Tin Tổng Hợp – 18/7/21
Covid-19: Châu Âu tăng cường các biện pháp để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới
Để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta, nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại khắp nơi, nhiều nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp hạn chế đang có hiệu lực, và tăng cường thêm nhiều biện pháp mới.
Ngay từ 0 giờ sáng nay, 18/07/2021, Pháp đã cho áp dụng quy định trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 dưới 24 tiếng đồng hồ đối với du khách chưa được tiêm chủng đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Síp, Hy Lạp và Hà Lan. Cho đến nay, xét nghiệm âm tính 72 giờ trước lúc nhập cảnh đã được Pháp chấp nhận, ngoại trừ những người đến từ Vương Quốc Anh phải trình xét nghiệm dưới 48 giờ.
Do việc số ca nhiễm tăng nhanh dưới tác động của biến thể Delta, Pháp cũng đã mở rộng danh sách các quốc gia “đỏ” sang nhiều nước mới, bao gồm Tunisia, Mozambique, Cuba và Indonesia.
Tại Hy Lạp, đảo du lịch Mykonos nổi tiếng với những dạ tiệc thâu đêm suốt sáng, đã ban hành lệnh giới nghiêm và quyết định cấm khiêu vũ kể từ một giờ sáng. Vùng Catalunya ở Tây Ban Nha, rất được du khách ưa chuộng cũng đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm tương tự.
Với biến thể Delta và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế cho mùa hè, các chính phủ lo ngại một đợt bùng phát mới. Cơ quan dịch bệnh châu Âu dự đoán số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại trong những tuần lễ tới, với số ca nhiễm mới gấp khoảng 5 lần vào ngày 1 tháng 8.
Tuy nhiên, số ca nhập viện và tử vong sẽ tăng chậm hơn, đặc biệt là nhờ chiến dịch tiêm chủng. Trong lãnh vực này, theo trang mạng thống kê Our World in Data, vào hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu đã vượt qua Mỹ về tỷ lệ người dân được tiêm chủng. Trên mạng Twitter, quốc vụ khanh Pháp đặc trách Châu Âu Clément Beaune vui mừng loan báo rằng đã có đến 55,5% dân Liên Hiệp Châu Âu đã được tiêm chủng ít nhất một mũi so với 55,4% tại Hoa Kỳ.
Anh Quốc siết chặt điều kiện nhập cảnh đối với những người đến từ Pháp
Một ví dụ cụ thể là chính phủ Anh dự kiến tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa làn sóng dịch bệnh, với việc siết chặt các điều kiện nhập cảnh đối với người đến từ Pháp, ngay cả với người đã được tiêm chủng. Khi đặt chân lên nước Anh, bất kỳ ai đến từ Pháp sẽ phải cách ly trong 10 ngày, bất kể đã tiêm phòng hay chưa. Theo thông tín viên RFI Marie Boëda tại Luân Đôn, đây là một quyết định đáng ngạc nhiên từ phía chính quyền Boris Johnson.
“Việc đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không bất cứ người nào thoát khỏi chế độ cách ly phòng dịch, nhất là khi người đó đến từ Pháp, kể cả khi người đó là công dân Anh Quốc. Sự lây lan của biến thể Beta tại Pháp đã khiến chính quyền Anh lo ngại. Hiện nay, các trường hợp nghiêm trọng khá hiếm ở Anh nhờ tỷ lệ được chích ngừa rất cao ở Anh, với 68% người lớn đã được tiêm đủ hai liều. Nhưng biến thể Beta đến từ Nam Phi được cho là có khả năng kháng vac-xin cao hơn.
Tuy vậy, quyết định của Luân Đôn vẫn gây ngạc nhiên, bởi vì sự hiện diện của biến thể Beta quả đang gia tăng ở Pháp, nhưng tận trên đảo hải ngoại Réunion.
Phản ứng của Paris rất nhanh chóng. Pháp yêu cầu một xét nghiệm âm tính được thực hiện 24 giờ trước khi nhập cảnh đối với những người không được tiêm chủng.
