Tin Tổng Hợp – 9/7/21
Tâm điểm hội nghị tài chính G20: Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu và viện trợ cho các nước nghèo
Hội nghị tài chính G20 khai mạc hôm nay 09/07/2021, tại Venise, Ý. Trong vòng 2 ngày, các bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính của 20 quốc gia giàu nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận nhiều chủ đề, với trọng tâm xoay quanh kế hoạch cải cách thuế toàn cầu và sáng kiến gia tăng viện trợ cho các nước nghèo.
Được kỳ vọng là một công cụ nhằm chống bán phá giá và đặt dấu chấm hết cho các thiên đường thuế, kế hoạch cải cách thuế toàn cầu trên thực tế không phải là một chủ đề mới. Được đưa ra đàm phán trong vài năm, kế hoạch này được xây dựng thông qua hai trụ cột chính: (1) một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu ít nhất 15% và (2) Một hệ thống để đánh thuế các công ty tại nơi họ tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ đơn giản áp thuế theo nơi họ đặt trụ sở chính. Kế hoạch này đặc biệt nhắm tới nhóm GAFA – những tập đoàn quốc tế hàng đầu về công nghệ gồm Google, Amazon, Facebook và Apple, cùng các tập đoàn đa quốc gia.
Trước đó ngày 01/07, các nước G20 đã tham gia vào khuôn khổ chung của cuộc cải cách dưới sự bảo trợ của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính G20 sẽ phải thông qua một « thoả thuận chính trị » để xây dựng « một cấu trúc thuế quốc tế ổn định và công bằng hơn », theo dự thảo thông cáo báo chí đang được thảo luận tại Venise mà hãng tin AFP thu thập được.
Về kế hoạch tăng viện trợ cho các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid, các quốc gia G20 cũng sẽ xem xét sáng kiến mới của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) về hình thức phát hành Quyền rút vốn đặc biệt (DTS), có hiệu lực vào cuối tháng 8, với số tiền lên tới 650 tỷ đô la.Publicité
Trước đó vào tháng 4 năm ngoái, G20 đã đồng ý cho các nước nghèo tạm hoãn trả lãi của các khoản nợ. Sau đúng một năm, thông qua cuộc họp gần đây nhất của G20, quyết định này tiếp tục được gia hạn cho tới cuối năm nay.
Minh Tri
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210709-g20-cai-cach-thue-vien-tro-nuoc-ngheo
Covid: Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo không nên dỡ bỏ hẳn các biện pháp chống dịch
Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc dỡ bỏ các quy định hạn chế đã khiến nhiều người không còn tôn trọng những biện pháp căn bản để chống dịch. Hậu quả là số ca dương tính tăng lên tại tất cả các châu lục, và đặc biệt ở châu Âu. Trong lúc thế giới đã vượt ngưỡng 4 triệu người chết vì Covid hôm qua 07/07/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại phải lên tiếng cảnh báo là từ bỏ quá nhanh các biện pháp chống dịch sẽ mang lại hậu quả nặng nề. Quảng cáo
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :
Trong số các nước thông báo có nhiều ca dương tính mới, có Brazil, Ấn Độ và Colombia. Tuy nhiên châu Âu cũng không tránh khỏi, với thêm 33% trường hợp lây nhiễm trong vòng một tuần lễ, thậm chí tại Anh tỉ lệ này lên đến 67%.
Thế nên những sự kiện tập hợp hàng trăm, hàng ngàn người như trong giải bóng đá châu Âu khiến Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo lắng. Người phụ trách các hoạt động khẩn cấp của tổ chức này, ông Mike Ryan, cho rằng một số người đến cuối mùa hè sẽ phải hối hận.
Ông nói : « Các vụ lây nhiễm sẽ gia tăng, bởi vì không phải tất cả mọi người đều đã tiêm chủng, tỉ lệ chích ngừa quá thấp. Và chúng ta cũng vẫn không chắc chắn rằng vac-xin sẽ giúp những người đã được tiêm không bị lây nhiễm tiếp. Vì vậy ý tưởng tất cả đều đã được bảo vệ, rằng bây giờ đến lúc hội hè, quay lại với tình trạng bình thường, là ý nghĩ hết sức nguy hiểm ».Publicité
Nguy cơ là kịch bản mùa hè 2020 tái diễn, với việc người dân ít cảnh giác hơn, tụ tập nhiều hơn. Và một đợt dịch mới mà hậu quả chỉ đến sau kỳ nghỉ hè mới thấy rõ, dưới tác động của biến chủng Delta – sắp tới sẽ thống trị ở khắp nơi trên thế giới. Tại châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới chờ đợi biến chủng này sẽ chiếm đến 90% từ nay cho đến cuối tháng Tám.
