Tin Tổng Hợp – 8/7/21
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Tập đoàn quân sự Miến Điện «đã phạm tội ác chống nhân loại»
Hôm qua, 07/07/2021, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện «đã phạm những tội ác chống nhân loại» kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02, đồng thời ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt «cơn ác mộng» này.
Theo hãng tin AFP, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Tom Andrews đã lên án « những vụ tấn công toàn diện và mang tính hệ thống của tập đoàn quân sự nhắm vào người dân Miến Điện, những hành động có thể xem là tội ác chống nhân loại ». Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cũng chỉ trích cộng đồng quốc tế « đã không thể làm những gì cần làm để chấm dứt tình trạng này».
Ông Tom Andrews cảnh báo: «Một số người dân Miến Điện đã hết hy vọng nhận được sự yểm trợ của quốc tế, cho nên họ đã thành lập các lực lượng tự vệ và tiến hành những hoạt động phá hoại, còn những người khác thì dường như đã tấn công vào các cộng sự viên và các quan chức của tập đoàn quân sự».
Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện yêu cầu cộng đồng quốc tế cắt đứt các nguồn thu nhập của tập đoàn quân sự để chấm dứt «chế độ khủng bố» này.
Về phần Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet hôm qua nhận định rằng diễn tiến tình hình chính trị tại Miến Điện ngày càng trầm trọng và « gây nhiều nguy cơ cho khu vực».
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, gần 900 người đã bị giết và khoảng 200.000 người đã phải chạy lánh nạn sau các vụ bố ráp của quân đội, trong đó hàng ngàn người đang tỵ nạn tại các nước láng giềng. Ngoài ra, ít nhất 5.200 người đã bị bắt giữ một cách tùy tiện, trong đó có hơn 90 phóng viên.
Trong khi đó, cũng theo hãng tin AFP, tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy đang rút ra khỏi thị trường Miến Điện, với việc bán chi nhánh của tập đoàn này cho một công ty bị nghi là có liên hệ với chính quyền quân sự. Theo lời tổng giám đốc Sigve Brekke, « tình hình tại Miến Điện trong những tháng qua đã trở nên ngày càng khó khăn cho Telenor, vì những lý do về an ninh đối với nhân viên, về việc phải tuân thủ các quy định».
Kể từ sau cuộc đảo chính 01/02, các công ty quốc tế làm ăn ở Miến Điện chịu áp lực ngày càng mạnh của các tổ chức nhân quyền yêu cầu họ phải rút khỏi một quốc gia mà quân đội kiểm soát phần lớn hệ thống kinh tế.
Thanh Phương
Trung Quốc quấy nhiễu dự án khí đốt của Malaysia trên Biển Đông
Các tàu tuần duyên Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động khai thác một mỏ khí đốt của Malaysia, và các chiến đấu cơ Trung Quốc đồng thời xâm nhập không phận của nước này. Trang web Energy Voice hôm nay 08/07/2021 dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết như trên. Quảng cáo
Đây là lần thứ ba trong vòng 18 tháng qua các tàu tuần duyên Trung Quốc quấy nhiễu việc khai thác dầu khí của Malaysia. AMTI nhận định, sự kiện này thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh ngăn trở các hoạt động dầu khí của các quốc gia láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Và việc xâm nhập không phận cũng không phải là tình cờ, mà chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng leo thang gây áp lực lên các nước yêu sách chủ quyền Biển Đông để họ phải lùi bước.
Energy Voice trích nhận xét của chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS, cho dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế và duy trì quan hệ thân thiện với Malaysia, nhằm buộc Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận khai thác chung, tuần duyên Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực qua việc quấy nhiễu các giàn khoan, tàu tiếp liệu và tàu thăm dò của Malaysia.
Căng thẳng gần đây nhất diễn ra tại mỏ khí đốt Kasawari thuộc lô SK316 ở ngoài khơi Sarawak, tại EEZ của Malaysia trên Biển Đông, do Petronas Carigali, chi nhánh của tập đoàn Petronas khai thác. Ngày 01/06, Bắc Kinh điều 16 chiến đấu cơ bay theo đội hình chiến thuật để áp sát vị trí chuẩn bị đặt giàn khoan, và phớt lờ những cảnh báo của Malaysia. Bộ Ngoại Giao Malaysia sau đó đã triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối.
Song song đó, theo AMTI, các tàu tuần duyên Trung Quốc còn quấy rối các hoạt động ở mỏ Kasawari suốt từ đầu tháng Sáu đến ít nhất là ngày 05/07, bất chấp sự hiện diện của Hải quân hoàng gia Malaysia và mỏ khí này nằm cách vùng duyên hải Trung Quốc đến hơn 1.000 kilomet.
