vị thủ tướng đó trước tiên vẫn là một chỉ huy quân đội. Hứa hẹn từ nay đến tháng 8/2023 tổ chức bầu cử càng không đánh lừa được ai. Tướng Min Aung Hlaing lùi lại thời hạn bầu cử thêm hai năm chứ không phải 6 tháng như hứa hẹn khi làm đảo chính. Cuộc bầu cử đó có diễn ra thì cũng khó có thể có được tính chính đáng. 

Le Monde nhận định, tính chính đáng đó là vấn đề của tương Min ở cả trong và ngoài nước. Bên trong đất nước Miến Điện, ông đã làm tăng mức độ thù hận quân đội lên cao chưa từng có trong quá khứ, dù đất nước này từ khi được độc lập 1948 đến nay, hầu hết thời gian sống dưới chế độ quân sự.

Ở bên ngoài, chế độ của tướng Min Aung Hlaing bị lên án, cô lập nhất là từ các nước phương Tây. Trung Quốc, vì lý do kinh tế và chiến lược thì cũng đành chấp nhận quan hệ với chế độ quân sự hiện nay dù vẫn luôn nghi kỵ lẫn nhau. Chỉ có Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn cho Miến Điện là thừa nhận chế độ quân sự hiện nay, qua việc cử bộ trưởng Quốc Phòng đến Naypyidaw hồi tháng Ba vừa qua. Trong khi đó, theo Le Monde, ASEAN – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – vẫn tỏ ra bất lực với thành viên của hiệp hội. 

Xã luận của Le Monde kết luận : « Đất nước Miến Điện lún sâu trong khủng hoảng kinh tế, y tế. 250 nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi các cuộc giao tranh bùng lên trở lại giữa các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số và quân đội chính phủ từ nhiều tháng nay. Dịch Covid hoành hành dữ dội với tỷ lệ lây nhiễm tăng theo cấp số nhân. Min Aung Hlaing không thể giấu được sự bất lực trong quản lý tình hình đất nước đang mỗi ngày thêm tồi tệ. Nhà lãnh đạo độc tài khoác áo dân sự nhưng đó là một ông vua cởi truồng. »  

Afghanistan: Bắc Kinh bắt tay với Taliban, lo xa vấn đề Duy Ngô Nhĩ 

Liên quan đến vấn đề địa chính trị trong khu vực châu Á, trên mục « dư luận » của nhật báo Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý mang tiêu đề: “Afghanistan: tính thực dụng lạnh lùng của người Trung Quốc”.

Bài viết đề cập đến cuộc gặp vừa rất đặc biệt hôm 28/07 tại Thiên Tân, giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, nhân vật số 2 của Taliban, phong trào nổi dậy ở Afghanistan. Theo tác giả bài báo thì Trung Quốc vẫn luôn rêu rao duy trì đường lối ngoại giao không can thiệp nội bộ nước khác, và nhất là họ không ưa gì khi phải tiếp chính thức đại diện cho một lực lượng nổi dậy.  

Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay ở Afghanistan, sau khi quân Mỹ rút đi, phe Taliban đang thắng thế, và Afghanistan là quốc gia Hồi Giáo có đường biên giới chung dài 76 km với Trung Quốc và nhất là Bắc Kinh cũng đang gặp phải vấn đề với sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo, Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thì cuộc gặp này đáng để chú ý.  

Bắc Kinh và Taliban đối lập nhau hoàn toàn như lửa  với nước, nhưng cả hai đều cảm thấy có lợi ích để hợp tác cho nên đã quyết định dàn xếp với nhau sớm trước khi mà phe Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.  

Theo tác giả bài viết, Trung Quốc lo xa một khi Taliban lên nắm quyền, có thể một phần đất Afghanistan giáp với Tân Cương sẽ trở thành căn cứ địa kháng chiến cho người Duy Ngô Nhĩ chống lại Bắc Kinh.  Bài viết lưu ý, trước khi rút quân khỏi Afghanistan,  Mỹ yêu cầu Taliban hứa không để Afghanistan là nơi lưu dung bất kỳ lực lượng Hồi Giáo cực đoan quốc tế nào có thể gây hại đến lợi ích của Mỹ. Giờ đây Bắc Kinh cũng muốn có được cam kết như vậy đối với người Duy Ngô Nhĩ chủ trương độc lập.  