Đối với Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế, chính phủ “đang phá hủy ngành công nghiệp du lịch của chính mình cùng với hàng nghìn công việc đang phụ thuộc vào lãnh vực này”.
Trong khi đó, tại Anh Quốc, biến thể Delta vẫn tiếp tục phát triển. Vào hôm qua, hơn 54.000 ca nhiễm mới đã được thống kê. Bộ trưởng Y Tế Anh, người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính, thậm chí còn dự kiến sẽ có đến 100.000 ca mỗi ngày trong mùa hè này.”
Trọng Nghĩa
Cảnh sát Thái Lan đụng độ người biểu tình
Reuters – Cảnh sát Thái Lan hôm 18/7 đã sử dụng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su trong khi tìm cách ngăn những người biểu tình tuần hành tới văn phòng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha để kêu gọi ông từ chức.
Hơn 1.000 người biểu tình đã tham gia cuộc biểu tình mà cho đến nay cảnh sát vẫn chưa giải tán.
Nhiều người biểu tình mang theo những chiếc túi đựng thi thể giả để tượng trưng cho các ca tử vong vì COVID-19 mà họ đổ lỗi cho thủ tướng và chính phủ của ông đã xử lý không tốt đại dịch COVID-19.
Một người biểu tình, Kanyaporn Veeratat, 34 tuổi, nói với Reuters: “Chính phủ đã xử lý tình hình một cách yếu kém và nếu chúng tôi không làm bất cứ điều gì thì sẽ không có gì thay đổi”.
Cảnh sát sử dụng vũ lực sau khi một số người biểu tình cố gắng tháo dỡ hàng rào thép gai và rào chắn kim loại do chính quyền dựng lên để chặn các con đường từ Tượng đài Dân chủ đến Tòa nhà Chính phủ, nơi thủ tướng làm việc.
Cuộc biểu tình đánh dấu một năm kể từ lần đầu tiên diễn ra làn sóng biểu tình quy mô lớn trên đường phố do các nhóm thanh niên dẫn đầu, thu hút hàng trăm nghìn người trên khắp đất nước.
Là một phần của biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chính phủ hôm 16/7 đã áp đặt lệnh cấm mới trên toàn quốc đối với các cuộc tụ tập công cộng trên 5 người, với mức phạt tối đa là hai năm tù giam hoặc phạt tiền lên tới 40.000 baht (1.220 đôla), hoặc cả hai.
Cuba: Chính quyền tổ chức biểu tình để “bảo vệ Cách mạng”
Tại Cuba, vào hôm qua 17/07/2021, gần một tuần sau cuộc biểu tình quy mô chưa từng có chống chính phủ, La Habana đã cho tập hợp đông đảo người ủng hộ chính quyền, với sự tham gia của cựu lãnh đạo Raul Castro. Hơn trăm ngàn người đã tập trung dọc bờ biển La Habana để “bảo vệ Cách mạng Cuba” theo chỉ thị của chính quyền.
Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron gửi về bài phóng sự :
“Cứ từng nhóm 100 người dân Cuba được xe bus đưa đến Malecon. Họ đến từ khắp các ngõ ngách của thủ đô. Các sinh viên và công chức như anh Osiris tập trung ở đây để tố cáo và phản đối các hành vi thao túng liên quan đến các cuộc biểu tình đông đảo chống chính phủ hôm Chủ Nhật tuần trước. Osiris nói : “Những gì đã xảy ra là các hành động phá hoại do Hoa Kỳ tổ chức, nhằm gây bất ổn cho đất nước Cuba trong khi ở đây chúng tôi vẫn luôn sống bình yên”.
Trong đám đông, có một người đàn ông liều lĩnh hô vang “Tự do”. Người này ngay lập tức bị phản đối và bị bắt giữ. Đoàn biểu tình lại tiếp tục đồng thanh: “Đả đảo bọn phản cách mạng”. Trong đoàn tuần hành, có nữ sinh viên Ana Yusmary Montalbo. Cô gái trẻ này nói : “Nếu chúng ta thảo luận, chúng ta có thể hiểu được nhau (…). Các vụ tấn công và bạo lực mà chúng ta đã thấy trong các cuộc biểu tình đó là không cần thiết”.
