Tin COVID-19 Trong Nước – 20/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin COVID-19 Trong Nước – 20/7/21

Trưa 20/7: Một phường ở Hà Nội yêu cầu người dân ủng hộ 200 ngàn đồng khi được tiêm vắc-xin

Ảnh tổng hợp.

Một phường ở Hà Nội yêu cầu người dân ủng hộ 200 nghìn khi được tiêm vắc-xin

Plo – Trong khi Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội đều khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để cung ứng vaccine, tiêm miễn phí cho người dân thì một phường tại Hà Nội, đã yêu cầu người dân ký cam kết góp kinh phí khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cụ thể, báo Pháp Luật Tp HCM ngày 19 tháng 7 đưa tin, hàng nghìn hộ dân tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được yêu cầu ký cam kết về việc ủng hộ kinh phí tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 khi phường này thực hiện rà soát, lên danh sách người đăng ký tiêm vaccine trên địa bàn.

Theo đó, mỗi hộ dân được yêu cầu ký vào bản cam kết (theo mẫu in sẵn trên khổ giấy A4), trên đó viết rõ: “Để có thêm nguồn lực mua vaccine phòng COVID-19, bằng tình cảm sâu sắc, trách nhiệm và điều kiện của mình, chúng tôi xin cam kết ủng hộ kinh phí tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 khi được UBND phường có giấy mời đi tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 theo kế hoạch của TP Hà Nội và cấp có thẩm quyền…”. Cuối bản cam kết ghi lại mức ủng hộ chung là 200.000 đồng/1 mũi vaccine.

Trao đổi với báo Pháp Luật, bà L. một cư dân tại nhà A3, phường Bạch Đằng cho hay, vào tuần trước, gia đình bà được tổ trưởng tổ dân phố đến yêu cầu đăng ký tiêm vaccine và ký vào bản cam kết ủng sẽ ủng hộ 200.000 đồng/người/1 mũi vaccine.

Bà cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, nếu mỗi người tiêm một mũi thì phải ủng hộ 800.000 đồng và 2 mũi là 1,6 triệu đồng. Chúng tôi đều làm nghề tự do, thu nhập khó khăn…”.

Bà C., tổ trưởng một tổ dân phố tại phường Bạch Đằng cho hay việc yêu cầu người dân phải ký cam kết ủng hộ kinh phí tiêm vaccine với số tiền 200.000 đồng/người/mũi vaccine là do có sự chỉ đạo từ chính quyền phường.

Bà C. cũng cho biết có khoảng 20% số hộ dân tại tổ dân phố của bà (khoảng 400 hộ với 1.800 khẩu) không đồng ý ký cam kết ủng hộ kinh phí khi tiêm vaccine.

Trao đổi với báo Pháp Luật sáng ngày 19/7, một Bí thư một tổ dân phố của phường Bạch Đằng giải thích: “Việc yêu cầu người dân ký cam kết ủng hộ khi tiêm vaccine tại phường bắt nguồn từ đề xuất của người dân khi chúng tôi khảo sát nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Chính quyền phường cũng chưa có chỉ đạo, chủ trương chính thức nào bằng văn bản về việc này”.

Người này cho biết thêm do người dân có nguyện vọng đóng góp, ủng hộ quỹ tiêm vaccine, nên đã thống nhất lấy số tiền ủng hộ chung là 200.000 đồng/người/mũi, để tránh việc người góp nhiều, người góp ít. Ông này nói: “Khi tiêm người dân mới ủng hộ, tuỳ tâm, hoàn toàn không bắt buộc”.

Còn ông Nguyễn Hoành Dũng, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho hay chính quyền phường cũng đã nhận được các phản ánh của người dân trên địa bàn về việc trên.

Ông Dũng nói: “Phường đã tiếp thu ý kiến của người dân và hiện nay đã tạm dừng việc này.”

Sau khi thông tin được công bố ra, dư luận cho rằng, đây là một ‘hình thức tự nguyện mới’, có người thì bức xúc, dịch bệnh người dân đã khổ lắm rồi.

