Ðiểm Báo Pháp – 25/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 25/7/21

Dân Cuba làm cách mạng chống “Cách mạng” : Ngày tàn của chế độ đã điểm

Không còn sợ hãi, người dân ồ ạt biểu tình chống chính phủ tại La Habana ngày Chủ nhật 11/07/2021, gây bất ngờ cho giới lãnh đạo Cuba.
Không còn sợ hãi, người dân ồ ạt biểu tình chống chính phủ tại La Habana ngày Chủ nhật 11/07/2021, gây bất ngờ cho giới lãnh đạo Cuba. AP – Eliana Aponte

Tại châu Mỹ la-tinh, theo tuần báo L’Express, ngày tàn của chế độ Cuba đã điểm với cuộc « Cách mạng trong cách mạng ». Ba tháng sau khi Raul Castro ra đi, các cuộc biểu tình ngày 11/07/2021 đánh dấu bước ngoặt lớn của đảo quốc.

«Nổi dậy? Không, đó là cách mạng!»

« Đó là một cuộc nổi dậy à ? – Không, thưa bệ hạ, đó là cách mạng ! ». Tuần báo cho rằng không thể không nhớ đến sự sững sờ của vua Louis XVI vào thời điểm dân Pháp phá ngục Bastille năm 1789. Cuộc biểu tình lịch sử của người dân Cuba hôm Chủ nhật 11/07 đã làm rung chuyển toàn quốc, và gây kinh ngạc cho bộ máy Nhà nước, đứng đầu là ông Miguel Diaz-Canel mới lên thay Raul Castro được ba tháng.

Kể từ cuộc cách mạng Cuba năm 1959, chưa bao giờ người dân dám công khai thách thức chế độ như thế. Từ La Habana cho đến mọi miền đất nước, hàng ngàn người biểu tình ở các thành phố hô vang «Tự do!» «Đả đảo độc tài!», và đặc biệt «Chúng tôi không còn sợ nữa!»

Hồi năm 1994, cũng đã nổ ra một cuộc biểu tình bất ngờ ở đại lộ Malecon, khiến chính quyền lo sợ do đang khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng sự hùng biện của Fidel Castro cộng với sự can thiệp của lực lượng an ninh khiến phong trào lắng xuống, và lúc đó chỉ có vài trăm người tham gia tại thủ đô La Habana.

Khi người dân không còn sợ hãi

Nhà phân tích Elizabeth Burgo nhận định, việc người biểu tình hô lên « không còn sợ nữa » là hết sức ý nghĩa : hàng rào ngăn trở người dân phản ứng đã sụp đổ. Và lần đầu tiên trong lịch sử mới thấy cảnh sát chạy trốn người biểu tình, cảnh này đã được ghi hình lại. Một cảnh khác rất ấn tượng ở La Habana: một an ninh mặc thường phục rút súng chĩa vào một thanh niên biểu tình, anh này thản nhiên giơ đầu ra hô: «Nào, cứ bắn, bắn đi!», và nhân viên an ninh đành cất khẩu súng.

Jorge Ricardo Masetti (có cha là nhà cách mạng lão thành, thân cận với Che Guavara) nhận định, phải hết sức can đảm mới dám đi biểu tình ở Cuba. Tai mắt của đảng trong khu phố sẽ báo cáo, và có thể vào tù hay bị an ninh thẩm vấn. Những người dân xuống đường hôm đó hoàn toàn ý thức được các nguy cơ, nhưng họ không còn gì để mất.

Khi cuộc biểu tình đột xuất đầu tiên nổ ra ở San Antonio de Los Banos, cách thủ đô khoảng 30 km, Miguel Diaz-Canel lên truyền hình tuyên bố một cách vụng về. Tân chủ tịch 61 tuổi còn phạm sai lầm là thúc đẩy nội chiến, ông kêu gọi «tất cả những người cách mạng và cộng sản xuống đường để bảo vệ cách mạng».

