Tin Tổng Hợp – 2/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 2/8/21

Chuyên gia: Bắc Kinh thiết lập ‘Vạn lý trường thành dưới nước’ ở Biển Đông?

Trung Quốc đang xây dựng hệ thống phòng thủ ở Biển Đông để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền…..

Phó Giám đốc Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương tại Chatham House, ông Bill Hayton nói với Express.co.uk rằng: “Trung Quốc muốn nhấn mạnh, rằng các bãi đá và rặng san hô bên trong “đường chín đoạn” – cái mà họ đơn phương đặt ra, đều thuộc về họ”.

Bắc Kinh thiết lập ‘Vạn lý trường thành dưới nước’ ở Biển Đông để do thám các nước xung quanh (ảnh minh họa: Youtube/US GEGE).

“Nghiên cứu lịch sử của riêng tôi đã chỉ ra rằng điều đó thật hoang đường. Bởi trước thế chiến thứ 2, Trung Quốc đã không tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá và rạn san hô ở phần phía nam này. Ý kiến ​​cho rằng đây là một tuyên bố có yếu tố lịch sử là sai. Tôi nghĩ họ đang tìm cách khai thác dầu khí cũng như thu hoạch tất cả cá ở Biển Đông”.

Ông Bill Hayton nhận định: “Tôi cũng nghĩ rằng họ muốn giấu các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của mình ở vùng nước sâu ở giữa Biển Đông, như là một biện pháp phòng thủ chiến lược để trả đũa hạt nhân. Đồng thời cũng có thể có một số lý do đằng sau hành động của Trung Quốc”.

Trước đây, Trung Quốc đã bị lên án vì đã xây dựng “Vạn lý trường thành dưới nước” ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông để do thám các nước xung quanh.

Nhiều radar trôi nổi trong vùng nước Trung Quốc nhưng một số lại ở vùng biển quốc tế. Dịch vụ hình ảnh vệ tinh Orion đã lập bản đồ thiết bị giám sát mà họ cho rằng “điều đó có thể củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc so với các nước khác trong khu vực và có thể được sử dụng để theo dõi các hoạt động của Hải quân Mỹ”.

Nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (CSIS) cho thấy các nền tảng giám sát là một phần của “Mạng Thông tin Đại dương Xanh” của Trung Quốc.

Theo Forbes, các bệ được lắp đặt các tháp pháo cảm biến điện quang/ hồng ngoại, vô tuyến tần số cao và cột sóng di động.

Với vị trí gần Hoàng Sa và Trường Sa, chúng sẽ tăng cường độ phủ sóng radar của Trung Quốc về Biển Đông.

Trung Quốc hiện giám sát các tàu với nhiều cảm biến, được triển khai ở độ sâu tới 2.000 mét dưới mực nước biển, được mệnh danh là “Vạn lý trường thành dưới nước”.

Tâm Tuệ

https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-bac-kinh-thiet-lap-van-ly-truong-thanh-duoi-nuoc-o-bien-dong.html

ASEAN họp bàn bổ nhiệm đặc sứ đến Miến Điện

Ảnh tư liệu : Cuộc họp trực tiếp của lãnh đạo các nước ASEAN bàn về tình hình Miến Điện, được tổ chức tại trụ sở ban thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesian, ngày 24/04/2021.
Ảnh tư liệu : Cuộc họp trực tiếp của lãnh đạo các nước ASEAN bàn về tình hình Miến Điện, được tổ chức tại trụ sở ban thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesian, ngày 24/04/2021. AP – Laily Rachev

Sáu tháng sau khi quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi và đẩy đất nước vào khủng hoảng, trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng khối Đông Nam Á ASEAN trực tuyến, lãnh đạo ngoại giao của 10 thành viên hôm nay 02/08/2021 đã thảo luận về tình hình Miến Điện, đặc biệt về việc bổ nhiệm một đặc sứ đến quốc gia này nhằm chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa tập đoàn quân sự cầm quyền và phe đối lập. Quảng cáo

Trang Nikkei Asia cho biết cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN kéo dài khoảng 5 tiếng thay vì 2 tiếng như dự kiến ban đầu.

Theo ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi, cuộc thảo luận diễn ra “rất cởi mở” nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có tiến triển rõ ràng trong việc tìm được một giải pháp cho vấn đề Miến Điện. Indonesia kêu gọi Miến Điện và ASEAN tiến tới chấp thuận một đặc sứ của khối tại Miến Điện.

Các nhà ngoại giao cho Reuters biết có nhiều khả năng thứ trưởng Ngoại Giao Brunei Erywan Yusof, sẽ được bổ nhiệm vào vị trí này.