Trong ngày hành động để “tái khẳng định Cách mạng” này, chủ tịch Miguel Diaz-Canel tố cáo những dối trá quanh chuyện biểu tình ngày 11/07 : “Thông tin về chuyện nhân dân đang nổi dậy chống lại chính phủ của họ và chính phủ thì trấn áp dân chúng tại Cuba là dối trá. Thưa đồng bào, không có sự dối trá nào được tạo ra một cách tình cờ hay do nhầm lẫn, mọi thứ đều đã được cân nhắc tính toán kỹ, theo bài bản của một cuộc chiến tranh phi quy ước”.
Theo nhà chức trách, có khoảng 100.000 người tập hợp trong ngày thứ Bảy, trong khi các số liệu về số ca lây nhiễm virus corona ở Cuba cho thấy tình hình dịch tễ rất đáng lo ngại”.
Phó chủ tịch Venezuela đến Cuba
AFP cho biết phó chủ tịch Venezuela, bà Delcy Rodriguez, đã đến La Habana gặp chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel, hôm thứ Sáu 16/07 để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Cuba. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ gắn bó kể từ khi Hugo Chavez lên cầm quyền. Nhà lãnh đạo Venezuela Hugo Chavez (1999-2013) coi Fidel Castro là “người cha tinh thần”.
Thùy Dương
Anh Quốc: Hãy hủy bỏ thương vụ bán cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán cho Trung Quốc
Theo nguồn tin của CNBC, Trung Quốc sắp giành được quyền sở hữu cơ sở thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán (được gọi là “fab”) lớn nhất nước Anh với mức giá rẻ là 87 triệu USD trong tuần lễ từ ngày 05-11/07. Như là [đặc điểm] điển hình trong các giao dịch dạng này, Bắc Kinh tìm cách kiểm soát đối với fab, cùng công nghệ của cơ sở này càng nhiều càng tốt, thông qua chiến thuật tiệm tiến và các lớp công ty bình phong. Trong thương vụ bán fab này, Vương quốc Anh không thực hiện đúng phận sự của mình với tư cách là một đồng minh dân chủ.
Ông Michael Wessel, Ủy viên Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc, viết trong một thư điện tử: “Giao dịch này nhấn mạnh sự cần thiết của Vương quốc Anh phải phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong hoạt động đánh giá đầu tư để phù hợp với các mối quan tâm về an ninh của chúng ta. Vương quốc Anh cần trở thành một đối tác mạnh trong việc ứng phó với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các chuỗi cung ứng quan trọng.”
Các đồng minh của Anh Quốc, như Hoa Kỳ, Ý và Nam Hàn, tất cả quốc gia này đều đã ngừng các thương vụ chuyển nhượng cơ sở fab cho Trung Quốc, [đều] không thể một mình đánh bại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm sở hữu công nghệ vi mạch bán dẫn máy điện toán phức tạp. Chỉ có sự đoàn kết, cùng với việc Anh Quốc đứng vững trước sự thâu tóm công nghệ của Trung Quốc, chúng ta mới có thể đánh bại các hành vi hiếu chiến của Trung Cộng.
Công ty Nexperia, một công ty Hà Lan thuộc sở hữu của Trung Quốc, đang tìm cách mua lại công ty vi mạch bán dẫn của Anh Quốc, có tên là Newport Wafer Fab (NWF). Mức giá này có vẻ thấp, khi Texas Instruments thông báo mua một nhà máy sản xuất Micron bỏ trống ở Utah với giá 900 triệu USD trong tuần này. Nhà máy ở Vương quốc Anh sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận không chỉ mảng sản xuất, mà còn cả một nền tảng ở Anh Quốc mà từ nền tảng này Trung Quốc có thể có được nhân tài và công nghệ hàng đầu của Anh Quốc để thiết kế loại vi mạch bán dẫn tân tiến.