Biểu tình không phải do Covid, mà từ khát vọng tự do

Theo Masetti, ở Cuba chưa bao giờ có việc người đứng đầu Nhà nước công khai kêu gọi chống lại chính nhân dân mình. Đứng trước thách thức, Nhà nước Cuba giờ đây chỉ có cách hoặc hy sinh ông Diaz-Canel, hoặc tiếp tục đàn áp, nhưng cả hai cách đều tệ hại. Chính quyền cố giải thích mọi việc do đại dịch Covid gây ra, nhưng thực tế, sự kiện cho thấy những lỗ hổng trong bộ máy an ninh. Họ ngỡ rằng chỉ là một nhúm người bất mãn, nhưng từng phút một, biểu tình lan ra như vết dầu loang.

Làn sóng bất bình đã được nung nấu dưới thời Raul Castro và trước nữa, thời Fidel. Trái với những gì được tờ báo đảng Granma viết mà một số báo chí các nước ngây thơ đưa lại, nguyên nhân của cuộc biểu tình « long trời lở đất » không phải do Covid hay cấm vận của Mỹ.

L’Express đề nghị cứ nghe trên YouTube những khẩu hiệu của người biểu tình – thường là giới trẻ, nghèo khó, khá nhiều phụ nữ. Trên các đường phố Cuba, không có ai hô «Đả đảo Covid» hay «Đả đảo đế quốc Mỹ» cả. Tờ báo nhắc lại, họ hô: «Đả đảo độc tài!», «Tự do muôn năm!», «Chúng tôi không còn sợ hãi!»

Cuộc cách mạng chống lại «Cách mạng» Cuba

Courrier International dịch bài viết của trang web độc lập Cubanet mang tựa đề «Cuba: Một cuộc cách mạng chống lại ‘Cách mạng’» có nhận định tương tự. Các cuộc biểu tình bất ngờ hôm 11/07 lại mang đến hy vọng lật đổ được «những kẻ cai trị bụng phệ» – từ ngữ của tờ báo.

Người dân Cuba xuống đường không phải chỉ vì bị cúp điện hay vì đói – họ đã đói từ lâu, trước khi đại dịch ập đến và chẳng có gì để mất, đã thoát khỏi nỗi sợ. Trang mạng này viết: «Bởi vì chúng tôi không còn muốn một đảng ăn bám, chúng tôi là con người chứ không phải con vật, vì một đất nước không thể được điều hành như một trang trại».

Những người đã xuống đường hôm 11/07 không phải là lính đánh thuê cũng chẳng phải tội phạm. Đó là hàng ngàn người đã bị mất đi số tiền dành dụm từ nhiều năm do những « điều chỉnh » của một chính quyền đã làm nợ nước ngoài thêm chồng chất. Họ xây dựng một khách sạn chọc trời (42 tầng, 600 phòng) nhưng đồng thời lại nói là không có đủ tiền để cung cấp thực phẩm cho các chợ. Các thanh niên đã hô «Tổ quốc và cuộc sống» thay cho «Tổ quốc hay là chết» không muốn kết thúc cuộc đời trong cảnh khốn cùng như cha ông.

Có những gia đình đi biểu tình vì không còn chịu được cảnh sống chia cách với người thân lưu vong, nghèo khổ, bị kiểm duyệt, ảo tưởng chính trị, sự ngạo mạn của một chế độ coi kiều dân ở nước ngoài như một nguồn ngoại hối chứ không phải đồng bào mình. Những người cha, người mẹ đau khổ nghĩ rằng không có lối thoát, một khi họ nằm xuống thì con cái phải tiếp tục sống trong một đất nước không có tương lai, khác hẳn với những gì Fidel Castro đã hứa hẹn.

Cựu giáo sư Trường Đảng: «Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chết!»

Về châu Á, L’Obs phỏng vấn bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương Trung Quốc hiện đang tị nạn tại Mỹ. Người đã từng giảng dạy cho các quan chức cao cấp – kể cả ủy viên Bộ Chính trị – khẳng định « Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chết!».

