Ðiểm Báo Pháp – 15/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 15/7/21

Từ giả thiết virus rò rỉ ở Vũ Hán Trung Quốc đến một quy định quốc tế về P4

Các nhà báo tập trung trước hàng rào điện bao quanh phòng thí nghiệm P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán, khi ê-kíp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thăm ngày 03/02/2021.
Các nhà báo tập trung trước hàng rào điện bao quanh phòng thí nghiệm P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán, khi ê-kíp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thăm ngày 03/02/2021. AP – Ng Han Guan

Liên quan đến Trung Quốc trên lãnh vực khoa học, trả lời phỏng vấn của Le Monde, chuyên gia an toàn sinh học Filippa Lentzos kêu gọi thông qua quy định quốc tế cho 60 phòng thí nghiệm P4 trên thế giới, trong lúc giả thiết con virus SARS-CoV-2 thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán đang là mối quan tâm lớn.

Là nhà nghiên cứu của King’s College ở Luân Đôn và Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình ở Stockholm, bà Lentzos hồi tháng Năm đã công bố bản đồ các phòng thí nghiệm P4 trên thế giới. Có 60 cơ sở được gọi là P4 (mầm bệnh loại 4) hay BSL-4 (biosafety level/mức độ an toàn sinh học) là nơi nghiên cứu về các virus gây những bệnh nguy hiểm như Ebola, đậu mùa…nằm tại 23 nước (25 tại châu Âu, 14 ở Bắc Mỹ, 13 tại châu Á), nhưng đến 3/4 không tôn trọng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn.

WHO «điều tra» được gì ở Vũ Hán?

Trong khi xuất xứ của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được khẳng định, bà Lentzos nằm trong số các nhà khoa học ngay từ đầu đại dịch đã kêu gọi điều tra về khả năng virus thoát khỏi phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán (WIV).

Người ta biết gì về những nghiên cứu của viện này liên quan đến virus corona, và mối quan hệ với EcoHealth Alliance, tổ chức Mỹ đã tài trợ một phần cho WIV ? Bà Filippa Lentzos cho biết tất cả đều mù mờ, EcoHealth Alliance không mấy hợp tác. Các báo cáo thường niên của cơ quan này cho NIH (National Institutes of Health/Viện Y tế Quốc gia), nơi tài trợ các nghiên cứu y sinh học ở Hoa Kỳ) không được công bố, dù nhiều đại biểu Quốc Hội Mỹ và báo chí đã đòi hỏi, cho thấy là có vấn đề.

Còn về đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đi « điều tra » ở Trung Quốc, trong đó có ông Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, chuyên gia Lentzos không coi đó là một cuộc điều tra. Bắc Kinh quyết định tất cả từ thành phần của đoàn cho đến mục tiêu, những địa điểm được đến và những người được gặp.

Điều tra đúng nghĩa phải là một ê-kíp không xung đột lợi ích, xem xét mọi giả thiết kể cả khả năng virus rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm. Phải có được tất cả những dữ liệu của P4 Vũ Hán : vật mẫu, báo cáo kinh nghiệm, báo cáo sự cố, y bạ của các nhà khoa học phải nhập viện, trao đổi với các nhà nghiên cứu trong điều kiện họ được tự do phát biểu.

Nguy cơ vũ khí sinh học

Các virus corona nguy hiểm cho con người như SARS hay MERS phải được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm P3, còn những thí nghiệm rủi ro nhất như thay đổi một số cấu trúc để virus độc hại hơn với người, gọi là «gia tăng chức năng», phải được làm tại P4. Nhưng trước khi P4 Vũ Hán đi vào hoạt động, Trung Quốc đã thực hiện tại một P3, việc này tạo ra rất nhiều rủi ro, nếu là một mầm bệnh có thể gây ra đại dịch. Bà nhấn mạnh đến một số công nghệ «lưỡng dụng» có thể dùng cho mục đích quân sự lẫn dân sự, chẳng hạn việc chế vac-xin có thể bị dùng làm vũ khí sinh học.

Hiện nay mỗi nước có các quy định riêng, chẳng hạn Anh có danh sách các mầm bệnh có thể nghiên cứu với mức độ an toàn 2,3 hoặc 4. Nhưng ở tầm quốc tế, hiện chưa có quy định chung nào, chỉ có những khuyến cáo. Chuyên gia Filippa Lentzos cho rằng nhất thiết phải kiểm soát những gì diễn ra tại các P4 trên thế giới.