Công nghệ vi mạch bán dẫn máy điện toán, vốn được quản lý một cách chặt chẽ như một tài sản chiến lược quốc gia ở hầu hết các đất nước, sẽ quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế và quân sự trong tương lai của Trung Quốc, vì đây là một lĩnh vực mà quốc gia [dưới chế độ] toàn trị này bị tụt lại phía sau. Một khi Trung Quốc không còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đồng minh về vi mạch bán dẫn máy điện toán, họ có thể gây sức ép với chúng ta theo những cách khác, mà không sợ bị trả đũa. Trung Quốc đã cố gắng và thất bại trong việc siết chặt [nguồn cung] các nguyên tố đất hiếm (REE) đối với Nhật Bản vào năm 2010. Khi Trung Quốc tăng cường nắm giữ các nguồn lực công nghiệp bổ sung, bao gồm cả sản xuất và công nghệ vi mạch bán dẫn, [thì] khả năng họ chiếm chỗ của Anh Quốc và các đồng minh trên thị trường vi mạch toàn cầu, và sau đó là [khả năng] từ chối [cung cấp] các loại vi mạch bán dẫn đó cho các đồng minh, sẽ tăng lên. Do đó, việc Anh Quốc bán NWF cho Trung Quốc đang tạo điều kiện cho quốc gia [dưới chế độ] toàn trị này có khả năng áp đặt sự cưỡng bức kinh tế hà khắc lên tất cả chúng ta trong tương lai.
Do đó chính phủ Anh Quốc nên hủy bỏ việc bán NWF vì lý do an ninh quốc gia.
Nexperia, công ty có trụ sở tại Hà Lan đang tìm cách mua cơ sở fab của Anh Quốc, thuộc sở hữu 100% của Wingtech Technology, một công ty Trung Quốc. Vào tháng 03/2021, Nexperia đã chiếm các ghế trong hội đồng quản trị của NWF. NWF, là cơ sở sản xuất và phát triển tấm silicon 200mm và chất bán dẫn hàng đầu của Anh Quốc, rất có giá trị do sự thiếu hụt vi mạch bán dẫn trên toàn cầu và cuộc đua của Hoa Kỳ, Đài Loan, Nam Hàn và Trung Quốc nhằm dẫn đầu trong việc sản xuất và thu nhỏ các loại vi mạch bán dẫn thông qua các công nghệ được bảo vệ, chẳng hạn như loại vi mạch dành cho iPad Pro, sử dụng quy trình sản xuất in thạch bản 3 nanomet rất được ưa chuộng.
NWF chuyên về vi mạch bán dẫn được sử dụng trong xe hơi, và tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn đã ảnh hưởng lớn đến các dây chuyền lắp ráp xe hơi trong năm nay. GM, Mercedes, Peugeot, Porsche, Volkswagen, và các nhà sản xuất khác đã phải ngừng chạy các dây chuyền sản xuất, hoặc [phải] đưa ra các lựa chọn công nghệ kém hơn như đồng hồ đo tốc độ bằng cơ, trong các loại xe của họ. Anh Quốc hiện đang sản xuất hơn 50 mẫu xe của hơn 15 nhà sản xuất khác nhau, mà bất kỳ mẫu xe nào trong số này đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn giả tạo do Trung Quốc áp đặt, nếu như Trung Quốc có được công nghệ và quy trình sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến.
Một lá thư ngày 18/06/2021 từ Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Anh Quốc, Nghị sỹ Quốc hội Tom Tugendhat, gửi cho Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh Quốc, Nghị sĩ Kwasi Kwarteng, đã nêu vấn đề về việc Bộ này không đề nghị xem xét đánh giá lại việc bán NWF theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư của Anh Quốc. Ông Tugendhat gọi việc Trung Quốc tiếp quản công ty này của Anh Quốc là “một mối lo ngại đáng kể về kinh tế và an ninh quốc gia” và kêu gọi sự cần thiết của việc “tự cung cấp các chuỗi cung ứng chất bán dẫn như một mệnh lệnh an ninh quốc gia”.