Bà Thái Hà thuộc lớp «hồng đại nhị» đầy quyền lực, con cháu của các nhà cách mạng lão thành. Chuyên nghiên cứu về «xây dựng đảng», bà cho rằng có quá nhiều hào quang huyền ảo được dựng lên cho đảng Cộng Sản. Công dân Trung Quốc bị ngợp trong «lịch sử chính thức» đã giấu đi những hỗn loạn, sai lầm và tội ác của nhiều nhà lãnh đạo.

Trước hết, vì sao kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc lại là 01/07, trong khi thực ra đó là ngày 23/07? Giáo sư Thái Hà cho biết đó là do Mao Trạch Đông quyết định, vì chỉ nhớ mơ hồ hôm lập đảng là tháng Bảy, nên chọn ngày 1 đầu tháng cho dễ nhớ. Các nhà sử học chỉ tìm ra ngày chính xác sau khi Mao chết.

Những sự kiện lịch sử nào ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh của đảng « quang vinh, vĩ đại» đều bị ngăn chận thông tin. Chẳng hạn nạn đói khủng khiếp do quyết định điên rồ của Mao trong Đại nhảy vọt (1958-1961) đã làm hơn 40 triệu người chết trong vòng ba năm. Đảng tỏ ra cơ hội, dối trá một cách trơ trẽn và gần đây còn sáng tạo ra một tội danh mới: «chế tác lịch sử Trung Quốc». Mọi phản bác lịch sử chính thức bị coi là đối lập chính trị, một nhà sử học nghiêm túc có nguy cơ bị quy tội «chống đảng» và bị tống giam.

Tạo lập quyền lực nhờ núi xương sông máu, Đảng không muốn đối mặt sự thật

Mỗi dịp kỷ niệm quan trọng, đảng đều phát hành cuốn sách tóm lược lịch sử đảng, nhưng phiên bản nhân 100 năm thành lập lần này lại rất tệ. Bà Thái Hà nhận xét, nó được viết theo kiểu thô thiển như cho học sinh tiểu học, nội dung phù hợp với trình độ Tập Cận Bình mà người ta đều biết là học hành không đến nơi đến chốn. Một chi tiết đáng chú ý là tập sách không có tên tác giả lẫn cơ quan nghiên cứu đã biên tập, thậm chí cả nhà xuất bản, trong khi trước đây mỗi bài viết đều được ký tên – đây là cả một vinh dự.

Vì sao đảng không có khả năng đối mặt với sự thật ? Những đầu óc hiện nay bất lực trong việc tổng hợp lại các thời kỳ đã qua và rút tỉa kinh nghiệm từ những sai lầm. Đảng Cộng Sản Trung Quốc chọn lựa cách cai trị độc tài ngay từ khi thành lập, tạo lập quyền lực trên một núi xác chết.

Tất cả những người có của ăn của để ở nông thôn bị quy là « địa chủ » và sát hại, giết tất cả những người lính từng chiến đấu dưới cờ Trung Hoa Dân Quốc và đàn áp, tịch biên tài sản công chức. Tiếp theo lại nhân danh « tập thể hóa nông nghiệp » để tịch thu đất đai vừa chia cho nông dân, nhân danh công nghiệp hóa để cướp lấy các doanh nghiệp của « tư sản yêu nước » dù họ là đồng minh. Dân chúng trở thành nô lệ của đảng.

Đặng Tiểu Bình dù chấm dứt « đấu tranh giai cấp », cải cách kinh tế nhưng không muốn người dân biết sự thật về Mao, có nguy cơ kéo theo sự suy sụp của đảng. Giải pháp của Đặng là để cho trôi vào quên lãng với thời gian. Còn Tập Cận Bình ngày nay, có ít kinh nghiệm, kém nhạy bén chính trị và uy tín không bằng người trước ; lại còn gánh thêm di sản là vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, tham nhũng, môi trường bị hủy hoại, bất bình đẳng xã hội… Hoàn toàn không có hy vọng đảng nói thật và dân chủ hóa từ từ.

