Tin COVID Trong Nước – 25/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin COVID Trong Nước – 25/7/21

Sáng 25/7: Thêm 3.979 ca COVID-19; Bộ Y tế hiệu triệu y bác sĩ tham gia chống dịch

Ảnh tổng hợp.

Thêm 3.979 ca, Việt Nam vượt 94.900 ca nhiễm COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 25/7 ghi nhận 6 ca nhập cảnh và 3.973 ca ở 21 tỉnh thành, trong đó có 922 ca cộng đồng.

3.973 ca ghi nhận tại: TP HCM (2.328), Bình Dương (881), Tiền Giang (218), Đồng Nai (134), Tây Ninh (127), Khánh Hòa (82), Vĩnh Long (50), Bến Tre (33), Cần Thơ (18), Trà Vinh (17), Kiên Giang (17), Đà Nẵng (16), Phú Yên (14), Hà Nội (11), Sóc Trăng (9), Bình Phước (6), Bắc Ninh (4), Hậu Giang (3), Đăk Nông (2), An Giang (2), Nghệ An (1).

Hôm nay là ngày thứ 90 bùng phát đợt dịch thứ 4 trên cả nước. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 91.114, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Tính đến nay, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc Covid-19.

Bộ Y tế hiệu triệu tất cả y bác sĩ tham gia chống dịch

VnExpress – Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, ngày 24/7 gửi thư kêu gọi tất cả lực lượng ngành y tham gia chống dịch.

Bộ và Sở Y tế TP.HCM “khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu; các lương y, giảng viên, sinh viên tại trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe, tham gia công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh”, thư Thứ trưởng Sơn viết.

Sự bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố, gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

“Sự nỗ lực của thành phố, sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện. Tuy nhiên, sự phát tán của nCoV vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải”, Thứ trưởng viết.

Người tình nguyện tham gia chống dịch đăng ký với phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế TP.HCM theo số điện thoại 028 39309967 hoặc 0907 574 269.

Thừa Thiên Huế sẽ đón công dân từ TP.HCM trở về đợt 1 bằng máy bay thay vì tàu hỏa

Công Lý – Tối 24/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, sau khi có sự thống nhất của UBND TPHCM, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức đón công dân về địa phương trong đợt 1 bằng máy bay (hãng bay Vietjet) vào ngày 26/7/2021 thay vì tàu hỏa như dự kiến ban đầu.

Trong đợt 1, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đón 240 công dân, trong đó ưu tiên các đối tượng là người lớn tuổi, người có bệnh mong muốn về địa phương để điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh.

Hội đồng hương tỉnh Thừa Thiên Huế tại TP.HCM sẽ xác nhận và phối hợp đón các công dân tại các khu vực sinh sống đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lập kế hoạch đón công dân về đợt 2 (dự kiến từ 27/7 đến 30/7/2021) bằng tàu hỏa hoặc máy báy.

Thu hồi công văn phong tỏa thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận

Plo – Do có sự sơ suất trong việc in ấn, phát hành, văn bản chưa thể hiện đúng nội dung nên Văn phòng Thị ủy La Gi xin thu hồi công văn phong tỏa trước đó.

Tối 24-7, ông Cao Mạnh Khởi, Chánh Văn phòng Thị ủy La Gi (Bình Thuận) đã ký công văn gởi UBND thị xã cùng các cơ quan, đơn vị.

Theo đó, chiều cùng ngày, Văn Phòng Thị ủy đã phát hành Công văn số 367-CV/TU của Ban Thường vụ thị ủy về việc phong tỏa toàn bộ thị xã để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên do có sự sơ suất trong việc in ấn, phát hành nên văn bản chưa thể hiện đúng nội dung.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thị ủy, Văn phòng Thị ủy xin thu hồi Công văn nói trên và kính mong được sự thông cảm của các cấp các ngành.