Phiên họp của ASEAN diễn ra sau khi quân đội Miến Điện hôm qua tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời và tướng Min Aung Hlaing tự xưng là thủ tướng.

Từ Bangkok, thông tín viên khu vực Carole Isoux cho biết thêm chi tiết:

«Mười nước ASEAN trong ngày hôm nay phải khẳng định danh tính của vị đặc sứ này. Hai ứng viên được nhiều sự ủng hộ là Erywan Yusof, thứ trưởng Ngoại Giao Brunei, người được cộng đồng quốc tế ủng hộ và Virasakdi Futrakul của Thái Lan, người được các tướng lĩnh Miến Điện ưa thích hơn.

Đó là bởi vì có hai cách tiếp cận trái ngược nhau trong nội bộ ASEAN. Một bên là những người ủng hộ cuộc đối đầu thẳng thừng với các tướng lĩnh Miến Điện và tổ chức các cuộc họp với phe đối lập chính trị Miến Điện. Đó là trường hợp của các nước Indonesia, Singapore hay Malaysia. Chính thủ tướng Malaysia Muhidyin Yasin đã có những lời lẽ rất cứng rắn với tập đoàn quân sự Miến Điện. Còn bên kia là những người ủng hộ cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn. Đó là trường hợp của các nước láng giềng ngay sát Miến Điện, trước tiên là Thái Lan, sau đó là Cam Bốt và Việt Nam.

Thái Lan là một trường hợp đặc biệt do các tướng lĩnh lên nắm quyền qua một cuộc đảo chính hồi năm 2014, nhưng sau đó được hợp pháp hóa qua các lá phiếu bầu cử nhờ có các cuộc cải cách. Do vậy, Thái Lan có thể đại diện cho một mô hình khả thi cho các tướng lĩnh Miến Điện. ASEAN vẫn gắn với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, nhất là vì những lý do lịch sử gắn với quá khứ thuộc địa của khu vực. Vì thế, tiến trình ngoại giao sẽ lâu và thận trọng».

Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210802-asean-h%E1%BB%8Dp-b%C3%A0n-b%E1%BB%95-nhi%E1%BB%87m-%C4%91%E1%BA%B7c-s%E1%BB%A9-%C4%91%E1%BA%BFn-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

Bắc Kinh cảnh báo: Nhật – Mỹ không được xâm phạm lợi ích của Trung Quốc

Ảnh tư liệu : Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật tại Bắc Kinh ngày 23/12/2019.
Ảnh tư liệu : Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật tại Bắc Kinh ngày 23/12/2019. AP – Noel Celis

Trung Quốc lo ngại trước việc Nhật Bản siết chặt hợp tác với Hoa Kỳ trong hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền đến Đài Loan. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản lên tiếng cảnh báo liên minh Tokyo – Washington không được xâm phạm lợi ích của Bắc Kinh. 

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, tại một diễn đàn của Hiệp hội Học thuật Quốc tế về Cộng đồng Châu Á (International Academic Society for Asian Community), tổ chức tại Nhật ngày 30/07/2021, đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) nhận định: «Thái độ tùy tiện của Nhật Bản trong các vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông nổi rõ trong những ngày gần đây, làm cản trở nghiêm trọng quan hệ Trung – Nhật».

Đại sứ Trung Quốc yêu cầu «liên minh Nhật-Mỹ không được làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc», đồng thời bày tỏ hy vọng «Nhật Bản, với tư cách là quốc gia láng giềng gần gũi của Trung Quốc, sẽ giữ vững cam kết, thể hiện sự tôn trọng cơ bản đối với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, ngừng làm tổn hại đến các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc».

Cảnh báo của đại sứ Trung Quốc được đưa ra sau khi Nhật Bản thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ nỗ lực của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đồng minh truyền thống để kiềm chế Trung Quốc trong một loạt vấn đề, từ nhân quyền đến an ninh khu vực.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, « trong những tháng qua, một số quan chức cấp cao của Nhật Bản đã phá vỡ quan điểm trung lập truyền thống của Tokyo để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan », hòn đảo độc lập trên thực tế mà Bắc Kinh coi như một tỉnh nổi loạn, và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần. Ngày 13/07/2021, sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản lần đầu tiên khẳng định một Đài Loan « ổn định » là vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật.

Báo Anh Finantical Times hôm nay, 02/08, dẫn nguồn tin từ 6 sĩ quan gần gũi với hồ sơ này, cho hay các quan chức quân sự Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bắt đầu bàn thảo kế hoạch đối phó với kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan, bao gồm một số tập trận chung.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210802-b%E1%BA%AFc-kinh-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-nh%E1%BA%ADt-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-x%C3%A2m-ph%E1%BA%A1m-l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

Thượng nghị sĩ Mỹ tiết lộ dự luật hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đôla

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer.