Hà Nội: Ghi nhận 19 ca dương tính COVID-19 tại 7 quận huyện

NLĐ – Trong đó, quận Hai Bà Trưng có 7 người, Hoàn Kiếm 4 người, Cầu Giấy 2 người, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Mỹ Đức mỗi địa điểm thêm 1 người được xác định dương tính COVID-19.

Trong 17 trường hợp được Sở Y tế Hà Nội ghi nhận chiều 19/7 có: 6 trường hợp F1 liên quan chùm ca bệnh tại Nguyễn Khuyến-Đống Đa, 2 trường hợp là F1 liên quan chùm ca bệnh tại Bố Trại Gang, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, 5 trường hợp là F1 liên quan chùm ca bệnh tại Bùi Thị Xuân-Hai Bà Trưng; 1 trường hợp là F1 liên quan chùm ca bệnh tại Bắc Ninh; 2 trường hợp là người về từ TP.HCM.

Cộng dồn số ca dương tính tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 486 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 296 ca, số F0 là đối tượng đã cách ly là 190 ca.

Shipper kiên nhẫn chờ trước bệnh viện dã chiến TP.HCM gửi đồ cho F0

Vietnamnet – Dưới nắng nóng, hàng trăm shipper vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài trước bệnh viện dã chiến TP.HCM để chờ làm thủ tục chuyển thực phẩm cho các bệnh nhân Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, TP.HCM đã sử dụng nhiều lô chung cư tái định cư Bình Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) để làm Bệnh viện dã chiến thu dung số 3, 6, 7, 8, 9 điều trị ca mắc Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Vừa hoạt động được hơn 1 tuần, bệnh viện đón hàng nghìn bệnh nhân đến điều trị. Các bác sĩ, nhân viên phục vụ luôn căng mình để chăm sóc cho những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau của người bệnh.

Khi quần thể bệnh viện dã chiến thu dung đi vào hoạt động cũng là lúc hàng trăm shipper đổ về để giao hàng cho các bệnh nhân.

Vào tầm buổi trưa, trước bệnh viện dã chiến lại xảy ra tình trạng shipper tập trung đông để chờ gửi hàng cho lực lượng chức năng, nhờ chuyển giúp đến các bệnh nhân.

Hàng hóa được gửi chủ yếu là thực phẩm như mì tôm, lương khô… cho đến các vật dụng phục vụ sinh hoạt như quạt, bình nước siêu tốc.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế tụ tập, lực lượng chức năng phải chốt chặn, phân luồng. Toàn bộ hàng hóa được chuyển vào đều được phun khử khuẩn. Khu vực xếp hàng chờ chuyển hàng được lực lượng chức năng vạch ô, đánh dấu để shipper, người thân của bệnh nhân xếp hàng giãn cách.

Toàn bộ hàng hóa được gửi vào đều ghi rõ họ tên, số điện thoại, số phòng, đảm bảo gửi cho các F0 không bị thất lạc, nhầm lẫn.

Nhiều lúc quá tải, các shipper xếp hàng chờ cũng không đảm bảo khoảng cách

Anh Trần Văn Minh (một shipper) cho biết, mỗi lần nhận đơn hàng qua bệnh viện dã chiến là ái ngại, vì để giao hàng có khi chờ hơn 1 giờ, đội nắng rất vất vả. “Nhưng những bệnh nhân họ cần món hàng này nên chịu khó, chịu thiệt chút không sao”- anh Minh chia sẻ 

Anh Nhật Hoàng một shipper khác cũng bày tỏ, xếp hàng đông sợ nhất lây bệnh, chứ bản thân anh không có than phiền gì. “Khách hàng đang mắc bệnh nên mình phải thông cảm và chịu khó chút. Anh em shipper ai cũng vậy, giờ có được công việc thời điểm này cũng quý lắm, hơn nữa giúp được một phần nhỏ những bệnh nhân đang điều trị”- anh Hoàng nói

Hàng hóa gửi vào chủ yếu là thực phẩm. Đa phần các F0 điều trị tại đây là các ca không triệu chứng và triệu chứng nhẹ nên nhu cầu bổ sung dinh dưỡng rất nhiều. Dưới cái nắng gắt, các shipper vẫn kiên trì chờ đợi đến lượt.