Vấn đề gây lúng túng là ở bản chất trao quyền quản trị ở Vương quốc Anh, đất nước mà kể từ năm 1922 đã được chia thành các “quốc gia” bán tự trị (và có khả năng ly khai) gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Bức thư của nghị sĩ Tugendhat phản ánh sự yếu kém tương đối của chính phủ Anh Quốc ở London khi nêu rằng, “ông cũng có thể vui lòng làm rõ liệu ông có tin rằng đây chủ yếu là vấn đề của Chính phủ xứ Wales khi chính quyền ở Cardiff [thủ phủ của Wales] không có thẩm quyền được giao để xem xét các tác động an ninh quốc gia của một giao dịch có tính chất như thế này đối với một bên mua ngoại quốc sẽ gây ra?”
Sự ủng hộ dành cho độc lập của xứ Wales rời khỏi Anh Quốc đã tăng từ mức dưới 20% vào năm 2016 lên trên 30% trong các cuộc thăm dò năm 2021, có thể gây áp lực lên London để xoa dịu các lợi ích kinh doanh của xứ Wales, bao gồm cả những doanh nghiệp muốn làm ăn với Trung Quốc. Trong khi quan điểm [của người dân] tại xứ Wales vẫn còn thấp xa dưới mức ngưỡng để có được quyền độc lập, thì một trong các đảng phái của xứ Wales trong năm 2020 đã đưa ra một bản kiến nghị tại quốc hội Wales về nền độc lập của Wales. Năm 2014, cử tri Scotland đã bác bỏ một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập mà những người ủng hộ nó coi là cơ hội “chỉ-có-một-lần-trong-một-thế-hệ.” Bất chấp thất bại, các cử tri này đã trở lại vào năm 2021 với các đề nghị cho một cuộc trưng cầu dân ý khác về độc lập cho phép Scotland tách khỏi Vương quốc Anh để ở lại trong Liên minh Âu Châu hậu Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập khác của Scotland sẽ đòi hỏi sự đồng ý của London, mà chính phủ của Đảng Bảo thủ có khả năng không cho phép. Tuy nhiên, áp lực của chủ nghĩa ly khai khiến London gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ chống lại việc các doanh nghiệp ở Scotland và xứ Wales đang tìm cách bán công nghệ cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh rối ren về chủ nghĩa ly khai này ở Anh Quốc, ông Tugendhat đang nỗ lực một cách đúng đắn để thống nhất đất nước của mình và gắn kết chặt chẽ hơn hệ thống phòng thủ của quốc gia này với các nền dân chủ khác. Trong một trường hợp đồng minh phối hợp rà soát các hoạt động xuất cảng công nghệ nhạy cảm, bức thư của ông Tugendhat lưu ý rằng Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã hợp tác với chính phủ Nam Hàn để xem xét một nỗ lực tương tự của Trung Quốc trong việc mua một cơ sở thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán, lần này là thông qua Wise Road Capital của Bắc Kinh để mua Magnachip của Nam Hàn. Chính phủ Nam Hàn, không giống như chính phủ Anh Quốc, đã phân loại công ty vi mạch bán dẫn của mình là “công nghệ cốt lõi quốc gia,” do đó việc rà soát là bắt buộc. Vào tháng 03/2021, Ý đã chặn việc bán cho một công ty Trung Quốc một lượng cổ phần kiểm soát trong LPE, một doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn của Milan, gọi công ty Ý này là “tầm quan trọng chiến lược.”
NWF có khoảng 53 triệu USD nợ, bao gồm cả nợ HSBC và chính phủ xứ Wales. Trong khi bộ phận thiết kế của công ty về các chất bán dẫn hợp chất có tốc độ nhanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn sẽ không được đưa vào đề nghị bán, NWF dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vẫn có thể phát triển lại các công nghệ này bằng cách sử dụng nhân tài và công nghệ của Anh Quốc, cũng như các quy trình phát triển vẫn còn [đang] ở NWF. Nhân tài và công nghệ của Anh Quốc sẽ nằm trong tầm tay của Bắc Kinh nếu thương vụ mua bán NWF diễn ra thành công. Vì NWF đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát minh ra phương tiện về hợp chất bán dẫn, nên với phần đã chuyển nhượng của NWF, sẽ không khó để làm như vậy [trong việc phát triển các phương tiện về hợp chất bán dẫn] thêm một lần nữa ngay cả khi mảng này chính thức được tách ra khỏi phần bán cho Trung Quốc.