Đặc biệt với Trung Quốc, vốn không tham gia các nhóm chuyên gia quốc tế về an toàn sinh học, và nhất là từ chối công khai các báo cáo hàng năm cho Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ công ước về vũ khí sinh học. Ngay cả các nhà khoa học Trung Quốc cũng cảnh báo an toàn sinh học phải được ưu tiên, và các chuyên gia Mỹ từng thăm WIV cũng đã lên tiếng báo động. Trong quá khứ từng có các sự cố, chủ yếu tại Viện Virus học quốc gia ở Bắc Kinh với virus SARS.

Cuba: Raul Castro tái xuất để đe dọa

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, trong bài «Raul Castro lên án, nhưng người Cuba biểu tình», Le Figaro nhận thấy cựu lãnh đạo đảng và quân đội về hưu đã tái xuất, để ra lệnh cho người dân – đang bị làn gió nổi dậy cuốn theo.

Ở tuổi 90, ông tướng Raul Castro chỉ nghỉ ngơi được vài tháng sau khi rời ghế bí thư thứ nhất đảng cộng sản vào giữa tháng Tư. Theo tờ báo đảng Granma, thì ông phải đáp trả «những khiêu khích của các phần tử phản cách mạng, được Mỹ tổ chức và tài trợ để gây bất ổn». Sự trở lại của cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Cuba đầy uy quyền là một cảnh báo cho người biểu tình. Đó cũng là dấu hiệu cứng rắn của chế độ, lời cảnh cáo của giới quân nhân cho các bộ trưởng dân sự. Bởi vì chủ tịch Miguel Diaz-Canel không gây sợ hãi như Fidel và Raul Castro.

Sau ba ngày đối đầu, quy mô nay đã giảm sút. La Habana triển khai lực lượng quân đội để đàn áp nổi dậy. Pedro, một thanh niên 27 tuổi cho biết chính quyền gởi đến các «boinas negras» tức lính mũ đen của lực lượng đặc nhiệm và lính mũ đỏ tinh nhuệ với đủ loại vũ khí. Bộ Nội Vụ cho biết một người biểu tình 36 tuổi thiệt mạng và khoảng 100 người bị bắt, nhưng số liệu vẫn thiếu minh bạch, và cả phe đối lập cũng vậy. Báo mạng 14 y Medieo nói rằng có 5.000 người bị bắt trong đó có nhiều nhà báo độc lập, ít nhất ba khuôn mặt đối lập đã bị tống giam. Cũng theo Pedro, cuộc biểu tình hôm Chủ nhật ban đầu ôn hòa nhưng đã nhanh chóng chuyển thành xung đột do cả hai phía: một video cho thấy cảnh sát sau khi bị vài người tấn công đã ném trả gạch đá vào đám đông.

Trấn áp bằng quân nhân mặc thường phục

Người cựu sinh viên tố cáo chính quyền điều lực lượng chống biểu tình đến, đó là những quân nhân mặc thường phục mà người dân La Habana ghi hình được khi họ xuống xe, cởi bỏ quân phục. Marta, mẹ của Pedro cho biết, khi nhà nước tổ chức biểu tình để chống cấm vận chẳng hạn, họ cũng điều người đến với danh nghĩa tình nguyện viên.

Vũ khí chính của người biểu tình là internet cho đến lúc báo lên khuôn vẫn bị cắt. Nhờ đó ngoại trưởng Bruno Rodriguez có thể đưa ra tiếng nói chính thức mà không bị phản biện, theo đó «không có nổi dậy ở Cuba». Tuy cực lực lên án chính quyền Cuba, nhưng Washington không tính đến việc can thiệp quân sự, theo như chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng Viện Bob Menendez, thượng nghị sĩ Dân Chủ gốc Cuba.

Ngược với các cuộc biểu tình lớn tại La Habana năm 1980 và 1994, lần này không chỉ tại thủ đô mà người dân tại vài chục thành phố trên cả nước đã xuống đường. Nhiều người đang trong tình trạng tuyệt vọng đã không còn sợ hãi. Bà Marta phẫn nộ vì người em dâu đã chết do không có thuốc, bà nói: «Chúng tôi có những bác sĩ rất giỏi nhưng lại không có thuốc chữa bệnh». Còn Pedro lo ngại khi hồi trước Fidel đến nói chuyện với nhân dân, còn giờ đây Diaz-Canel kêu gọi chiến đấu với người biểu tình. Ông ta không nói ra từ «chiến tranh», nhưng ai cũng hiểu đi biểu tình bây giờ là tự sát. Anh thanh niên tự an ủi, «tuy không được tổ chức tốt, nhưng dù sao đó cũng là một cuộc cách mạng».