Ít nhất 4 triệu liều vaccine COVID-19 sắp về Việt Nam

Zing – Trong tuần này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 3 triệu liều vaccine Moderna do chính phủ Hoa Kỳ trao tặng thông qua COVAX Facility và một triệu liều đặt mua của AstraZeneca.

Theo Zing, thông tin này được GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, xác nhận tối 19 tháng 7. 

Tính từ cuối tháng 2 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 10,2 triệu liều vaccine của nhiều hãng khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Sputnik V và Sinopharm của Trung Quốc.

Theo Bộ Y Tế, đến ngày 19/7, Việt Nam đã tiêm gần 4,3 triệu liều vaccine phòng virus corona, trong đó gần 4 triệu người được tiêm mũi 1, số còn lại được tiêm đủ 2 mũi. Với dân số khoảng 98 triệu dân, Việt Nam hiện nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm chủng cho dân số đang ở mức thấp.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-trua-20-7-mot-phuong-o-ha-noi-yeu-cau-nguoi-dan-ung-ho-200-nghan-dong-khi-duoc-tiem-vac-xin.html

Tối 20/7: Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao; Cảnh báo dịch COVID-19 lây lan ở nông thôn

Ảnh tổng hợp.

Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao

VnExpress – Bộ Y tế tối 20/7 ghi nhận 2.640 ca dương tính COVID-19, trong đó 477 ca ở cộng đồng đang được truy vết dịch tễ.

2.640 ca gồm 5 ca nhập cảnh và 2.635 ca ghi nhận tại: TP HCM (1.803), Bình Dương (422), Đồng Nai (82), Đồng Tháp (60), Long An (46), Hà Nội (40), Đà Nẵng (29), Phú Yên (27), Cần Thơ (23), Ninh Thuận (22), Khánh Hòa (15), Bình Thuận (14), Kiên Giang (12), Nghệ An (8 ), Đăk Lăk (8 ), Bắc Ninh (4), Bình Định (3), Hưng Yên (3), Quảng Nam (2), Bạc Liêu (2), Vĩnh Phúc (2), An Giang (2), Kon Tum (2), Gia Lai (1), Bắc Giang (1), Đăk Nông (1), Lâm Đồng (1).

Như vậy, hôm nay ghi nhận 4.789 ca nhiễm (tăng 614 ca so với hôm qua) tại 35 tỉnh thành, gồm 4.061 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 383 ca), 728 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 231 ca).

Kon Tum lần đầu tiên kể từ khi dịch xảy ra đã ghi nhận 2 ca nhiễm, là tỉnh thứ 59 xuất hiện Covid-19.

Hôm nay đánh dấu ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao thứ hai kể từ đầu đợt dịch, với 4.789 ca, tăng 614 ca so với hôm qua. TP HCM cũng ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao thứ hai, với 3.322 ca (tăng 248 ca). Hà Nội ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao nhất, với 46 ca.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP HCM lên 37.787, Bắc Giang 5.733, Bình Dương 3.725, Bắc Ninh 1.698, Đồng Tháp 1.439, Đồng Nai 1.145, Tiền Giang 895, Long An 870, Phú Yên 782, Hà Nội 717, Khánh Hòa 585, Đà Nẵng 501, Vĩnh Long 422, Hưng Yên 251, Bến Tre 228, Bà Rịa – Vũng Tàu 219, Quảng Ngãi 217, Nghệ An 166, Cần Thơ 143, An Giang 132, Bình Thuận 120, Lạng Sơn 116, Vĩnh Phúc 116, Bình Phước 86, Kiên Giang 73, Ninh Thuận 70, Hậu Giang 41, Bình Định 36, Lâm Đồng 21, Đăk Lăk 20, Quảng Nam 19, Gia Lai 16, Bạc Liêu 16, Đăk Nông 13, Kon Tum 2.

Cần Thơ ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên do COVID-19

Thanh Niên – Chiều ngày 20/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ đã có báo cáo nhanh về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó đến chiều cùng ngày, Cần Thơ đã ghi nhận thêm 29 ca nhiễm mới so với hôm qua nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 đang điều trị lên 199 trường hợp.

