Tin Trong Nước – 13/7/21
Điều kiện nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, nhiều hộ kinh doanh kêu khó
vov – Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng làn sóng COVID-19 lần thứ 4, hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không có doanh thu trong thời gian dài… Nhiều tiểu thương bày tỏ, với tình hình dịch bệnh khó lường như hiện nay, bản thân các hộ kinh doanh cũng không biết có thể cầm cự được bao lâu.
Một tiểu thương ở chợ Hôm cho biết “Việc bán hàng bị ảnh hưởng rất nhiều từ dịch vì không có người mua, các tiểu thương không có thu nhập. Buôn bán ở chợ là nghề kinh doanh nhiều năm, nhiều người biết khó khăn vẫn phải theo, phải giữ mối hàng. Tuy nhiên để duy trì công việc phải có thu nhập, nếu cứ khó khăn như hiện nay, không được hỗ trợ thì các tiểu thương khó mà tồn tại được”.
Trước những khó khăn này, trong gói hỗ trợ Covid-19 lần thứ 2 quy định, các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ do dịch. Theo đó, hộ kinh doanh phải đáp ứng đủ điều kiện: Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5 – 31/12/2021 để phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể mức hỗ trợ mỗi hộ kinh doanh nhận được là 3 triệu đồng, chỉ trả 1 lần cho mỗi hộ, đã có hiệu lực từ 7/7.
Trong khi đó, ảnh hưởng vì Covid 19 đã khiến nhiều hàng quán đóng cửa, doanh thu giảm sút, thậm chí không có doanh thu mà vẫn phải “gánh” nhiều chi phí… Đó là thực trạng mà các hộ kinh doanh gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang gặp phải.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 30% GDP.
4 ngày giãn cách, TP.HCM xử phạt hơn 3,3 tỷ đồng
baomoi – TP. Thủ Đức đã phong tỏa 2 phường Bình Chiểu và Trường Thạnh với gần 100.000 dân, để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thời gian phong tỏa bắt đầu từ 0h ngày 13/7 cho đến khi có thông báo mới. Trong khi cách ly, người dân không được rời khỏi khu vực phong tỏa, trừ nhân viên y tế, trường hợp công vụ; khẩn cấp; cấp cứu.
Hàng loạt chốt kiểm dịch tại Gò Vấp ùn ứ. Sau 4 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân bắt đầu đổ ra đường đông hơn. Các chốt kiểm soát ra vào tại đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn và ngã sáu Gò Vấp tăng cao khiến khu vực này ùn tắc cục bộ. Hầu hết người dân qua chốt kiểm soát đều xuất trình giấy xác nhận đi lại vì công việc.
Sau 4 ngày giãn cách, Tính đến 17h ngày 12/7, lực lượng chức năng của 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tổ chức 7.305 cuộc kiểm tra với 643 đoàn kiểm tra về đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16. Tổng cộng đã lập biên bản xử phạt hành chính 1.243 vụ với tổng số tiền là 3 tỷ 310 triệu đồng.
Từ ngày 9/7, Sài Gòn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các siêu thị bước đầu áp dụng việc cho người dân mua hàng bằng phiếu chẵn lẻ, tối đa 20 khách cùng lúc được vào bên trong. Dù được phát phiếu đi chợ theo các ngày xen kẽ, các siêu thị trên địa bàn thành phố vẫn đông khách, nhiều người phải đợi đến 1-2 giờ đồng hồ mới được vào mua.
Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết sẽ đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm shipper trong đợt tiêm chủng tới để đảm bảo lưu thông hàng hóa trong thành phố giữa bối cảnh dịch bệnh. Đợt tiêm vaccine thứ 4 vừa qua, ngành giao thông vận tải được cấp 11.429 liều vaccine, sở đã tập trung tiêm cho nhóm tài xế.