Để thuyết phục Taliban, Bắc Kinh một mặt trông cậy vào sự ủng hộ của Pakistan, mặt khác họ lại dùng chiêu bài kinh tế, hứa hẹn đầu tư, tiền bạc. Trong khi đó Taliban cũng rất cần tiền một khi giành được chính quyền ở Afghanistan. Về lâu dài, Trung Quốc cũng muốn Afghanistan trở thành đối tác trong chiến lược phát triển mạng lưới « con đường tơ lụa » của họ. 

Tác giả bài viết nhấn mạnh : « Trở thành một cường quốc chính có ảnh hưởng ở Afghanistan, không phải chiến đấu tại đó, không can dự vào chính quyền, đó chính là tham vọng được Bắc Kinh che giấu». Với tính toán thực dụng như vậy, người ta đã có thể đoán được ai sẽ thắng trong cuộc cờ lớn ở Afghanistan. 

Người dân Cuba chật vật với cuộc sống hàng ngày 

Trở lại với nhật báo Le Monde, nhìn qua châu Mỹ Latinh, tờ báo có bài phóng sự dài với tựa đề «  Cuộc sống hàng ngày cơ cực của người Cuba » để nói lên nỗi khổ của người dân hòn đảo, đang từng ngày vất vả tìm kiếm nhu yếu phẩm cho cuộc sống. 

Thông tín viên của Le Monde tại Cuba ghi nhận :  Ở sân bay quốc tế  José-Marti của thủ đô La Habana vào những  ngày tháng 7 vừa qua, người ta có thể bắt gặp những hành khách đến từ Madrid hay Toronto với chiếc xe đẩy chất hàng đống vali khổ lớn. Đó là những người Cuba đi thăm thân trở về. Trong những chiếc vali đó là  những hàng hóa từ dầu gội đầu, sữa bột, bánh, thực phẩm, giầy dép và thuốc men… đủ thứ nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày mà ở Cuba họ không thể tìm được.  Sau cuộc biểu tình tự phát của người dân phản đối chính phủ để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm hôm 11/7, chính quyền đã cho phép người dân được nhập khẩu nhu yếu phẩm không giới hạn và miễn thuế. Mục đích là để giảm nhẹ tình trạng khan hiếm hàng hóa hiện nay và để xoa dịu nỗi bất bình của người dân. 

Theo Le Monde, bình thường chế độ La Habana tỏ ra dè dặt trong việc đón nhận viện trợ nhân đạo, lần này họ đích thân đề nghị và nhiều nước đã  đáp ứng lời kêu gọi cứu trợ.  Nga đã gửi đến Cuba hai chuyến máy bay chở 88 tấn hàng chủ yếu là bột mỳ và thực phẩm đóng hộp. Tiếp đó Mêhicô hôm 27 và 28/07 cũng đã gửi hai tàu biển chở đầy lương thực, thuốc men và các bình oxy và cả nhiên liệu đến giúp Cuba. Rồi Trung Quốc, Bolivia cũng đã chuyển nhiều tấn hàng viên trợ nhân đạo từ gạo, dầu ăn, mỳ đến đường sữa để phát không cho các gia đình Cuba.  

Trong khi đó từ hàng tháng nay, trong các góc phố của thủ đô Cuba, dưới cái nóng oi bức, hàng người vô tận vẫn chờ hàng giờ trước đủ loại cửa hàng để hy vọng mua được thực phẩm, cà phê, hay xà phòng giặt.  

Giờ đây lệnh cấm vận của Mỹ  không đủ thuyết phục để chính quyền biện minh cho tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm khiến người dân phẫn nộ. Nguyên nhân là do cách quản lý của chính phủ quan liêu, vận tải xuống cấp, mô hình kinh tế lạc hậu không kích thích sản xuất. Nhiều sản phẩm thu hoạch ở địa phương không phân phối được về thành phố.  

