Ðiểm Báo Pháp – 26/7/21
Nhà văn Mã Kiến: 70 năm cộng sản, Trung Quốc không còn tình người
Mã Kiến (Ma Jian), nhà văn tên tuổi của Trung Quốc đang lưu vong nhận định trên Le Monde «Tất cả người dân Trung Quốc đang bị đảng Cộng Sản cầm tù về tư tưởng».
Nhà văn kể lại cách đây vài năm khi đến Đài Loan dự một liên hoan văn chương, ông đến một khu chợ đêm tìm món tangyuan (thang viên, một loại chè trôi nước nhân mè đen) để đỡ nhớ quê hương. Bà chủ gian hàng đã bán hết, nhưng chỉ cho ông mua hàng đông lạnh ở siêu thị, mang về bà nấu giùm và nhất định không chịu lấy tiền. Sự tử tế của bà cụ không quen biết khiến nhà văn nhớ lại renqing (chữ Hán là nhân tình, tức tình người), giá trị Khổng giáo truyền thống nay đã phai nhạt ở Hoa lục.
Đảng Cộng Sản với 70 năm ngự trị, từ thời Mao đã bám chặt quyền lực bằng sự tàn bạo, tuyên truyền và dối trá. Công dân là những con cờ ngốc nghếch bị lóa mắt bởi một tương lai hoang tưởng, bị giam cầm trong địa ngục của hiện tại. Nhà độc tài bịt mắt dân chúng một cách dễ dàng.
Hồi năm 13 tuổi, sống sót sau trận đói kinh hoàng vì chính sách Đại nhảy vọt của Mao, anh chị em trong nhà phải ăn vỏ cây để đánh lừa cái đói, Mã Kiến vẫn ước mong được đứng vào đội ngũ Hồng vệ binh. Ước vọng lớn nhất của thế hệ ông thời đó là sau khi thanh trừng hết các phần tử tư sản tại Hoa lục, có thể sang Anh và Mỹ giải phóng nhân dân khỏi ách kềm kẹp của tư bản, chào đón họ gia nhập đại gia đình cách mạng.
Rồi dần dà với những màn đấu tố tập thể dã man, Mã Kiến bắt đầu nhận ra thảm họa phi nhân tính, chia rẽ con người thành những giai cấp, đấu tranh với nhau không ngơi nghỉ, hữu đấu với tả, láng giềng đấu với láng giềng. Các giá trị truyền thống như gia đình, tôn trọng người có tuổi bị tan vỡ, khi người ta khuyến khích con cái tố cáo cha mẹ. Không một tư tưởng nào ngoài Mao Trạch Đông được cho phép, chệch hướng một chút sẽ bị quy là « kẻ thù giai cấp » và bị tiêu diệt.
Ít nhất 45 triệu người đã chết đói vào thời Mao, nhiều triệu người nữa bị sát hại hay đàn áp trong Cách mạng Văn hóa. Có những khoảng thời gian ngắn ngủi xã hội được hưởng đôi chút làn gió tự do. Nhưng rồi chế độ đưa xe tăng cán nát người biểu tình Thiên An Môn năm 1989, tống giam Lưu Hiểu Ba cho đến khi giải Nobel Hòa bình chết trong tù, các nhà báo độc lập đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán người vào trại giam người mất tích, đàn áp Hồng Kông, Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ. Nhà văn kết luận, tất cả những người sống tại Hoa lục đều trở thành con tin của đảng.
Chuyên gia Pháp: Chỉ còn vài năm để điều tra nguồn gốc con virus ở Vũ Hán
Về Trung Quốc và đại dịch Covid, La Croix phỏng vấn ông Étienne Decroly, chuyên gia về cơ chế sao chép của các loại virus mới, giám đốc nghiên cứu CNRS về hậu quả của việc Trung Quốc hôm 23/07/2021 ngưng cho phép Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc Covid-19 tại Hoa lục.
Thái độ của Bắc Kinh liệu có ngăn cản việc tìm ra xuất xứ của con virus corona phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán ?
Nhà nghiên cứu giải thích, để tìm được nguồn gốc của SARS-CoV-2, cần phải điều tra ở nơi đại dịch khởi phát : kiểm tra ngân hàng máu, một số dữ liệu và mẫu vật đông lạnh tại các bệnh viện. Nếu do truyền từ một con vật trung gian, thì còn phải lấy mẫu trên những con vật ở các chợ, các trại nuôi súc vật trong vùng hay trong rừng, để có thể lần ra chuỗi lây nhiễm.
Có hai giả thiết : virus lây từ một con vật trung gian sang người, hoặc rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Dù là giả thiết nào, việc tìm ra nguyên nhân đại dịch sẽ giúp không phải đối mặt với một trận dịch tương tự trong vài năm tới.