Merkel và «người tình phản bội» Mỹ

Về quan hệ giữa Hoa Kỳ với châu Âu, Le Figaro chú ý đến việc «Ông Biden tiếp bà Merkel để mừng một liên minh lâu đời với vô số bất đồng». Về Nga và Trung Quốc, thủ tướng Đức không có cùng quan điểm với tổng thống Mỹ.

Cuộc gặp trước khi kết thúc nhiệm kỳ của bà Merkel không hề mang tính xã giao. Theo ông chủ mới của Nhà Trắng, thì đây là biểu tượng của «mối liên hệ song phương sâu sắc» giữa đôi bên. Tờ báo nhắc lại, ông Donald Trump hồi tháng 3/2017 đã từ chối bắt tay bà Merkel khi tiếp bà tại Phòng Bầu dục. Berlin hài lòng với việc đổi giọng này, nhưng có thái độ như với một người tình phản bội nay quay lại cùng những lời thề thốt. Châu Âu nói chung và Đức nói riêng hiểu rằng ưu tiên của Hoa Kỳ không còn là Liên Hiệp Châu Âu mà là Trung Quốc.

Cuộc chạy đua trong hậu trường của Pháp, Đức, Anh

Trong một bài viết khác, Le Figaro nhận định Washington đã chọn Berlin thay vì Paris. Cựu tổng thống Donald Trump đã chọn Emmanuel Macron, lãnh đạo châu Âu đầu tiên được tiếp đón nồng nhiệt tại Nhà Trắng sau khi ông Trump vừa đắc cử. Joe Biden thì chọn Angela Merkel. Từ nhiều tháng qua, một cuộc chiến vô hình đã diễn ra trong hậu trường ngoại giao, giữa Paris và Berlin, để được là khách mời châu Âu đầu tiên. Pháp từng hy vọng Joe Biden sẽ chọn cả đôi Pháp-Đức, còn Anh cho rằng với « mối quan hệ đặc biệt », mình sẽ được ưu tiên.

Nếu Mỹ muốn đoàn kết châu Âu chống lại Trung Quốc, sẽ là logic khi trước hết dựa vào Đức, sức mạnh kinh tế lớn nhất tại châu lục trong quan hệ với Bắc Kinh. Chuyên gia Susi Dennison của Trung tâm Quan hệ Quốc tế Châu Âu (ECFR) cho rằng Joe Biden vốn thực dụng, muốn tận dụng mối quan hệ trước khi bà Merkel ra đi vào tháng Chín trong khi đối với Macron thì còn nhiều thời gian hơn.

Hơn nữa ông còn phải giải quyết vấn đề ống dẫn khí Nord Stream 2 nối Đức với Nga, bị Biden cho là « thỏa thuận tệ hại cho châu Âu ». Chấp nhận tạm thời ngưng trừng phạt, hẳn Biden sẽ đòi Merkel « bánh ít đi bánh quy lại ». Giữ khoảng cách với Trung Quốc, nhập khí hóa lỏng của Mỹ nhiều hơn, một cơ chế bồi thường cho Ukraina hay thay đổi tính chất của dự án ? Cũng theo chuyên gia trên, Đức sẽ không sẵn sàng gắn Nord Stream 2 với các hồ sơ khác, và thái độ của Biden sẽ thay đổi nếu Merkel không nhượng bộ.

Dự án xanh «big bang» gây tranh cãi của châu Âu

Dự án được coi là vụ nổ «big bang» về lập pháp của để chống biến đổi khí hậu của Bruxelles là tựa chính của hầu hết báo Pháp hôm nay 15/07/2021 cũng như ở các trang trong. Les Echos nhấn mạnh «Khí hậu, cuộc cách mạng châu Âu», La Croix mơ về tương lai «Mai đây, một châu Âu không carbone», Le Figaro cảnh báo «Thuế, các tiêu chí…kế hoạch xanh đầy dẫy nguy cơ của châu Âu ». Libération dành trang nhất cho nghệ sĩ Christian Boltanski vừa qua đời nhưng có đến bốn trang khổ lớn về chủ đề này. Riêng Le Monde nói về chủ trương chống Covid của Pháp, với tựa đề «Tiêm chủng: Macron cam kết một cách mạnh mẽ»,

Bài xã luận của La Croix cảnh báo, sẽ là sai lầm nếu không chú ý đến «hiệp ước xanh» châu Âu.Câu khẩu hiệu «Fit for 55» ẩn giấu phía sau một tổng thể các quy định luật pháp có thể thay đổi sâu sắc và nhanh chóng cuộc sống hàng ngày của người dân. Bruxelles muốn giảm 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2030, so với năm được lấy làm mốc là 1990. Có nghĩa là trong 10 năm phải hoàn tất công việc của 30 năm. Vận tải, nhà ở, sưởi ấm, thương mại, logistic, kỹ nghệ, tất cả đều bị ảnh hưởng.

