Tin COVID-19 Trong Nước – 14/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin COVID-19 Trong Nước – 14/7/21

Trưa 14/7: Thêm 1.196 ca COVID-19, TP.HCM vượt 18.000 ca

Ảnh tổng hợp.

Thêm 1.196 ca COVID-19, TP.HCM vượt 18.000 ca

Bộ Y tế trưa 14/7 ghi nhận 1.196 ca dương tính, gồm tại: TP.HCM 971, Tiền Giang 115, Đồng Tháp 91, Phú Yên 8, Bến Tre 3, Bắc Giang 2, Huế, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội đều một.

1.196 ca mới từ số 35410-36605, trong đó 1.095 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 18.210, Bắc Giang 5.725, Đồng Tháp 740, Tiền Giang 585, Hà Nội 542, Phú Yên 518, Nghệ An 134, Vĩnh Phúc 102, Bến Tre 68, Lâm Đồng 13, Thừa Thiên Huế 10, Lào Cai 6.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 33.035, ghi nhận ở 58 tỉnh thành.

21 bệnh nhân COVID-19 Đồng Tháp nguy cơ tử vong

VnExpress – 21 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đang diễn tiến nặng và rất nặng, các bác sĩ tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế chi viện Đồng Tháp, cho biết tổng số ca COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 30/5 đến nay là 681. Trong đó, riêng tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc phát hiện 215 ca, chủ yếu là các bệnh nhân nặng đang điều trị ở nhiều khoa, phòng. 21 ca nguy cơ tử vong nằm trong nhóm bệnh nhân này.

Các chuyên gia Bộ Y tế nhận định, hầu hết người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc có bệnh lý nền nặng. Ngay cả khi không mắc COVID-19, họ vẫn có nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ Cấp cho biết: “Chúng tôi đang cùng với ngành y tế địa phương thiết lập một đơn vị hồi sức tích cực (ICU) với quy mô 50 giường để đáp ứng tình huống số bệnh nhân nặng trên địa bàn gia tăng”. Đến nay Đồng Tháp đã ghi nhận 17 ca COVID-19 tử vong.

Bổ sung gần 400 tỷ đồng cho Bộ Công an chống dịch COVID-19

Nld – Ngày 13/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định bổ sung hơn 389,7 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 cho Bộ Công an để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong tổng số 389,7 tỷ đồng, sẽ thực hiện chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng công an tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số tiền 388,2 tỷ đồng, bao gồm phụ cấp chống dịch và hỗ trợ tiền ăn. Số tiền còn lại là 1,5 tỷ đồng là kinh phí triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong lực lượng công an.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết tính đến đầu tháng 6/2021, ngân sách đã chi hơn 21.100 tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch này gây ra.

Trong đó, khoảng 8.000 tỷ đồng để mua vật tư, trang thiết bị y tế, mua vắc-xin và phục vụ công tác phòng dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ngân sách cũng đã chi 13.100 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 13 triệu người gặp khó khăn do đại dịch, trong đó chủ yếu là người nghèo với gần 8 triệu người; đối tượng bảo trợ xã hội là gần 3 triệu người; hơn 1 triệu người có công với cách mạng và 1,3 triệu lao động bị mất việc làm.

Lập chốt rồi lại xả, TP.HCM vẫn đang ‘ném đá dò đường’

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, nhận định những ngày qua người dân vẫn đổ ra đường rất nhiều, khó đảm bảo giãn cách như Chỉ thị 16.

Đề cập đến tình trạng ùn tắc tại các chốt giao thông ở quận Gò Vấp, ông Hòa cho biết đặc điểm của quận 12 là mượn đường xuyên qua Gò Vấp để vào nội thành, nếu quận 12 thả cho người dân đi lại như những ngày qua thì chốt kiểm soát ở Gò Vấp sẽ vỡ.

Theo ông Hòa: “Kịch bản buộc người dân ở yên trong nhà là điều kiện lý tưởng nhất cho việc dập dịch. Ai cũng muốn điều đó, nhưng người dân vì mưu sinh, lý do riêng tư mà đổ ra đường thì mình cũng không giải quyết được”.

