Tin Tổng Hợp – 22/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 22/7/21

Mỹ cử nhân vật số hai của ngành ngoại giao đến Trung Quốc

Cờ Mỹ và Trung Quốc - ảnh chụp trước phiên khai mạc đàm phán thương mại song phương, tại Bắc Kinh, ngày 14/02/2019.
Cờ Mỹ và Trung Quốc – ảnh chụp trước phiên khai mạc đàm phán thương mại song phương, tại Bắc Kinh, ngày 14/02/2019. AP – Mark Schiefelbein

Quan chức cao cấp số hai của ngành ngoại giao Hoa Kỳ sẽ công du Trung Quốc trong hai ngày 25 và 26/07/2021. Chuyến công du của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đối đầu trên hàng loạt lĩnh vực, từ nhân quyền, tin tặc, an ninh trên biển, cho đến hồ sơ Đài Loan, hay cạnh tranh công nghệ, kinh tế.

Hôm qua 21/07, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo, bà Wendy Sherman có kế hoạch gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân, bắc Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng xác nhận thông tin về chuyến công du của thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, và cho biết thêm Mỹ là bên đề xuất cuộc gặp này. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chuyến đi « nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Hoa Kỳ có các trao đổi thẳng thắn (…) nhằm thúc đẩy các lợi ích và giá trị của nước Mỹ, và xử lý một cách có trách nhiệm quan hệ song phương » với Trung Quốc.

Bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo là thứ trưởng Wendy Sherman « sẽ nêu ra những chủ đề mà Hoa Kỳ đang quan ngại sâu sắc về hành xử của Trung Quốc ». Trả lời báo giới, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price cho biết rõ hơn về mục tiêu chuyến đi của thứ trưởng Wendy Sherman : « chứng tỏ với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa » là Washington và Bắc Kinh có thể duy trì « một quan hệ cạnh tranh có trách nhiệm và lành mạnh », « cạnh tranh dữ dội », nhưng « công bằng và đặc biệt không bị biến thành xung đột».

Theo Reuters, chuyến công du Trung Quốc của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, được thông báo chính thức hôm qua, cũng được coi là để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc, có thể diễn ra bên lề thượng đỉnh G20 tại Ý, tháng 10/2021 tới.

Bắc Kinh: Khả năng hợp tác phụ thuộc vào «mức độ tốt đẹp của quan hệ song phương»

Mỹ, Trung cạnh tranh quyết liệt, nhưng Washington muốn hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều hồ sơ, như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giải quyết khủng hoảng y tế hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Hôm thứ Ba 20/07, đặc sứ Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc thể hiện vai trò «lãnh đạo» trong cuộc chiến khí hậu, nhanh chóng cắt giảm khí thải gây hiệu ước nhà kính. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngay lập tức đã có phản ứng.

Hôm qua, 21/07, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rõ: «Hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực liên quan mật thiết với mức độ tốt đẹp nói chung của quan hệ song phương Trung – Mỹ». Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, báo trước Bắc Kinh « sẽ yêu cầu phía Mỹ ngừng can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, làm tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc ».

Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chính quyền của tổng thống Joe Biden liên tục gây sức ép với Trung Quốc, với nhiều biện pháp trừng phạt và cảnh cáo, đặc biệt liên quan đến các hành độngđàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, mà Hoa Kỳ gọi là tội ác « diệt chủng », cũng như các hành động trấn áp nhắm vào phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đang trong vòng công du châu Á, để tìm kiếm hợp tác với các đồng minh, đối tác, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngày mai, 23/07, bà Sherman sẽ tới Mông Cổ, trước chuyến đi Thiên Tân gặp ngoại trưởng Trung Quốc. Quan hệ Mỹ – Mông Cổ đã có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210722-m%E1%BB%B9-c%E1%BB%AD-nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-s%E1%BB%91-hai-c%E1%BB%A7a-ng%C3%A0nh-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91%E1%BA%BFn-trung-qu%E1%BB%91c

Đại sứ Nhật Bản: Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ ở trên cùng một con thuyền, nên hợp sức đối phó Trung Cộng

Vào hôm thứ Tư (21/7), ông Shingo Yamagami, Đại sứ Nhật Bản tại Úc đã cho biết tại Câu lạc bộ Truyền thông Quốc gia của Úc rằng, Nhật Bản cũng giống như Úc, đang phải vật lộn hàng ngày để đối phó với Trung Quốc (Trung Cộng).