Trong ngày 24/7, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 thì riêng thị xã La Gi đã có 28 ca. Hiện nay toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 243 ca mắc COVID-19 trong đó thị xã La Gi đã có đến 190 ca nhiễm và đã có 769 trường hợp F1, có 1.678 trường hợp F2 và dự đoán tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Phát hiện 8 người Trung Quốc dương tính COVID-19 trên tàu ở cảng Quảng Ninh

Vietnamnet – Toàn bộ 8 thuyền viên người Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2 trên tàu Hony World được đưa lên Bệnh viện số 2 TP. Hạ Long, Quảng Ninh để cách ly và điều trị.

Ngày (24/7), Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước khi nhập cảnh vào Quảng Ninh, thuyền viên tàu Hony World được xét nghiệm và phát hiện 8 người dương tính với SARS-CoV-2. Những người này được đưa lên Bệnh viện số 2 cách ly và điều trị, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Tàu Hony World do Công ty Cổ phần Hàng hải S&A làm đại lý, đang neo đậu tại Cảng Quảng Ninh để dỡ hàng.

Chủ tịch Hà Nội: ‘Tình trạng người dân ra đường khá lớn’

VnExpress – Ông Chu Ngọc Anh cho biết tối 24/7, hệ thống camera giám sát ghi nhận người dân ra đường đi lại còn nhiều.

“Thực tế kiểm tra chắc chắn sẽ còn có người ra đường không phải vì mục đích thiết yếu. Quy định xử phạt đã có, các cấp cần thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu đây không phải khuyến cáo mà là yêu cầu ở nhà, không ra ngoài với các mục đích không được phép”, ông Chu Ngọc Anh nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng nhắc nhở các cơ quan hành chính tổ chức làm việc trực tiếp tối thiểu, làm việc trực tuyến là chính để hạn chế người ra đường.

Theo Phó giám đốc Công an thành phố Trần Ngọc Dương, tại các chốt kiểm soát dịch bệnh cửa ngõ thủ đô, lực lượng chức năng cơ bản đã chặn toàn bộ xe vào thủ đô.

Qua rà soát từ cơ sở, ngành công an đã xác định được gần 8.300 người từ tỉnh ngoài về Hà Nội, trong đó có trên 7.500 người về từ 19 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ông Dương cho rằng, kết quả rà soát là số liệu quan trọng để giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan.

Phó Giám đốc công an thành phố đề nghị tiếp tục tăng cường thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không đổ về Hà Nội trong thời gian cách ly xã hội.

Thống kê của Sở y tế Hà Nội, ngày 24/7 số ca bệnh giảm rõ rệt so với những ngày trước đó, chỉ ghi nhận 23 ca bệnh (số ca bệnh ngày 23, 22/7 lần lượt là 48 và 64 ca).

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-sang-25-7-them-3-979-ca-viet-nam-vuot-94-900-ca-nhiem-covid-19-bo-y-te-hieu-trieu-tat-ca-y-bac-si-tham-gia-chong-dich.html

Tối 25/7: Ca nhiễm COVID-19 TP.HCM lại cao nhất nước, Phạt gần 5.000 người vi phạm chỉ thị 16, thu hơn 10,4 tỷ đồng

Ảnh tổng hợp.

Ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM lại cao nhất nước

Bộ Y tế tối 25/7 ghi nhận 3.552 ca dương tính nCoV ở 31 tỉnh thành, trong đó có 594 ca cộng đồng.

3.552 ca mắc mới tại TP.HCM (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa – Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đăk Lăk (14), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đăk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng, Hà Nam và Thanh Hóa mỗi nơi một ca.

Như vậy, trong ngày 25/7 ghi nhận 7.531 ca mắc mới, gồm 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca trong nước, chủ yếu ở TP.HCM (4.555), Bình Dương (1.249), Tây Ninh (313). Trong đó, 1.516 ca cộng đồng.

Bộ Y tế ‘chỉ định thầu’ thuốc y học cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19?

Nld – Bộ Y tế vừa có văn bản 5944 về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. 