Thạc sĩ Lê Thành Nhân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định tinh thần của Chỉ thị 16 là kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại, giãn cách một cách thực chất. Nhưng mấy ngày qua, các biện pháp kiểm soát đang nặng về hành chính như xét giấy tờ, lý do chính đáng…

Trong khi đó, thành phố vẫn cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp không có lý do gì để ngừng làm việc khi đơn hàng đã chốt. Do đó, áp lực phải duy trì ngày công và đáp ứng yêu cầu hành chính đè nặng lên người lao động.

“Một số người gọi giấy phép thông hành tại các chốt kiểm soát giống như giấy phép con, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý của họ”, ông Nhân chia sẻ.

Trước việc TP.HCM lập các chốt kiểm soát giấy tờ của người dân rồi lại “xả chốt” khi đám đông lớn dần, chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng thành phố vẫn đang “ném đá dò đường”. Mục đích tạo điều kiện cho người dân ra đường để duy trì kinh tế là tốt, nhưng có thể gây ra những vết thương dai dẳng.

Vụ F0 năn nỉ nhân viên y tế đưa mẹ và em đi cách ly: Thời điểm đó, 8 ca dương tính vẫn đang chờ xe cứu thương

Kenh14 – Liên quan đến vụ việc F0 gọi điện nhờ nhân viên y tế cho xe đến đón mẹ và em gái ở quận 1 đi cách ly tập trung nhưng được báo hết giường, trao đổi trên báo Người Lao Động, đại diện phường Tân Định cho biết tất cả các trường hợp nghi nhiễm hoặc dương tính tính đến ngày 13/7 đã được đưa đi cách ly tập trung.

Thông tin cụ thể về vụ việc được xác định diễn ra vào lúc 16 giờ 30 phút ngày hôm qua, 12/7. Người gọi điện thoại đến trạm y tế phường là chị N. (ngụ tại phường Tân Định, quận 1, TP.HCM).

Chị N. và bố chị dương tính COVID-19 (ca F0) đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Theo chị thì mẹ và em gái chị N. thuộc diện F1 tự cách ly tại nhà và đang trong tình trạng mệt mỏi, không thể tự chăm sóc bản thân.

Do nhiều lần gọi điện thoại thấy giọng của em gái mệt mỏi, chị N. do lo lắng đến sức khỏe người thân nên đã gọi điện nhờ hỗ trợ từ lực lượng chức năng.

Trong đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa chị N. và nhân viên y tế, chị N. liên tục giục bố trí xe cấp cứu đến nhà kiểm tra sức khỏe và đưa đi cách ly tập trung. Sau đó, nhân viên y tế thông tin về việc đã liên lạc nhiều lần với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM về việc hỗ trợ các trường hợp nghi là ca F0.

Tuy nhiên, đến thời điểm này có 8 trường hợp dương tính vẫn đang chờ lực lượng y tế đến hỗ trợ. “Hiện không đủ cơ sở vật chất. Bên phường liên lạc xe cứu thương, giường bệnh không đủ. Mong chị thông cảm, chính quyền sẽ tìm cách hỗ trợ”, nhân viên y tế nói.

Theo tìm hiểu của báo Người Lao Động, thời điểm bệnh nhân F0 gọi thì các xe cứu thương đang vận chuyển lượng lớn các trường hợp F0, F1 đến khu cách ly tập trung. Khoảng 2 giờ sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã bố trí phương tiện và đội ngũ y tế đưa bà P.T.N.A (mẹ chị N.) và chị T.T.T.V. (em gái chị N.) đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 (Trưng dụng khu tái định cư Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức) để kiểm tra và theo dõi sức khỏe.

Minh Sang

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-19-trua-14-7-them-1-196-ca-covid-19-tp-hcm-vuot-18-000-ca.html

Tối 14/7: Đỉnh điểm gần 3.000 người nhiễm COVID-19

Ảnh tổng hợp.