Nếu là trường hợp thứ nhất, virus lây từ một con thú hoang sang vật nuôi rồi truyền sang người, chúng ta có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm nếu nhận diện được con vật trung gian. Tại Pháp, khi phát hiện được cúm gà ở một trang trại, lập tức tất cả gia cầm trong trại đều bị tiêu hủy để cắt đứt nguồn lây.
Trong trường hợp virus SARS-CoV-2 thoát ra khỏi phòng thí nghiệm, việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn mới là hết sức quan trọng. Đồng thời đặt ra câu hỏi về các nguy cơ liên quan đến những thí nghiệm lai tạo virus tại đây. Liệu có thể tiếp tục các thí nghiệm này trong khi không hề có một cơ chế quốc tế nào để kiểm tra như trong trường hợp nguyên tử ? Như vậy cần có sự phối hợp tầm quốc tế.
Chuyên gia Étienne Decroly cảnh báo, con virus xuất xứ từ Vũ Hán không để lại dấu vết lâu dài trong bộ gien người hay súc vật như trường hợp HIV, thế nên chúng ta chỉ còn có vài năm để tìm ra nguồn gốc. Nói cách khác, thời gian càng trôi đi thì nhân loại càng ít cơ hội nhận diện thủ phạm, và bây giờ đã là trễ. Tóm lại, không vào được Hoa lục để điều tra là cản ngại chủ yếu cho việc truy tìm.
Chính quyền Cuba trấn áp sau cuộc biểu tình lịch sử
Nhìn sang đảo quốc cộng sản Cuba, đặc phái viên Le Monde tại La Habana trong bài phóng sự « Nỗi sợ ở Cuba, đất nước khổ đau » nói về việc chính quyền ra tay bắt bớ sau cuộc biểu tình lịch sử.
Một nghệ sĩ 29 tuổi nói với nhà báo Pháp : « Chúng tôi đang trở thành một dân tộc của những người di cư và tù nhân. Nhưng ít nhất người ta không thể nói rằng người Cuba chẳng làm gì để tự giải phóng khỏi chế độ này ».
Theo tổ chức nhân quyền Cubalex, đã có trên 600 người bị bắt và mất tích. Trong những cuộc biểu tình sau đó, cảnh sát đến tận nhà những người ly khai bị nghi ngờ. Nhiều người nay đã được thả, nhưng số khác vẫn bị cầm tù như nghệ sĩ đối lập Luis Otero Alcantara, thủ lãnh phong trào San Isidro. Hơn một chục người đã lãnh án một năm tù, trong đó có đạo diễn điện ảnh Anyelo Troya, tác giả clip nhạc rap Patria y Vida (Tổ quốc và cuộc sống) đã trở thành bài ca của người biểu tình. Nhà tổ chức triển lãm tranh Solveig Font bị truy vấn có « nhận tiền của đế quốc Mỹ » không và nay bị quản thúc tại gia trong lúc chờ ra tòa. Gần hai chục nhà báo độc lập cũng bị bắt.
Sau cuộc biểu tình ngày 11/07, quân đội tuần tiễu trên đường phố, các xe quân sự chở lực lượng đặc biệt vũ trang mặc đồ màu đen ngang dọc các tuyến đường, im lặng bao trùm La Habana. Kể từ 17/07 cuộc sống mới dần trở lại bình thường, vẫn với sự hiện diện hùng hậu của quân đội và cảnh sát. Ở mỗi góc đường, cư dân tiếp tục xếp hàng dài để mua thực phẩm theo giá nhà nước. Cuộc chạy đua này chiếm hết toàn bộ thời giờ của họ, nảy sinh ra nghề xếp hàng thuê (colero).
Một người dân cho biết với sổ mua hàng phân phối (cartilla), mỗi nhân khẩu được tiêu chuẩn 3 ký rưỡi gạo mỗi tháng, nửa ký đậu đen, 400 gam thịt gà một tuần, không thể nào đủ ăn. Nếu muốn mua sữa bột, giấy vệ sinh…phải xếp hàng ở các cửa tiệm bán bằng ngoại hối. Bất bình đẳng đào sâu giữa các gia đình có người thân ở nước ngoài, có thể mua đô la và euro với giá chợ đen cao gấp ba và những người trắng tay, một nghịch lý ở đất nước hoang tưởng về « chủ nghĩa xã hội ».
Đoàn tàu của kiều dân Cuba thách thức La Habana tại ranh giới biển
Về phía kiều dân Cuba tại Mỹ, Le Figaro cho biết thêm về sự kiện « Một đoàn tàu chống chế độ Castro thách thức La Habana » : sáu con tàu của những người lưu vong ở Miami hôm thứ Sáu tuần trước đã áp sát vùng biển Cuba.