Hôm 1/8, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ vừa giới thiệu một kế hoạch sâu rộng lưỡng đảng trị giá 1 nghìn tỷ đôla để đầu tư vào đường xá, cầu, cảng, internet tốc độ cao và các cơ sở hạ tầng khác, với một số dự đoán rằng hạ viện có thể thông qua đạo luật về công trình công cộng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua trong tuần này, theo Reuters.

Gói cơ sở hạ tầng khổng lồ, một mục tiêu đã bị Quốc hội bỏ qua trong nhiều năm, là ưu tiên lập pháp hàng đầu của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người tuyên bố hôm 1/8 rằng đó là khoản đầu tư lớn nhất trong một thế kỷ.

Các thượng nghị sĩ cho biết dự luật dài 2.702 trang trong đó cho phép cấp ngân sách 550 tỷ đôla trong 5 năm cho các hạng mục như đường bộ, đường sắt, trạm sạc xe điện và thay thế đường ống dẫn nước bằng chì ngoài con số 450 tỷ đôla trong ngân quỹ đã được phê duyệt trước đó.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, một thành viên Đảng Dân chủ đại diện bang New York, phát biểu về luật này sau khi được một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng công bố: “Tôi tin rằng chúng tôi có thể nhanh chóng xử lý các sửa đổi liên quan và thông qua dự luật này trong vài ngày”.

“Đây là một dự luật thực sự quan trọng vì nó giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lớn, cũ kỹ và lạc hậu của chúng ta. Điều đó tốt cho tất cả mọi người”, Thượng nghị sĩ Rob Portman, nhà đàm phán chính của Đảng Cộng hòa cho biết.

Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích dự luật là quá tốn kém.

“Tôi thực sự lo ngại về dự luật này”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Lee nói trong một bài phát biểu tại Thượng viện. “Tất cả đều không ổn với cách chúng ta tiêu tiền.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu các thượng nghị sĩ bên ngoài nhóm lưỡng đảng đàm phán dự luật này có đưa ra những sửa đổi nào làm đảo lộn liên minh vốn đã mỏng manh này hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-tiet-lo-du-luat-ha-tang/5987485.html

(RFI) – Hỏa hoạn lan mạnh ở nam Âu. Các đợt nắng nóng tràn qua nam Âu và một số quốc gia vùng Địa Trung Hải khiến các nước này hứng chịu nhiều vụ hỏa hoạn. Hàng chục ngàn hecta rừng bị thiêu rụi, người dân nhiều làng mạc phải sơ tán. Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu đợt hỏa hoạn tồi tệ nhất trong thập kỷ qua, gần 95.000 hecta rừng bị thiêu rụi. Tại Hy Lạp, do đợt nắng nóng lịch sử, từ đầu năm đến nay gần diện rừng bị cháy cao gấp đôi so với mức trung bình 15 năm qua. Nhiệt độ tại Hy Lạp trong những ngày tới có thể lên đến 46 độ C. Ý trong những ngày qua cũng ghi nhận hơn 800 đám cháy.

(AFP) – Pháp tăng cường phòng chống bạo lực gia đình. Bộ trưởng Tư Pháp Darmanin ngày 01/08/2021 thông báo tăng cường các biện pháp mới chống bạo lực gia đình. Trả lời báo Le Parisien, bộ trưởng Darmanin cho biết trong năm 2020 tại Pháp có 102 phụ nữ thiệt mạng do bị bạn đời bạo hành. Con số này ở nam giới là 23. Đây là những con số thấp nhất trong 15 năm qua, nhưng số vụ cảnh sát phải can thiệp để giải cứu nạn nhân của các vụ bạo hành vẫn ở mức cao : 400.000 lần (45 vụ ứng cứu mỗi giờ). Bạo lực gia đình là lý do khiến cảnh sát phải can thiệp nhiều nhất.

(AFP) – Washington sẽ đón thêm hàng nghìn người tị nạn Afghanistan, đặc biệt là các thông dịch viên cho quân đội Mỹ. Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm nay, 02/08/2021, tuyên bố : « Trong bối cảnh bạo lực Taliban gia tăng, chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực để cung cấp cho một số người Afghanistan, bao gồm cả những người đã từng làm việc với Hoa Kỳ, cơ hội hưởng lợi từ các chương trình tiếp nhận người tị nạn tại Hoa Kỳ ». Quyết định của bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ «mở rộng khả năng tái định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ cho vài nghìn người Afghanistan và các thành viên trong gia đình trực hệ của họ, những người có thể gặp nguy hiểm do ở gần người Mỹ, nhưng không đủ điều kiện để được Hoa Kỳ cấp thị thực nhập cư đặc biệt» cho đến nay.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210802-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p