Tuy nhiên, vừa ban hành, công văn 5944 của Bộ Y tế  đã gây xôn xao dư luận khi đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 sản phẩm súc miệng, xịt khuẩn, phòng và hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khỏe bệnh nhân COVID-19, như một hình thức “chỉ định thầu”.

Điều đáng chú ý là kèm theo công văn này có phụ lục với danh mục 26 sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe. 

26 sản phẩm này chủ yếu do 5 đơn vị sản xuất, trong khi sản phẩm tương tự trên thị trường có rất nhiều, giá cả cạnh tranh.

Theo báo Tuổi trẻ, đối chiếu với quy định hiện hành, nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được kê đơn, chỉ được “tư vấn”. Nhưng hướng dẫn của Bộ Y tế ghi rõ tên sản phẩm để bệnh viện “tham khảo lựa chọn đấu thầu, mua sắm” rõ ràng là một hình thức “chỉ định thầu”.

Theo đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 chủ yếu do những đơn vị sản xuất gồm:  Bệnh viện YHCT, Bộ Công an, Viện YHCT Quân đội – Bộ Quốc phòng; Bệnh viện YHCT Trung ương; Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất.  Trong khi sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất được phép lưu hành khác trên thị trường cũng có rất nhiều, giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, hướng dẫn cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh – cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế – cho rằng “đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua”. 

Tuy nhiên, đáng chú ý, chỉ 5 ngày trước khi có công văn 5944 này, một sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong danh mục này đã tăng giá lên 1 triệu đồng/hộp, trong khi giá trước đây là 100.000 – 250.000 đồng/hộp.

TP.HCM phạt gần 5.000 người vi phạm chỉ thị 16, thu hơn 10,4 tỷ đồng

Vtc – TP.HCM đã tăng cường các biện pháp siết chặt hơn nữa trong việc thực hiện Chỉ thị 16 từ 23/7, theo đó yêu cầu lực lượng công an, bảo vệ dân phố, quân sự phường, y tế, cán bộ tư pháp tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch.

Theo thống kê trong 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 12 chốt, trạm cấp thành phố tại TP.HCM đã lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh với 4.911 trường hợp, thu hơn 10,4 tỉ đồng.

Phó bí thư TP.HCM: Có thể phải áp dụng Chỉ thị 16 thêm 2 tuần

Zing – Phó bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi hôm nay (25/7) cho biết, dù đặt mục tiêu kết thúc thời gian áp dụng Chỉ thị 16 vào ngày 1/8, nhưng cũng có thể có độ trễ. TP.HCM có thể thực hiện trong 2 tuần để bảo đảm các biện pháp phát huy tác dụng

Ông Mãi nói: “Thước đo là ngăn chặn được sự lây lan và phát tán của dịch bệnh. Lúc đó chúng ta mới có những tuyên bố kết thúc hay điều chỉnh cấp độ. Ở đây phải tính tới tình huống nếu tình hình diễn biến xấu hơn thì chúng ta sẽ chuẩn bị và khởi động cho tình huống ba”.

Ông cho biết chiến lược phòng, chống dịch của TP.HCM đang chuyển dần sang điều trị, coi đây là nhiệm vụ chính, tập trung tất cả nguồn lực để tổ chức hiệu quả nhằm giảm tử vong.

Để thực hiện việc này, thành phố đã tiến hành phân tầng và chuẩn bị theo từng tầng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, phương thức, cơ chế phối hợp. TP chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, kể cả cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia công tác điều trị.

Ông Mãi thừa nhận thời gian qua xảy ra tình trạng một số nhu cầu trợ giúp y tế của người dân không được đáp ứng kịp thời. Ông lý giải một mặt do quá tải ở các cơ sở y tế. Một mặt do cơ chế điều phối điều trị của thành phố.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Tính từ 27/4 đến sáng 25/7, TP.HCM ghi nhận 58.198 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-toi-25-7-ca-nhiem-covid-19-tp-hcm-lai-cao-nhat-nuoc-thu-hon-104-ty-dong-nguoi-vi-pham-chi-thi-16.html