Được tuần duyên Mỹ hộ tống để tránh mọi sự cố, đoàn tàu rời Key West đến thả neo ở ranh giới trên biển với Cuba. Các nhà đấu tranh đợi đến tối để bắn lên những quả pháo bông có thể trông thấy tại nhiều khu phố thủ đô La Habana. Một trong những nhà tổ chức nói với hãng tin AP, họ đến vùng biển quốc tế để biểu lộ sự ủng hộ cư dân Cuba của những người đang sinh sống tại Miami, đồng thời lôi kéo sự chú ý của Washington.
Sự kiện này gợi nhớ lại tình hình căng thẳng trong những năm 90 giữa Hoa Kỳ và Cuba. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân đảo quốc thiếu thốn thực phẩm trầm trọng, nhiều người liều mình vượt biên (balsero) và có những đoàn tàu của các tổ chức chống cộng cứu vớt người trên biển. Hermanos al Rescate (Anh em cứu hộ), một trong các tổ chức được Washington tài trợ đưa các máy bay Cessna ra biển để hỗ trợ, đồng thời thả truyền đơn kêu gọi dân chúng nổi dậy.
Ngày 24/02/1996, Fidel Castro ra lệnh cho một chiến đấu cơ MiG-29 và một MiG-23 chận các chiếc Cessna của Hermanos al Rescate, bắn hạ hai chiếc. Tổ chức này bị năm điệp viên Cuba xâm nhập, cả năm đều bị bắt vào năm 1997 và được lần lượt trả tự do năm 2011 và 2014 khi Obama xích gần lại với Cuba. Câu chuyện này đã được đạo diễn Olivier Asssayas dựng thành phim Cuban Network năm 2019.
Covid, đồng minh của tập đoàn quân sự Miến Điện
«Tại Miến Điện, tập đoàn quân sự dựa vào Covid để bóp nghẹt đối lập », theo Libération. Độc quyền oxy tại các bệnh viện quân đội, dịch lan tràn nơi các nhà ly khai bị cầm tù…con virus từ Vũ Hán tỏ ra hữu ích cho chế độ.
Chỉ trong vài tuần lễ, Miến Điện rơi vào thảm họa dịch tễ. Con số chính thức 7.000 ca nhiễm mới và gần 300 người chết mỗi ngày còn rất xa so với thực tế. Theo các chuyên gia người Miến Điện được Asia Times nêu ra, phân nửa dân số Miến Điện sẽ trở thành dương tính trong ba tuần tới. Trên khắp cả nước, không ít người đấu tranh chống tập đoàn quân sự chết vì Covid, nhất là trong các nhà tù quá tải.
Đối với những nhà đấu tranh lâu năm, lịch sử đang lặp lại. Sau vụ đảo chính năm 1988, dịch sốt rét đã sát hại nhiều người kháng chiến đang lẩn trốn trong rừng, người ta chết vì bệnh này nhiều hơn là trên chiến địa.
Pháp: Người đi tiêm chủng đông gấp đôi người biểu tình chống vac-xin
Vấn đề giấy thông hành dịch tễ và vac-xin chống Covid là mối quan tâm chính của các báo Pháp hôm nay 26/07/2021. Le Figaro chạy tựa « Thông hành dịch tễ được áp đặt dù có những do dự ». Tương tự, Les Echos nhận định « Thông hành dịch tễ áp đặt một cách vất vả » : Quốc Hội lưỡng viện đã thông qua dự luật nhưng điều khoản sa thải các nhân viên trong lãnh vực liên quan không chịu chích ngừa bị Thượng Viện bác. Trang nhất Le Monde đăng bản đồ tiêm chủng nước Pháp cho thấy miền tây bắc có tỉ lệ chích ngừa nhiều hơn hẳn đông nam.
Libération đưa tít trang nhất « Tiêm chủng, một phong trào xuống đường khác » với hình ống chích trên nền đỏ. Nếu 160.000 người Pháp đã biểu tình chống thông hành dịch tễ thì cùng ngày, số người đông gấp đôi đã đi chích ngừa, và ngưỡng 40 triệu người đã tiêm chủng được vượt qua hôm nay. Libération nhấn mạnh « đám đông im lặng » vẫn lớn hơn số người chống đối rất nhiều.
Bài xã luận của La Croix chỉ trích thái độ quá trớn của một số người biểu tình chống vac-xin, như đeo ngôi sao vàng mà Do Thái bị buộc phải mang trong thời phát-xít Đức chiếm đóng, gọi nước Pháp là « độc tài », « chế độ quốc xã ». Thậm chí có biểu ngữ còn ghi « thà xin tị nạn chính trị ở Bắc Triều Tiên còn hơn ». Thật là quá đáng ! Tờ báo cho rằng đây là một cái bẫy : các chính khách có thể không còn muốn muốn thuyết phục họ, hoặc tỏ ra mị dân, hay ngược lại những người quá khích cũng có thể bị gậy ông đập lưng ông.
Thụy My