Ðiểm Báo Pháp – 19/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 19/7/21

Pháp tăng tốc tiêm chủng Covid-19: Vừa áp lực, vừa thuyết phục

Chính phủ Pháp coi giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 là một giải pháp căn bản giúp cho việc trở lại đời sống bình thường. Ảnh minh họa
Chính phủ Pháp coi giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 là một giải pháp căn bản giúp cho việc trở lại đời sống bình thường. Ảnh minh họa © DADO RUVIC/REUTERS

Chính phủ Pháp kiên quyết thúc đẩy các biện pháp “chưa từng có” để tăng tốc tiêm chủng Covid, khí hậu trở thành chủ đề thời sự khẩn cấp tại châu Âu sau trận lũ kinh hoàng ở Đức là các hồ sơ được hầu hết các báo Pháp ngày 19/07/2021 quan tâm. Le Monde chạy tựa trang nhất : “Chiến dịch tiêm chủng Pháp : không khí hào hứng mới”.  Les Echos nói đến “Vac-xin, biến thể Delta : cuộc chạy đua tốc độ”. “Giấy chứng nhận y tế” là chủ đề chính của Libération và La Croix.

Trang nhất Le Monde điểm lại bốn nét chính trong lĩnh vực tiêm chủng tại Pháp. Hiện tại đã có khoảng 55% dân Pháp được tiêm ít nhất một liều, và 43% hoàn tất chích ngừa.  Chính sách thúc ép của tổng thống Macron đã khiến thêm 2 triệu người đăng ký tiêm chủng, kể từ phát biểu hôm 12/07/2021 của tổng thống. Các công ty xe lửa, hàng không đang chuẩn bị xây dựng quy chế, tìm kiếm giải pháp trong khi chờ đợi một khuôn khổ pháp lý cho quy định “giấy chứng nhận y tế”. Le Monde cũng ghi nhận là dịch bệnh lây lan mạnh trên toàn quốc, nhưng các vac-xin vẫn hiệu quả đối với biến thể Delta, đã trở thành biến thể phổ biến nhất hiện nay.  

Để cung cấp đầy đủ thông tín với công chúng về vac-xin Covid, Le Monde có mục nói về những bài học rút sau 7 tháng chích ngừa, với tổng cộng 3,6 tỉ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, chủ yếu xét về mặt an toàn và hiệu quả phòng dịch.   

Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa “Vac-xin, biến thể Delta : cuộc đua tốc độ”, nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ ngày càng cương quyết của chính phủ đối với những người chống vac-xin và chống “giấy chứng nhận y tế”. Dự luật về tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế và mở rộng phạm vi áp dụng của “giấy chứng nhận y tế”sẽ được chính phủ xem xét hôm nay.  

“Giấy chứng nhận y tế”: Lo ngại tính khả thi

Trong lúc, chính phủ chuẩn bị các quy định cụ thể về tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế và về giấy chứng nhận y tế, Les Echos cho biết : các trung tâm thương mại, ngành giao thông, du lịch đặc biệt lo ngại về tính khả thi của các quy định. Hôm thứ Sáu, 16/07, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire có cuộc gặp đại diện các trung tâm thương mại. Hội đồng toàn quốc các trung tâm thương mại (CNCC), cảnh giác trước nguy cơ xếp hàng dài trước cửa các siêu thị, yêu cầu chính phủ cho kiểm tra ngẫu nhiên. Nếu siêu thị phải tự kiểm tra tất cả, chi phí việc này lên đến 30.000 euro cho mỗi cửa vào, tức 300.000 euro cho một siêu thị có 10 lối vào. Ngành này cũng yêu cầu triển hạn tiêm chủng cho nhân viên.Publicité

Ngành nhà hàng khách sạn cũng lo ngại về việc chính phủ áp dụng khẩn cấp và võ đoán kế hoạch này. Theo Umih, tổ chức hùng mạnh của giới chủ trong ngành này, chính quyền nên bàn bạc với các đại diện giới chủ, và cho phép triển hạn kế hoạch sang tháng 9, để nhân viên ngành này có thời gian tiêm chủng. Vấn đề không kém phần căng thẳng đặt ra là, trong trường hợp nhân viên từ chối chích ngừa, chủ có quyền sa thải hay không.

“Làn sóng Delta” với kinh tế: Đáng ngại, nhưng không quá mức

Về Covid, Les Echos có bài “Khả năng phục hồi kinh tế của vùng Euro đối mặt với mối đe dọa biến thể Delta”.Trong bối cảnh dịch bệnh, các chuyên gia kinh tế bắt buộc phải trở thành các chuyên gia về dịch tễ. Giới kinh tế đặt hy vọng vào vac-xin, vẫn có hiệu quả với biến thể Delta, giúp cho các nước không phải phong tỏa trở lại, tuy nguy cơ một làn sóng dịch mới ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế cũng không thể coi nhẹ. Dù sao, kinh tế gia trưởng của Axa Investment Managers tỏ ra lạc quan, “kể từ đầu đại dịch đến nay, mỗi đợt dịch lại ít tổn hại về kinh tế hơn đợt trước”. Lý do là, các doanh nghiệp và các hộ gia đình châu Âu nhìn chung tin cậy vào sự hậu thuẫn của nhà nước, và biết thích nghi kịp thời.

