Tin Trong Nước – 1/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 1/8/21

Video: Người phụ nữ tốt bụng cứu trợ đồ ăn kèm 500 nghìn cho đoàn xe từ Saigon về

ÐCS ở đâu? Không thấy kẻ nào “làm người tử tế” ra giúp dân? – BBT

Trước cuộc sống khó khăn vì thất nghiệp và bệnh dịch ở TP Saigon phức tạp, người dân ùn ùn rời khỏi TP này bằng phương tiện xe máy, hiểu được nỗi khổ của người dân và sự vất vả khi đi đường xa để về quê nhà. Một người phụ nữ tốt bụng ở Huế đã mang thức ăn và tiền mặt để chia sẻ, phát cho người chạy xe máy từ miền Nam về khiến nhiều người cảm kích và xúc động vô cùng.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một người phụ nữ cùng đoàn từ thiện của mình (ở Huế) phân phát cơm miễn phí cho cho những người từ vùng dịch về quê bằng xe máy thu hút nhiều sự chú ý.

Từng bọc thức ăn đã được đóng thành túi riêng sạch sẽ và cẩn thận, chỉ chờ được đem cho. Kèm theo đó là dòng trạng thái được trang Thethaovanhoa đăng tải: “Cảm ơn mọi người đã tiếp sức cùng bọn em để bà con đi lại an toàn”. Không những vậy, người phụ nữ này còn nhanh nhẹn chạy tới dúi vào tay họ, mỗi xe một tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng cùng lời chúc “thượng lộ bình an”.

Trước lòng tốt của những cá nhân tưởng chừng như xa lạ, đoàn phương tiện mang biển số 75 (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã vô cùng cảm kích. Ai cũng rối rít nói lời cảm ơn, trước khi tiếp tục hành trình còn không quên cúi chào tạm biệt sau khi nhận được sự trợ giúp vô cùng thiết thực ấy.

Đoạn clip ngắn vừa mới đăng tải được vài giờ đã nhận “bão thả tim” của cư dân mạng với gần 300 nghìn lượt yêu thích. Nhiều người thậm chí còn xúc động.

Kính mời độc giả xem video ghi lại sự việc: https://video3.dkn.news/static/embed/085/cc6ef7.html

Người dân tốt bụng luôn ở khắp nơi, theo báo Thanh Niên, một người phụ nữ ở Nghệ An hôm qua 30/7 cũng đã mang một thùng đựng tiền ra đứng ở đầu cầu Bến Thủy 2 (TP. Vinh) để chia sẻ, phát cho mỗi người chạy xe máy từ miền Nam về quê 500 nghìn đồng cùng gói xôi giò để tiếp sức.

Ảnh chụp màn hình Thanh Niên.

Chị Hiền cho biết, những ngày qua, hình ảnh và thông tin đăng tải trên báo chí, mạng xã hội về những người chạy xe máy hàng ngàn cây số để về quê trốn dịch, trên xe có cả những trẻ con khiến chị xúc động. Chị đã quyết định sử dụng 50 triệu đồng của gia đình để chia sẻ với những người phải chạy xe máy về quê.

Theo Hiểu Minh – 31/7/21

https://www.dkn.tv/thoi-su/video-nguoi-phu-nu-tot-bung-cuu-tro-do-an-kem-500-nghin-cho-doan-xe-tu-tp-hcm-ve.html

Tin COVID sáng 1/8: Thêm 4.374 ca COVID-19; Thủ tướng yêu cầu ‘Ai ở đâu ở đấy’

Ảnh minh hoạ.

Thêm 4.374 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 1/8 công bố Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2 ca nhập cảnh và 4.372 ca ở 19 tỉnh thành, trong đó có 884 ca cộng đồng.

4.372 ca ghi nhận tại: TP.HCM (2.027), Bình Dương (1.415), Long An (318), Đồng Nai (262), Hà Nội (67), Vĩnh Long (50), Bà Rịa – Vũng Tàu (46), Hậu Giang (37), Bến Tre (32), Kiên Giang (24), Phú Yên (22), Trà Vinh (22), An Giang (21), Đồng Tháp (16), Thanh Hóa (6), Quảng Trị (3), Hải Dương (2), Kon Tum (1), Hưng Yên (1).

Hiện, Việt Nam có 150.060 ca mắc gồm 2.241 bệnh nhân nhập cảnh và 147.819 bệnh nhân trong nước.

Thủ tướng yêu cầu ‘Ai ở đâu ở đấy’

Thanhnien – Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày (31/7), Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063 về phòng chống dịch COVID-19.

Thứ nhất, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch.

Thứ hai, các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn.

Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Thứ ba, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 969 ngày 17/7.

Thứ tư, vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”.

Thứ năm,  Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo công khai, minh bạch, kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch.

Thứ sáu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh, hiệu quả theo quy trình rút gọn về hành chính việc sản xuất, cung ứng vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng đồng ý giảm tiền điện

Dân Trí – Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Mức hỗ trợ giảm giá điện là giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng.

Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.

Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là hai tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 năm nay. 

Các cơ sở cách ly y tế người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người đang cách ly sẽ được giảm 100% tiền điện.

Cụ thể, các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian có người đang thực hiện cách ly y tế đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 không thu chi phí hoặc có thu một số khoản chi phí của người phải cách ly.

Thứ hai, mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện khác. Mức hỗ trợ: Giảm 100% tiền điện.

Thời gian hỗ trợ là 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm nay.

Một triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc về tới TP.HCM

Báo VnExpress đưa tin, Bộ Y tế chiều 31/7 cho biết, TP.HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm Trung Quốc do công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND thành phố.

Theo dự kiến phân bổ vắc-xin năm 2021, TP.HCM sẽ nhận khoảng 13,8 triệu liều, bảo  đảm tỷ lệ khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm. Riêng trong tháng 8, dự kiến thành phố sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Hà Nội 74 ca dương tính trong ngày 31/7, ca cộng đồng nhiều hơn ca cách ly

Tính đến 18h tối là 74 ca, giảm hơn so với ngày 30/7. Tính đến ngày 31/7, Hà Nội đã ghi nhận 1.174 ca bệnh COVID-19, trong đó có tới 700 ca từ cộng đồng, 474 ca là đối tượng đã được cách ly tập trung. 

Theo CDC Hà Nội, có 50 ca bệnh phát hiện qua khám sàng lọc các trường hợp ho sốt trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây và 269 ca bệnh ho sốt tại cộng đồng thứ phát (liên quan các ca bệnh và các khu vực phong tỏa).

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-ai-o-dau-o-day.html

Tiền Giang: Doanh nghiệp ‘sốc’ khi được thông báo tạm dừng khu công nghiệp

Doanh nghiệp Tiền giang sốc khi thông báo tạm ngưng sản xuất. (Ảnh: Thanh Niên).

Theo thông tin từ báo Người lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 4093 về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Phát biểu với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho hay, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp và thực tế thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch. Do đó, việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp là cần thiết, nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.

Việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều vấn đề rất nghiêm trọng: không bán được, lãi ngân hàng phải trả, doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng với siêu thị, nguy cơ bị mất thị trường, nguy cơ phá sản… rất lớn.

“Sốc” sau khi đã Chi ra hàng chục tỷ đồng thực hiện “3 tại chỗ”

Trước đó theo báo Thanh Niên đưa tin, đơn kêu cứu từ Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) xin được tiếp tục sản xuất đối với doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt “3 tại chỗ”. Theo doanh nghiệp này, đã thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, triển khai “3 tại chỗ”, Vạn Đức đã có nhiều chính sách đãi ngộ để kêu gọi công nhân duy trì sản xuất “3 tại chỗ”.

Cụ thể, công ty tổ chức phân luồng, ăn – ở sản xuất theo từng dây chuyền sản xuất để tránh nhiễm chéo, trong ngày 27/7 vừa qua, toàn bộ công nhân 100% xét nghiệm PCR có kết quả âm tính với COVID-19. Theo đó, thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang là “cú sốc lớn” khi doanh nghiệp đã chi hàng chục tỉ đồng để bố trí “3 tại chỗ”.

Doanh nghiệp khu công nghiệp được yêu cầu ngưng sản xuất tại Tiền Giang – Ảnh minh họa

Trong đơn kêu cứu, Công ty Vạn Đức cũng phản ánh rất nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp cũng như hàng nghìn lao động nếu UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu đóng cửa, dù đang làm tốt “ba tại chỗ”.

Điều kiện khó khăn để cung ứng thực phẩm cho xã hội, nếu tạm dừng sản xuất nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến người lao động, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thức ăn chăn nuôi của các nông hộ, trang trại, những người đang duy trì sản xuất.

Nguồn tin trên cũng cho hay, ngoài Công ty Vạn Đức, mới đây Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang đã có đơn kiến nghị gửi đến Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sau thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang tạm dừng đóng cửa khu công nghiệp.