Trong 29 ca nhiễm COVID-19 mới có 8 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 8 trường hợp là F1 của các ca bệnh đã công bố trước đó; 8 trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa và 5 trường hợp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm.

Cần Thơ đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 tử vong. Hiện lực lượng phòng chống dịch TP. Cần Thơ đã tiến hành các thủ tục hỏa táng bệnh nhân theo đúng quy định.

Cảnh báo dịch COVID-19 lây lan ở nông thôn

Tuoitre – Theo CDC Kiên Giang, ổ dịch tại bệnh viện đa khoa tỉnh này hiện có 15 ca (trong đó có 1 nhân viên y tế). Từ ổ dịch này đã lây lan ra huyện Gò Quao 9 ca; An Minh 6 ca. Ngoài ra 1 số địa phương khác cũng vừa phát hiện các ca F0 liên quan Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang gồm Giồng Riềng 1 ca; Rạch Giá 1 ca; U Minh Thượng 1 ca; Châu Thành 3 ca.

Tại huyện Gò Quao, vợ chồng bà P. và ông L. bị nhiễm từ trường hợp tiếp xúc với F1 là ông B. nằm điều trị khoa ngoại – tiết niệu Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, đã lây lan cho 9 người tại địa phương ở xã Thới Quản và 2 người ở xã Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải (nơi ông L. làm việc). 

Ông L. cũng đã đi dự đám giỗ, tiếp xúc với nhiều người khi uống cà phê và hiện đang truy vết.

Tại huyện Vĩnh Thuận, ổ dịch hình thành từ việc tài xế xe tải chở hàng về từ vùng dịch TP.HCM, đến nay đã có 19 ca nhiễm. Trong số này có 1 ca ở chợ trung tâm huyện nên khả năng lây nhiễm rất cao.

Ông Hà Văn Phúc, giám đốc Sở Y tế Kiên Giang lưu ý các địa phương phải làm tốt việc truy vết, bởi người dân ở nông thôn đi lại phức tạp. Chẳng hạn như có trường hợp đi đám tang xong mới dương tính COVID-19, đám tang không nhận phúng điếu nên rất khó để truy vết, vì không nắm được những ai đã tới viếng.

Doanh nghiệp cam kết bán gạo giá thấp hơn thị trường đến hết dịch COVID-19

Nld – Để thực hiện chương trình bình ổn giá gạo, công ty đã chuẩn bị nguồn gạo đủ cung cấp theo nhu cầu của người dân với giá cố định từ 9.000 – 10.000 đồng/kg đến khi hết dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công thương Long An, việc doanh nghiệp thực hiện bán gạo bình ổn giá ngay lúc này là kịp thời chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, và hạn chế được tình trạng hụt hàng, tăng giá.

Hiện tại, sở đã thông báo cho các địa phương chọn điểm, thông tin cho người dân có nhu cầu, hỗ trợ công tác phòng dịch tại điểm bán gạo cố định cũng như xe lưu động để doanh nghiệp chuyển hàng về phục vụ người dân. Các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đặt hàng, doanh nghiệp sẽ giao gạo tận nơi với giá cố định từ nay đến khi hết dịch.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Dương Vũ ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là đơn vị tiên phong triển khai điểm bán gạo (với các loại như IR 503, IR 504, OM 5451) bình ổn giá cho tất cả người dân có nhu cầu, với mức giá cố định 9.000 – 10.000 đồng/kg. Trong ngày đầu tiên bán gạo bình ổn giá, doanh nghiệp đã cung ứng gần 10 tấn gạo cho người tiêu dùng tại huyện Thủ Thừa và khách vãng lai tại các địa phương trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Dương Vũ, để thực hiện chương trình, công ty đã chuẩn bị nguồn gạo đủ cung cấp theo nhu cầu của người dân với giá cố định từ 9.000 – 10.000 đồng/kg đến khi hết dịch.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-toi-20-7-so-ca-nhiem-tiep-tuc-tang-cao-canh-bao-dich-covid-19-lay-lan-o-nong-thon.html