Kể từ 2013, tuần duyên Trung Quốc liên tục xuất hiện tại bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Đối với Việt Nam, Bắc Kinh gây áp lực khiến Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng với Repsol tại lô 06-01, Bãi Tư Chính năm 2018. Đến năm 2019, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Địa Chất 8 đến quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại EEZ của Việt Nam, và năm 2020 cho các tàu quân sự cỡ lớn đến đe dọa khu vực mỏ khí của Việt Nam ở lô 06-01, khiến Rosneft Vietnam phải hủy hợp đồng khoan với Noble Corporation.
Thụy My
(AFP) – Tổng thống Haiti bị sát hại tại nhà riêng ở Port-au-Prince. Ngày 07/07/2021, một ngày sau vụ ám sát tổng thống Jovenel Moise, bốn “lính đánh thuê” đã bị bắn hạ và hai người khác bị bắt. Những người này được cho là tham gia vào nhóm “người nước ngoài nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha” đã tấn công nhà riêng và bắn 12 phát đạn vào tổng thống trong đêm 06-07/07. Hiện vẫn chưa rõ danh tính của những người này, cũng như động cơ gây án. Trong phiên họp khẩn cấp ngày 07/07, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu những thủ phạm vụ ám sát “phải nhanh chóng bị đưa ra xét xử”. Giáo hoàng Phanxicô và tổng thống Mỹ Joe Biden lên án “hành động ghê tởm”, còn Liên Hiệp Châu Âu quan ngại “vòng xoáy bạo lực”.
(AFP) – Hungary chống tối hậu thư của Liên Hiệp Châu Âu về luật LGBT. Luật liên quan đến cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới hay phi giới tính (LGBTQIA) được Nghị Viện Hungary thông qua ngày 15/06 và có hiệu lực từ ngày 07/07/2021. Liên Hiệp Châu Âu đã dọa mở thủ tục để chống lại luật bị cáo buộc phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, thư cảnh cáo có thể được gửi đến chính quyền Budapest vào khoảng giữa tháng Bẩy. Tuy nhiên, đối với chính quyền tổng thống Orban ngày 06/07, đây là “chiến dịch chưa từng có” do Bruxelles phát động nhắm vào Hungary.
(Reuters) – Trung Quốc mở rộng trừng phạt nhiều công ty dịch vụ thanh toán. Ngày 07/07/2021, ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo những biện pháp chống độc quyền, được áp dụng đối với tập đoàn Ant, một chi nhánh của Alibaba, sẽ được mở rộng sang nhiều công ty dịch vụ thanh toán khác. Trước đó, do bị gây áp lực, tập đoàn Ant đã phải từ bỏ niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ant Group cũng phải tái cấu trúc để thành một công ty cổ phần tài chính, cũng như phải từ bỏ ứng dụng thanh toán Alipay và một số hoạt động khác.
(Human Rights Watch) – Tổ chức nhân quyền Mỹ đòi trả tự do cho nhà văn Phạm Chí Thành. Hôm nay, 08/07/2021, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Chí Thành và hủy bỏ mọi cáo buộc hình sự đối với ông. Nhà văn Phạm Chí Thành đã bị công an bắt giữ vào tháng 05/2020 với cáo buộc lưu giữ hay phát tán “các thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Theo Human Rights Watch, ông Phạm Chí Thành “không phạm một tội danh rõ ràng nào, có biểu hiện sức khỏe kém, và đã bị giam giữ hơn một năm không được trợ giúp pháp lý”.
(AFP) – Ban hành tình trạng khẩn cấp tại Tokyo trong thời gian Thế vận hội. Chính phủ Nhật Bản hôm nay 08/07/2021 quyết định tái lập tình trạng khẩn cấp dịch tễ tại Tokyo trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội – sẽ khai mạc trong hai tuần nữa. Như vậy Olympic Tokyo (23/07- 08/08) sẽ có ít hoặc không có khán giả dự khán. Quyết định của chính quyền Nhật sẽ ảnh hưởng đến số lượng người tham dự tại chỗ mà các nhà tổ chức Thế vận hội sẽ ấn định tối nay. Biến chủng Delta hiện chiếm khoảng 30% số ca dương tính tại Nhật, và chỉ mới hơn 15% dân Nhật đã tiêm đủ hai mũi vac-xin chống Covid.
(Reuters) – Google bị nhiều bang ở Hoa Kỳ kiện vì lạm dụng quyền lực. Có đến 37 tổng chưởng lý Mỹ hôm qua 07/07/2021 muốn đưa Google ra tòa vì cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền của kho ứng dụng Play Store dành cho người dùng Android. Cuộc điều tra được bắt đầu từ tháng 9/2019 trên hầu hết các bang nước Mỹ, cho thấy 90% các ứng dụng Android được tải xuống ở Mỹ là từ Google Play. Các bang nhất là Utah, Bắc Carolina, Tennessee cho rằng Google đã hưởng lợi khổng lồ và gây áp lực với giới thảo chương để họ không quay sang phía cạnh tranh.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210708-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p