Theo kinh tế gia trưởng của Allianz, cho đến nay, quốc gia duy nhất thực sự phải đối mặt với tình trạng phá sản tăng vọt là Tây Ban Nha. Nguyên do là chính quyền đã không hậu thuẫn cho nền kinh tế. Theo Les Echos, miền nam châu Âu (đặc biệt là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp) đáng lo ngại hơn là miền bắc châu Âu, vì phụ thuộc nhiều vào du lịch.

Phe chống tiêm chủng dữ dội hơn

Nước Pháp đang đứng trước ngưỡng cửa của hàng loạt quyết định mới, liên quan đến đại dịch Covid, nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến phe chống “giấy chứng nhận y tế” đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn. Theo nhật báo Pháp, chính quyền Macron sẽ phải đối mặt không chỉ với những người chống vac-xin thuộc phe Áo Vàng hay cực hữu, đối thủ của tổng thống còn có thể là các doanh nhân và chủ nhà nhà hàng lo ngại về các hậu quả của những quy định về “giấy chứng nhận y tế”, cũng như nỗi ác cảm đang ngày càng rõ rệt của dân chúng trên đường phố. Theo Le Figaro, không khí thù nghịch gia tăng cũng nhắm vào cả một số dân biểu ủng hộ dự luật về “giấy chứng nhận y tế”. Trước cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, một trạm tiêm chủng ở Lans-en-Vercos (tỉnh Isère) đã bị đập phá.

“Cảm thông”

Nhật báo thiên tả Libération chạy tựa trang nhất “Giấy thông hành y tế. Cuộc chạy thi vượt chướng ngại vật” nhấn mạnh nhiều hơn đến việc đánh thức “trách nhiệm” công dân của những người chưa tiêm chủng và coi việc “thuyết phục quan trọng hơn là ép buộc”. Bài xã luận của Libération nhan đề “Thông cảm” khuyến nghị công chúng bình tĩnh nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ.

Theo Libération, dự luật về Covid liên quan đến “nhiều biện pháp mang tính cưỡng chế và chưa từng có”, như tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế, mở rộng quy định giấy chứng nhận tiêm chủng ra lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại gây ra “tình trạng phân biệt đối xử trên thực tế” đối với người không tiêm chủng trên các phương tiện giao thông, và nơi công cộng, hay buộc cách ly 10 ngày với người nhiễm virus… Cuộc tranh luận về chủ đề này không chỉ là đạo lý mà còn là pháp lý. Chính phủ đã chuyển dự luật sang Tham Chính Viện và Hội Đồng Bảo Hiến cũng sẽ phải lên tiếng về nhiều khía cạnh pháp lý.

Mặt khác Libération cũng giới thiệu với độc giả một kinh nghiệm lịch sử, cách đây không lâu, để so sánh với hiện tại. Năm  1978, một tòa án tại Pháp đã đưa ra phán quyết việc buộc mang dây an toàn khi lái xe là bất hợp pháp, xâm phạm quyền tự do cá nhân. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra tố cáo việc hàng triệu người Pháp chết cháy trong xe vì mang dây an toàn. “Làn sóng dân tuý” phản đối việc bắt buộc mang dây an toàn biến mất, sau khi thực tế chứng minh là  đeo dây an toàn cứu mạng sống của rất nhiều người, và nhiều trở ngại pháp lý đã được vượt. Vấn đề cũng tương tự với Covid. Libération nêu con số để độc giả tự so sánh : trong lúc có 114 nghìn người biểu tình chống các biện pháp siết chặt, trong đó có tiêm chủng, thì cũng vào ngày thứ Bảy, 17/07, có thêm 210 nghìn người đăng ký tiêm chủng. Libération kết luận, “đối với đa số người Pháp, một cú nhấp chuột nhẹ nhàng để tham khảo lịch sử sẽ hiệu quả hơn là phản kháng dữ dội” (petit clic vaut mieux qu’une grande claque).

Dịch bệnh : Tương lai sẽ còn thêm nhiều siết chặt

Nhật báo Công giáo La Croix cũng dành chủ đề chính cho các khía cạnh đạo lý xung quanh “giấy thông hành y tế”, với tít chính : “Các quyền tự do, sự kỳ thị, đời sống riêng tư”. La Croix phỏng vấn sử gia François Saint-Bonnet, giáo sư môn lịch sử luật pháp Đại học Paris II.