Đỉnh điểm gần 3.000 người nhiễm COVID-19, TP.HCM hơn 2.000

VnExpress – Bộ Y tế tối 14/7 ghi nhận 829 ca dương tính COVID-19, gồm 823 ca trong nước và 6 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

829 ca mới từ số 36606-37434. Trong đó 823 ca ghi nhận tại: TP.HCM (592), Bình Dương (73), Đồng Tháp (42), Đồng Nai (38), Đà Nẵng (15), Sóc Trăng (12), Bình Thuận (9), Kiên Giang (9), Cần Thơ (8 ), Phú Yên (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Nghệ An (3), Trà Vinh (2), Hà Tĩnh (1), Cà Mau (1), Bắc Giang (1), Bắc Ninh (1), Lạng Sơn (1), Bình Phước (1). Trong số này, 726 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Như vậy, trong ngày 14/7, Việt Nam ghi nhận 2.934 ca mới gồm 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 2.924 ca ghi nhận trong nước, chủ yếu ở TP.HCM (2229).

Nghệ An: 3 người mắc COVID-19 không rõ nguồn lây

K14 – Sáng 14/7, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã cho 3 công dân cách ly tại khoa Truyền nhiễm sau khi có kết quả dương tính với COVID-19.

2 trường hợp là BN M.T.H., nữ, (SN 1998) và con nhỏ 2,5 tháng, chị là lao động tự do, cư trú tại bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, Tương Dương. BN M.T.H mới sinh con được 2.5 tháng. Theo điều tra dịch tễ ban đầu, trong thời gian qua chỉ ở tại gia đình chăm con nhỏ, không đi đâu.

Trường hợp thứ ba: BN C.T.L., nữ, (SN 1979), là mẹ chồng của BN M.T.H. Trong thời gian qua BN C.T.L. chỉ ở nhà, đi làm rẫy, không đi đâu và không tiếp xúc với người đi từ vùng dịch trở về địa phương.

Gần 42.000 công nhân chuyên sản xuất giày Nike nghỉ việc

TuoiTre – Ngày 14/7, ông Đặng Tuấn Tú – chủ tịch công đoàn Công ty Changshin Việt Nam (Đồng Nai) xác nhận, đã ra thông báo cho toàn bộ công nhân làm việc tại 3 nhà máy với gần 42.000 lao động của công ty tạm nghỉ.

Theo đó, 3 nhà máy VJ1 (huyện Vĩnh Cửu), VJ2 (huyện Long Thành) và VJ3 (huyện Tân Phú) sẽ tạm ngưng hoạt động từ 14h30 ngày 14/7 đến hết ngày 19/7. Đồng thời, gần 42.000 lao động được sắp xếp tạm nghỉ diện phép năm, ngoại trừ một số bộ phận liên quan phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trong thời gian này, các bộ phận, xưởng chưa xét nghiệm nhanh COVID-19 vẫn phải đến công ty để được tiếp tục xét nghiệm theo lịch mà phòng an toàn môi trường và sức khỏe (RSM) đã thông báo.

Các trường hợp vì lý do nào đó không thể vào công ty để xét nghiệm sau khi quay lại làm việc theo thông báo của công ty phải tự làm xét nghiệm và trình kết quả âm tính cho công ty.

Nha Trang: Xử phạt gần 215 triệu đồng vi phạm giãn cách xã hội

Chiều 14/7, ông Lưu Thành Nhân – Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa – cho biết để thực hiện nghiêm túc các quy định giãn cách xã hội, phòng chống dịch, lực lượng chức năng đã tuần ra, nhắc nhở hơn 200 trường hợp, xử phạt gần 215 triệu đồng.

Từ 7 giờ đến 14 giờ cùng ngày, toàn tỉnh ghi nhận thêm 28 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, thị xã Ninh Hòa 6 ca, TP. Nha Trang 20 ca, huyện Diên Khánh 1 ca, huyện Cam Lâm 1 ca. Số ca mắc mới đều được phát hiện trong khu phong tỏa, cách ly.

Từ ngày 23/6 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 344 ca mắc COVID-19. Có 6/9 huyện, thị, thành phố ghi nhận ca mắc COVID-19. Thị xã Ninh Hòa nhiều nhất với 200 ca, kế đến là TP Nha Trang 118 ca, huyện Vạn Ninh 11 ca, huyện Cam Lâm 11 ca, TP Cam Ranh 2 ca, huyện Diên Khánh 2 ca.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-19-toi-14-7-dinh-diem-gan-3-000-nguoi-nhiem-covid-19-me-va-con-25-thang-tuoi-tu-nhien-duong-tinh-covid-19.html