Các thương lượng giữa 27 nước và thảo luận ở Nghị Viện Châu Âu có thể giảm nhẹ các biện pháp này. Nhưng lần này Ủy Ban Châu Âu đã có sáng kiến táo bạo, chấp nhận ba rủi ro. Trước hết là về xã hội : giá năng lượng cho người dân châu Âu sẽ tăng lên, tạo bất bình đẳng. Nếu không có biện pháp trợ giúp, phong trào Áo Vàng có thể lan ra khắp châu Âu. Rủi ro thứ hai về chính trị : các chính phủ có thể đổ lỗi cho châu Âu khi bị công dân chỉ trích. Thứ ba là về ngoại giao : thuế carbone đã gây tranh cãi dữ dội với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng theo La Croix, tương lai của hành tinh xứng đáng để chấp nhận ba nguy cơ này.

Không phất «khăn xanh» trước «Áo Vàng»

Le Figaro nhận định, bác sĩ Bruxelles đã ra toa thuốc để đạt zéro carbone vào giữa thế kỷ, với hơn một chục phương thuốc. Đối với những người đấu tranh môi trường cực đoan – không muốn xe hơi, máy bay, nhà máy, dầu lửa lẫn nhựa – cho rằng còn nhẹ, nhưng lại làm các doanh nghiệp toát mồ hôi lạnh. Mỗi cú siết lại là những thách thức mới về kỹ nghệ, và trước sau gì cũng làm giá thành tăng lên. Con đường zéro carbone thực tế rất nhiều chướng ngại, trước hết về công nghiệp.

Chẳng hạn Bruxelles áp đặt ngành xe hơi châu Âu phải từ bỏ vị thế hàng đầu về động cơ nhiệt, thay vào đó là động cơ điện, hiện do Trung Quốc thống trị. Theo Le Figaro, cần phải tìm được sự thăng bằng giữa tốc độ thay đổi và khả năng hấp thụ của công nghiệp và người tiêu dùng. Về phía Pháp phải cảnh giác, lên tiếng để tránh cho kỹ nghệ không bị hủy hoại, và ngăn Bruxelles phất «chiếc khăn xanh» trước mặt những chiếc «Áo Vàng».

Pháp: Ở «nghĩa địa» của những tờ thư cũ

Tại Pháp trên lãnh vực xã hội, trong bài « Đi tìm những lá thư thất lạc », Le Figaro cho biết tất cả những thư không phát được vì địa chỉ không rõ sẽ đưa về một trung tâm của Bưu điện ở Libourne (vùng Gironde). Tại đây các nhân viên sẽ mở ra đọc để cố tìm ra người nhận, đôi khi có những mảnh đời được lướt qua. Dịch vụ này được khai sinh từ một sắc lệnh của nhà vua Pháp từ ngày 12/01/1771, lần đầu tiên cho phép đọc thư. Vào thời đó, vua Louis XV ngự trị tại một nước Pháp mà thư từ được vận chuyển bằng ngựa.

Một nhân viên cho biết Don Juan cũng không đọc nhiều thư tình bằng anh. Mỗi lá thư là một mảnh đời, đôi khi làm thay đổi cả cuộc đời một con người, chẳng hạn một lá thư chia tay khiến « người dưng » đang đọc phải run tay. Trong thời đại thư điện tử, giấy trắng mực đen được dành cho những gì nặng nề, sâu sắc nhất. Đa số thư không người nhận sau ba tháng được tiêu hủy – với số lượng 22.000 thư/ngày, họ khó thể làm khác hơn. Nhưng cũng có những ngoại lệ : một xấp hình kỷ niệm gia đình, một lá thư chia buồn của cả lớp gởi đến nhà một học sinh vắn số…cả ê-kíp được huy động để tìm cho được địa chỉ.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210715-t%E1%BB%AB-gi%E1%BA%A3-thi%E1%BA%BFt-virus-r%C3%B2-r%E1%BB%89-%E1%BB%9F-v%C5%A9-h%C3%A1n-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BB%99t-quy-%C4%91%E1%BB%8Bnh-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-v%E1%BB%81-p4