Ông nói rằng, mặc dù một số chính trị gia của Úc thường lấy quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản làm ví dụ và chỉ trích chính phủ hiện tại của Úc không thể duy trì mối quan hệ hiệu quả với Trung Quốc bất chấp những khác biệt, nhưng trên thực tế, Nhật Bản mỗi ngày đều cảm thấy lo lắng về mặt an ninh quốc gia.

Ảnh chụp Thủ tướng Australia Scott Morrison gặp tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Tokyo vào ngày 17/11/2020. (Ảnh: Eugene Hoshiko/Pool/AFP/Getty Images)

Ông cho rằng quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản không hề tốt hơn quan hệ Trung Quốc-Úc, vì vậy các nước như Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ nên đoàn kết để đối phó với những thách thức từ phía Trung Cộng.

“Chúng ta ở cùng trên một con thuyền, nước Úc không hề chiến đấu đơn độc”

Ngay từ ngày 9/3, ông Yamagami đã nói rằng Thủ tướng Úc Scott Morrison không hề đơn độc trong khi đối phó với Trung Cộng, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính phủ của ông Morrison để cùng ứng phó với các mối đe dọa về an ninh và kinh tế đến từ phía Trung Quốc trong khuôn khổ Đối thoại An ninh 4 bên (The Quad).

Ông Yamagami cho biết vào hôm thứ Tư rằng, ông kiên quyết ủng hộ chính sách của chính phủ Úc đối với Trung Quốc và “khen ngợi” hành động kháng cự của Úc trước áp lực kinh tế từ phía Bắc Kinh.

Ông nói rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Úc đã trải qua một sự chuyển biến “đáng kinh ngạc”, và hai nước hiện đang có mối quan hệ chiến lược chặt chẽ.

Ông Yamagami còn đề cập đến việc trước các tranh cãi liên tục giữa Trung Quốc và Úc về vấn đề dịch COVID-19, vi phạm nhân quyền, đầu tư nước ngoài và các cuộc tấn công mạng, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Úc.

Ông nói: “Úc không đơn độc”, “Tôi đánh giá cao phương thức nhất quán, có nguyên tắc và linh hoạt của Úc khi ứng phó với sức ép to lớn”.

“Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Úc nhằm giải quyết các tranh chấp hiện nay thông qua đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế”.

Ông nói thêm rằng, “Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chí hướng khác phải hợp tác và cùng nhau đối phó với những thách thức mà các cường quốc mới nổi mang lại”.

Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ đứng về phía Úc và phản đối các hoạt động áp bức kinh tế của Trung Cộng thông qua các biện pháp trừng phạt thương mại phi chính thức. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng cho rằng thương mại không nên được sử dụng như một công cụ để gây sức ép chính trị.

Ông Yamagami đã nói với các chính trị gia của Úc vào hôm thứ Tư rằng: “Đừng lo lắng. Các bạn biết đấy, các bạn đang làm rất tốt. Chúng ta đang ở cùng trên một con thuyền và chúng ta nên cùng nhau nỗ lực”.

Đại sứ Nhật Bản kiến nghị Úc và Nhật Bản nên tăng cường tập trận quân sự ở Biển Hoa Đông

Ông Yamagami cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Úc nên quan tâm nhiều hơn đến vùng biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc – biển Hoa Đông, đồng thời dự kiến rằng hai bên sẽ cần liên lạc và hợp tác sâu sắc hơn nữa trên khu vực Biển Hoa Đông này.

Các tàu chiến của Úc, Hoa Kỳ và Nhật Bản trước đây đã từng tiến hành một số cuộc tập trận cùng nhau tại các vùng biển tự do trong khu vực Thái Bình Dương, biển Đông là vùng biển được Úc quan tâm hơn.

Tình hình hiện tại là căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo ở biển Hoa Đông đang ngày càng gia tăng, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Cộng đã nhiều lần đi thuyền tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku (quần đảo Điếu Ngư) đang tranh chấp.

Ông Yamagami nói rằng tình hình này “tuyệt đối không phải là không có quan hệ với Úc”, vì Biển Hoa Đông là một tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng khác của Úc.

Ông cho rằng Úc và Nhật Bản nên xem xét tổ chức thêm các cuộc tập trận quân sự hoặc các hoạt động thu thập thông tin tình báo ở Biển Hoa Đông, giống như trong quá khứ, các tàu của Úc và Nhật Bản đã từng hợp tác ở Biển Hoa Đông để thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.

“Biển Hoa Đông giống như Biển Đông, nó rất quan trọng đối với an ninh và lợi ích kinh tế của Úc. Cả hai đều là các con đường huyết mạch của chúng ta”, ông Yamagami nói, “Bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thách thức hiện trạng ở những vùng biển này, bằng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn cưỡng ép, chắc chắn đều sẽ ảnh hưởng đến chúng ta phát triển”.