Theo nhà sử học này, trong lĩnh vực dịch tễ, xã hội tương lai sẽ còn phải có thêm nhiều giới hạn khác, bởi các điều kiện dẫn đến những dịch bệnh kiểu này không biến mất mà còn gia tăng. Trước kia virus phải mất cả một thập niên mới có thể lan truyền rộng khắp, thì giờ đây với việc di chuyển bằng máy bay phổ biến, dịch bệnh lan truyền nhanh hơn nhiều. Tất nhiên là cũng phải chú ý đến việc các quy định hạn chế tự do có tương thích với đe dọa hay không. Vẫn sử gia này ghi nhận là mọi người đã quen với rất nhiều giới hạn chưa từng có kể từ một năm rưỡi nay.

Khí hậu thành chuyện “khẩn cấp” sau trận lũ kinh hoàng ở Đức

Khí hậu nổi bật như chủ đề thời sự với châu Âu sau trận lũ kinh hoàng tại vùng Rhénanie, miền tây nước Đức. Thiệt hại về nhân mạng theo con số tạm thời vào sáng ngày thứ Bảy là 133 người. Hàng chục cây số đường sắt bị phá huỷ. Hơn 100 nghìn gia đình mất điện. Đất lở khủng khiếp… Hiện tại vẫn là giai đoạn đau thương tang tóc và nhận dạng thiệt hại. Trang nhất Le Figaro  chạy tựa “Nước Đức đau thương sau trận lũ kinh hoàng”. Hồ sơ trang nhất của Libération trang nhất là “Trận lũ. Gặp gỡ những người thoát chết”.  

Les Echos : “Vụ lũ lịch sử, những ứng cử viên kế nhiệm thủ tướng Merkel trước áp lực”. La Croix : “Trận lũ tại Đức làm đảo lộn các bầu cử”. Le Monde có hồ sơ mang tiêu đề “Sau đợt lũ lịch sử, khí hậu là tâm điểm chú ý của người Đức”. Trận lũ diễn ra hai tháng trước cuộc bầu cử Quốc Hội Đức đưa trở lại hàng đầu vấn đề cơ sở hạ tầng, đủ khả năng đối phó với các thiên tai kinh hoàng, và đồng thời tính khẩn cấp của hành động chống biến đổi khí hậu.

Le Monde ghi nhận việc nhiều chính gia theo đường hướng bảo thủ, như bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer, ngay lập tức lên tiếng cực lực chỉ trích những ai bác bỏ biến đổi khí hậu là có thực. Trong lúc lãnh đạo đảng Xanh tại Đức tỏ ra kín đáo, thì đối thủ chính, chính trị gia Armin Laschet, ứng cử viên hàng đầu vào chức lãnh đạo đảng cầm quyền CDU (thay thế bà Merkel), đã nhân dịp này có mặt ở khắp nơi, khẳng định “sẽ hành động mạnh mẽ hơn vì khí hậu”.

Thảm họa do biến đổi khí hậu: Châu Âu có đỡ hơn nhưng không tránh khỏi

Le Monde có bài phỏng vấn nhà khí hậu học Jean-Pascal van Ybersele, cựu phó chủ tịch GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của LHQ về khí hậu với tiêu đề “Cắt giảm khí thải là mệnh lệnh khẩn cấp”. Mục thảo luận của La Croix về chủ đề “Phải chăng châu Âu đang đối mặt với một khí hậu cực đoan ?” giới thiệu quan điểm của nhà khí hậu Pháp Jean Jouzel.  Nhà khí hậu học lưu ý đến ba hiện tượng thời tiết cực đoan mà châu Âu sẽ thường xuyên phải đối mặt là khô hạn, lũ lụt và bão.

Đối với nhà khí hậu học, thảm họa vừa diễn ra là điều mà các nhà khoa học đã liên tục dự báo, và châu Âu cho dù có lợi thế về mặt địa lý môi trường hơn nhiều khu vực khác, như Nam Á, châu Phi hay California, nhưng cũng không thể tránh khỏi các thảm họa tương tự ngày càng nhiều và mạnh hơn trong tương lai.  

Pháp: Vụ khởi tố chưa từng có nhắm vào một bộ trưởng Tư Pháp đương nhiệm

Về thời sự nước Pháp, vụ khởi tố “chưa từng có” nhắm vào một bộ trưởng Tư Pháp đương nhiệm của nước Pháp, ông Eric Dupont Moretti.Xã luận Le Monde có bài “Tư pháp : một cuộc đọ sức đáng lo ngại, ghi nhận mối quan hệ căng thẳng giữa bộ trưởng Tư Pháp và ngành toà án, ngay từ khi cựu luật sư Dupont Moretti được bổ nhiệm vào tháng 7/2020. Dupont Moretti bị nghi ngờ là đã lạm dụng quyền lực để trả đũa các công tố viên từng điều tra ông, khi Dupont Moretti còn hành nghề luật sư. Hiện tại bộ trưởng Tư Pháp không chấp nhận từ chức. Les Echos có bài “Bộ trưởng Tư Pháp mài sắc vũ khí”.  

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210719-phap-tang-toc-tiem-chung-vua-ap-luc-vua-thuyet-phuc