Hàng hóa thiết yếu khu vực phía Nam: Chỗ mua vét, nơi giá tăng 200%
dantri – Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương mới đây đã báo cáo tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa tại thị trường các tỉnh phía Nam ngày 12/7.
Cụ thể đến sáng ngày 12/7, việc cung ứng hàng hóa tại TP.HCM tiếp tục được cải thiện, hàng thực phẩm trong siêu thị dồi dào. Tuy nhiên, người dân vẫn khó vào mua hàng vì các siêu thị hạn chế người vào cùng lúc. Nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ để khách đến mua hàng, tránh tình trạng xếp hàng đông người.
Còn tại chợ truyền thống, các quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động, nhưng phục vụ được ít người dân, do áp dụng quy tắc 5K. Các mặt hàng thực phẩm chế biến giá ổn định so với ngày hôm qua.
Ở TP. Cần Thơ, báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tối 11/7, sau khi có thông báo thực hiện giãn cách xã hội tại quận Ninh Kiều và Cái Răng, người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tươi sống mua vét các loại thịt, cá, trứng… Do cùng lúc người dân đến mua tăng đột biến, nên xảy ra việc hết hàng tại các kệ hàng.
Tại tỉnh Bình Dương, báo cáo cho biết, các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống ngày 12/7 giá cả vẫn cao so với ngày 1/7 từ 50% đến 200%. Nguyên nhân do trên địa bàn, một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, một số chợ tự phát, các cơ sở bán lẻ ngưng hoạt động.
Ở Đồng Nai, tại siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi tại TP. Biên Hòa, lượng khách đến mua sắm vẫn tăng cao vào ngày 11/7 và sáng 12/7, do các chợ truyền thống bị phong tỏa, đóng cửa.
Tại các tỉnh, do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên người dân mua mặt hàng thực phẩm rất nhiều, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Tại các chợ truyền thống, lượng mua cũng tăng nhưng hàng hóa dồi dào. Giá trứng tăng, các loại thịt, rau củ, quả tăng nhẹ.
Vụ sập công trình trang trí 4 tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm?
dantri – Liên quan đến vụ sập dàn trang trí “khủng” bằng thép trị giá tiền tỷ ở TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Ban Tuyên giáo TP. Sóc Trăng cho biết, phần bị sập là các họa tiết trang trí của công trình.
Công trình trang trí cầu Maspero 2 thuộc cụm công trình trang trí cầu C247, cầu 30 tháng 4 và cầu Maspero trên địa bàn TP Sóc Trăng. Chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng TP. Sóc Trăng.
Vào khoảng 15h ngày 6/7, công trình trang trí cầu Maspero 2 ở TP. Sóc Trăng (nối phường 4 với phường 8, TP. Sóc Trăng) đang trong quá trình thi công bị đổ sập, làm hư hỏng 2 xe công trình, không gây thương tích về người.
Qua xác minh, nguyên nhân ban đầu để xảy ra sự việc là do trong quá trình triển khai thi công, tại một số vị trí liên kết bản mã bu lông chưa được siết chặt nhưng đang căng cáp để neo giằng. Cùng thời điểm đó do áp thấp nhiệt đới gây mưa giông, gió mạnh, nhà thầu chưa triển khai các công tác neo giằng kịp thời đã làm cho các họa tiết trang trí của công trình bị đổ.
Trên cơ sở đó, TP. Sóc Trăng đã làm việc với đơn vị thi công, ghi nhận toàn bộ chi phí thiệt hại, tháo dỡ, đầu tư mới. Đơn vị thi công hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Theo báo Dân Trí, cầu Maspero 2 được thi công đã lâu, rộng 13 m, dài 60 m. Mới đây, TP. Sóc Trăng tiến hành chỉnh trang đô thị và cho trang trí lại ở phần 2 bên cầu bằng dàn thép, có thêm đèn trang trí với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Riêng dàn thép bị đổ sập có chiều dài khoảng 60m, cao 13m, nặng hàng chục tấn.