Ông Yamagami cũng cho biết rằng, “Thỏa thuận Tiếp cận qua lại” (RAA) được chờ đợi từ lâu giữa Úc và Nhật Bản do hai Thủ tướng Morrison và Yoshihide Suga đồng ý về nguyên tắc vào năm ngoái – hiện đã tiến vào giai đoạn cuối.

Thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt này sẽ cho phép quân đội hai nước hành động cùng nhau, và giúp hai nước dễ dàng đơn giản hóa các hoạt động vì mục đích quân sự hoặc nhân đạo.

Do Lâm Yên, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ

https://etviet.com/dai-su-nhat-ban-uc-nhat-ban-va-hoa-ky-o-tren-cung-mot-con-thuyen-nen-hop-suc-doi-pho-trung-cong_226376.html

Mỹ chế tài bộ trưởng an ninh, lực lượng đặc nhiệm Cuba vì đàn áp biểu tình

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez.

Mỹ ngày 22/7 áp đặt chế tài lên Bộ trưởng an ninh Cuba và một đơn vị lực lượng đặc nhiệm của Bộ Nội vụ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc đàn áp những cuộc biểu tình chống chính phủ trong tháng này.

Động thái này đánh dấu những bước cụ thể đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden gây áp lực lên chính phủ cộng sản Cuba trước những lời kêu gọi của các nhà lập pháp Mỹ và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba yêu cầu Mỹ chứng tỏ sự ủng hộ lớn hơn đối với những cuộc biểu tình lớn nhất ở Cuba trong nhiều thập niên.

Tốc độ chính quyền Mỹ đưa ra chế tài mới càng cho thấy ông Biden có nhiều phần chắc sẽ không sớm ‘nhẹ tay’ trong cách tiếp cận với Cuba sau khi người tiền nhiệm là ông Donald Trump rút lại việc nới lỏng căng thẳng với Havana dưới thời ông Obama.

“Ðây mới chỉ là khởi đầu,” ông Biden nói trong một tuyên bố, lên án “các vụ bắt giữ tập thể và những phiên toà giả tạo.”

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chế tài các cá nhân chịu trách nhiệm đàn áp nhân dân Cuba,” ông nói.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lên Twitter bác bỏ những chế tài của Mỹ là “vô căn cứ và xấu xa” và yêu cầu Mỹ áp dụng những biện pháp như vậy đối với “sự áp bức hàng ngày và chính sách tàn bạo” của chính Mỹ.

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho hay chế tài được áp đặt lên toàn bộ đơn vị lực lượng đặc nhiệm của Bộ Nội vụ và lên Tướng Alvaro Lopez Miera, Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Cách mạng, đồng thời mô tả ông này là lãnh đạo của một thực thể “có các thành viên nhúng tay vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”

Tuần trước, hàng ngàn người Cuba biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế gây khan hiếm nhu yếu phẩm và mất điện. Họ cũng chống lại cách thức chính phủ đối phó với đại dịch virus corona và ngăn chặn các quyền tự do dân sự. Hàng trăm nhà hoạt động đã bị bắt giữ.

Ông Biden ngày 22/7 nhắc lại là chính quyền của ông đang tìm cách giúp thường dân Cuba được tiếp cận internet trở lại sau khi Havana hạn chế truy cập truyền thông xã hội và những trang mạng như Facebook và WhatsApp.

Chính phủ Cuba nói các cuộc biểu tình này là bởi các hành động “chống phá cách mạng” do Mỹ tài trợ.

Các chế tài Mỹ vừa ban hành được áp đặt theo Luật Magnitsky Toàn cầu dùng để trừng phạt những người vi phạm nhân quyền, phong tỏa tài sản và cấm du hành đến Mỹ.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ công nhận là các giới chức Cuba hiếm khi có giao dịch tài chánh tại Mỹ và ít khi du hành đến Mỹ, nghĩa là ảnh hưởng thực tế của những biện pháp này cũng hạn chế.

https://www.voatiengviet.com/a/my-che-tai-bo-truong-an-ninh-luc-luong-dac-nhiem-cuba-vi-dan-ap-bieu-tinh/5975831.html

(AFP) – Việt Nam: Lô vac-xin Nga Sputnik V đầu tiên ra lò. Hôm qua, 21/07/2021, công ty Vabiotech Việt Nam thông báo đã cho xuất xưởng lô vac-xin Sputnik V đầu tiên. Vabiotech kí thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) về việc đóng ống vac-xin phòng Covid -19 Sputnik V. Vac-xin do hãng Generium của Nga sản xuất và phụ trách kiểm định chất lượng. Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có 4,3 triệu người tiêm chủng ít nhất một liều, trên tổng số gần 100 triệu dân. Việt Nam có kế hoạch đóng ống 5 triệu liều vac-xin Nga bắt đầu từ tháng 7.