Đại diện MNS Feed Tiền Giang cho rằng, từ ngày 15/7, doanh nghiệp này đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” với nhiều giải pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19. Người lao động bắt buộc phải đeo khẩu trang, doanh nghiệp bố trí đầy đủ phương tiện chống dịch, kiểm soát chặt chẽ người lao động. Doanh nghiệp này chưa phát hiện ca lây nhiễm nào trong nhà máy.

Hà Phương

https://www.dkn.tv/thoi-su/xa-hoi/tien-giang-doanh-nghiep-soc-khi-duoc-thong-bao-tam-dung-khu-cong-nghiep.html

Một giám đốc công ty bị khởi tố trong vụ án nâng giá tại Bệnh viện Tim Hà Nội

RFA – 30/7/21 – Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam hôm 29/7 khởi tố, bắt giam ông Phạm Huy Lập, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga, vì liên quan vụ án nâng giá xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Truyền thông nhà nước loan tin vừa nói hôm 30/7.

Hình minh hoạ: Bệnh viện Tim Hà Nội và bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó giám đốc bệnh viện. Courtesy Bộ Công An, RFA edit

Liên quan vụ án này, ngoài ông Phạm Huy Lập, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) còn ra Quyết định khởi tố đối, bắt giam đối với bà Phạm Thị Kim Oanh, Kế toán trưởng Công ty Thiết bị y tế Hoàng Nga, về tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.

Trước đó, vào ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an cũng đã khởi tố và bắt giam bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng một số cựu lãnh đạo khác của bệnh viện này để điều tra về tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.

Ngoài ra công an cũng khởi tố và bắt giam ba người khác là lãnh đạo của Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC – Việt Nam.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra, một số lãnh đạo và cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là Uỷ viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC – Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Công an xác định những vi phạm này đã làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-director-was-prosecuted-for-his-involvement-in-the-case-at-hanoi-heart-hospital-07302021075357.html

Việt Nam cấp phép cho Vingroup xây nhà máy sản xuất vaccine COVID-19

VOA Tiếng Việt – Việt Nam vừa cấp phép cho tập đoàn lớn nhất nước, Vingroup, xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ngay tại Hà Nội, giữa lúc đợt dịch thứ 4 đang hoành hành trên cả nước và số lượng người được tiêm chủng đầy đủ chỉ khoảng 2% dân số.

Vaccine mà Vingroup nhận chuyển giao từ công ty Mỹ được bào chế theo công nghệ mRNA, tương tự như vaccine Pfizer và Moderna.
Vaccine mà Vingroup nhận chuyển giao từ công ty Mỹ được bào chế theo công nghệ mRNA, tương tự như vaccine Pfizer và Moderna.

Tin cho hay dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 là 1 trong 5 dự án trọng điểm mà Việt Nam cho phép hoạt động trong thời gian phong toả và giãn cách xã hội đang được áp dụng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hơn một nửa tỉnh thành trên cả nước.

Được đặt tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nhà máy do công ty con của Vingroup là Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart làm chủ đầu tư, với công suất dự kiến 100 – 200 triệu liều vaccine/năm. Vingroup thành lập Vinbiocare vào đầu tháng 6/2021, với danh mục đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực dược phẩm.

Nhà máy của Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ Công ty Acturus, Hoa Kỳ, và dự kiến sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 8, sau đó sẽ đưa vào sản xuất và có mặt trên thị trường vào đầu năm 2022.

Được biết, vaccine mà Vingroup nhận chuyển giao từ công ty Mỹ được bào chế theo công nghệ mRNA, tương tự như vaccine Pfizer, nhưng được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, dễ dàng và thuận tiện hơn so với Pfizer phải bảo quản ở nhiệt độ -75 đến -85 độ C.

Trong một diễn tiến khác, hôm 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế xem xét và sớm cấp phép cho Nanocovax, một loại vaccine COVID-19 do Việt Nam tự bào chế, để có thể sớm đưa vào sử dụng, giữa bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguồn cung vaccine khan hiếm trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng.

“Trong bối cảnh cấp bách phải xem xét cấp phép nhanh để sớm đưa vaccine vào sử dụng. Yêu cầu an toàn là số một nhưng thủ tục phải nhanh trong tình hình cấp bách hiện nay”, VnExpress dẫn lời ông Phúc nói khi yêu cầu Bộ Y tế cải cách thủ tục hành chính và rút ngắn quy trình sản xuất vaccine.

Theo Bộ Y tế, cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 546.000 người trong tổng số 98 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực, so với Campuchia đã đạt hơn 40%, Thái Lan hơn 17%, Indonesia gần 17%.

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A5p-ph%C3%A9p-cho-vingroup-x%C3%A2y-nh%C3%A0-m%C3%A1y-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-vaccine-covid-19/5984943.html