Thụy My
(RFI) – Nạn đói là một trong những hậu quả nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo báo cáo mới nhất do tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố hôm nay 09/07/2021, số người bị đói đã tăng gấp 6 lần so với hồi đầu đại dịch. Oxfam báo động trên thế giới hiện nay cứ mỗi phút có 7 người chết vì dịch bệnh. Covid-19 với các biện pháp phong tỏa đã làm chậm các hoạt động kinh tế, gây nạn thất nghiệp ồ ạt, thêm vào đó biện pháp đóng cửa biên giới cũng ảnh hưởng tới việc cung ứng lương thực thực phẩm. Oxfam lấy làm tiếc là chính phủ nhiều nước không coi cuộc chiến chống nạn đói là ưu tiên mà lại tăng ngân sách quân sự.
(RFI) – Malaysia: Nạn tự tử gia tăng do Covid-19 và khó khăn kinh tế. Người phụ trách một đường dây nóng chống nạn tự tử cho biết số cuộc gọi nhận được đã tăng 50% từ đợt phong tỏa đầu tiên hồi tháng 03/2020 cho đến nay. Theo điều 309 luật hình sự Malaysia, tự tử là phạm tội. Những ai có ý định tự tử hoặc tự tử không thành có thể phải nộp phạt hoặc bị kết án tù giam. Tuy nhiên, giám đốc một hiệp hội sức khỏe tâm thần tại Malaysia lưu ý là các hình phạt nhắm vào những người có ý đinh tự tử khiến việc chăm sóc họ cũng như việc phòng ngừa nạn tự tử trở nên phức tạp hơn.
(Reuters) – Covid-19: Pfizer dự kiến vào tháng 08/2021 sẽ đưa ra đề nghị tiêm nhắc lại mũi 3. Giám đốc khoa học của Pfizer, Mikael Dolsten, hôm qua 08/07 thông báo như trên, dựa trên các dữ liệu cho thấy sau khi tiêm phòng 6 tháng, những người đã được chích ngừa lại có nhiều nguy cơ nhiễm Covid-19, nhất là biến thể Delta. Trong khi đó, kháng thể do vac-xin Trung Quốc CoronaVac tạo ra sau khi tiêm ít hiệu quả hơn đối với biến thể Gamma có xuất xứ từ Brazil so với các chủng trước đây. Trên đây là kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil được ông bố trên tạp chí Y khoa the Lancet hôm nay 09/07.
(AFP) – Olympic Tokyo 2020: Lễ rước đuốc Thế vận hội không khán giả. Hôm nay 09/07/2021, ngọn lửa Olympic đã tới sân vận động thành phố Tokyo Nhật Bản trong một buổi lễ không có người tham dự. Sự kiện này diễn ra một ngày sau khi có lệnh cấm tại hầu hết các địa điểm diễn ra những sự kiện thể thao vì chính quyền và Ban tổ chức Thế vận hội lo ngại dịch Covid-19. Truớc đó ngày 06/05, Uỷ ban Olympic Quốc tế cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với hai phòng thí nghiệm Pfizer và BioNtech để cung cấp vac-xin chống Covid-19 cho tất cả các vận động viên và các đoàn thể thao tới tham gia Olympic Tokyo.Publicité
(AFP) – Châu Âu phạt BMW và Volkswagen 875 triệu euro vì thoả thuận về hệ thống kiểm soát khí thải xe hơi. Hôm qua, 08/07/2021, Liên Hiệp Châu Âu đã phạt hai tập đoàn sản xuất ô tô của Đức : Volkswagen 502 triệu euro và BMW 373 triệu euro vì hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến hệ thống ống xả động cơ diesel. Tập đoàn Daimler (Mercedes) cũng tham gia thoả thuận này nhưng không bị phạt 727 triệu euro vì đã tiết lộ thông tin. Theo cáo buộc của Liên Âu, ba tập đoàn này gặp nhau thường xuyên trong vòng 5 năm tại các cuộc họp kỹ thuật để thảo luận về công nghệ xử lý khí thải chọn lọc xúc tác (SCR) giúp loại bỏ khí thải nitơ oxit (NOx) của ô tô chạy bằng động cơ diesel. Họ thảo thuận tránh cạnh tranh với nhau bằng cách không sử dụng hết tiềm năng của công nghệ này và không lọc khí thải nhiều hơn mức quy định cho phép.
(AFP) – Vụ tấn công tin tặc đòi tiền chuộc: Công ty Mỹ Kaseya sẽ không thể khôi phục máy chủ trước ngày Chủ Nhật 11/07/2021. Ông chủ của công ty công nghệ thông tin và phần mềm quản lý Kaseya hôm nay 09/07/2021 thông báo như trên. Ban đầu Kaseya dự tính kích hoạt trở lại hệ thống vào thứ Hai 05/07 nhưng sau đó đã hoãn lại nhiều lần. Công ty chuyên cung cấp dịch vụ tin học cho 40.000 doanh nghiệp tại 20 quốc gia cho biết có 50 khách hàng trực tiếp bị tin tặc tấn công, nhiều hãng trong số này lại cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, phòng khám răng, văn phòng kế toán … Tổng cộng, trong số 800.000 -1 triệu doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dịch vụ của Kaseya, có 800-1500 doanh nghiệp bị tác động trong vụ tấn công tin tặc vừa qua.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210709-tin-tong-hop