(Reuters) – Covid-19: Hơn 90 % người trưởng thành tại Bắc Kinh đã được tiêm chủng. Ngày 22/07/2021, chính quyền thủ đô Trung Quốc thông báo 17,7 triệu dân tại Bắc Kinh trên 18 tuổi đã được chích đủ hai mũi tiêm. Tại Thượng Hải và Vũ Hán, tỷ lệ này làn lượt là 80% và 77 %. Chính quyền trung ương đề ra mục tiêu từ nay đến cuối năm, 70% dân số Trung Quốc trên 18 tuổi phải được chích ngừa. 

(AFP) – Thành viên thứ 5 trong phái đoàn Cộng Hòa Séc tại Thế Vận Hội Tokyo 2020 dương tính với virus corona. Hãng tin thể thao Sport Invest cho biết ca nhiễm mới là Marketa Nausch Slukova nữ vận động viên trong đội bóng chuyền của Cộng Hòa Séc. Một ngày trước lễ khai mạc Olympic Tokyo, đã có hơn 20 trường hợp nhiễm Covid-19 bị phát hiện ngay tại Làng Thế Vận Hội.

(AFP) – Lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo gặp “sự cố” giờ chót. Đúng một hôm trước ngày khai mạc, Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã gặp một trục trặc đáng kể: Ban tổ chức vào hôm nay, 22/07/2021 đã phải cách chức ông Kentaro Kobayashi, giám đốc nghệ thuật của buổi biểu diễn khai mạc Olympic. Lý do là vì cách nay hơn 20 năm, vào năm 1998, trong một tiểu phẩm hài, nhân vật này đã có một câu nói đùa về Holocaust, tức là thảm họa diệt chủng người Do Thái. Đoan video đã gây phản ứng dữ dội, buộc ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo phải bãi nhiệm người sẽ là đạo diễn lễ khai mạc.

(AFP) – 12 sinh viên Thái Lan bị kết tội khi quân. Tổ chức bảo vệ nhân quyền TLHM ngày 22/07/2021 cho biết 12 sinh viên nói trên nguy cơ lãnh án nhiều năm tù vì đã tham gia một cuộc biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ hồi năm 2020. Tại Thái Lan, phạm tội khi quân có thể bị phạt từ 3 đến 15 năm tù. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc từ tháng 7 đến tháng 10 năm ngoái đòi cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan và từ đó tới nay đã có khoảng 100 người biểu tình bị khởi tố. 

(Reuters) – Tư pháp Hồng Kông bác đơn xin tại ngoại của 4 nhân viên báo Apple Daily. Theo đài truyền hình công cộng RTHK, thẩm phán phụ trách an ninh quốc gia vào hôm nay, 22/07/2021 đã từ chối đơn xin tại ngoại của các bị cáo với lý do là không có đủ bằng chứng cho thấy là họ “sẽ không thực hiện thêm các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Bốn nhân viên của tờ báo ủng hộ dân chủ bị buộc tội thông đồng với thế lực nước ngoài trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt.

(AFP) – Trung Quốc: Lũ lớn tại một thành phố miền Trung khiến ít nhất 33 người chết. Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, với 10 triệu dân, đang chìm trong lũ. Chính quyền Trung Quốc hôm nay, 22/07/2021, thông báo ít nhất có 8 người mất tích. Những trận mưa kỷ lục nhấn chìm một phần hệ thống xe điện ngầm và cuốn trôi hàng trăm xe. Hơn 376 nghìn người phải sơ tán.   

(AFP) –  Đa dạng sinh học: Liên Âu hoan nghênh dự thảo chuẩn bị cho đàm phán COP 15. Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học sẽ họp tại Côn Minh, Trung Quốc, vào tháng 10/2021. Mục tiêu của thượng đỉnh này là thông qua một chương trình quốc tế lớn để bảo tồn đa dạng sinh học tại nhiều khu vực rộng lớn trên hành tinh. Ủy viên Môi Trường Liên Âu Virginijus Sinkevicius hoan nghênh dự thảo thỏa thuận, đặt mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% diện tích trên đất liền và trên biển. Liên Âu cũng kêu gọi « tăng cường » một số mục tiêu được đề ra trong dự thảo này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210722-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p