Bị giám sát quá chặt, không ai dám phản đối Tập Cận Bình

Tính chính danh gồm hai mặt. Trước hết, giữa chính quyền và nhân dân : chính quyền này không hề do nhân dân bầu lên. Thứ hai là giữa giới lãnh đạo và 94 triệu đảng viên. Tập Cận Bình ít uy tín hơn những người tiền nhiệm, ông ta trở thành tổng bí thư chỉ vì là con một nhà cách mạng lão thành, đa số cán bộ cấp trung không đồng tình trước việc ông ta đưa Trung Quốc đối đầu với cả thế giới. Tuy nhiên không ai dám lên tiếng phản đối, cả trong bộ Chính Trị lẫn các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu.

Bởi vì Tập có hai thế mạnh mà những người đi trước không có được : khối tài sản khổng lồ tích tụ sau 30 năm phát triển, và hệ thống kiểm tra bằng kỹ thuật số, giúp bóp chết mọi ý định phản kháng. Ông ta không sợ dân nổi dậy mà sợ các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng. Từ bốn, năm năm qua, những người này bị theo dõi chặt chẽ. Những « cận vệ » có mặt ngày đêm báo cáo cho Tập Cận Bình mọi động thái. Nếu một ủy viên Bộ Chính trị hưu trí dám chỉ trích, tài xế của ông ấy sẽ bị thẩm vấn và nếu cứ tiếp tục, sẽ đến lượt thư ký, rồi con, cháu. Mọi ý định chống đối đều bị dập ngay từ trong trứng nước. Đó là lý do bà Thái Hà khẳng định « Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chết ». Từ 2011 đến nay, ngân sách nội an Trung Quốc còn cao hơn cho quân đội.

Vị giáo sư lưu vong cho rằng cách cai trị như thế thường dẫn đến một sự sụp đổ bất ngờ, một khi áp lực bên trong và bên ngoài vượt quá ngưỡng chịu đựng. Còn về nền kinh tế Trung Quốc, bà Thái Hà nhận định, tất cả các công nghệ cao hiện có đều được mua lại, sao chép hoặc đánh cắp. Nếu các « kênh cung ứng » bị cắt, khúc ca khải hoàn cũng sẽ kết thúc. Tất nhiên Bắc Kinh làm mọi cách để tránh, như tung tiền ra mua các chuyên gia nước ngoài.

Các «thực tập sinh» Việt Nam tại Nhật khốn đốn vì đại dịch

Liên quan đến Việt Nam, Courrier International dịch bài phóng sự của Asahi Shimbun nói về tình cảnh của những « thực tập sinh » Việt Nam tại Nhật Bản. Những người này vay nợ để đi lao động tại Nhật nhằm giúp đỡ gia đình, nhưng phải bỏ trốn do bị bóc lột, và đang khốn khó trong đại dịch.

Báo Asahi đến thăm « làng của những người mất tích » tại Kamisato tai tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo, theo sự hướng dẫn của một tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ thanh niên châu Á. Đó là một ngày trước Tết nguyên đán. Phóng viên vào một căn hộ hai phòng được sáu người chia nhau tiền thuê.

Vũ Văn Dũng (38 tuổi) quê Yên Bái, sau khi bị đinh đâm vào chân ở công trường nhưng không được chăm sóc đã trốn ra ngoài làm đủ nghề, kể cả việc dọn vệ sinh trên chiếc tàu Diamond Princess từng là ổ dịch lớn ở Nhật. Anh nghèo nhất trong nhóm, nhưng còn may mắn hơn Hoàng Ban Lenh (30 tuổi), chết vì tai nạn ở công trường, trong túi chỉ còn khoảng 2.000 yen (16 euro). Còn Nguyễn Xuân Sơn (29 tuổi) sau cơn bạo bệnh phải ngồi xe lăn. Gia đình họ lại phải vay mượn để trở về nước, nhưng Covid đã ngăn trở.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các thực tập sinh bỏ trốn là món nợ đã vay để sang Nhật. Đó là do đơn vị tổ chức ở Việt Nam phải quà cáp, hoa hồng cho đối tác Nhật Bản, cái giá cho mỗi thực tập sinh vào khoảng 200.000 yen (1.500 euro) và sau đó chính người lao động phải gánh. Trong năm 2019, có 8.700 thực tập sinh châu Á (người Trung Quốc, Việt Nam, Philipppines…) bỏ ra ngoài làm chui.

