Ðiểm Báo Pháp – 3/8/21
Trung Quốc: Khi hoàng đế Tập phải đối mặt với sự trơ ì từ giới chức địa phương…
Tờ báo Pháp L’Opinion (số ra ngày 03/08/2021) trong bài viết đề tựa « Tại Trung Quốc, chủ nghĩa tập quyền khiến chính quyền địa phương trơ ì, làm suy yếu đất nước » cho rằng, những trận lũ lụt gần đây tàn phá miền trung Trung Quốc và gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng là hệ quả của việc thiếu các sáng kiến từ giới chức địa phương. Quảng cáo
Thời sự châu Á trên các trang báo lớn của Pháp hôm nay khá hiếm. Le Monde có bài viết nói về « Nhà độc tài Miến Điện tự phong thủ tướng ». Chủ Nhật, ngày 01/08/2021, đúng sáu tháng sau cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi do dân bầu và sau khi thông báo hủy kết quả bầu cử tháng 11/2020, lãnh đạo tập đoàn quân sự tự tuyên bố là lãnh đạo « chính phủ lâm thời » và chỉ sẽ cho tổ chức bầu cử lại vào tháng 8/2023.
Libération, trong một góc nhỏ « Thảm họa biến đổi khí hậu », cho biết ở Trung Quốc, chỉ trong vòng có ba ngày, lượng mưa rơi ngang bằng trong một năm, một điều chưa từng thấy trong vòng 6 thập niên qua. Tại Hà Nam (miền trung phía đông Trung Quốc), số nạn nhân tăng đột biến. Ít nhất có hơn 300 người chết, và 50 người mất tích theo như số liệu do chính quyền công bố ngày hôm qua.
Không chỉ thị, không hành động
Về vụ việc này, tờ L’Opinion, một tờ báo có xu hướng tự do, ủng hộ châu Âu và thân doanh nghiệp, trong mục « Không phải lỗi của tôi » có bài nhận định, những trận lũ lụt đó tại Trung Quốc một lần nữa cho thấy tình trạng thiếu sáng kiến từ các chính quyền địa phương.
Tờ báo nhắc lại đại dịch virus corona có thể bùng phát từ Vũ Hán và lan rộng tại Trung Quốc rồi vượt ra cả ngoài biên giới cách nay hơn 18 tháng, một phần lớn là có liên quan đến việc thiếu sáng kiến từ những viên chức quan liêu ở phường xã và tỉnh thành. Và cũng chính thái độ thụ động này mà số người thiệt mạng trong những trận lũ lụt vừa qua ở Hà Nam, nhất là ở Trịnh Châu mới tăng cao như vậy.
Hàng chục báo động đỏ, cảnh báo nguy cơ mưa lớn như thác lũ trong những ngày sắp tới đã được đưa ra từ rất sớm nhưng các quan chức địa phương vẫn không mảy may có sáng kiến nào, chỉ chực chờ nhận lệnh từ cấp trên để đình chỉ các hoạt động tại thành phố có hơn 10 triệu dân. Xe buýt ngưng hoạt động nhưng các tuyến tầu điện ngầm vẫn hoạt động. Hệ quả là ngày 22/7, 200mm nước đổ ập xuống chỉ trong vòng có một giờ, làm 292 người chết, trong đó có 14 người trong tầu điện ngầm.
Theo tờ báo, sự nhút nhát này của chính quyền địa phương trùng khớp với việc phát hành một tuyển tập cách đó vài hôm, trong đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cũng là tổng bí thư đảng Cộng Sản, bày tỏ sự bất bình trước việc giới công chức thiếu sáng kiến. Trong tuyển tập này, người ta có thể đọc : « Một số người chỉ làm việc khi nào họ nhận được lệnh bằng văn bản do ban lãnh đạo ban hành và họ sẽ chẳng làm gì nếu không có những chỉ dẫn đó ».
Đảng Cộng sản : Phiên bản hiện đại bộ Lễ thời Càn Long ?
Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tuy hiện diện khắp nơi, nhưng giờ phải đối mặt với tình trạng trơ ì ở cấp dưới trong hệ thống. Chủ nghĩa tập quyền tại Trung Quốc, được củng cố trong nhiều năm qua dưới thời Tập Cận Bình, cũng không lạ lẫm gì với tình trạng này. Chỉ thị bằng văn bản là một trong những phương tiện kiểm soát hiệu quả nhất để ban lãnh đạo đất nước quản lý các mối liên hệ với các quan chức địa phương, những người vốn dĩ cũng không muốn liều lĩnh.