Chính quyền Cuba một mặt đổ lỗi cho cấm vận Mỹ, đồng thời kêu gọi cải cách về nông nghiệp, đất đai nhưng vẫn loay hoay chỉ sợ đi chệch đường lối xã hội chủ nghĩa. Đến giờ Nhà Nước vẫn sở hữu 80% diện tích đất nông nghiệp. Lương thực thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng chủ yếu nhập khẩu. Giờ đây với đại dịch, nguồn thu từ du lịch không còn nữa, Cuba không còn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa nữa. Theo Le Monde, đó mới là nguyên nhân chính của tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm ở Cuba.  

Nhật Bản: Chính phủ bất lực với làn sóng dịch Covid 

Chuyển qua với chủ đề thời sự liên quan đến địch Covid -19. Nhật báo Le Monde ghi nhận, đến giữa kỳ Thế Vận Hội Tokyo, chính phủ Nhật đã quá sức vì làn sóng lây nhiễm mới.  

Theo bài báo, trong vòng một tuần qua, tại thủ đô Nhật Bản, số lượng nhiễm Covid đã bùng nổ, tăng 217%, trong khi đó số ca nhiễm mới hàng ngày của cả nước đã vượt qua con số 10 ngàn người. Tình trạng khẩn cấp y tế tiếp tục được mở rộng ra thêm nhiều vùng trong nước Nhật. Chính phủ Nhật đã cho thấy mình bị quá tải với tình hình dịch bệnh, các thông tin về tình hình dịch của chính phủ không còn thuyết phục được dân chúng.

Theo thủ tướng Suga, « Thế Vận Hội không có tác động gì đến tình trạng lây nhiễm bùng phát ». Nhưng nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra. Hàng nghìn cảnh sát, người tình nguyện đến từ khắp nơi trong nước để phục vụ sự kiện, đa số họ không tiêm phòng Covid-19, nhưng lại phải di chuyển tự do khắp thủ đô và rồi họ sẽ phải trở về nhà mình sau sự kiện. Họ có thể là những đối tượng mang và phát tán virus. 

Sau khai mạc Thế Vận Hội, dần dần thủ đô Tokyo đang lấy lại không khí ngày hội, theo ghi nhận của Le Monde, các khu phố sầm uất đang trở lại nhịp sống trước đây, quán hàng được mở đến sau 20 giờ. 

Theo tác giả bài báo : Kỳ Thế vận hội này đã lộ rõ hố ngăn cách lớn giữa người dân Nhật và một chính phủ bị trói buộc bởi sứ mệnh Olympic, chống đỡ khó khăn với trận đại dịch mà có vẻ như họ đang mất kiểm soát. Chính phủ cũng bất lực với việc người dân không tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch.  

Hỏa hoạn phá hỏng mùa du lịch ở Nam Âu 

Một số nước như Hy Lạp, Ý, hay Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng mùa hè này vực dậy ngành du lịch, bị đại dịch Covid-19 đánh quỵ từ hai năm qua. Nhưng trời không chiều lòng người.

Theo Les Echos, các vụ cháy rừng đang đe dọa ngành du lịch ở Nam Âu. Ở các nước nằm ven bờ Địa Trung Hải như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, trong tháng 7 đã thống kê được 1600 vụ cháy rừng. Riêng trong 48 giờ qua đã có 116 vụ.

Nguyên nhân chính là do khu vực này đang trải qua một mùa nắng nóng chưa từng có trong lịch sử, có nơi như thủ đô Athens, nhiệt độ lên tới trên 44°C hay tại Thổ Nhĩ Kỳ có vùng nhiệt độ trong ngày tới 49°C. Hàng chục nghìn hecta rừng bị đốt cháy, phần lớn các vụ hỏa hoạn đều không thể kiểm soát nổi. Sau một năm 2020 tai họa vì đại dịch, đây lại là một đòn đánh mạnh vào ngành du lịch các nước đang mong chờ được đón các du khách nghỉ hè trở lại để phục hồi.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210804-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-b%E1%BA%A3n-ch%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%99c-t%C3%A0i-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1