Việc bán NWF nên được hủy bỏ ngay lập tức, vì giao dịch này mang lại cho Bắc Kinh một chỗ đứng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế công nghệ cao của Vương quốc Anh. Với những nỗ lực của các đồng minh của Anh Quốc như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nam Hàn và Ý, nhằm bảo vệ công nghệ vi mạch bán dẫn khỏi các hoạt động kinh tế hiếu chiến của Trung Quốc, giao dịch này sẽ là một thất bại trong liên minh của Anh Quốc với các nền dân chủ khác nếu quốc gia này làm suy giảm những nỗ lực của các quốc gia đồng minh bằng cách bán các công nghệ chiến lược cho Trung Quốc. Cân nhắc tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn toàn cầu, việc Anh Quốc giao quyền kiểm soát cho Bắc Kinh là một trò lố bịch đối với lợi ích của chính quốc gia này và của các nhà sản xuất xe hơi của Anh Quốc, khiến các cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn chiến lược của nước này gặp rủi ro. Công ty vi mạch bán dẫn NWF cho phép Anh Quốc có một số biện pháp bảo đảm nguồn cung, và không được nhượng bộ trước một đối thủ quân sự và kinh tế có ý định trộm cắp và thực thi thương mại vô đạo đức, chẳng hạn như bán phá giá và giữ lại các nguồn lực kinh tế quan trọng do yếu tố tính chính trị, đều là [những thứ] quá hiển hiện.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập trung quyền lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không xâm phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những quyền lực lớn, Những chiến lược lớn.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Putin “sẵn sàng” để Mỹ dùng căn cứ Nga ở Trung Á để do thám Afghanistan
Vào lúc quân đội Mỹ chuẩn bị triệt thoái khỏi Afghanistan, tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 vừa qua, đã đề nghị với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden là Hoa Kỳ có thể sử dụng các căn cứ quân sự của Nga ở vùng Trung Á để thu thập thông tin từ Afghanistan. Đây là thông tin được tờ báo Nga Kommersant tiết lộ vào hôm qua, 17/07/2021.
Theo hãng tin Anh Reuters, tờ báo Nga đã trích dẫn một số nguồn tin khẳng định rằng tại cuộc hội đàm ngày 16/06 với ông Biden ở Genève, ông Putin đã đề xuất việc hai nước Nga và Mỹ phối hợp hành động trên vấn đề Afghanistan, và Matxcơva sẵn sàng đưa các căn cứ của Nga ở Tajikistan và Kyrgyzstan vào “mục đích sử dụng thực tế”. Theo tờ báo Nga, hợp tác có thể liên quan đến việc trao đổi thông tin thu thập được bằng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, hiện chưa có phản hồi cụ thể từ phía Hoa Kỳ và Điện Kremlin chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Theo Reuters, đà tiến quân mạnh mẽ của lực lượng Taliban trong bối cảnh lực lượng Hoa Kỳ rút lui sau 20 năm tham chiến đã đặt ra một vấn đề an ninh đối với Matxcơva, vốn lo ngại người tị nạn Afghnaistan có thể bị đẩy sang các nước láng giềng Trung Á, khiến cho sân sau và sườn phòng thủ phía nam của Nga bị mất ổn định.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Sáu cho biết việc Mỹ và liên minh NATO rút khỏi Afghanistan khiến tình hình chính trị và quân sự trở nên bất ổn hơn, từ đó làm trầm trọng thêm mối đe dọa khủng bố trong khu vực.
Tình hình Afghanistan cũng khiến nước láng giềng Iran lo ngại và đã có dấu hiệu cho thấy là Teheran sẵn sàng hợp tác với Taliban, nhân danh chủ nghĩa thực dụng.
Riêng về các phe tại Afghanistan, kể từ hôm qua, các cuộc hòa đàm giữa đại diện chính quyền Kabul và phe Taliban, đã được tổ chức tại Qatar và sẽ tiếp tục qua ngày hôm nay. Câu hỏi đặt ra là đàm phán liệu có kết quả gì trong bối cảnh Taliban ngày càng chiếm ưu thế.
Trọng Nghĩa