Thứ chủ nghĩa tập quyền này vốn dĩ đã tồn tại trong lịch sử Trung Quốc. L’Opinion nhắc lại trong tác phẩm « The Last Embassy » (nhà xuất bản Princeton University Press 2021), kể lại chuyến công du Bắc Kinh của nhà ngoại giao người Hà Lan, ông Tonio Andrade, cho thấy là hoàng đế Càn Long cũng từng cai trị đất nước theo cùng một cách. Vào thời đó, chính bộ Lễ là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các chiếu chỉ. Ngày nay, công việc này do Đảng đảm trách. Trong cả hai trường hợp, cách điều hành này chỉ làm cho người ta trở nên thụ động, chỉ có thể gây thiệt hại trong trường hợp có khủng hoảng hay những sự kiện bất thường.
Trước tình trạng này, Tập Cận Bình kêu gọi giới chức bạo dạn gánh vác thêm trách nhiệm. Nhưng mỉa mai thay, cuộc khủng hoảng dịch tễ đã mang lại cho ông cơ hội thâu tóm thêm quyền lực và gia tăng ảnh hưởng của Đảng. Chiến dịch chống tham nhũng cho phép ông loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích, những kẻ xấu xa, thì giờ đây Tập Cận Bình phải đối mặt với một sự trơ ì ngày càng lan rộng, có nguy cơ làm lung lay tính chính đáng của ông và làm suy yếu đất nước.
Liban: Một năm sau vụ nổ long trời lở đất, bí ẩn vẫn bao trùm!
Trang nhất các báo Pháp hôm nay khá dàn trải. Le Figaro trên trang nhất nói đến « Châu Âu đón hè dưới áp lực di dân cao độ ». Le Monde quan tâm đến « Nỗi tuyệt vọng của thiếu niên kịch phát do đại dịch ». La Croix cho biết « Các hoạt động hướng đạo mở rộng cửa cho nhiều đối tượng ». Còn Les Echos tự hỏi « Làm thế nào ngành lắp ráp xe ô tô vượt qua được thách thức xe điện ».
Tuy nhiên, trang nhất của Le Monde và Libération còn cùng nhìn về Liban, một năm sau vụ nổ hóa chất làm rung chuyển đất trời, hơn hai trăm người chết, 6.500 người bị thương và 300 ngàn người trong nháy mắt biến thành những kẻ vô gia cư. Hai nhật báo lần lượt đề tít « Beyrouth một năm sau » và « Một năm sau vụ nổ, Beyrouth vẫn chưa có câu trả lời ».
Bởi vì, một năm qua, gia đình các nạn nhân ra sức đấu tranh đòi công lý, đòi sự thật nhưng bất thành. Le Monde nhắc lại, ngày 04/08/2020, hai tiếng nổ long trời lở đất đã làm rung chuyển cả thủ đô Beyrouth, một trận sóng thần khói bụi đổ ập xuống những nơi nào nó đi qua. Nguyên nhân của vụ nổ được cho là từ hơn 2.750 tấn amoni nitrat được cất chứa trong kho tại một cảng biển từ 6 năm qua.
Ngoài những con số thiệt hại nhân mạng và tài sản nêu trên, Liên Hiệp Quốc còn cho biết 73.000 căn hộ, 163 ngôi trường và 6 bệnh viện đã bị phá hủy hay hư hại nặng. Trong tíc tắc, một bầu không khí tang tóc và nỗi tuyệt vọng bao trùm cả Beyrouth, vốn dĩ đã bị đè bẹp bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế với một mức độ dữ dội chưa từng có.
Một năm sau, chấn thương vẫn còn đó. Libération nêu lên một loạt các câu hỏi cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời : Làm thế nào và tại sao một lượng lớn chất nổ có thể đến được cảng biển ? Tại sao chúng có thể được cất chứa tại cảng lâu đến như thế và vì mục đích gì ? Tại sao và làm thế nào vụ nổ có thể xảy ra vào ngày 04/08/2020 ? Trách nhiệm thuộc về ai ? Bí ẩn vụ nổ vẫn bao trùm trong khi mà cuộc điều tra của thẩm phán Bitar một năm qua vẫn không tiến triển do nhiều áp lực chính trị trong nước.
Iran: Ebrahim Raissi, người thách thức phương Tây
Về thời sự Trung Đông, ngoài chủ đề «Đà tiến nhanh của phe Taliban ở Afghanistan » (Les Echos) và « Washington tố cáo Iran tấn công tầu dầu ngoài khơi biển Oman» (Le Monde), các báo khác như Le Figaro, Les Echos hay La Croix cũng dành một trang để nhận định, phân tích về việc ông Ebrahim Raissi chính thức nhậm chức tổng thống Iran.