Vua Tự Đức và Khiêm Lăng

Cũng về Việt Nam, L’Obs trong loạt bài về các dinh thự mùa hè nói về Khiêm Lăng của vua Tự Đức, nhà vua thi sĩ thường đi nghỉ mát tại cung điện sau này sẽ thành lăng tẩm của mình.

Ngài chọn một địa điểm hiền hòa bên dòng sông Hương, ở cách kinh thành khoảng 8 cây số, và thích lưu lại điện Hòa Khiêm, dù nhỏ nhưng xung quanh nhiều cây xanh, hoa cỏ, hơn là Hoàng cung. Nhà vua viết lách rất nhiều, thường tự trách mình vì không giữ được đất nước. Emmanuel Poisson, nhà sử học chuyên về Việt Nam, giáo sư đại học Paris-Diderot nhận định thái độ ăn năn này rất hiếm đối với một quốc vương.

Năm 1882, quân của đại tá Henri Rivière chiếm được thành Hà Nội. Ngày 19/07/1883, vua Tự Đức băng hà. Người Việt tin rằng 49 ngày sau khi mất, hương hồn người quá cố vẫn còn quanh quẩn, và như vậy vong linh nhà vua lại phải chứng kiến thêm một sự kiện đau buồn khác : Pháp chiếm kinh thành Huế ngày 18/08/1883 và đến ngày 25/08/1883 triều đình đầu hàng, công nhận « bảo hộ » của Pháp. « Vương quốc Đại Nam » không còn nữa.

Trang nhất tuần san Pháp

Trang nhất các tuần báo Pháp kỳ này đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau. Courrier International nghỉ hè sớm nhất với số đúp cho ba tuần lễ, với chủ đề « Những người bạn tuyệt vời của chúng ta », trong thời đại Covid. L’Express chạy tựa sốc « Cần sa, ngành thu dụng nhân viên nhiều nhất nước Pháp », giúp 150.000 đến 200.000 người kiếm sống, đứng trên cả nhiều tập đoàn lớn, chỉ thua có ngành bưu điện.

Le Point nhìn sang châu Á, « 2021, phe Taliban chiếm lại Afghanistan : Thất bại của phương Tây ». Cho dù đã dự báo trước, sự ra đi của người Mỹ để lại dư vị cay đắng cho hàng triệu người Afghanistan, phụ nữ và giới trẻ sau thời gian được hưởng các quyền tự do nay có nguy cơ là nạn nhân đầu tiên. Cựu thủ tướng Afghanistan phụ trách giám sát đàm phán với phe Hồi giáo, Abdullah Abdullah cho rằng phe Taliban không thể chiến thắng bằng quân sự, nhưng Mỹ vẫn đơn phương triệt thoái trong khi Taliban không hề chấm dứt bạo lực cũng như mối liên hệ với Al Qaida. Ông Gérard Arnaud, cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ nhận định, phương Tây nghĩ rằng chỉ cần có Hiến Pháp và tổ chức bầu cử đàng hoàng là đủ để trở nên dân chủ. Nhưng châu Âu đã phải mất đến hai thế kỷ, còn Afghanistan, Irak, Mali vốn không có báo chí độc lập, không có truyền thống đa phương lại kém phát triển, chưa kể nội chiến, đảo chính, chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc.

L’Obs dành hồ sơ cho « Cuộc cách mạng ARN thông tin ». Chỉ mới 7 tháng, các vac-xin ARN thông tin đã được tiêm cho nhiều trăm triệu người trên thế giới. Phát minh quan trọng này là một tin tuyệt vời cho nhân loại. Ngoài việc ngăn ngừa Covid, ARN thông tin đã bắt đầu được nghiên cứu để chống lại ung thư, bệnh tim và một số bệnh nặng khác, một viễn cảnh mới đã được mở ra.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210724-dan-cuba-lam-cach-mang-chong-cach-mang