Làm thế nào dỡ bỏ lệnh cấm vận đang làm kiệt quệ nền kinh tế đất nước, chính là một trong những thách thức lớn nhất cho tân tổng thống, người cam kết tiến hành các cuộc thương lượng tế nhị với các cường quốc phương Tây.
Đây sẽ còn là một cuộc đọ sức căng thẳng cho phương Tây với quốc gia Hồi giáo này. Việc ông Ebrahim Raissi, một nhân vật cực kỳ bảo thủ, người thân cận của giáo chủ Ali Khamenei lên cầm quyền còn cho thấy «Iran khép dần cánh cửa đàm phán về hạt nhân» như tựa đề bài viết của La Croix. Đường lối đối ngoại của nước này đối với phương Tây sẽ nghiêm ngặt hơn và cứng rắn hơn so với chính phủ của tổng thống tiền nhiệm Hassan Rohani, vốn có chủ trương ôn hòa hơn.
Chính quyền Biden hy vọng trong vòng 6 tuần chờ chuyển giao quyền lực có thể cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân, nhưng các cuộc đàm phán đều rơi vào bế tắc. Bởi vì, theo La Croix, người thật sự định hướng đường lối đối ngoại cho Iran là giáo chủ Ali Khamenei chứ không phải là tổng thống. Khi chủ trì lễ nhậm chức của ông Ebrahim Raissi, nhân vật lãnh tụ tôn giáo không quên nhắc nhở: «Chớ có quên bài học kinh nghiệm đã qua, và đừng bao giờ tin vào phương Tây»!
Trong trước mắt, « Iran lại rung chuyển vì những làn sóng phản đối », Les Echos lưu ý. Từ năm ngày qua, nhiều cuộc biểu tình quy tụ hàng ngàn người tuần hành trong đêm, đang lan rộng ở nhiều thành phố nhằm phản đối tình trạng khan hiếm nước và điện.
Pfizer và Moderna làm giầu nhờ Covid-19
Cuối cùng, tình hình dịch bệnh Covid-19 và những hệ quả của chúng đối với kinh tế, xã hội là những chủ đề không thể thiếu trên nhiều mặt báo.
Le Figaro cho biết «Các dược sĩ đối mặt với tình trạng bùng nổ xét nghiệm». Mùa hè đến, người dân đi nghỉ nhiều, rồi một làn sóng dịch bệnh mới, mở rộng giấy chứng nhận y tế trong nhiều không gian công cộng vào lúc có nhiều người Pháp vẫn chưa chịu tiêm ngừa, trong bối cảnh này, các nhà thuốc lo ngại thiếu người để tiến hành xét nghiệm.
Rồi cũng Le Figaro tự hỏi: «Phải chăng vác-xin kém hiệu quả trước biến thể Delta»? Trước tình trạng «cơn phẫn nộ của những người chống giấy chứng nhận y tế vẫn không suy giảm» (Le Monde), tổng thống «Macron phản công trước nạn tin đồn giả dối về tiêm ngừa», như loan báo của Les Echos.
Trong khi nước Pháp trăm sự rối bời, thì hai hãng dược Pfizer và Moderna, trong thế mạnh, lại thông báo tăng giá bán vac-xin trong các đợt giao hàng sắp tới cho châu Âu.
La Croix nhìn nhận, hai loại vac-xin này có hiệu quả cao và khả năng sản xuất của hai hãng dược này không ngừng gia tăng. Tính đến hôm nay, hàng tỷ liều vac-xin đã được phân phối, lợi nhuận đạt kỷ lục. Có thể nói, trong cuộc đua này, Pfizer và Moderna đã bỏ xa các đối thủ.
Vẫn theo La Croix, khi trích dẫn nguồn tin từ Financial Times, mức tăng giá này đã được Ủy Ban Châu Âu chấp nhận. Tuy nhiên, thông tin này đã không được cả Ủy Ban Châu Âu lẫn hai hãng dược xác nhận, dưới danh nghĩa bí mật thương vụ.
Tuy nhiên, theo giải thích của Clément Beaune – Quốc Vụ Khanh về đối ngoại châu Âu, trên đài RFI, «đây sẽ là một sản phẩm tương thích với biến thể Delta. Đây là một trong số các đòi hỏi của Liên Hiệp Châu Âu trong các cuộc thương lượng đang diễn ra. Sản phẩm sẽ được sản xuất trên lãnh thổ châu Âu với lịch trình giao hàng cụ thể hơn, có ràng buộc các điều khoản phạt vạ nếu như thời hạn giao hàng không được tuân thủ.»
Ông Beaune lưu ý thêm: «Các loại vac-xin này sẽ đắt hơn không chỉ ở Liên Hiệp Châu Âu, mà cả cho những khách hàng khác nữa!».
Minh Anh